Việc học ở xứ ta nên lấy tiếng gì làm gốc?
I
Ít có vấn đề nào rắc rối như việc học ở xứ ta. Nước Pháp dựng cơ sở ở xứ ta đã có nửa thế kỷ mà đến ngày nay từ trên chính phủ cho đến giữa sĩ phu ý kiến vẫn hết sức phân vân. Người bảo nên lấy tiếng Pháp làm tiếng gốc, người bảo nên lấy tiếng ta. Người ưng để chữ Nho, người ưng bỏ hẳn. Các cơ quan dân cử mỗi lần họp là một lần bàn đến việc học. Các cơ quan ngôn luận mỗi lần ra đời là một lần bàn đến việc học. Mà việc học không hề thấy giải quyết được mảy may. Nói cho đúng, người ta bàn đến việc học mà về việc học người ta không có ý kiến gì nhất định, rõ rệt. Người ta công kích sự bắt trẻ con các trường sơ học học quốc ngữ nhưng nếu phải bỏ chữ quốc ngữ thì người ta cũng tiếc.
Trong lúc ấy, mấy mươi vạn trẻ con vẫn phải đi học như thường, vẫn phải thay đổi nhau làm vật thí nghiệm cho những chương trình cũng luôn luôn thay đổi.
Nay nhân dịp các trường khai giảng, chúng tôi tưởng là lúc nên ôn lại một lần nữa câu chuyện rắc rối nầy. Chúng tôi chẳng liều lĩnh đến nỗi tin mình có thể tìm ra một phương pháp để giải quyết một vấn đề to lớn như vậy. Chẳng qua chỉ mong góp một ý kiến vào câu chuyện chung.
Gần đây, chánh phủ lấy tiếng ta làm tiếng gốc ở ban sơ học; các môn thường thức như toán pháp, cách trí, sử ký, địa dư, luân lý... đều dạy bằng tiếng ta, lấy lẽ rằng một số đông trẻ con ở trường sơ học ra sẽ sống ở nơi quê mùa không cần dùng đến chữ Tây.
Cứ lấy lý mà suy thì cuộc cải cách ấy là phải lắm. Vừa tiện cho trẻ con đi học, vừa hay cho tương lai tiếng ta. Thế mà quốc dân xem chiều không vừa lòng. Không vừa lòng cũng có cớ. Một là học như vậy có phần chậm cho những người còn muốn theo ban tiểu học, trung học và đại học. Hai là kẻ làm cha anh, dầu nghèo chỉ có thể cho con em đi học được dăm ba năm cũng ưng cho nó học tiếng Tây, là thứ tiếng của người cầm quyền.
Một cuộc cải cách căn cứ vào những nguyên tắc hợp lý như vậy mà bị công kích, theo ý chúng tôi, chỉ vì nó là một cuộc cải cách nửa chừng, một cuộc cải cách không triệt để. Giá thử chánh phủ chẳng những lấy tiếng ta làm tiếng gốc ở ban sơ học, lại định rằng ở các ban tiểu học, cao đẳng tiểu học cho đến đại học nữa, cũng lấy tiếng ta làm tiếng gốc thì quốc dân chẳng lẽ gì mà không hoan nghênh.
Viễn vông! Sao lại viễn vông?
"Với tiếng bản xứ, người ta muốn dạy gì lại chẳng được, cho dầu những khoa học rất cao thâm cũng vậy (người Nhật họ vẫn dạy bằng tiếng của họ). Nhưng dạy như vậy, các thầy dạy cần phải biết tiếng bản xứ. Khốn nạn! Các thầy lại không biết tiếng bản xứ, chính cũng không thể không cho họ cái kế sinh nhai. Người ta đành phải tính như vầy":
"Thầy không biết tiếng của học trò? Không thể dạy bằng tiếng của học trò? Có gì điều ấy! Học trò sẽ học tiếng của thầy là xong. Thế rồi người ta kê chữ Pháp vào chương trình cho đến chương trình các lớp đồng ấu cũng không tha".
Mấy câu trên này nếu là của chúng tôi, ắt không khỏi có người ngờ là lời nói xấu. Nhưng đó lại chính là những câu trích trong một bài của quan cai trị René Crayssac[1] vừa mới đăng ở báo La Nouvelle Revue Indochinoise (số 6 Juillet 1936).
Một người Pháp có lịch duyệt như quan cai trị René Crayssac nói, ta có thể tin được. Thì ra sự lấy tiếng Tây làm tiếng gốc không có cớ gì khác hơn là cớ các thầy dạy không biết tiếng ta! Sự học sở dĩ có là vì mấy chục muôn học sinh xứ này, không dè lại chỉ vì mấy chục ông giáo sư!
Sự chuyển dạy tiếng Tây đã đặt ra vì một cớ mong manh như vậy thì chẳng lẽ gì lại không thể bỏ đi được. Chỉ còn phải giải quyết mấy câu hỏi nầy: Tiếng ta có thể thay cho tiếng Tây làm tiếng gốc được không? Sự thay đổi ấy có điều gì thiệt hại cho học sinh sau lúc tốt nghiệp rồi không?
Theo ý chúng tôi, tiếng Tàu, tiếng Nhật có thể dùng để dịch các sách người Âu thì tiếng ta cũng có thể dùng được trong việc ấy. Một ban tu thư sẽ định những quy tắc để dịch các tiếng chuyên môn về khoa học, về triết học và sẽ lần lượt biên dịch hết thảy các sách giáo khoa cần dùng.
Đồng thời, muốn cho học sinh tốt nghiệp có thể giúp việc các công sở, nguyện vọng của một số đông sẽ phải dự bị một cuộc cải cách tương tự trong cách làm việc của các công sở: các công văn sẽ viết bằng tiếng ta và vì thế, các người Pháp tòng sự, các công sở cũng đều phải biết tiếng ta cho thông thạo.
Một cuộc cải cách như vậy ắt không phải năm ba năm mà làm xong. Nhưng nếu chánh phủ sẵn lòng thì trong mười năm, trong hai mươi năm thế nào cũng làm xong.
Thiếu niên ta đi học sẽ lợi được rất nhiều thì giờ và văn quốc ngữ sẽ nhờ đó mà phát đạt lên đến trăm nghìn lần.
Lẽ tự nhiên tiếng Pháp vẫn giữ một địa vị quan hệ trong chương trình. Tiếng Pháp sẽ là tiếng ngoại quốc thứ nhất của ta và học trò ta học hết ban trung - đẳng chẳng hạn vẫn có thể xem được sách báo của người Pháp.
Trên kia, đã nói việc cải cách nầy, chánh phủ muốn là được. Nhưng chánh phủ có muốn không? Điều quan trọng là ở đó.
Nhưng chánh phủ quả thành tâm khai hóa cho thuộc địa không lẽ lại không muốn thực hành một cuộc cải cách có ích như vậy và quan hệ đến tương lai dân tộc Việt Nam như vậy.
Huống chi cuộc cải cách ấy chẳng những không có hại gì mà lại còn có ích cho chánh phủ. Các công văn đều viết bằng quốc ngữ thì sẽ tránh được nhiều đều tệ lạm và nhà cầm quyền cùng nhân dân sẽ không cách biệt như ngày nay. Nếu ta nghĩ rằng sự cách biệt ấy đã gây nên bao nhiêu nỗi khó khăn cho công việc hành chính, ta sẽ thấy cuộc cải cách này tiện lợi là dường nào.
Chúng tôi mong rằng chánh phủ sẽ đủ quả quyết để thực hành một điều có ích cho dầu phải chống lại những tập tục lưu truyền đã nửa thế kỷ nay.
Tuy vậy, một bài nầy cũng còn chưa hết lẽ, xin xem bài nối của chúng tôi trong số tới.[2]
II
Bài trước, chúng tôi dựa vào một cái nguyên tắc thật chánh đáng mà viết ra, chắc không ai có thể cãi được. Tuy vậy, chúng tôi đã biết sự thực hành theo cái nguyên tắc ấy không dễ chi, nên chúng tôi có hứa viết thêm bài nầy.
Bài nầy[3] chúng tôi đứng về mặt thực hành mà lập luận; ấy là cái phương sách thứ hai, trong đó có cái ý cực chẳng đã.
Theo bài trước, việc giáo dục người An Nam lấy quốc ngữ làm gốc, dù cho đến trung học, đại học, cũng dạy bằng quốc ngữ: sự đó nghe thì phải lắm mà làm thì không được, tuy có đem ông Crayssac là một người Tây để ủng hộ cái thuyết ấy, cũng chẳng ăn thua chi.
Phải chi nước Việt Nam là nước độc lập thì có thể thực hành thuyết ấy được. Ngặt vì nước Pháp đã bảo hộ nước Nam, quyền giáo dục của nước Nam đã vào trong tay người Pháp, mà bảo người Pháp phải học tiếng Nam để dạy người Nam là một điều rất khó; dù người Pháp có bằng lòng làm vậy nữa là cũng không thể làm.
Có lẽ nào một bọn người đi học tiếng của một ngoại quốc rồi trở lại làm thầy dạy những người ngoại quốc ấy bằng thứ tiếng của họ?
Huống chi trong việc giáo dục còn có những sự giám đốc, điều tra, khảo hạch là sự rất quan trọng. Cái quyền giáo dục ngụ trong những sự ấy. Nếu lấy quốc ngữ làm bản gốc thì những người Pháp cầm cái quyền ấy có lẽ sẽ không thi hành quyền của mình được nữa, vì họ dù có học mà biết tiếng An Nam cũng không tài nào có đủ sự thông thạo để xem xét cho đến nơi.
Do các lẽ đó, cái thuyết lấy quốc ngữ làm gốc tuy rất phải mà không thực hành được, trừ ra khi nào nước Việt Nam độc lập hay là chánh phủ Bảo hộ trả lại quyền giáo dục cho người Nam như hồi còn triều Thành Thái.
Thời nào kỷ cang ấy. Ở ngày nay, ta nên bàn cái việc có thể thực hành trong ngày nay.
Trong bài trước, chúng tôi đã nói rằng theo chế độ bây giờ, tiểu học lấy quốc văn làm gốc, nhưng thực hành chưa được triệt để. Sự đó thì không cần giãi bày thêm, ai cũng biết.
Nội một sự dạy quốc văn mà không có thầy, nghĩa là không có trường sư phạm để đào tạo hạng thầy dạy ấy, thật là một cái khuyết điểm lớn. Bao nhiêu lương pháp mỹ ý, một cái khuyết điểm ấy cũng đủ xoá đi hết cả!
Thấy cái phép dạy không có ích lợi gì cho sự tri thức của học sinh mà như là cầm chừng hoặc giật lùi họ lại, cho nên người ta kêu lắm.
Sự gì không được hoàn toàn, thà không có còn hơn.
Lấy tiếng quốc ngữ làm gốc mà vì hoàn cảnh khó khăn, không thể thực hành cho triệt để được, thì thà đừng lấy.
Ông Phan Châu Trinh trước khi chết cũng đã tỏ ra cái ý ấy trên một tờ báo chữ Pháp ở Sài Gòn, ông phản đối bằng Sơ học yếu lược.[3]
Ngày nay, bằng Sơ học yếu lược có nơi đã bỏ rồi, và nơi khác cũng có cơ sắp bỏ, vậy thì ta cũng đủ chiêm nghiệm cái xu thế của việc giáo dục xứ ta định ngã về đâu.
Ở dưới tình thế ấy, lấy tiếng Pháp làm gốc, là sự đương nhiên. Trong Nam Kỳ đã có lệnh dạy chữ Pháp ở lớp năm các trường sơ học rồi.
Lấy tiếng Pháp làm gốc thì được nhiều cái lợi. Một cái lợi lớn hơn hết là tiếng Pháp có nhiều sách, một người học trò dù học nửa chừng rồi bỏ cũng có thể nhờ những sách ấy mà tự học thêm để được mở mang tri thức cho rộng rãi.
Chúng tôi chỉ yêu cầu trong khi lấy tiếng Pháp làm gốc đó, người ta đừng quên đặt chữ quốc ngữ ở một cái địa vị xứng đáng. Chúng tôi muốn cho quốc ngữ ở cái địa vị tiếng gốc thứ nhì.
Như thế, trong chương trình học, nên bỏ khoa Hán văn đi mà thêm giờ học quốc ngữ. Hay là để cho quốc ngữ chiếm một vài học khóa cũng được: đại để như dạy luân lý, dạy địa dư, sử ký bản quốc thì dạy bằng quốc ngữ.
Trong chương trình hiện hành có thêm khoa Hán văn là sự đại bất tiện. Theo chương trình ấy, trẻ con chín mười tuổi phải đồng thời học cho đến ba thứ chữ, thì còn học làm sao được? Chúng tôi thấy chẳng có nước nào người ta hành tội trẻ con như thế!
Chiều theo hoàn cảnh, cực chẳng đã, ta lấy tiếng Pháp làm gốc mà cũng không bỏ tiếng Nam, chúng tôi tưởng như thế, cho ta, chỉ có lợi mà không có hại.
SÔNG HƯƠNG
Chú thích
- ▲ René Crayssac (1883-?) nhà báo, nhà văn, nhà thơ Pháp; từ 1911 là quan chức của Phủ Thống sứ Bắc Kỳ.
- ▲ Bài này kỳ đầu đăng ở trang nhất, giữa trang có in tranh chân dung Phạm Quỳnh với ghi chú: “Quan Thượng Giáo dục Phạm Quỳnh, người thứ nhất chủ trương lấy quốc ngữ làm tiếng gốc, nhưng thực hành chưa được triệt để”.
- ▲ a ă Kỳ thứ hai bài này cũng đăng ở trang nhất, giữa trang có in tranh chân dung Phan Châu Trinh với ghi chú: “Phan Châu Trinh tiên sinh, người thứ nhất phản đối việc lấy tiếng quốc ngữ làm gốc trong việc giáo dục từ năm 1925”.