Việt Hán văn khảo/I
TIẾT THỨ I
LUẬN VỀ NGUYÊN-LÝ VĂN-CHƯƠNG
Phàm việc gì cũng có nguyên-lý. Nguyên-lý tức là cái lẽ căn-nguyên của việc ấy. Văn-chương cũng vậy. Đặt nên câu thơ câu hát, viết ra bài luận bài văn, thì gọi là văn-chương. Song thử xét xem căn-nguyên của văn-chương ấy, bởi lẽ gì mà có, vì ở đâu mà sinh ra thì gọi là nguyên-lý văn-chương.
Cha mẹ dạy con, giảng giải điều hơn lẽ thiệt, rạch ròi kẽ tóc chân tơ. Hai người tự tình biệt ly với nhau, ấm lạnh ngọt bùi, kể hết nỗi này kể sang nỗi khác. Người đàn bà lỡ bước, thở dài than vắn, phàn nàn những số phận hẩm hiu. Đứa mục đồng đi chăn trâu, nhân khi thích chí nghêu ngao vài tiếng giữa đồng, đó toàn là cái mầm của văn-chương cả. Nói cho cùng thì một tiếng cười một tiếng khóc của đứa trẻ thơ, cũng là cái gốc của văn-chương.
Người ta có tính-tình, có tư-tưởng, có ngôn-ngữ văn-tự, thì tự nhiên phải có văn-chương. Tính-tình người ta cảm xúc với ngoại vật, sinh ra khi mừng, khi giận, khi vui, khi buồn, khi xót xa, khi ham muốn. Các mối tình ấy chứa ở trong bụng, tất phải phát tiết ra nhời nói: đó tức là nguyên-lý văn-chương.
Tư-tưởng là cái trí suy nghĩ tự trong óc biết phân biệt lẽ phải lẽ trái, biết phán đoán điều dở điều hay, biết suy xét đến những lý cao xa, mắt không trông thấy tai không nghe tiếng. Những điều nghĩ ra được lại muốn tỏ cho người khác biết, đó cũng là nguyên-lý văn-chương.
Có tính-tình, tư-tưởng, mà nếu không có ngôn-ngữ văn-tự thì cũng không thành văn-chương được. Xem như giống súc-vật cũng có cảm-giác, có tri-thức, mà không có văn-chương là bởi không có ngôn-ngữ văn-tự. Vậy ta phải nhờ có ngôn-ngữ văn-tự mới đạt được tính-tình tư-tưởng của ta, thì ngôn-ngữ văn-tự cũng là cái nguyên-ủy của văn-chương.
Nói rút lại thì sở dĩ có văn-chương, một là bởi ở tính-tình, hai là bởi ở tư-tưởng, ba là bởi ở ngôn-ngữ văn-tự, đó là ba cái căn-nguyên trước nhất. Có ba cái căn-nguyên ấy, rồi những sự quan-cảm ở bề ngoài đưa đến mới thành ra văn-chương vậy.
Quan-cảm bề ngoài, thì lại do ở cảnh-tượng của tạo-hóa, do ở công việc của cuộc đời, và ở cảnh-ngộ của một mình.
Cảnh-tượng của tạo-hóa hiển hiện ra trước mắt ta, nghìn hình muôn trạng làm cho ta phải nhìn phải ngắm, phải nghĩ-ngợi ngẩn-ngơ. Ta cứ theo cái cảnh-tượng ấy mà tả ra thì gọi là văn-chương tả-cảnh.
Công việc của cuộc đời, xẩy qua đến mắt ta, chạm đến tai ta, việc gần việc xa, việc nhớn việc nhỏ, có việc ta ghét, có việc ta ưa, làm cho ta phải khen phải chê, phải cười phải khóc. Ta cứ theo công việc đó mà ghi chép lại thì gọi là văn-chương tự-sự hay là nghị-luận.
Cảnh-ngộ của một mình, khi gặp được cảnh sung-sướng khi gặp phải cảnh chua cay. Ta nhân cái cảnh-ngộ đó, ta muốn giãi tỏ cái tình của ta thì gọi văn-chương tự-tình hay là thuật-hoài.
Văn-chương tuy nhiều, nhưng đại ý thì bất ngoại ba điều ấy.
Cứ như vậy thì văn-chương cũng là một cái lẽ tự nhiên phải có của trời phú-bẩm cho người ta. Song người ta tuy có sẵn cái phú-bẩm ấy, nhưng phi có tài cũng không tả ra được, mà có tài phi có học thì văn-chương cũng không sao hay được.
Văn-chương khác nhau với nhời nói thường. Nhời nói thường thì gặp đâu nói đấy, miễn là nói cho xuôi nhời, cho người ta hiểu được ý mình thì thôi. Chớ như văn-chương thì phải nói cho có ý-nhị, có văn-hoa, phải xếp đặt cho ra nhời óng-chuốt, ý tứ đầu đuôi phải quán xuyến với nhau, mới thành được văn-chương.
Người làm văn-chương, cũng như một tay họa-công. Họa-công có khéo tay thì mới vẽ đúng được hình-tượng; văn-chương có tài-tình mới tả đúng được tinh-thần.
Người có văn-chương, lại như cây có hoa. Cây có bồi dưỡng được nhiều khí lực thì nở ra hoa mới được phổng pháp; người có hàm súc được nhiều kiến-thức tư-tưởng thì tả ra văn-chương mới được dồi dào.
Bởi các lẽ ấy mà tài văn-chương là tài hiếm có mà khoa văn-chương là khoa tối cao vậy.