Bước tới nội dung

Việt Hán văn khảo/III-2

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Luận riêng về phép làm thơ

Trên này luận chung cả các phép văn-chương. Nhưng trong các lối văn-chương, khó nhất lại là lối thơ. Vì thơ có ít chữ, và lại phải bó theo vần theo luật, nói làm sao cho gọn mà cai được nhiều ý, tuy theo vần theo luật mà vẫn như câu tự nhiên thì mới là hay. Vả nghề làm thơ lại là một nghề chơi rất thanh thú hơn các lối văn khác mà phần người ta thích chơi thơ cũng nhiều. Vậy tưởng nên bàn riêng cho được tinh tường để giúp thêm vào việc khảo-cứu cho nhà làm thơ về sau.

Thể cách lối thơ thế nào, đã nói tường ở trong tiết thứ hai, bất tất phải nói nữa, nay chỉ nói phép làm mà thôi.

Bố cục.— Thơ cũng phải bố cục như các lối văn khác. Gặp đầu bài nào, trước hết phải nghĩ trong bài có những ý-tứ gì, nên mở ý gì, nên thừa ý gì, nên lấy ý gì mà tả thực, nên lấy ý gì mà nghi-luận và nên kết lại ý gì, phải giàn định trước thì lúc hạ bút làm văn không túng ý và không trùng ý. Bài nào có nhiều ý-tứ quá thì nên lựa lấy ý nào cao hơn, đích đáng hơn hãy làm.

Cú pháp.— Cú pháp là phép đặt câu. Trong 8 câu thơ, câu đầu tiên là câu phá đề, phải suy nguyên cái ý đầu đề, hoặc là bàn lẽ, hoặc là kể sự thực, cốt nói để khơi ý mà vào bài. Câu thừa đề thì là nói tiếp ý câu trên mà vào đầu bài. Hai câu tam tứ là câu thích thực, chỉ thích nghĩa trong đầu bài ra thôi, mà phải nói cho đủ nghĩa, nếu thiếu ý nào thì là lậu ý đề không được. Hai câu luận thì suy rộng ý đầu bài mà nói, hoặc nẩy ra tình tứ gì, hoặc lấy điển-tích gì mà so sánh vào cũng được. Câu kết thì muốn nói thế nào cũng được, nhưng cốt có ý dính đến đầu bài thì thôi.

Thí-dụ như bài sau này:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tý,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
Từng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

Câu đầu tiên muốn nói sự câu cá, trước nói ngay cái ao mùa thu, tức là suy nguyên cái ý đầu bài. Câu thứ nhì nói đến thuyền câu, tức là vào bài. Câu tam tứ một vế tả cảnh câu cá, một vế tả cảnh mùa thu, đó là thích nghĩa đầu bài. Câu ngũ lục tả cái cảnh ở trong khi ngồi câu trông thấy, tức là suy rộng cái ý của đầu bài. Câu kết nhân không câu được cá mà tả đến lòng tưởng tượng, thực như vẽ ra cảnh lúc ngồi câu.

Chỉnh đối.— Trong bài thơ trừ ra câu phá câu thừa và hai câu kết không phải đối nhau, còn hai câu thực và hai câu luận thì phải đối nhau cho chọi từng chữ. Chữ nặng phải đối với chữ nặng, chữ nhẹ phải đối với chữ nhẹ, chữ thực phải đối với chữ thực, chữ hư phải đối với chữ hư, tình phải đối với tình, cảnh phải đối với với cảnh, chữ Hán phải đối với chữ Hán, chữ nôm phải đối với chữ nôm, bóng bẩy đối với bóng bẩy, điển-tích đối với điển-tích v. v.

Nặng là những tiếng gọi tên các sự vật mà những tiếng chỉ ra các ý nghĩa tôn-trọng to-tát, ví như các tiếng Trời, Đất, Thánh, Thần, Đạo, Đức, Nhân, Nghĩa, v. v. Chữ nào nhỏ hơn tiếng nặng và những tiếng vô-hình là tiếng nhẹ. Thực là những tiếng hữu-tình như các tiếng hoa cỏ gió mây v. v. Hư là những tiếng vô hình, như những tiếng đua đẩy và những tiếng xa gần, có không, nhiều ít, cao thấp v. v.

Thí-dụ bài sau này:

Bóng tháp lô nhô lớp sóng cồn,
Dịp cầu nho nhỏ ghếch sườn non.
Nước trong chưa vẩn tăm Thần-kiếm,
Đường rộng còn trơ dấu Pháp-môn.
Kim-cổ treo chung tranh thủy-mạc,
Tang-thương nhớp nhoáng bóng hoàng-hôn.
Nghìn thu suy thịnh gương còn đó,
Coi thử vầng trăng khuyết lại tròn.

Bài trên này trong bốn câu khoảng giữa: hai chữ « đường rộng » đối với « nước trong » thế là thực đối với thực; « chưa vẩn » đối với « còn trơ », thế là hư đối với hư. « Kim-cổ » đối với « Tang-thương », thế là Hán-tự đối với Hán-tự và là nặng đối với nặng; « treo chung » đối với « nhớp nhoáng » thế là nôm đối với nôm, và là nhẹ đối với nhẹ. « Pháp-môn » đối với « Thần-kiếm », thế là điển-tích đối với điển-tích v. v.

Nhãn-tự.— Nhãn-tự là một chữ mắt câu, nghĩa là chữ cốt yếu ở trong một câu, có chữ ấy thì câu văn thành ra linh động. Thơ cần nhất là chữ nhãn-tự, một câu non giàn, thường quan hệ ở một chữ ấy.

Thí-dụ như câu:

Xanh om cổ-thụ tròn như tán,
Trắng xóa tràng-giang phẳng tựa tờ,
Bầu giốc giang-sơn say chấp rượu.
Túi nèn phong-nguyệt nặng vì thơ.

Trong mấy câu đó thì các chữ om, xóa, giốc, nèn, tròn, phẳng, say, nặng toàn là nhãn-tự, còn như các chữ tựa, như, vì, chấp, thì là các tiếng đưa đẩy, chữ khiến câu mà thôi.

Điểm nhiễm.— Điểm nhiễm là lấy các tiếng có mầu với đầu bài mà điểm vào cho văn-chương có mầu mẽ.

Thí-dụ như bài sau này:

Ông cắng đánh nhau

Giật gậy bà Giằn phang dưới gối.
Cướp dùi ông Hễnh choảng trên đầu.
Cha Căng mất vía bon lên trước,
Chú Diếc kinh hồn lẩn lại sau.

Ông Cắng là tiếng tục chỉ nghĩa vu vơ, cho nên trong bài lại dùng những tiếng bà Giằn, ông Hễnh, cha Căng, chú Diếc cũng là một thứ tiếng tục chỉ nghĩa vu-vơ điểm-nhiễm với đầu bài.

Quí thanh nhã.— Làm thơ nên tìm những tiếng êm-ái, bóng-bẩy, mát-mẻ, trang-trọng, chớ không nên dùng những tiếng thô-bỉ, tục-tằn. Dẫu tả đến sự thô-tục, cũng phải nói cho thanh.

Thí-dụ như câu:

Duyên thiên chửa thấy nhô đầu gộc,
Phận liễu thôi đà nẩy nét ngang.

Câu đó là thích nghĩa bài « không chồng mà chửa », nghĩa đầu bài hơi thô mà nói như thế thì rất thanh.

Quý ổn luyện.— Ổn là êm nghĩa, luyện là cắn nghĩa. Đặt câu phải dùng những tiếng nào thuận nghĩa thì đọc mới thanh thoát mà êm tai; trong một câu chữ trên chữ dưới có hợp tình ý với nhau thì mới cắn nghĩa. Nếu không ổn luyện thì nhời văn thành ra lủng-củng không nghe được.

Thí-dụ như câu:

Gió dựa tường ngang lưng gió phẳng,
Giăng dòm cửa sổ mắt giăng vuông.

Gió sao lại có lưng, vì trên hạ chữ « dựa », cho nên dưới hạ được chữ « lưng »; giăng sao lại có mắt, vì trên hạ chữ « dòm » cho nên dưới hạ được chữ « mắt »; vả lại vì có tường ngang mới hạ được chữ « dựa », vì có cửa sổ mới hạ được chữ « dòm » thế là ổn luyện.

Kỵ trùng chữ, trùng ý, trùng điệu.— Trong 8 câu thơ, trên dưới trùng một hai chữ thì được, còn bốn câu giữa thì không nên trùng chữ nào. Mỗi chữ mỗi câu phải có một ý khác nhau, nếu một câu mà trùng một ý như câu « nửa đêm giờ tý trống canh ba », hay là trong một bài mà câu trên đã nói ý ấy, câu dưới lại nói ý ấy, ví như câu tam tứ đã tả cảnh « nước biếc non xanh », câu ngũ lục lại tả cảnh « núi cao bể rộng », cũng là trùng một ý, không được. Trong một câu thơ, hoặc hai chữ một hơi, hoặc ba chữ, hoặc bốn chữ một hơi, đó là điệu đặt câu. Điệu đặt câu chỉ trừ ra câu nào đối nhau thì theo một điệu, còn thì phải xoay xở cho khác nhau.

Thí dụ như câu thực đặt bốn chữ trên « thánh thót cung đàn » đối với « gật gù chén rượu », câu luận lại đặt 4 chữ trên « mặn mà nét họa » đối với « nghiền ngầm câu thơ »; hay là ba chữ dưới câu thực đặt « thơ một túi » đối với « rượu lưng bầu », câu luận lại đặt « cờ ba ván » đối với « họa mấy trương », thế là trùng điệu, không được.

Đây là mấy phép thường mà thôi.

Nếu muốn biết cho hết các phép mà làm được thơ hay thì không gì bằng xem nhiều văn cổ, năng tập làm thơ, thì lâu dần tự nhiên luyện giọng.