Việt Hán văn khảo/V

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

TIẾT THỨ V

Luận về sự kết-quả của văn-chương.

Văn-chương có kết-quả không? — Sao không có. Vì văn-chương có khi rất thiên liêng, có sức rất mạnh mẽ, có thể làm cho cảm động lòng người, chuyển di phong-tục, và có thể làm cho cải biến được cuộc đời nữa.

Tựu-trung sự kết-quả cũng có cái kết quả hay, mà cũng có cái kết-quả dở. Cái hay dở đó, nhỏ thì trấy ở trong một người, nhớn thì thấy ở trong một thế-vận.

Người ta có khi vì một lòi nói, một bài văn mà nổi danh-dự, hoặc làm bại danh-dự đi cũng có, nhưng cái kết-quả ấy rất nhỏ mọn, chẳng kể làm gì. Có người giãi tỏ mấy điều lợi hại mà cứu được nạn can-qua cho hai nước, như bọn du-thuyết ở đời Chiến-quốc; có người viết một mảnh giấy mà đỡ được sự tổn hại cho mười vạn quân, như một bức thư của vua Hán Văn-đế dụ vua Triệu Việt-vương, đó cũng là cái kết-quả hay của văn-chương, song cũng còn nhỏ. Đức Khổng-tử trứ thư lập ngôn, khiến cho đạo-thống được rõ ràng; cụ Mảnh-tử bàn nói nhân-nghĩa, khiến cho dị-đoan phải tiêu diệt; cùng là các nhà khởi xướng lên được một học-thuyết mới, hoặc là phát minh ra được một lý-tưởng mới, khiến cho người sau nhân đó mà nẩy ra tính tình cao thượng, hoặc nhân đó mà làm nên công việc ích lợi chung cho nhân loại, thế mới là cái kết-quả lớn của văn-chương.

Đó là kể trong một người, nếu muốn biết cái kết-quả chung của một thế-vận thì lại phải xem đến văn-chương chung của một thế-vận mới được.

Sách có câu rằng: « Văn-chương quan thế vận chi thịnh suy », nghĩa là văn-chương quan hệ đến cuộc thịnh suy trong một thời. Nay thử xét xem trong lịch-sử Á-đông mà nghiệm ra từng thời thì quả có như thế.

Về thời Đường Ngu, gọi là một đời thịnh trị. Trên thì vua tôi chỉ khuyên răn nhau noi giữ đạo nghĩa, chính-trị lễ nghi rất giản lược, dưới thì trăm dân vui vẻ mà yên hưởng cuộc thái-bình, thậm chí đến dân-gian đêm không phải đóng cửa ngõ, ngoài đường bỏ dơi vật gì không ai nhặt, bốn phương yên lặng, kẻ già người trẻ, hớn hở ở trong đền gió xuân. Đó là một quang cảnh rất thái-bình, thiên-cổ không bao giờ được như thế. Mà xét đến văn-chương khi đó thì chẳng có gì. Duy chỉ có các lời vua tôi khuyên nhau chép ở trong Nhị-điển, Tam-mô. Tựu trung có mấy câu cốt-yếu nhất mà truyền đạo thống cho nghìn muôn năm về sau, và gây nên cuộc thái hòa bấy giờ là mấy lời của vua Nghiêu, vua Thuấn, vua Vũ truyền thụ lẫn cho nhua. Mấy câu ấy là: « nhân tâm duy nguy, đạo tâm duy vi, duy tinh duy nhất doãn chấp quyết trung », nghĩa là cái lòng nhân-dục rất nguy hiểm, cái lòng đạo đức rất mờ tối, phải cho tinh tế mà kén chọn, phải cho chuyên nhất mà giữ gìn, như thế mới giữ được đạo trung bình. Vì có câu ấy mà thi-hành ra chính-sự hình-pháp, điều gì cũng giữ mục công-chính vô tư, làm nên thịnh trị.

Ngoại giả câu ấy thì có bài hát « canh ca », bài hát « nam huân » và bài hát « canh điền tạc tỉnh », cũng đều là bài văn tả ra quang cảnh lúc thái-bình. Bài canh-ca và bài nam-huân đã kể ra ở tiết trên rồi. Còn bài canh-điển tạc-tỉnh thì có mấy câu rằng: « nhật xuất nhi tác, nhật thập nhi tức, tạc tỉnh nhi ẩm, canh điền nhi thực, bất thức bất tri, thuận đế chi tắc, đế lực hà hữu ư ngã tai! » nghĩa là mặt giời mọc thì làm, mặt giời lặn thì nghỉ, cày ruộng mà ăn, đào giếng mà uống, chẳng biết gì, chẳng hay gì, chỉ giữ theo phép nhà vua mà thôi, mà vua thì có sức gì đỡ được cho ta. Dân chỉ biết yên nghiệp làm ăn, thậm chí không biết đến ân huệ của nhà vua, thì lại càng tỏ ra là thái-bình mà lại càng tỏ ra công-đức của nhà vua như giời, không biết thế nào mà kể.

Xem như vậy, thì văn-chương khi đó rất bình đạm, rất chất phác mà lại có nghĩa rất cao-thâm, rất tinh vi. Đó mới thực là văn-chương đời thịnh-trị, mà cái kết quả rất hay.

Kế đến đời Hạ, Thương, Chu, văn-chương đã hơi phiền hơn đời Đường, Ngu. Nào huấn, nào cáo, nào thệ, nào minh, việc gì cũng đã nói tường tất, đến khi có thi ca nhã tụng thì văn-chương lại càng rực rỡ lắm. Tuy vậy, văn-chương hồi đó vẫn còn là giản phác cổ kính, ôn hòa thuần-hậu, cho nên trí-trị dẫu không bằng thời Nhị-đế, nhưng cũng là một thời thái-hòa. Cuối thời nhà Chu, văn-chương càng ngày càng biến mà khí-vận nhà Chu cũng mỗi ngày một suy.

Nhà Hán mới lên, văn-chương cũng còn chất-phác. Tống nho bình luận văn nhà Hán cho là nhời nhẽ quê kịch như cành cây thô, như cái lá to. Xem như bài chiếu cầu-hiền của vua Cao-tổ có câu rằng: « nguyện tòng ngã du giả ngô năng tôn hiển chi », nghĩa là muốn theo ta đi chơi thì ta có thể cho được quí hiển. Nhời ấy thì quê kệch thực, nhưng văn có ý vị hùng hồn. Ngoại giả là văn Giả-Nghị, văn Đổng-trọng-Thư, văn Dương-Hùng, văn Lưu-Hướng, cũng đều là văn Hoàng-Chung đại-lữ, cho nên thời nhà Hán cũng là một thời cường-thịnh.

Đến thời nhà Đường, văn-chương có ba phen biến đổi. Lúc mới, văn chưa có gì, gọi là lúc Sơ-đường; đến khoảng giữa thì chính là thời Lý-Bạch, Đỗ-Phủ, Hàn-Dũ, Liễu-tôn-Nguyên, văn-chương rất thịnh, gọi là lúc Thịnh-đường; đến sau văn-chương sinh ra phiền-toái, gọi là lúc Đồi-đường. Khí-vận nhà Đường, khi suy khi thịnh, cũng theo với ba khoảng đó.

Về đời Lục-triều, văn-chương lại càng hoa-lệ lắm; hoa-lệ bao nhiêu thì quốc-vận lại nhu-nhược bấy nhiêu. Tiên-nho luận về văn-chương khi đó có câu rằng: « tích án doanh tương, tận thị sầu oán bi ai chi khúc, liên thiên lũy độc, vô phi phong hoa tuyết lộ chi hình », nghĩa là hòm đầy, án chứa, hết thẩy là khúc sầu oán bi ai; sách chất, vở chồng, hết thẩy là nhời phong hoa tuyết lộ. Thời Lục-triều sở dĩ suy nhược cũng là bởi đấy.

Đếm thời Tống, Minh, Lý-học rõ ràng ra thiên-hạ, hơn đời Hán, Đường; mà văn-chương cũng chi-ly phiền-toái hơn đời Hán, Đường, cho nên cường-thịnh cũng kém đời trước.

Về nước ta từ thời nội-thuộc giở về trước thì không kể gì. Đến thời Đinh, Lê, Lý, Trần thì cũng là mới tiêm nhiễm được ít nhiều văn-hóa của Tàu, văn-chương hiện ra trong sử sách, đã dần dần mỗi ngày mỗi thịnh. Từ thời Hậu Lê giở về thì văn-chương lại càng thịnh hơn trước, mà dân gian được hưởng cuộc thái-bình cũng nhiều. Xem phong dao thời ấy có câu rằng:

Đời vua Thái-tổ Thái-tông,
Con bế con dắt con bồng con mang.
Bò đen húc lẫn bò vàng,
Húc quính húc quáng đâm quàng xuống sông.

Lại có câu rằng:

Đời vua Vĩnh-tộ lên ngôi,
Cơm trắng đầy nồi trẻ chẳng muốn ăn.

Mấy câu đó đủ hình dung ra một quang-cảnh thái-bình.

Nói rút lại, thì thời nào cũng vậy, cứ lúc văn-chương còn giản lược, còn hồn thuần là lúc quốc-vận đang lên; đến lúc văn-chương tảo lệ là lúc quốc-vận đã thịnh, quá lúc đó thì văn-chương sinh ra vụn vặt tế toái, hoặc sinh ra giọng sầu thảm bi ai, đó là hồi quốc-vận đã suy vi rồi. Cổ-nhân có câu rằng: « Thế dũ giáng nhi văn dũ phiền », nghĩa là đời càng xuống bao nhiêu thì văn lại càng xuống bấy nhiêu, chính là nghĩa ấy.

Đó là nói qua sự văn-chương kết-quả của một thế-vận.

Xem như vậy thì văn-chương tựa như cái tinh-hoa của một xã-hội, khi tinh-hoa còn hàm-súc chưa phát-tiết ra mấy là lúc nguyên-khí đương thịnh. Mà lúc tinh-hoa đã phát-tiết ra nhiều thì là lúc nguyên-khí đã từ hồi thịnh mà sắp sang hồi suy; đến lúc tinh-hoa mà tàn thì là lúc nguyên-khí đã kiệt rồi. Cho nên văn-chương hùng-hồn, bao giờ vẫn hơn văn-chương hoa-lệ, mà văn-chương hoa-lệ lại hơn những văn-chương dâm-đãng bi-ai. Ta thử có ý mà xét xem từ tiền-cổ đến giờ, bao giờ một nước mới lên văn-chương vẫn hơi quê, nhưng nhời ý tứ thì rất hùng-tráng, mà đến khi văn-chương đã hay rắt hay réo, là lúc đã gần suy, mới biết là quan-hệ đến thế-vận.

Sau nũa ta lại thử xét xem cái quan-hệ ấy là bởi lẽ gì, cũng nên phân giải cho tường kẻo nữa thành ra một sự viển-vông vô-lý. Cứ như ngu ý trộm nghĩ như sau này: Đại phàm lúc một nước nào mới lên, trăm việc đổ nát, đều phải bắt đầu chỉnh-đốn lại, sơ-chính bao giờ vẫn trong sạch, cái cảm-tình của người ta khi đó cũng hòa-bình, cho nên nẩy ra văn-chương cũng bình-đạm. Đến nửa chừng thì trăm việc mỗi ngày thêm thịnh-vượng, cái cảm-tình của người ta cũng nở thêm mãi ra, văn-chương bởi đó mà càng ngày càng hay lên. Đến lúc nước đã suy thì trông ra toàn là những cảnh khổ não, văn-chương mới thành ra những giọng bi ai sầu oán. Vậy thì cái hay dở đó, lại là một lẽ tất-nhiên của nhân-sự xui nên; rồi vận-hội mới nhân đó mà xoay đổi.

Nói tóm lại, thì văn-chương cũng là một cách rải-rắc tư-tưởng học-thuật ra thiên-hạ, tư-tưởng và học-thuật hay thì quốc-vận cũng hay, mà tư-tưởng học-thuật dở thì quốc-vận cũng dở. Nước ta đương buổi này, chính là một cơ-hội thăng giáng của văn-chương, ta ước-ao cho sự kết-quả sau này được thịnh-vượng, cốt trông ở sự học thuật vậy.