Bước tới nội dung

Việt Nam phong tục/II.19

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

XIX.— THUẾ KHOÁ

Thuế khóa về các dân làng, xưa kia mỗi năm chia làm hai vụ nộp thuế, hoặc nộp tiền, hoặc nộp thóc, hoặc nộp sản vật, kể tiếng không mấy, nhưng cách thu bổ của dân chí lôi thôi, có làng thu lươm nhươm đến hai ba tháng không xong, mà lúc nộp cũng rầy rà khó chịu, nào lễ cửa này, nào lạy cửa khác, có khi chờ chực đến hàng tháng mới nộp được.

Từ khi nhà nước bảo hộ đổi cách cũ mà thi hành cách mới, trừ ra các thuế ngoại ngạch, còn ở dân làng chỉ phải nộp thuế đinh, thuế điền thổ gọi là thuế chính ngạch.

Thuế đinh chia làm hai hạng:

1.— Nội tịch đinh là những hạng đinh tráng từ 18 tuối trở lên cho đến 59 tuổi.

2.— Ngoại tịch đinh là những kẻ nghèo khó, không có sản nghiệp ở trong làng.

Thuế điền chia làm ba hạng, thuế thổ chia làm bốn hạng, tùy theo chỗ ruộng tốt ruộng xấu và đất trồng hoa màu nhiều lợi ít lợi mà định.

Thuế khóa thì tùy theo mỗi năm chi tiêu mà tăng gia một chút, nhưng từ năm Thành-Thái thứ chín đến nay thì nội tịch một năm phải nộp ba đồng, ngoại tịch phải năm hào, thuế điền thì đại để từ tám hào cho đến một đồng rưỡi một mẫu, thuế thổ thì đại để từ ba hào cho đến hai đồng một mẫu.

Mỗi năm về độ tháng tư tháng năm An nam, nhà nước phát chỉ bài về cho các làng làm thuế, lý trưởng tiếp nhận được chỉ bài, trước hết phải trình với tiên thứ chỉ kỳ mục rồi định ngày vào quân bổ, phải cho mõ reo suốt dân làng được biết. Đến hôm bổ thì đánh trống hội họp dân làng, nhiều nơi phải mổ lợn làm rượu cho dân làng ra đông.

Hội họp đông đủ rồi thì lý trưởng đưa chỉ bài ra cho công dân xem xét, rồi hàng kỳ mục chiếu sổ đinh ra mà bổ.

Xã nào có thôn riêng, có lệ đồng cư biệt nạp, thì tính chia lấy một phần đem về đình riêng mà san bổ với nhau.

Kỳ mục chiếu sổ điền thổ của ai có bao nhiêu thì phải đóng chừng ấy, còn đinh thì trừ hết các hạng được miễn trừ, rồi chiếu trong chỉ bài ra, cả thảy các thứ tiền thuế, tiền ngoại phí chia cho nội tịch và ngoại tịch, có làng chia bổ theo như cách thức của nhà nước đã định, có làng theo tục riêng của làng mà bổ, có làng đinh điền thổ hợp cả làm một mà quân san cho cả dân đinh.

Ngoài số tiền thuế của nhà nước, nhiều nơi lại bổ thêm ra một hai chục bạc để chi tiền phí tổn cho lý trưởng và để dự bị đóng đậy cho kẻ nào lỡ ra không đóng được. Bổ xong giao cho một vài người kỳ mục hiệp trợ với lý trưởng mà thu. Lý trưởng kỳ mục lại chia giao cho mỗi họ một người đốc thu. Nếu ai thiếu thì người đốc thu phải chịu trách nhiệm.

Dân làng dầu ai nghèo kiết thế nào mặc lòng, đến tiền thuế là phải lo đóng tươm tất. Nếu ai thiếu từ vài ba hào trở lên thì họ bắt đem ra điếm, cùm trói khổ sở, cho tuần đinh vào nhà bắt đến cả đồ thờ, hoặc bắt đến giường đến ghế, làm cho phải đủ tiền mới nghe.

Chánh phó tổng thường thường cũng phải đi xem xét và đốc thúc các lý dịch trong hàng tổng. Làng nào khó khăn thì có khi quan phủ huyện sở tại phải phái người về làng ấy hiệp với lý dịch mà thu. Đến gần hạn đổ thuế thì lý dịch phải đem số bạc thu trình với quan trước rồi mới đem nộp tại tỉnh đường hoặc tại kho bạc. Làng nào thiếu hoặc chậm trễ thì lý dịch làng ấy phải phạt.

Nộp thuế xong thì nhà nước phát cho mỗi người một cái giấy tùy thân. Nếu ai không có giấy hoặc cho nhau mượn thì phải cữu.

*

* *

Việc thuế khóa là một việc rất hệ trọng trong cách cai trị của nhà nước. Mà nộp thuế thì là một nghĩa vụ của người ta. Vì người ta không có thể tự nhiên mà ngồi yên ăn ngon được, tất phải có quan cai trị, tất phải có quan binh và lính, để xử đoán lẽ phải trái cho ta, để trông nom kẻ gian phi mà giữ cuộc yên ổn cho ta, thì ta mới làm được công này việc khác, ta mới cày cấy được mà ăn, ta mới buôn bán được mà dùng. Huống chi nhà nước lại còn phải sửa sang những sự ích lợi, chỉnh đốn mọi việc cho được mở mang tấn hóa, thì sự nộp thuế tưởng ai là người đã hiểu nghĩa vụ không nên còn oán hận gì nữa.

Duy còn hiềm vì trong thôn xóm và xã nhiều thói tệ, lắm đường ngoắt ngoéo nhà nước cũng chưa có thể soi thấu mà chỉnh đốn lại cho hết, mà những hạng có quyền thế trong làng thì phần nhiều chỉ cứ câu nệ lối cổ, đôi khi có người kiến thức muốn cải lương lại để cho hợp cách công bằng và tiện lợi cho đàn em thì họ không nghe. Cố mà làm ra thì mất lòng bọn họ, mà cứ để vậy thì thói hủ bại chưa bao giờ bỏ được.

Đại để như thuế đinh, nhà nước chia làm hai hạng nội tịch và ngoại tịch cho đỡ những người khổ sở, nhưng về đến làng thì làng nào theo tục riêng làng ấy: có làng quân bổ, có làng san bổ, có làng chia làm hai ba hạng mà bổ, có làng thì bổ suốt từ đứa trẻ con mới vào làng trở lên. Song các cách ấy thì tùy tiện của làng người ta, cũng không hại gì, miễn là đủ được thuế mà dân tình thỏa thuận cả là xong. Nhưng còn lắm cách trái với đạo công bằng mà nói ra không xiết, nói qua mấy điều như sau này:

Ví dụ như kỳ mục chiếu sổ đinh mà bổ thuế cho lý trưởng nhưng con cháu nhà mình, dẫu đến tuổi cũng ẩn lậu đi không nói đến, dân làng thì kẻ vì nể, người sợ hãi, ai là kẻ dám hé răng, mỗi người kỳ mục lại ẩn lậu đi một người thành ra dân làng phải đóng nặng ấy là một điều tệ.

Kỳ mục mỗi khóa thuế làm thế nào cũng bổ dư cho lý trưởng một vài chục bạc để làm tiền chi phí về việc đi nộp thuế. Dân làng ai là chẳng bằng lòng, nhưng vì số dư ấy mà kỳ mục ai cũng muốn chấm mút, hoặc người thì phần thuế của mình không đóng mà có đóng cũng bớt lại dăm ba hào, đồng bạc mới nghe, hoặc người lại keo thêm tiền thuế một vài đồng thành ra tiếng là để cho lý trưởng mà kỳ thực thì lý trưởng không được mấy, lỡ ra có kẻ cùng đinh trốn tránh thì lý trưởng lại phải phụ thêm. Các làng khó khăn mỗi năm đến vụ thuế, lý trưởng làm thế nào cũng phải phụ thêm tiền nhà dăm ba chục. Cho nên lắm nơi lý trưởng phải mất cơ nghiệp vì thuế, mà thành ra ai cũng sợ, không muốn ra làm việc nữa, ấy là hai điều tệ.

Lúc bổ thì cứ chiếu sổ đinh ra mà bổ, ai là dám rằng không đóng, song đến lúc thu, nào là những kẻ cùng khổ, dẫu dỡ cả nhà nó xuống cũng không đủ tiền thuế của mấy bố con nó, nào là những anh ngang ngược, cứng đầu cứng cổ, thu nó hãy chịu, khi nào có tiền nó đưa, mà biết bao giờ nó có tiền, bắt nó thì lý dịch bắt không nổi, thưa kiện nó thì lại sợ lôi thôi về sau, đó cũng thiệt hại đến lý trưởng, ấy là ba điều tệ.

Thuế điền nhà nước đã có phép nhất định, nhưng các hạng có thế lực thì ruộng hạng nhất cũng xuống hạng ba, người nào kém vai vế thì ruộng hạng ba cũng lên hạng nhất. Mà nhất là những ruộng phụ canh, lý dịch thường lấy nặng gấp hai gấp ba lần, những người biết lý luật thì bọn họ còn e ít nhiều, còn người hiền lành ngu si thì họ bảo sao cũng phải chịu, ấy là bốn điều tệ.

Các làng chia ra làm hai ba thôn, cứ lệ tiền cổ thì lắm nơi đồng cư biệt nạp, nghĩa là ở lẫn với nhau, nhưng mà nộp thuế thì phận thôn nào thôn ấy nộp. Giá cứ nhân số các thôn đều nhau thì dẫu biệt nạp cũng chẳng sao, nhưng mà khi trước đều nhau, mà nay thì có thôn thêm nhiều đinh, có thôn giảm bớt đinh, nếu cứ chiếu lệ thôn nào xưa nay phải chịu bao nhiêu, bây giờ lại phải chịu bấy nhiêu, thì nhiều nơi cùng trong một xã mà thôn này đóng nhẹ thôn kia đóng nặng hơn tất phải phân bì ta oán. Nếu hợp lại cả hàng xã mà đóng đều với nhau thì bên kia chẳng qua mỗi người thêm lên dăm xu một hào mà bên này mỗi người đỡ được dăm bảy hào bạc, chẳng lợi hại là bao nhiêu mà trong một xã đều được quân bình. Nhưng bọn kỳ mục bên đóng nhẹ mấy người chịu nghe, họ chỉ được lợi dăm ba xu, họ cũng cố chết mà giữ, chớ họ có nghĩ gì đến chuyện công bình, ấy là năm điều tệ.

Nói rút lại thì các điều tệ tục, nhất là hay ở bọn kỳ mục mà ra, mà lý trưởng thì thường phải chịu phần thiệt thòi. Song lý trưởng cũng không hại, ứng biện ra lúc này rồi lấy lại lúc khác, chỉ dân đinh cùng khổ, nhà nước đã có gia ân cho đóng vào hạng ngoại tịch mà vẫn phải gánh chung với hạng chính đinh và những người phu canh là thiệt thòi mà thôi.

Thôi nói qua ít điều, chớ nhà nước đã có vấn đề để cho các hội viên thương nghị viên bàn. Các ông đại biểu của dân chẳng thiếu gì người kiến thức, tất có ông soi thấu các điều tệ tục mà thương nghị với nhà nước để tìm cách cải lương, cân nhắc hết sự lợi hại cho hợp với đạo công bình, mà ích cho dân.