Bước tới nội dung

Việt Nam phong tục/II.20

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

XX.— BINH LÍNH

Binh lính mỗi làng phải chịu bao nhiêu, cứ chiếu sổ đinh ra mà chịu, đã có lệ định của nhà nước. Ví như trong Trung-Kỳ thì mỗi ba tên nội tịch phải ra một tên lính; Nam-Kỳ mỗi năm tên nội tịch phải ra một tên lính; Bắc-Kỳ và ở Nghệ-Tĩnh, Thanh-Hóa thì mỗi bảy tên nội tịch phải ra một tên lính; ở về doan biên như Hưng, Tuyên, Thái, Lạng, Cao-Bằng thì mười tên nội tịch phải ra một tên lính, v.v...

Khi làng nào khuyết lính hoặc khi nhà nước cần đến tư giấy về cho lý trưởng phải kén lấy người cường tráng đem ra, gọi là thế lính. Nhà nước xem xét rồi, hoặc cho vào lính khố xanh, hoặc cho vào lính khố đỏ, hoặc lính thủy, lính bộ, lính cơ, lính lệ, v.v... Việc ấy quyền ở nhà nước.

Kén lính thì phải kén lấy con nhà đa đinh, chớ nhà nào độc đinh thì thôi. Mỗi tên lính trừ ra lương bổng của nhà nước chi cấp, còn ở làng lệ được ăn ba mẫu ruộng công. Hoặc làng nào không có ruộng thì phải cấp tiền công, nhiều ít tùy tục riêng, nhưng không được quá 250 quan tiền kẽm một năm. Có làng chỉ cấp tiền cho một lần, có làng để riêng ra mấy mẫu ruộng công, bao nhiêu lính trong làng cũng ăn chung ở đấy mà thôi.

Hạn đi lính hoặc sáu năm, hoặc mười năm, hoặc mười lăm năm tùy lệ định của nhà nước. Số cấp tiền cấp ruộng của làng, chỉ khi đương tại lính mới được ăn, hễ mãn hạn về lính, hoặc chết đi, hoặc đăng thêm khóa cũng không được ăn nữa.

Khi lính đương tại ngũ, được phép miễn trừ hết sưu dịch và lại được miễn trừ cho một người thân nhân.

Binh lính về làng, có nơi được dự theo hàng quan viên miễn trừ tạp dịch, có nơi thì lại hoàn dân đinh.

Mãn khóa lính về làng, trừ ra người đóng cai, đóng đội trở lên còn ai ai cũng gọi cậu bếp. Tiếng bếp do từ đời nhà Trần, mỗi năm người là một ngũ thì có một người làm hỏa đầu để coi việc thổi nấu cho lính ăn, cho nên gọi là bếp.

Về vùng quê hương, khi trước bao nhiêu lính tân lính cựu một làng, hợp lại làm một hội gọi là hội bản binh. Mỗi năm hai kỳ tháng hai tháng tám làm lễ thánh sư, rồi thì ăn uống với nhau. Hội cắt lần lượt nhau, mỗi kỳ tế phải một người chứa đăng cai. Chủ ý hội thì chỉ cốt để họp mặt ăn uống cầu vui, và để thông sự khánh điếu với nhau mà thôi. Tục ấy bây giờ dễ bỏ hết.

*

* *

Việc thế lính của ta, mới vài mươi năm nay, đã thấy khác nhau lắm. Khi xưa đăng lính người thì thuê mướn kẻ nghèo khó đi thay cho mình, người thì tiếng rằng đi lính, nhưng quan bán phòng cho, lấy ít tiền mà cho ở nhà, chỉ khi nào ứng điểm mới phải ra. Mà đến lúc điểm duyệt lại buồn nữa, quân sĩ phân nửa người là kẻ bủng beo gầy yếu, ngọn giáo thì rỉ quèn, hàng mấy năm chưa lau đến, súng thì bắn chẳng nên, thôi kể chi những điều hủ bại làm gì, càng trông thấy bây giờ bao nhiêu thì càng chán ngán cho thời xưa bấy nhiêu.

Nay nhờ có nhà nước bảo hộ chỉnh đốn lại ngạch binh, và nhờ cách luyện tập cũng đã cường tráng gấp trăm gấp nghìn khi trước. Nhưng còn một điều là ta chưa mấy người hiểu việc đi lính là một nghĩa vụ rất to của người và là một trách-nhiệm chung của xã hội. Bắt lính ở làng nào, người trong làng thường có ý tị nạnh nhau, vẫn ra có ý sợ hãi phải đi xông pha nơi này nơi khác. Trừ ra mấy người nghèo khó, còn các người khá không mấy khi chịu ra, ấy cũng là dân khí nhút nhát, gây nên sự hèn yếu.

Xem như Âu-Châu, bất cứ người hạng nào ai ai cũng phải đăng một khóa lính mà những khi có việc chiến tranh, thì nhân dân lại vui lòng mà tranh nhau ra ứng mộ. Thế có phải là người ta trọng nghĩa vụ mà làm cho nước được cường thịnh vẻ vang không?

Binh lính là người giữ cuộc bình an cho trong nước, và cũng là một phần người làm cho danh giá một nước với hoàn cầu thì chính là người nên trọng. Trừ ra nhà nước đã có cách hậu đãi còn về dân làng cũng nên đem hảo tâm mà xử với người đi lính để cho người ta nức lòng mà mong ra. Mà người đi lính cũng nên lấy việc đó làm vẻ vang, chớ đừng cho là một việc khổ sở. Như vậy thì lòng người mới phấn chấn, mà nước mới cường thịnh được.