Bước tới nội dung

Việt Nam phong tục/II.25

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

XXV.— VIỆC HỈ

Việc hỉ như các việc đăng khoa, bổ quan, người lên lão hạ thọ, người ra làm chánh phó tổng, lý dịch, người cưới vợ, người làm nhà cửa. Các việc ấy đều có mở tiệc mừng, mời dân làng đến nhà uống rượu.

Trong các tiệc ăn mừng ấy, tiệc nào cũng có sửa lễ lễ thánh, đã nói trong khoản khao vọng trên này, duy có việc cưới xin và việc làm nhà thì ăn mừng riêng ở nhà và tùy ý chủ nhà, có thì làm chẳng có thì thôi cũng được.

Lệ cưới xin phải nộp tiền lan-nhai cho làng, tục gọi là nộp cheo. Người trong làng lấy nhau thì nộp độ một vài đồng bạc, gọi là cheo nội, người ngoài lấy gái làng thì bao giờ cũng phải nộp nặng hơn, hoặc dăm sáu đồng hoặc mươi đồng hoặc một vài chục, tùy tục riêng từng làng, gọi là cheo ngoại. Có nơi không lấy tiền, bắt nộp bằng gạch bát tràng, hoặc nơi thì bắt nộp bằng mâm đồng bát sứ, tùy làng cần dùng thức gì thì nộp thức ấy chớ không nộp tiền, nhưng chiếu giá tiền thì cũng xấp xỉ nhau.

Ngoài lệ cheo làng, lại có lệ cheo hàng xóm, cheo bản tộc, cheo bản thôn, hoặc dăm ba tiền kẽm hoặc một vài quan hay một hai đồng bạc, v.v...

Hễ có cheo rồi mới thành gia thất. Cheo tức là ý phân bua với làng nước. Lấy nhau đã có cưới cheo là sự hôn thú phân minh, về sau vợ chồng có điều gì không dễ mà ly dị được nhau, và người ngoài cũng không có phép mà tranh cạnh được nữa.

Trước khi nhận cheo, làng phải xét xem đôi bên lấy nhau có hợp nghĩa không, hoặc là có thật bằng lòng nhau không, rồi mới nhận lễ. Nếu không xét thì có khi người đàn ông lấy ép người đàn bà không chịu, hoặc là lấy nhau trái với đạo luân thường, thì làng có lỗi.

Tục ta vợ chồng lấy nhau không có hôn thư, duy có lệ nộp cheo. Nộp cheo cũng là một ý lấy làng làm bằng chứng, thì dẫu không có hôn thư mà cũng như là có hôn thư.

Đó cũng là một mối lý tài của chốn hương thôn, kể ra thì cũng tiện cho người lấy vợ và lợi cho làng.