Việt Nam phong tục/II.24

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

XXIV.— VIỆC HIẾU

Trong làng, nhà nào có người mất, phải kiếm trầu trình lý dịch, xin cắt đô tùy hoặc mười hai, hai mươi bốn, ba mươi người nhiều ít tùy hiếu chủ; và có trầu mời hàng xóm, mời bản tộc, mời làng, mời hội chư bà đi đưa đám.

Hiếu chủ phải gậy mũ ra đình lạy làng, rồi làng nhận lễ mới đem đô tùy vào cất đám. Cất đám phải có tiền lệ độ một vài đồng bạc để phân phát cho bọn đô tùy. Nhiều nơi lại phải có một tấm vải trắng quàng trên nhà táng, gọi là vải trắng. Tấm vải ấy cất đám xong thì chia cho đàn anh trong dân mỗi người một mảnh.

Nhà phú quí đại gia thường sắm riêng một bộ đòn đại dư và cấp cho các người đô tùy mỗi người mấy vuông khăn vải trắng, một cái áo trắng ngắn để đi cho lịch sự. Ở các thành phố thì thường có hội tập phúc sắm đủ các thứ đồ tống táng, ai cần đến thì mượn cả người lẫn đồ trợ tang. Còn ở về chốn hương thôn thì công dân sắm chung bộ đòn đại-dư, nhà tang chủ nói với dân, dân phải cắt hết người vào tang sự.

Trong khi cất đám, hiếu chủ phải nhờ một vài người, mỗi người mang một quả trầu để mời mọc các người đi tống táng ăn trầu.

Khi cất đám trở về, có nơi dùng cách giản tiện, hoặc lấy tiền lệ dăm ba đồng bạc hoặc tùy gia phong kiệm của hiếu chủ, có ra thì làm cỗ làm bàn mời dân làng về nhà uống rượu, dân làng cũng ăn; chẳng có thì thôi, dân làng cũng bằng lòng, đưa đón rồi đâu về đấy. Nhưng cũng nhiều nơi lệ nặng lắm, nào lệ tư văn, nào lệ hàng giáp, nào lệ hương lão, nào lệ bản binh, nào lệ chư bà, mỗi lệ phải có lợn xôi khoản đãi, ăn uống xong rồi lại phải mỗi người cái bánh dầy cái bánh chưng làm phần. Nếu trong nhà bấn túng, chưa thể lo ngay được, thì đến lúc khác cũng phải lo mới xong, gọi là trả nợ miệng. Nhược bằng không lo xong thì đi đến đâu người ta cũng bới móc chê bai. Có nơi nghiệt quá, hễ hiếu chủ có lo được trả bữa cho dân thì dân mới cho chống gậy, nếu nghèo quá không thể lo được thì không được chống gậy. Lại có nơi hiếu chủ còn chịu nợ miệng của dân thì dẫu hết tang ba năm rồi cũng chưa được bỏ đồ hiếu phục, hễ khi nào lo xong thì mới là hết tang chế.

Cũng vì tục ấy mà sinh ra lệ ma sống, ma khô. Ma sống là người có của, sợ mai sau mình mất đi con cái không lo nổi, hoặc con cái nhân lúc cha mẹ còn, muốn lo cho xong nợ làng thì nhân lúc có của cũng theo đủ lệ làng mà làm ma. Về sau dù có dù không thế nào cũng được, không ai chê trách vào đâu nữa. Ma khô là lúc cha mẹ mất chưa thể lo nổi nợ miệng, chờ đến sau khi ba năm đoạn tang cải táng phần mộ, thì mới làm ma mời làng, cũng phải theo đủ lệ như khi mới mất.

*

* *

Cái tục tang ma của ta, hiếu chủ đã có nhiều cách phiên phí, đến như lệ làng lại phiền nhiễu nữa. Các làng có người kiến thức đặt ra cách giản dị để mặc ý nhà chủ liệu thế lực mà làm, tuy cũng để cho dân làng dễ theo, nhưng còn để mặc nhà chủ thì vẫn chưa tiện lắm vì nhân tình ai là không muốn lấy sĩ diện với làng với nước. Để mặc ý cho nhà chủ thì chỉ trừ ra người cùng kiết quá, không thể sao lo nổi mới phải xử cách lạt lẽo với làng. Mà trong lòng vẫn áy náy không đành, vì không có của làm cho được bằng mày bằng mặt với làng, người ngoài thì tuy chẳng nói gì, nhưng trong bụng cũng hơi khinh bỉ đôi chút. Còn như người có thể lo được, hoặc có thể vay mượn được thì không mấy người chịu kém cái sĩ diện. Vậy thì tiếng là tùy tiện mà cũng là buộc một cái nợ miệng cho người. Đến như các làng chỉ biết quí trọng miếng ăn, miếng uống, không quản gì nhà hiếu chủ có hay không, dẫu ai đau đớn khổ sở thế nào mặc lòng, hễ có ăn thì còn để cho người ta giữ hiếu nghĩa, không có ăn thì hiếu nghĩa của người ta cũng bỏ. Tục ấy thì là một tục rất thô bỉ, rất hủ bại, rất bạc bẽo, không còn tục nào xấu xa đê tiện bằng tục ấy.

Than ôi! Việc tử biệt là cái cảnh rất thương xót của người ta, mà sự trợ tang thì là một nghĩa vụ của xã hội. Đã gọi là nghĩa vụ thì khi người ta đang đau đớn, có thể giúp được việc gì thì giúp còn tưởng gì đến sự ăn uống, mà hiếu chủ thì đang lúc buồn bã âu sầu, còn bụng nào mà nghĩ đến việc thù tiếp. Vậy mà ép cho người ta phải cỗ bàn khoản đãi thì cái nghĩa vụ cứu giúp lẫn nhau ở đâu?

Mà chẳng qua khó dễ lại phải chịu đồng lần, người ta chịu lúc này, mình lại chịu lúc khác, thành ra trong một làng ai ai cũng mình buộc lấy mình vào vòng cực khổ. Rồi người có thì hao của, người nghèo thì lắm khi thất nghiệp. Có phải là vì một sự ăn uống mà sinh ra cái hại chung cho nhau không?

Vậy muốn bỏ hết tục hủ, tưởng nên đặt ra cách nhất định, dân làng tang sự xong rồi, hoặc chiết-can mươi mười lăm đồng, hoặc một vài chục để dành làm tiền công nho, còn lệ ăn uống thì bỏ hết, trừ ra nhà chủ muốn làm dăm ba mâm khoản đãi kẻ giúp đám trong nhà mặc lòng. Trong lệ tang sự cũng nên đặt ra hai, ba hạng, hạng nhất dùng cách tang sự rất trọng thể, lấy tiền chiết can độ bốn, năm chục bạc, hạng nhì dùng cách trung bình, lấy độ hai, ba chục, còn hạng ba thì chước hết, để ai có của, muốn làm vẻ vang hơn người khác cũng được mà chẳng có thì dân làng cũng xử tử tế mà cất. Như vậy thì vừa tiện cho hiếu chủ, lại vừa ích cho dân, có tiền mà chi nhu mọi việc.