Việt Nam phong tục/II.29

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

XXIX.— NGHĨA SƯƠNG

Nghĩa sương là một kho chứa thóc dân thôn đề phòng khi mất mùa đói kém thì đem thóc ấy mà chẩn cấp cho những người nghèo.

Năm Tự-Đức thứ mười tám triều-đình chuẩn cho các thôn xã, mỗi làng đặt một nghĩa sương, chọn lấy một người nào công liêm và có gia tư vật lực ở trong làng cho làm chủ-thủ chủ-bộ để giữ kho ấy, và đặt ra mấy tên tuần phu để coi việc canh giờ.

Cứ mỗi mùa lúa gặt rồi chia làm bốn mươi phần, lấy ra một phần. Trong một phần ấy lại chia làm ba phần, cho tuần phu một phần, còn hai phần để chứa vào kho nghĩa sương. Lại khuyên dỗ những người hào phú trong làng bỏ tiền hoặc thóc cho nghĩa sương vay, người chủ thủ làm tờ biên nhận lấy tiền thóc ấy tùy nghi sanh lợi. Ba năm thì phải trả tiền thóc cho người tài chủ. Còn thóc ở kho thì để dành, năm nào đói mới đem ra cấp phát.

Lại có lệ định: Xã nào có ruộng công, trích lấy ra một phần mười, như một ngàn mẫu thì lấy ra một trăm mẫu, ba bốn trăm mẫu thì mỗi trăm lấy ra mười mẫu để làm nghĩa sương, cả làng phải hợp sức mà làm ruộng ấy. Trong làng nếu có ai hảo tâm mà quyên vào bao nhiêu cũng biên vào sổ ấy, lập riêng một cái kho để chứa thóc. Trong làng phải kén lấy một người nào có phẩm hạnh và là người vật lực làm hương chánh do tỉnh cấp bằng cho được trang trọng sự thể. Khi nào thóc cao thì bỏ thóc ra bán, lúc nào hạ thì lại đong vào. Lại cho vay lấy lời thêm vào.

Mỗi một năm thu được bao nhiêu, nuôi binh lính, cấp cho kẻ nghèo đói hết bao nhiêu, cả làng phải hội tính mà lập ra hai quyển sổ rồi đem nộp trình quan tỉnh. Quan tỉnh phê chữ một quyển giao cho hương chính giữ lấy, còn một quyển để lại tỉnh đường lưu chiếu. Gặp năm nào mất mùa, thóc của làng nào lại cấp cho dân làng ấy để dân khỏi phải chết đói.

Nếu có ai xâm phạm đến thóc ấy, cho phép người làng đi cáo quan, quan sẽ tịch-sản người xâm phạm mà bắt phải bồi thường.

Làng nào không có ruộng công mà người trong làng biết xướng xuất lên lập được nghĩa sương, bất cứ đàn ông đàn bà, ai quyên được ít nhiều cũng chứa vào kho cho vay lấy lãi, thì cũng chiếu như các dân xã có ruộng công mà làm.

*

* *

Vận trời có lúc thường lúc biến người ta phải sớm liệu một cách dự bị mới được. Mà trong hương thôn lại có nghĩa tương bảo tương trợ, tật bệnh tương phù trì, nghĩa là phải giúp đỡ lẫn nhau, khi tật bệnh phải phù trì nhau, đó cũng là một nghĩa vụ ở trong cách đoàn thể.

Nhà nước trù liệu đến cách ấy mà định lệ cho dân lập nghĩa sương, thực là một kế sách cứu trợ rất hay. Dân xã tuân hành được như thế thì dẫu bất hạnh gặp phải năm tiêu-khô bạch-lãng cũng không lo gì. Mà may ra thường năm bình yên vô sự, thì chẳng mấy lúc xã có được cái vốn to, muốn sửa sang theo cách văn minh cũng dễ.

Song phép thì hay mà cách thi hành thì khó mà tránh được những tệ đoan. Nào là người thừa hành gian phi hà lạm, nào là dân xã vay không trả nổi, thiếu nợ lôi thôi, nào là người hương chính bất công, dở ngón bòn khoét. Triều đình tuy có cách thưởng phạt, giữ gìn của dân, mà giữ sao cho xuể được khỏi mọt. Té ra cái chính sách rất hay của công dân mà lại thành một mối lợi to cho mấy người hào trưởng.

Trong cuốn tục lệ cải lương của làng Đề-Câu, cách thức lập nghĩa sương tưởng cũng chắc chắn, ai có lòng về hương chính cũng nên xem đó rồi châm chước với tục riêng của làng mình mà làm, có lẽ cũng ích lợi cho dân lắm.

Trích lục mấy điều ra sau này:

ĐIỀU ƯỚC NGHĨA SƯƠNG

Điều thứ nhất.— Nghĩa sương của bản xã chung có bốn thôn:

1) Hạ thôn, 2) Thượng thôn, 3) Châu mỹ, 4) Điện tiền. Cứ chiếu điền bạ ra, ai có cày cấy ruộng công hay ruộng tư trong bản xã phải nộp vào nghĩa sương mỗi một sào một đấu thóc, mỗi mẫu mười đấu, mỗi năm thu một lần (đấu thì cứ cân trung bình, một cân sáu lạng vào một đấu).

Thóc nghĩa sương chỉ để dùng về việc công nghĩa trong dân xã như là năm mất mùa đói kém thì chẩn thải, khi dịch lệ mua thóc phát cho người nghèo. Bấy giờ tùy của với người ít nhiều mà chi độ, nhưng số thóc ở nghĩa sương ba phần phải lưu lại một phần để dành, trừ hai việc ấy ra thì không được tiêu về việc khác.

Điều thứ hai.— Đặt một người sương chính, bốn người thủ bạ và một người thủ quĩ, để trông nom biên chép và giữ thóc nghĩa sương. Chức sương chính phải chọn người công liêm, tùy dân xã xem ai đáng thì bầu. Chức thủ bạ phải kén người cẩn thận thì cả bốn thôn, mỗi thôn phải bầu một người. Chức thủ quĩ phải chọn người thông minh, có vật lực.

Dân bầu sáu người chức dịch ấy để thay mặt dân xã coi việc nghĩa sương, thì cứ hai năm, dân xã họp bầu lại một lần.

Điều thứ ba.— Cứ vụ đông thu hoạch xong rồi, thì thu thóc nghĩa sương. Cả bốn thôn, ruộng thôn nào thì thôn ấy cứ chiếu điền bạ mà giao cho thủ bạ thu lấy thóc, cứ đấu nghĩa sương theo lệ mà thu, thu thiếu thì phải bồi, thu quá lệ thì phải lỗi, được bao nhiêu ghi vào sổ bản thôn cho minh bạch, rồi giao thóc cho thủ quĩ giữ. Thủ quĩ nhận thóc thì phải biên vào sổ chính, và ký biên nhận vào các sổ của các thôn người ta giao thóc cho, để rồi sau đối sổ cho dễ tính toán.

Thóc nghĩa sương chỉ để thủ quĩ giữ đến bốn trăm thúng trở lại mà thôi (hai mươi đấu vào một thúng). Còn ngoài số ấy trở lên, thì dân xã sẽ họp làm giấy giao thủ quĩ bán thóc lấy tiền đem gửi ngân hàng hay là kho tỉnh, bao giờ dân xã cần đến tiền, thì lại họp làm giấy giao cho thủ quĩ lãnh bạc về để chi dùng.

Điều thứ bốn.— Khi nào phải chi tiêu về hai việc như đã nói trên điều thứ nhất và những khoản tiêu vặt như là: mua sổ sách, giấy bút, các đồ dùng khác, thuê người giúp đỡ cùng là chi phí về những ngày dân xã họp thì bốn người thủ bạ làm giấy, kể ra từng khoản cho minh bạch, lấy chữ ký sương chính, đem thủ quĩ lãnh thóc mà chi dùng.

Thủ quĩ xem giấy xét thực, có đủ chữ ký bốn thủ bạ và sương chính, khai chi tiêu về nghĩa sương thì mới được phát. Nếu mà sai thì thủ quĩ phải đền.

Còn như sương chính và bốn thủ bạ, nếu không phải chi tiêu về việc nghĩa sương mà mạo khai mạo ký thì phải đền, mà dân xã sẽ lại nghị phạt nữa.

Sáu người chức dịch, chỉ được làm giấy phát thóc từ một đấu đến hai trăm đấu mà thôi, ngoài số ấy trở lên thì phải có cả dân xã mới được. Những kỳ họp thì sương chính và thủ bạ phải có giấy thông báo dân xã trước mấy hôm, kê ra những việc gì sẽ bàn định và họp vào ngày nào.

Điều thứ năm.— Sổ thu phát và thóc nghĩa sương, mỗi năm phải khám hai lần, bất kỳ lúc nào dân xã bầu hai người đến khám, hễ thiếu số hay là mục nát thì thủ quĩ phải bồi và dân xã sẽ nghị phạt nữa.

Cứ mỗi năm một lần, dân xã họp để bàn định và tính sổ nghĩa sương, hoặc khi có việc gì cần thì sáu người chủ dịch phải thông báo để dân xã họp lại mà bàn định.

Lệ họp từ các cụ đến dân đinh mười tám tuổi đều được dự bàn, khi bàn định việc gì, trong những người bàn, nhiều người thuận thì được. Ai muốn bàn nói việc gì, cứ ngày dân xã họp thì đến mà bàn nói, nếu ngày ấy không đến thì sau không được nói lại.

Trong khi dân xã họp việc nghĩa sương chỉ được bàn định việc nghĩa sương cho có ích lợi mà thôi, còn tịnh cấm không ai được nói chuyện khác và ăn uống rượu chè.

Điều thứ sáu.— Công việc nghĩa sương hệ trọng và khó nhọc, cho nên dân xã phải bầu những ông công liêm tử tế làm việc giúp dân. Vậy mỗi năm một lần, cứ đến tết lớn, lấy thóc biếu những ông chức dịch như thế này:

Biếu ông sương chính sáu mươi đấu, bốn ông thủ bạ và ông thủ quĩ mỗi ông bốn mươi đấu.

Ông thủ quĩ lúc thu phát phải cho công minh, không được thu đầy phát vơi, nếu mà có tai tiếng thì ông thủ quĩ có cữu.

Còn việc giữ thóc thường phải phơi phóng khó nhọc, thiếu lại phải đền, nên phụ cấp ông thủ quĩ mỗi năm là bao nhiêu, để phụ vào chỗ hao hụt, nhưng hãy để bao giờ công việc làm đến thì mới biết chừng sẽ định được lệ.

Điều ước này viết ra làm bảy bản, một bản lưu tại tòa công-sứ, một bản lưu tại tòa quan Tổng đốc, một bản lưu tại Phủ nha, còn bốn bản thì mỗi thôn giữ một bản làm bằng. Bản viết bằng chữ nôm có cả dân xã ký kết, lý trưởng áp triện và có chữ quan duyệt y.

Lục qua mấy điều trên này, chẳng qua để làm mẫu cho mấy làng khác. Nhưng mỗi nơi có một tình thế riêng, nếu xã nào muốn lập nghĩa sương thì cũng nên châm chước, tùy tiện mà gia giảm, miễn là hợp với tục dân mình, bất tất phải câu nệ thái quá. Mà nếu làng nào có lập ra được cái qui trình chắc chắn hơn thì lại càng hay lắm.