Việt Nam phong tục/II.30

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

XXX.— HỘI CHƯ BÀ

Làng đã có chùa, tất có hội chư bà. Chư bà là những đàn bà từ năm mươi tuổi trở lên hoặc người đã có tuổi mà góa chồng, mượn cửa chùa làm nơi vui thú.

Bà nào muốn qui Phật, trước hết phải biện cái lễ trầu cau vàng hương lên lễ Phật, nói với nhà sư xin thọ giới, vào hội qui y gọi là chư bà hay là bà vãi. Chư bà mới vào hội mỗi tối phải lên chùa học kinh kệ hoặc là nhà sư dạy hoặc là các vãi dạy lẫn nhau. Mỗi tháng về ngày sóc ngày vọng lên chùa lễ Phật; về mùa hè thì mỗi tối lễ Phật năm trăm lạy để cầu phúc. Ai không lên được chùa, ở nhà cũng mỗi tối tụng kinh niệm Phật đến nửa đêm mới thôi.

Tháng tháng phải đóng tiền góp gạo cúng cấp về nhà chùa, cũng như lệ hương ẩm của đàn ông. Khi ai có của ngon vật lạ gì tất đem dâng biếu nhà sư, gọi là hiến cúng. Nhà chùa có việc gì các vãi tất phải hết sức giúp đỡ, hết lòng lo giùm, không ai dám sai lời. Trong các vãi thế nào cũng phải cắt cử một người nhanh trai nhật dạ ở luôn trong chùa phục dịch, gọi là vãi thủ hộ.

Nhà sư ban phát cho chư bà thức gì, thì gọi là bố thí. Dẫu miếng trầu chén nước, cũng lấy làm quí trọng. Các vãi có khi kính nhà sư hơn cha mẹ sinh ra.

Vào hội chư bà phần nhiều là đàn bà nhà tầm thường, chớ nhà có học thức và các nhà sang trọng thì không mấy người chịu vào. Nhưng đôi khi bà già mến cảnh chùa chiền, thì người con cũng phải nể lòng để mẹ đi chùa cho vui. Hạng người ấy thì nhà sư phải chiều đãi tử tế, chớ không dám khi thị như người khác.

Hội chư bà cũng cắt lần lượt nhau, mỗi năm một người chứa đang cai, gọi là bà trưởng. Các khi dân làng kỳ thần bái xã, và những khi lễ kỳ an, lễ miếu này miếu khác thì người đang cai phải biện lễ trầu cau, vàng hương hoặc oản quả để các bà đi lễ. Mỗi năm cũng có sửa lễ, lễ thánh sư một kỳ, hội tự ăn uống với nhau.

Khi nào trong làng có người mất thì người đang cai phải thông báo cho hội biết để đi hộ phúc. Dân làng cũng phải khoản đãi hội chư bà như hàng bô lão.

Chư bà làng nọ giao thiệp với chư bà làng khác, gọi là hội thập phương, có nơi gái góa chừng bốn mươi tuổi đã vào hội chư bà, cho nên lại có lệ: hễ đã vào hội chư bà mà ai chửa thì phải vạ, mà tước ra không cho vào hội nữa.

*

* *

Hội chư bà, một là người đàn bà già cả ở nhà thì buồn bã không vui, muốn mượn cửa thiền để khuây khỏa lúc cảnh già, hai là những người mê tín đạo Phật, nghĩ mình thuở bình sinh nhiều điều ác nghiệt, e mai sau mất đi thì phải vào ngục Diêm Vương cho nên nương thân cửa Bụt ngày đêm tụng kinh cầu Phật Trời phù hộ mạnh khỏe sống lâu, mà ngày sau mất đi được về Tây phương cực lạc thế giới. Vậy nên động nói là nam mô, động đi đâu là lạy chín phương trời, mười phương chư Phật. Có người già cả yếu đuối cũng cố bò đến cửa chùa khấn la khấn liệt, lạy lấy lạy để, ấy thực là một điều mê tín của đàn bà ta, mà không ích gì cho dân mình cả.

Vả, mỗi tháng đóng góp vào nhà chùa, người có của hay là có con cái giúp đỡ cho đã vậy; người không có con và người không có của mà cũng chịu khó nai lưng cố sức làm ăn, để gánh vác một vai lính nhà Phật, sao mà thiên hạ xuẩn làm vậy?

Song điều đó chẳng nên trách gì các bà già, chỉ vì nữ giới nước ta không có học thức mà thôi, mà đàn bà không có học thức, cũng bởi cách giáo dục chưa rộng vậy.