Bước tới nội dung

Việt Nam phong tục/II.31

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

XXXI.— HỘI TƯ CẤP

Trong làng hoặc mươi, mười hai người, hoặc vài chục người rủ nhau lập một hội tư giúp lẫn nhau, gọi là hội tư cấp.

Hội tư cấp chìa ra làm nhiều cách.

1.— Họ mua bán. Một người cầm cái họ, hoặc trong hội cắt lần lượt mỗi người cầm cái một năm. Cứ đầu năm về trung tuần tháng giêng hoặc sang đầu tháng hai thì người cầm cái mời người chơi họ đến hội tại nhà mình. Đính ước với nhau, chia làm hai, ba hạng đóng tiền, hoặc mỗi tháng mỗi người đóng ba đồng, hai đồng, một đồng, năm hào gọi là họ nhỏ; hoặc mỗi tháng mỗi người đóng mười đồng, sáu đồng, gọi là họ lớn. Tùy ai muốn chơi hạng nào hay là chơi mấy tên cũng được.

Ai chơi đề tên vào sổ, gọi là sổ họ. Cứ tháng đến ngày gọi thì bao nhiêu người chơi họ họp lại ở nhà chủ mà mua bán với nhau. Cách mua bán hoặc dùng cách gắp thăm, hoặc dùng cách bỏ tiền úp bát.

Gắp thăm thì phải định hạn trước, ví dụ như mười người chơi họ, mỗi người góp mười đồng một tháng, thành ra mỗi tháng có một trăm đồng. Hôm mua bán, hạn cho chỉ được mua tám mươi đồng, còn hai mươi đồng để ra chia lãi cho các người chưa mua và để ra dăm ba đồng chi vào tiền phí tổn trầu cau và tiền chi công khó nhọc cho nhà chủ. Thăm thì đề tên mỗi người chơi họ vào một mảnh giấy rồi viên tròn lại, bỏ vào một cái ống, hễ gắp được tên ai ra trước thì người ấy được hốt họ.

Úp bát thì không có hạn định nào, ví dụ như mười người đóng thành một trăm đồng, mỗi người bỏ mấy đồng kẽm hoặc xu ở dưới, úp cái bát lên trên, mỗi đồng kẽm là một đồng bạc, bỏ lên trên bát thì mỗi đồng kẽm là một hào chỉ. Úp xong cả một lượt thì nhà chủ theo lần lượt mà mở. Hễ người nào bỏ tiền nhiều hơn thì được, như Giáp bỏ mười đồng năm cắc, Ất bỏ mười hai đồng năm cắc, Bính bỏ mười ba đồng thì Bính được hốt họ, v.v... Mua bao nhiêu thì được lấy bấy nhiêu, còn thừa cho các người chưa mua và cũng để tiền trầu cau cho nhà chủ.

Mua rồi thì ký vào sổ, từ tháng sau người chưa mua lại họp mà mua bán, người mua rồi thì thôi, hoặc được ăn lãi theo thì phải đóng cả số tiền của mình chơi cho đến khi hết họ.

Họ ấy gọi là họ mùa, đến tháng năm lại bắt đầu mở họ khác, gọi là họ chiêm. Họ đóng nhiều năm ít năm, tùy lúc đính ước, nhưng phần nhiều thì chỉ chơi một năm.

Người cầm cái được phép lấy dưng một tháng họ, nghĩa là lấy cả toàn số tiền không phải chia lời cho ai đồng nào.

Họ của một người có tư bản cầm cái thì là kế sinh lợi được bao nhiêu lời một mình người ấy hưởng; họ cầm chung của một hội thì tiền lời để làm công nhu cho trong hàng hội.

Cách họ mua bán này, ai có cần đến tiền buôn bán hoặc tiêu việc gì mới mua, ai không cần thì để dành lấy lời, rồi cuối năm hoặc khi hết họ mới hốt, gọi là hốt dốc ống.

Người cầm cái phải khó nhọc đi mời, đi thu tiền, hễ người mua rồi mà không đóng được thì người ta chỉ trách cứ người cầm cái mà lấy tiền. Cho nên người cầm cái kể tiếng được ăn nhiều lời, mà cũng lắm khi phải bồi thường cho người khác, có khi đến vỡ nợ.

2.— Họ hiếu. Hội này cũng cắt lần nhau mỗi người làm chủ một năm.

Hễ trong họ, ai có tứ thân phụ mẫu mất thì người chủ tang đưa giấy hoặc trầu cau nói với người trưởng họ, trưởng họ phải báo cáo cho hết người trong hội, mỗi người phải đóng một vài đồng bạc hoặc góp bằng thóc gạo, để giúp cho nhà tang chủ, có nơi chơi họ bánh chưng, bánh dầy thì hàng hội phải làm bánh sẵn mà đem đến nhà tang chủ. Họ hiếu lại thường có tế, hàng hội phải đủ đồ tang phục mà trợ tế cho hiếu chủ. Hôm cất ma, họ hiếu đều phải mặc áo trắng đi đưa đám.

Họ hiếu nhà chủ hoặc phải cơm rượu khoản đãi hoặc không phải, tùy lệ định với nhau.

3.— Họ hỉ. Hội này hoặc làm nhà, hoặc cưới vợ cho con, hoặc có việc gì vui mừng, đều được phép hốt họ. Trong họ mỗi người cấp bao nhiêu, tùy lệ định trước. Người có việc hỉ, đưa trầu đến trưởng họ, rồi họ đính ước ngày nào đến mừng thì đem tiền đến đóng.

Nhiều khi hiếu, hỉ họp làm một họ, hiếu thì bất kỳ lúc nào, nhà ai có người mất cũng được hốt ngay; việc hỉ thì thường mỗi năm cấp bốn kỳ, hễ ai có việc trước trình trước thì được hốt trước.

4.— Họ ăn tết. Về chốn quê thôn, thường có họ bánh chưng, họ thịt bò, thịt lợn, họ gạo, v.v... Người cầm cái mỗi tháng đi thâu mỗi người chơi họ độ một vài hào, tiền ấy đem ra sinh lợi, rồi cuối năm thì bỏ hết tiền ấy ra để hàng hội tậu bò, mua lợn, đong gạo làm bánh, phân phát cho mỗi người một phần để ăn tết. Cách này là mỗi người bỏ dần ra ít tiền từ trước để đến tết đỡ khỏi phải lo.

Cách tư cấp lẫn nhau của ta, mỗi người bỏ ra một ít tiền, đắp đổi lần hồi, tốn kém không bao nhiêu mà giúp cho một người nên được công việc, cũng là một cách lý tài khéo.

Song hiềm cách lý tài nhỏ nhặt quá, cả hội nhiều cho lắm chẳng qua vài chục người, đóng góp thì mỗi người nhiều mới đến một vài đồng, dăm sáu đồng, ít thì dăm ba hào, hạn kỳ lại ngắn ngủi, người có việc chẳng qua lấy được mươi mười hai đồng cho chí bảy tám chục. Nói đến cách lý tài bao nhiêu thì lại buồn cho cuộc sinh lý của ta bấy nhiêu.

Thế mà đã chắc gì đâu! Ở chốn hương thôn mỗi khi đóng một vài đồng bạc hoặc dăm bảy hào mà cũng nhiều khi có người không đóng được, ở thành phố thì mỗi kỳ đóng độ dăm sáu đồng cho đến một vài chục, mà thường thấy các bà cầm cái phải vật của nhà ra đóng đậy cho người khác, mà vỡ họ cũng nhan nhản chẳng thiếu gì.

Vậy thì kết cuộc đã nhỏ nhặt mà lại không có qui trình chắc chắn, đường sinh lý tài nào mỗi ngày mở mang ra được?

Tiếc rằng có cách hay mà không mấy người chịu mở cho to, làm cho chắc chắn. Giá thử cứ ý ấy mà suy rộng ra thì một là sinh lợi cho mình, hai là giúp được cho người khác nên việc to, có khi nhờ cách ấy mà buôn bán to được.

Còn như họ hiếu, họ hỉ, họ ăn tết, cũng là một cách nhỏ nhặt, chẳng đỡ được bao nhiêu, mà lại sinh phiền cho lúc thu lúc đóng. Lắm nơi lại bày ra cách ăn uống thì lại phiền nữa. Cả họ đỡ độ ba bốn chục, ăn uống lại tổn mất một hai chục thì còn ích gì cho người có việc.