Việt Nam phong tục/III.15

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

XV.— VÕ NGHỆ

Võ nghệ của ta cũng có nhiều cách, nhưng có mấy lối thường dùng nói qua sau này:

1.— Tập xách nặng. Dùng một hòn đá hoặc quả chì nặng độ năm, sáu chục cân, khi tập giơ lên nhắc xuống cho cứng gân xương, tập được rồi lại lần lần dùng quả nặng hơn mà tập.

2.— Tập đu. Kiếm cành cây nào dễ vin, hoặc giồng cột bắc giá, mỗi ngày thong thả đánh đu một vài dạo. Hai tay vin cành cây hoặc giá đu từ từ mà đưa mình lên và hạ mình xuống độ năm, sáu lần, hễ đưa được thẳng cánh tay đem đầu gối lên sát cành cây hoặc giá đu thì mới được và lại tập lộn mình trên giá cho dẻo gân xương.

3.— Luyện chân tay. Trước hết dùng một thùng thóc, mỗi ngày giương thẳng hai bàn tay mà đâm xỉa vào thóc, lâu rồi gân tay rắn chắc, có thế đâm thủng được cây chuối. Luyện chân thì tập đá vào cây chuối, đá mãi thành chai, có thể đá vào tường gạch cũng không biết đau.

4.— Tập nhảy. Kiếm một chỗ gò thấp, mỗi ngày tập nhảy. Thoạt tiên bỏ đầy cát vào hai ống quần, buộc lại mà nhảy. Trước nhảy còn nặng sau dần dần quen mà nhẹ đi. Đến lúc tập được bỏ hết cát đi, thì nhảy nhẹ mình lắm, có thể cao tới mái nhà cũng nhảy được.

5.— Tập côn, tập đấu rồi tập khiên mộc, tập múa đại đao. Mỗi cách đã có một bài dạy, khi động, khi tĩnh, khi lên khi lui, khi múa mình khi nhảy nhót, đều có phép cả. Thầy dạy võ cầm mõ làm hiệu, học trò nghe theo tiếng mõ mà đi bài.

Trong khi tập thường phải ăn cháo cho nhẹ người dễ tập. Nếu lúc mới tập mà đau gân xương thì nấu nước lá tre mà xông mình hoặc uống thì khỏi và lại khỏe thêm ra nữa.

Võ kinh của ta thì chẳng qua chỉ những cách xem giờ, kén ngày, coi thiên văn, xét địa lý, tính nhâm độn và các phép huyền ảo, v.v...

Còn phép thi võ về những triều trước thì không rõ thế nào. Duy bổn triều ta, từ năm Minh-Mệnh thứ mười bảy, mới mở khoa thí võ ở Thừa-thiên, sau lại mở thêm trường thi ở Hà-nội và ở Thanh-hóa. Năm Thiệu-Trị thứ năm, nghị định cứ năm Tí, Ngọ, Mão, Dậu thì mở khoa võ hương thí, Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thì mở khoa võ hội thí. Cứ thi văn chương thì kế đến thi võ.

Cách thức thi chia làm ba kỳ:

Kỳ thứ nhất xách tạ. Quả tạ đúc bằng chì, nặng một trăm hai chục cân an-nam. Hai tay mỗi bên xách một quả, đi được mười sáu trượng (mỗi trượng vào bốn thước tây, mười sáu trượng thành ra sáu mươi bốn thước tây) trở ra; hoặc xách một tay một quả, đi được ba mươi hai trượng trở ra thì là ưu hạng, xách hai quả đi được mười hai trượng trở ra, xách một quả đi được hai mươi bốn trượng trở ra thì là bình hạng, xách hai quả đi được tám trượng trở ra, xách một quả đi được mười sáu trượng trở ra thì là thứ hạng. Không được như số ấy là liệt hạng.

Kỳ thứ hai thi múa côn sang. (Thời Minh-Mệnh kỳ này thi múa côn đánh quyền, và đấu gươm mộc, đến thời Thiệu-Trị mới đổi cách này). Côn sắt nặng 30 cân, chia ba cầm một phần côn, vừa đi vừa múa và làm bộ nhảy nhót đâm đánh, hễ đi được ngoài sáu chục trượng là ưu hạng, ngoài năm chục trượng là bình hạng, ngoài bốn chục trượng là thứ hạng, không đầy số ấy là liệt hạng.

Ngọn sang (ngọn giáo) dài bảy thước bảy tấc an-nam, người thi một tay cầm đốc sang, một tay cầm giữa khúc, đứng cách người bù nhìn ba trượng, múa may nhảy nhót ba, bốn bước, rồi mắt nhìn cho kỹ, chạy tuột đến đâm giữa rốn bù nhìn. Hễ đâm trúng mà suốt mũi sang thì là ưu hạng, trúng không là bình hạng, trúng sượt qua là thứ hạng, không trúng là liệt hạng.

Kỳ thứ ba thì bắn súng hiệp. Đứng cách xa chỗ ụ bắn hai chục trượng năm thước, bắn 6 phát súng, hễ hai phát trúng đích, một phát trúng vành tròn, ba phát trúng ụ đất là ưu hạng; một phát trúng đích, một phát trúng vành tròn, bốn phát trúng ụ đất là bình hạng; hai phát trúng vành tròn, bốn phát trúng ụ đất là thứ hạng; sáu phát không trúng cả, hoặc trúng đích được một phát đều là liệt hạng.

Quán cả ba kỳ, hễ ai có ưu bình thì lấy đỗ vào hạng võ cử nhân, toàn một hạng thứ thì lấy đỗ vào hạng võ tú tài. Kỳ phúc hạch hỏi vài ba câu võ kinh, tùy văn lý mà chia thứ bậc trên dưới.

Phép thi hội cũng y như phép thi hương, duy mỗi kỳ phải nặng hơn thi hương một chút. Ví như thi hương quả tạ nặng một trăm mười cân thì thi hội phải nặng một trăm hai mươi cân, thi hương đi mười sáu trượng thì thi hội phải đi hai mươi trượng. Thi trúng đủ ba kỳ cho vào hạng trúng cách. Kỳ đình thí ai biết chữ thì vào, không biết chữ xin thôi cũng được.

Đình thí hỏi một bài đại nghĩa trong võ kinh, một vài điều yếu lược về phép dùng binh của danh tướng lịch triều và một vài điều thời sự. Xét văn lý hơn kém thế nào rồi định phân số. Hễ có phân số thì lấy đỗ vào hạng võ tiến sĩ, ban áo mũ cờ biển, cho vinh qui cũng như tiến sĩ thi văn. Ai không được phân số nào, hoặc chỉ trúng hội thí mà không vào đình thí thì cho đỗ vào hạng phó bảng.

*

* *

Văn võ bao giờ cũng phải dùng cả đôi đường, chớ không bỏ đường nào được. Có văn thì mới gây dựng nên mối thái bình, mà có võ thì mới dẹp yên được những lúc nguy biến. Vì thế nước ta xưa kia, đã có thi văn thì tất phải thi võ, tuy những lúc bình thời không cần đến ngọn giáo mũi gươm mà vẫn không bỏ được.

Song mỗi thời một khác, khi xưa làm đến việc chiến trận, hai bên còn đấu quân đấu tướng, còn dùng đến kiếm kích qua mâu, còn phải đợi đến người sức hùm tay vượn, mới quyết được thắng bại ở nơi chiến trường, chớ bây giờ chỉ quyết được thua bằng trí khôn, bằng tiền của, bằng quân khí gớm ghê, dẫu có tài nhất nhân địch vạn như Triệu-tử-Long, có sức giang đỉnh bạt sơn như Sở Hạng-Võ so với thời này chắc cũng không đứng vững được với một trái đạn. Vậy thì võ nghệ ngày xưa thực là vô dụng cho đời nay lắm.

Ta lại phải một điều nữa là văn võ chia ra làm đôi đường. Người thông thái biết chữ thì thường sức yếu như sên có khi gió mạnh phải ngã, mà người có luyện tập gân cốt, mạnh mẽ hơn người thì thường dốt đặc cán mai, một chữ chi chẳng biết. Ấy đều là cách giáo dục của ta chưa được hoàn toàn.

Từ khi nhà nước bảo hộ bỏ cách thi võ, dẫu không cần gì phép võ của ta, nhưng trong cách giáo dục, có riêng một khoa thể thao thì chẳng khác gì dạy ta phép võ mà phép võ ấy mới là có ích, nghĩa là võ không cần phải đánh nhau với ai, chỉ cốt luyện tập cho nên người khỏe mạnh để giúp thêm cho trí thức đặng mà gánh vác mọi việc đời.