Bước tới nội dung

Việt Nam phong tục/III.18

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

XVIII.— NGHỀ BÁCH CÔNG

Đường công nghệ của ta thì kém lắm. Duy có mấy nghề mới độ vài chục năm nay người nước ta đã chịu khó dùng công làm kỹ càng, và kiểu cách mới, như nghề khảm xà cừ, nghề thêu, nghề trổ chạm gỗ gụ, nghề đúc đồ đồng, v.v... các nghề ấy cũng đã tấn tới, có thể cho vào bực xảo kỹ, và có thể bán ra ngoại quốc, tranh được ít nhiều mối lợi với hoàn cầu.

Lại còn mấy nghề đang học dở-dang, chưa được tinh xảo lắm, như nghề nặn tượng đất, nghề làm mũ theo kiểu tây, nghề đan bít tất, nghề đóng giày tây, nghề rút mây làm ghế ngồi, nghề làm pháo, nghề khắc chữ đồng, nghề xi bạc, v.v... các nghề này thông dụng cũng nhiều nếu khi ta học được đến nơi đến chốn, làm cho chắc chắn, tốt đẹp khéo léo thì dẫu chẳng bán ra nước ngoài nhưng cũng giữ được tiền của trong nước khỏi xổng ra ngoài nhiều lắm.

Lại có mấy nghề cũ của ta xưa nay thông dụng ở trong nước rất mạnh mà chưa có thể tranh lợi được với ngoại quốc như nhiễu Bình-định, the La-khê, lụa Cổ-đô, Nguyễn Xá, bút Bạch-liên, mực Kiêu-kỵ, giấy Yên-thái, vải Thượng-hội, giày Trúc-Lâm, chiếu cói Thiện-trạo, đồ sành Bát-tràng, đồ mây Phú-Vinh, nón lông Kim-động, v.v..., các thứ nầy tuy là người trong nước dùng nhiều nhưng không ai chế ra được kiểu cách mới nào cho thích mắt và hợp dụng với người ngoại quốc, lại e có khi người trong nước dùng mãi cũng chán mà bỏ tiền mua của nước ngoài thì thiệt hại cho của trong nước lắm.

Lại có mấy nghề rất lớn lao, rất đại lợi, nước ta nhiều người có chí ước ao muốn mở mang mà chưa học được và chưa có thể làm được như nghề chế đồ sứ, nghề dệt vải cát-bá, nghề đúc đồ pha lê, nghề đúc sắt, v.v... các nghề ấy mới là đại dụng nhưng phải tốn nhiều tiền mới lập được nên công xưởng máy móc mà làm, ước sao cho trong nước có được vài ba công ty to mà làm những nghề ấy.

Còn như mấy nghề làm thợ như thợ sơn Đình bảng, thợ khắc Nhị-khê, thợ đồng Ngũ xã, thợ mộc Nhân hiền, thợ nề Yên phụ, thợ đá Quảng-nam, thợ vàng Định công, thợ bạc Đồng tham, v.v... thì cũng là các nghề kiếm ăn ra tiền, nhưng chẳng nghề nào là nghề tấn tới thịnh vượng cho nên người làm thợ chỉ kiếm đủ nuôi miệng, có khi ráo mồ hôi thì hết tiền.

*

* *

Công nghệ là các thứ cần dùng ở trong nước, hoặc cần để ăn, hoặc cần để ở, hoặc cần để trang sức, hoặc cần để dùng vào việc nọ việc kia, thiếu một nghề nào thì kém một thức dùng ấy. Trong nước đã thiếu đồ dùng tất phải mua của ngoại quốc mà dùng, mua của ngoại quốc bao nhiêu tất thiệt hại cho của cải trong nước bấy nhiêu. Vả lại nhân tình ai là chẳng muốn dùng đồ đẹp, đồ tốt, đồ chắc chắn vững bền, đồ hoa mỹ thanh lịch. Nếu trong nước có đồ dùng mà xấu xa thô bỉ thì người ta chẳng mấy khi muốn nhìn đến, té ra có cũng như không. Vậy muốn giữ cho khỏi hao của thì tất trong nước phải đủ thứ dùng mà đồ dùng phải cho hợp ý người ta, nếu lại muốn chọi khéo để tranh lợi với hoàn cầu thì lại phải chế ra đồ tốt như người ta hoặc hơn người ta mới được.

Nước ta, công nghệ thì cũng chẳng thiếu thứ gì, nhưng chỉ vì tính người mình không biết quí trọng công nghệ, người làm nghề tựa hồ như bất đắc dĩ không học được mà làm quan, chẳng lẽ ngồi khoanh tay mà chịu chết mới phải xoay ra làm nghề mà thôi. Mà làm nghề thì không cần gì lấy tinh xảo, chỉ cốt làm cho bán rẻ tiền được nhiều người mua là hơn. Nghề như thế thì mong sao cho tấn tới thịnh vượng được, mà công nghệ suy nhược, lại là vì người có học thức không chịu làm, người chịu làm thì lại là người không có học thức, chẳng qua chỉ theo lối cũ nghìn năm xưa chớ không nghĩ được cách thức mới nào nữa.

Ít năm nay, có trường bách công dạy dỗ, có lắm lời tân học cổ động thì cũng đã tỉnh ngộ ra ít nhiều và cũng đã có người sinh được nghề khéo, học được nghề mới, tranh được lợi buôn bán một đôi ít rồi. Song cái tính khinh đường công nghệ của ta thì vẫn chưa bỏ được. Dầu có người nhờ công nghệ mà làm nên giàu có song vẫn tự coi mình đê tiện, phải mượn cái phấn ông hàn ông bá mới là vẻ vang. Tục ngữ có câu rằng: « Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. » Lại có câu rằng: « Ruộng bề bề chẳng bằng một nghề trong tay ». Than ôi! cổ nhân ta đã có những câu ấy mà ta không ai biết trọng là cớ sao vậy?