Việt Nam phong tục/III.24

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

XXIV.— TƯỚNG THUẬT

Phép xem tướng có cũng đã lâu. Bên Tàu có những sách Ma-y tướng-pháp, Liễu-trang thủy-kính, Vương-thị phong-giám, Tướng-lý hành-chân, v.v... Các sách ấy luận về cách xem tướng đã tường, mà cứ lời trong sử sách để lại thì ứng nghiệm cũng nhiều lắm. Bên ta cũng nhiều người tin theo sách tướng, song người thông thái không mấy người chịu lưu tâm kê cứu cho tinh, chỉ những hạng thường thường học võ vẽ đôi ba phép, rồi dở nghề kiếm ăn mà thôi.

Phép xem tướng nhiều lắm, nói đại khái mấy phép yếu ước như sau này:

A.— Xem trên bộ mặt. Bộ mặt chia làm mười hai cung, mỗi cung chủ về một việc.

1) Ấn-đường (ở giữa hai bên lông mày) gọi là mệnh cung, chủ về bản mệnh. Hễ sáng sủa nở nang thì chắc là người phúc hậu khoa hoạn, ngấn da rối rít thì tổn thọ.

2) Hai bên mũi gọi là cung tài bạch, chủ về của cải. Hễ phổng pháp sáng sủa, chắc giàu có; hình như huyền-đảm thì giàu to. Nếu nhọn hớt mỏng mẻo tất nghèo hèn.

3) Hai bên đầu lông mi gọi là cung huynh đệ, chủ về anh em. Lông mi dài tốt thì anh em đông đúc vui vẻ, thưa ngắn thì anh em ly biệt cô độc, có lông mọc ngược thì chắc anh em thù nhau. Thanh mà có vẻ, tất là người quí hiển thanh cao. Lông mi dài, chủ thọ.

4) Hai mắt gọi là cung điền trạch, chủ về cửa nhà ruộng nương. Nếu trong trẻo, đen trắng phân minh. Hễ minh nhuận chắc cửa nhà giàu có; nếu đê hãm hôn ám thì chắc điền trạch phá hại. Con mắt lại là tinh tú nhất cả trong người, nhiều sự quan hệ ở trong đó.

4) Ngọa tàm (hai ổ dưới mắt) gọi là cung nam nữ, chủ về con cái. Hồng hào đầy đặn, lắm con. Dưới mắt bên tả có cái ngấn ngọa tàm, chủ sinh quí tử.

6) Ngư vĩ (hai bên đôi mắt) là cung thê thiếp, chủ về đường vợ chồng. Sáng sủa không có ngấn sâu thì vợ chồng hay: đầy đặn lắm vợ nhiều con, lõm thấp dâm loạn.

7) Địa các (dưới cằm) gọi là cung nô bộc, chủ về việc tôi tớ. Đầy đặn nhiều tôi tớ, khuyết lõm không đứa nào.

8) Sơn côn (sống mũi) gọi là cung tật ách, chủ về tật bịnh. Đầy đặn ít tật bịnh, sâu lõm thâm tím hay đau yếu.

9) Hai bên gò má cạnh trái tai gọi là cung thiên di, chủ về đi ra ngoài. Sáng sủa ra ngoài hay, đen tối hoặc lõm thấp và có nốt ruồi, không nên đi xa.

10) Đỉnh trán gọi là cung quan lộc, chủ về việc công danh. Sáng sủa đầy đặn, công danh thanh thản.

11) Hai bên sát trái tai, ngoài cung thiên di, gọi là cung phúc đức, chủ về phúc-ấm nhà mình. Đầy đặn sáng sủa thì chắc được hưởng phúc lộc vô cùng.

12) Gò trán đôi bên gọi là cung phụ mẫu, chủ về việc cha mẹ. Cao và sáng sủa, cha mẹ sống lâu; hắc hãm, cha mẹ có bệnh. Lệch góc bên tả cha mất trước, lệch góc bên hữu mẹ mất trước.

Trên bộ mặt lại chia làm tam đình: Thượng đình từ chân tóc đến lông mày, chủ về tiền vận, nở nang sáng sủa thì tiền vận hay; trung đình từ lông mày đến dưới mũi chủ trung vận, đầy đặn ngay ngắn thì trung vận sung sướng. Hạ đình từ dưới mũi đến cằm, chủ hậu vận, đầy đặn nở nang thì hậu vận thanh thản.

B.— Xem bàn tay. Bàn tay chia làm tám cung: kiền, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, không, đoài. Còn ở giữa là minh đường.

1) Kiền ở góc tây bắc bàn tay, cao thì được ơn cha nhờ mẹ, thấp thì tổn cha mẹ.

2) Khảm ở chính bắc bàn tay, cao thì cơ nghiệp vững bền, thấp thì tan nát.

3) Cấn ở góc đông bắc bàn tay, cao thì cửa nhà ruộng nương thịnh vượng, thấp thì anh em đơn thưa.

4) Chấn ở chính đông bàn tay, cao thì vợ con hay, thấp thì vợ con không ra gì.

5) Tốn ở góc đông nam bàn tay, cao thì lắm của cải, thấp thì nghèo kiết.

6) Ly ở chính nam bàn tay, cao thì quan lộc tốt, thấp thì kém lộc.

7) Khôn ở góc tây nam bàn tay, cao thì con cái đông đúc, thấp thì ít con.

8) Đoài ở chính tây bàn tay, cao thì đầy tớ nhiều, thấp thì không có.

9) Minh đường ở giữa lòng bàn tay, sáng sủa sinh nhiều sự hay, hắc hãm bị nhiều tai nạn.

C.— Xem ngón tay. Tay có năm ngón, mỗi ngón có một tướng riêng.

1) Ngón tay cái gọi là đại-chỉ. Hễ đốt ngót tay này có nhiều văn xoáy tròn phân minh thì chắc là văn học giỏi.

2) Ngón thứ hai gọi là thực chỉ. Đốt ngón tay này nên ngay ngắn tròn trặn. Nếu vênh ra ngoài mà lìa ngón giữa, tất phải nghèo khổ; ngắn, tổn vợ, sợ vợ; cong, lao lực giang hồ, ngắn quá cô độc.

3) Ngón tay giữa gọi là trung chỉ. Xem tướng cốt ở ngón này, nên quang nhuận; văn ngón ấy nếu lệch lẹo, công danh trắc trở; văn phản lại, nghèo hèn.

4) Ngón thứ tư gọi là ngón vô danh. Ngón này ứng về anh em vợ con. Nếu quang nhuận, không có văn tréo nhau là tốt; lệch lẹo, tất anh em cách biệt và thương tổn thê thiếp. Ở khe dưới kín đáo, hậu vận hưởng tài lộc sung sướng.

5) Ngón út gọi là tiểu chỉ. Nếu thanh tú, có văn tréo nhau chắc sống lâu. Đầu ngón tay dài quá ngấn trên ngón vô danh, chắc là người khéo, lắm nghề tài.

D.— Các cách. Trong tướng pháp lại có mấy cách tương hợp như sau này:

1) Tướng ngũ-tràng. Ngũ tràng là đầu dài, mặt dài, thân dài, tay dài, chân dài. Ngũ tràng mà mặt mũi cốt tướng vạm vỡ thanh tú, thì mới hay; nếu xương khô gân lộ thì dẫu ngũ-tràng cũng là tướng bần tiện. Trong tướng ấy nếu chân dài tay vắn cũng là tướng bần tiện, nếu chân vắn tay dài thì chắc là tướng phú quí.

2) Tướng ngũ-đoản. Ngũ đoản là đầu vắn, mặt vắn, thân vắn, tay vắn, chân vắn. Ngũ đoản mà được xương thịt nhỏ nhắn, ấn đường sáng sủa, ngũ nhạc triều tiếp thì là tướng đại quí; nếu xương thịt thô lộ xấu xa, ngũ nhạc lệch lẹo thì là tướng hạ tiện. Trong tướng ấy nếu trên dài dưới vắn, cũng là chủ phú quí; nếu trên vắn dưới dài thì chủ bần tiện.

3) Tướng ngũ lộ. Ngũ lộ là mắt lồi, mũi lõ, tai bạt, môi chẩu, cổ lộ hầu. Mắt lồi tổn thọ, mũi lõ chết đường, tai bạt ngu si, môi chẩu chết không được tử tế, cổ lộ hầu chủ nghèo, chết non. Nếu được toàn ngũ-lộ thì lại là hay.

4) Tướng ngũ-tiểu. Ngũ tiểu là đầu nhỏ, mắt nhỏ, bụng nhỏ, tai nhỏ, miệng nhỏ. Ngũ tiểu mà đều ngay ngắn nở nang thì là quí cách, hoặc đầu nhỏ mà sống óc gồ cao, mắt nhỏ mà thanh tú, bụng nhỏ mà tròn trặn, tai nhỏ mà vành rộng, miệng nhỏ mà môi răng ngay ngắn thì lại là tướng đại quí, nếu ba bốn thứ nhỏ mà một vài thứ to lại là tướng bần tiện.

5) Tướng lục tiện. Lục tiện là: không biết sự xấu hổ, là một điều hèn, gặp việc gì cũng cười sằng sặc là hai điều hèn; không biết đường nên tiến thoái, là ba điều hèn; hay nói xấu người ta là bốn điều hèn; hay khoe hợm cái tài của mình là năm điều hèn; hay nịnh hót là sáu điều hèn. Tướng ấy là tướng tiểu nhân.

Ngoài các cách trên này, còn nhiều cách nữa, như là xem tai, xem miệng, xem râu, xem tóc, xem vai, xem ngực, xem lưng, xem vú, xem rốn, xem tướng ngồi, tướng đứng, xem tướng ăn, tướng nằm, xem lời ăn tiếng nói, xem tâm tính tinh thần, v.v... Nhưng cốt nhất là xem thần khí, mà cách xem đều có phép riêng, thường lại ghép với ngũ hành, bát quái, ngũ tinh, lục thần, lưu niên vận khí, kể ra lôi thôi lắm. Nếu muốn biết cho tường tất, thì phải xem đến sách tướng mới đủ.

Ta cũng có mấy câu tướng pháp tục truyền như sau này:

Thượng bộ: Hói đầu sống lâu — mắt to cứng cỏ — mắt lá răm đa tình — mắt trắng bạc bẽo — mắt đỏ hung bạo — mắt lươn tinh vặt — mắt tròng trộm gian phi — con mắt lá răm lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền — môi thâm thiểm độc — Đàn ông miệng rộng thì sang, đàn bà miệng rộng tan hoang cửa nhà — mỏng môi hay hớt dày môi hay hờn — mũi hớt thì nghèo mũi huyếch thì hoang — Đàn bà mũi dọc dừa vượng phu ích tử; mũi gẫy, mũi tẹt nghèo hèn. Trẻ con mũi có gân xanh, hay sài — tai to sống lâu, tai dầy giàu có — Đàn bà có gò má cao sát chồng — Răng cửa to là người thật thà — Râu quặp sợ vợ — râu tôm chết non — Nốt ruồi ở cổ là lỗ tiền chôn, nốt ruồi ở tay ăn vay cả đời — Mắt khó đăm đăm, tát nước đầm không cạn.

Trung hạ bộ: Đàn bà lưng chữ ngũ vú chữ tâm, nhiều con — Vai u thịt bắp là tướng ngu hèn — Bàn tay đầy, bàn chân đầy là tướng phúc hậu giàu có — Ngón tay búp măng là người đảm đang — ngón tay chuối bụt là người thô tục — móng tay dầy là người gan — móng tay mỏ xẻ là người hiểm — Bàn tay gà bới thì khó, chó bới thì giầu — Sâu rốn sống lâu — Khô chân gân mặt đắt tiền cũng mua.

Cách điệu: Dáng ngồi như chuông úp, giàu có — Đi vặn mình và cắm đầu đi trước là tướng chết non — Đi đứng vững vàng là người phúc hậu. Đi hấp tấp là tướng vất vả — Ăn uống khoan thai là tướng thanh cao, ăn uống nhồm nhoàm là người thô tục — Nam thực như hổ, nữ thực như miêu (đàn ông ăn như hùm, đàn bà ăn như mèo) — Nằm co thì giàu, nằm sóng sượt thì hèn — ngủ ngáy o o, chết yểu — Thực tốc hành trì, quí nhân chi tướng (ăn mau đi chậm là tướng quí nhân), cười nửa miệng là người sâu sắc — Nói rít hai hàm răng là người cay nghiệt — Chưa nói đã cười là người vô duyên.

*

* *

Người ta bẩm thụ khí chất của trời đất mà sinh ra, có người được khí thanh tú, có người phải khí ô trọc; có người được chất tinh anh, có người phải chất thô bỉ. Thanh tú, tinh anh thì rồi nên người hiền-hậu; ô trọc thô bỉ thì rồi ra người ngu xuẩn, người bạc ác. Khôn ngoan hiền hậu thì tất được hưởng những sự phú quí phong lưu, tràng thọ danh giá, mà hiện ra ngoài thân thể mặt mũi tất nhiên đầy đặn sáng sủa, ngay ngắn phương phi; ngu xuẩn bạc ác thì tất phải chịu những sự bần tiện khổ sở, tai nạn tật ách, mà hiện ra ngoài thân thể mặt mũi tất nhiên lệch lạc, tối tăm mỏng mẻo. Ấy là cái cớ sở dĩ có phép xem tướng.

Tục ngữ ta có câu rằng: nhân hiền tại mạo. Lại có câu rằng: khôn ngoan hiện ra mặt, què quặt hiện ra chân tay. Cũng là có ý ấy.

Tuy vậy, một cách xem tướng bề ngoài, cũng chưa đủ mà biết được kẻ dở người hay, vì là nhiều người do học thức tập nhiễm mà biến đổi tâm tính, thì hay dở không quan hệ gì bề ngoài nữa.

Cho nên lại có câu rằng: tướng mạo bất thư tướng tâm.

Vậy muốn biết người, chỉ cốt xem học thức, tâm tình, tài trí, phẩm hạnh thì mới biết rõ được người.

Kìa như Yến-Anh bé nhỏ, sao lại làm nên vị tướng quốc nước Tề. Bùi-Độ thấp lùn, sao lại làm đến ngôi tể tướng nhà Đường? Tang-duy-Hàn ở đời Ngũ-đại, mặt dài mình ngắn, quái dị xấu xa, sao lại làm đến bực công phu? Mạc-đĩnh-Chi ở bên nước ta mặt quắt thân lùn, hình thù đê tiện, sao lại đỗ đến Trạng-nguyên? Xem vậy đủ biết hiền ngu sang hèn cốt ở trong lòng, chớ ở mặt mũi chân tay, chẳng qua như cái vỏ ngoài mà thôi.

Thế mới biết bề trong tốt thì dẫu bề ngoài xấu xa, cũng đủ làm nên phong lưu phú quí, mà lại làm nên người danh giá vô cùng. Mà nếu trong bụng tàn nhẫn bất nhân, kiêu ngoa bạc ác thì dẫu mặt đẹp như ngọc, mắt sáng như gương, trán nở tai to, mũi cao miệng rộng, chẳng qua cũng như mã giẻ-cùi, dù có may mà giàu có phong vận nhất thì, nhưng đê tiện vẫn hoàn cách đê tiện, trăm năm để mãi tiếng cười về sau.

Trong sách tướng của ông Ma-Y nói rằng: « Hữu tâm vô tướng, tướng tùy tâm sinh; hữu tướng võ tâm, tướng trục tâm diệt » nghĩa là có bụng không có tướng, thì tướng phải theo bụng sinh ra; có tướng không có bụng, thì tướng phải theo bụng mà mất đi. Cũng là ý trọng bụng hơn tướng, mà lại cho là tướng tốt ở bụng mà ra, rất là lời chí lý.