Việt Nam phong tục/III.28
XXVIII.— CÔ HỒN
Cô hồn là người lấy nghề gọi hồn cho người ta mà kiếm ăn. Cô hồn phụng thờ ông Chiều bà Dí, không rõ điển tích thần ấy thế nào, nhưng chắc là thần hay đi chiêu âm hồn.
Nhà nào có người mất, thường mời cô hồn về nhà gọi hồn. Trước hết phải đi nhờ một người bà con lành vía đặt quẻ, đưa ra một cơi trầu và một món tiền trăm. Cô hồn cầm cơi trầu khấn khứa ông Chiều bà Dí để nhờ thần xuống âm phủ tìm âm hồn người mất về. Một lát âm hồn về nhập vào cô hồn kể lể khóc lóc, nói những tình cảnh biệt ly. Người nhà xúm xít vào hỏi, hỏi đâu nói đấy, nào ai là cha mẹ, nào ai là vợ là chồng, ai là anh em chú bác, con cái cháu chắt; lúc mất đem những gì, bởi sao mà mất, mất về ngày tháng nào, bây giờ ở dưới âm phủ làm gì, hễ nói câu gì trúng thì người nhà thưởng tiền cho cô hồn, mà nói sai thì trút tiền lại.
Khi hồn đang nói mà có người dữ vía bước vào, thì hồn đi ngay không nói được nữa. Hoặc khi hồn chưa về mà người nhà lấy nồi đất úp vào đầu ông táo hoặc bỏ muối vào bếp thì hồn cũng không lên. Tục cho là làm như vậy thì ông Chiều bà Dí không tra hỏi được táo quân mà đi tìm hồn về, cho nên không nói được.
Cô hồn nào nói hay, mỗi đám cũng kiếm được một vài đồng bạc; mà tiếng hay đồn đi, hết nhà này đón rước lại đến nhà khác, kiếm tiền cũng tốt lắm.
Có người thử thách, gọi hồn người sống cũng lên, cũng nói được việc nhà cửa việc nhà, cho nên tục lại cho là ông Chiều bà Dí tra hỏi Táo quân mà nói.
Đàn bà nhiều người tin cô hồn lắm. Hễ nhà bất hạnh có người mất, dẫu nghèo kiết đến đâu, cũng cố mời được cô hồn về gọi hồn một hôm mới bằng lòng. Có nhà gọi đi gọi lại hai, ba lần.
*
* *
Tục gọi hồn này cũng lạ. Đã cho là gọi được hồn người dưới âm, sao lại gọi được vía sống? Thế ra vía người sống cũng bị ông Chiều bà Dí lôi đi, phải lìa xác thịt mà nhập vào cô hồn ư? Bảo rằng ông Chiếu bà Dí tra hỏi Táo quân mà nói, vậy sao hơi động hồn lên thì khóc than kể lể, thế ra thần cũng biết khóc giả dối để lừa người ư? Xét cho kỹ chẳng qua cũng là một thuật giả trá kiếm tiền mà thôi.
Thử có ý mà nghe những lúc hồn lên, câu nào cũng là nói dựa nói dẫm, mà cứ lựa theo giọng người nhà mà xoay đầu lưỡi: con hồn lẻ bảy lẻ ba, còn hồn chẵn hai chẵn bốn. Ừ! chẳng chẵn thì lẻ chớ có sai thế nào được. Lạ gì đàn bà nhẹ miệng, hễ thấy nói hơi sai thì đã người nọ ấm người kia ứ, thì họ lại xoay ra giọng khác ngay, mà nghe thấy nói hơi trúng một chút thì vâng chịu ngay, họ thấy chịu thì họ nói đi lại mãi; ấy thế là cho làm hay lắm.
Có ai muốn thử hỏi một đôi câu bí ẩn trong nhà thì cô hồn chịu không nói được, lại cho là người dữ vía mà hồn phải thăng, chớ nào có chịu là nhắng mường đâu. Vậy mà động nói có cô hồn hay, đã tranh nhau mà mời, thực là lạ cho tính người đàn bà nước ta quá!