Bước tới nội dung

Việt Nam phong tục/III.29

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

XXIX.— CÁC CÁCH CHIÊM ĐOÁN

Ta nhiều cách chiêm đoán. Phàm việc tai tường họa phúc, từ việc quan hệ về quốc sự, cho đến việc quan hệ về tính mệnh, công danh, tài sản của riêng một người, đều có cách chiêm đoán cho biết trước. Ngoại giả cách bói toán đã nói trên kia lại còn nhiều cách nữa như sau này:

1.— Nhâm độn: Nhâm độn có nhiều cách, như độn bát môn, độn thị-tư, độn đại lục-nhâm, v.v... Song có cách giản dị hơn cả các phép là độn lục nhâm thời khóa.

Độn lục nhâm này, chia trong bàn tay trái làm sáu cung:

1) Đại an ở cung dần, thuộc kim;

2) Lưu-liên ở cung tỵ, thuộc thủy;

3) Tốc-hỉ ở cung ngọ, thuộc hỏa;

4) Xích-khẩu ở cung mùi, thuộc kim;

5) Tiểu-cát ở cung tý, thuộc mộc;

6) Không-vong ở cung sửu, thuộc thổ.

Phép này trước hết xem giờ gì, ngày tháng gì, rồi bắt đầu ở cung Đại-an khởi tháng giêng, tính theo sáu đốt trên này cho đến tháng xem quẻ, rồi lại tự cung ấy mà khởi ngày mồng một tính cho đến ngày xem quẻ; rồi lại tự cung ấy mà khởi giờ tý tính cho đến giờ xem quẻ. Giờ xem quẻ trúng vào cung nào thì cứ xem bài thơ đã giải sẵn ở cung ấy mà đoán việc mình, hoặc suy lẽ ngũ hành sinh khắc mà đoán.

Thí dụ: giờ thìn ngày mồng 5 tháng 3 xem quẻ thì kể tháng giêng từ cung Đại-an, tính theo cung ấy, tháng hai là cung Lưu-liên, tháng ba là cung Tốc-hỉ. Rồi lại tự cung Tốc hỉ khởi mồng một, thì mồng hai là cung Xích-khẩu, mồng ba là cung Tiểu-cát, tinh mãi đến mồng năm là cung Đại-an. Rồi lại tự cung Đại-an khởi giờ tý, tính theo giờ sửu là cung Tốc-hỉ, giờ dần là cung Xích khẩu, tính mãi đến giờ thìn thì là cung Tiểu cát. Bấy giờ cứ xem bài thơ trong cung Tiểu-cát mà đoán.

Mấy bài thơ đoán sẵn đại khái như sau này:

Đại-an nhiều việc hay, cầu tài tốt, tật bịnh khỏi, người đi xa chưa về. Lưu-liên việc gì cũng khó xong, mất của phải tìm phương nam mới thấy, lại phải phòng có việc miệng tiếng. Tốc-hỉ cũng tốt, cầu quan được, người đi xa có tin. Xích khẩu chủ việc miệng tiếng tật bịnh. Tiểu-cát, nhiều việc tốt, người đi xa sắp về tới nhà. Không vong thì nhiều việc xấu.

2.— Phụ tiên: Phụ tiên nhất là hay tìm những nơi chùa chiền thanh tĩnh. Các người có việc cầu khẩn, trước hết phải tắm rửa sạch sẽ, ăn chay một ngày, rồi mua vàng hương, cau trầu, hoa rượu bày trên một cái án, đốt đèn đốt hương, lễ bái khấn khứa rồi mới phụ.

Trước chỗ án thờ phải có một mâm gạo, một người ngồi đồng lấy khăn che kín mặt, tay cầm một cái bút bằng cành đào (cành đào phải lấy cành hướng đông và lấy về buổi sáng mặt trời mới mọc mới tốt), chống ngọn xuống mâm gạo.

Ở ngoài một người cầm hương thư phù vào mặt và hai tay người ngồi đồng, rồi có hai ba người nữa đọc bài văn sai, hoặc giở thơ cổ mà ngâm vịnh vang cả lên, một lát thấy đảo đồng thì là tiên đã sắp giáng. Các người tấu lạy kêu van một lúc, tiên mới gõ bút vào mâm gạo mà viết. Người ngồi hầu bút phải tinh mắt trông theo mà thảo ra một mảnh giấy. Tiên viết xong một bài thơ nào thì truyền cho ngâm lên để ngài nghe, các người ngâm lại bài đó, rồi muốn truyền phán gì cứ viết vào mâm gạo mà bảo.

Thơ tiên nhanh lắm, không kỳ nghĩ ngợi gì, động viết ra thành thơ. Hoặc khi làm ca làm phú, làm từ khúc, nhiều bài hay lắm. Trước hết tiên làm một bài thơ tứ hiệu, để ai nấy được biết ngài là vị nào. Rồi cứ lần lần cho mỗi một bài, ai muốn biết việc mình hay dở thế nào cứ bài thơ ấy mà đoán. Có khi tiên phán lấy rượu uống thì người hầu bóng phải rót rượu đốt hỏa thang lên, tiên cầm bút chấm vào thế là uống rượu. Có khi tiên hứng đánh cờ thì phán lấy bàn cờ ra đánh, người ngoài phải hầu cờ, tiên cầm bút chỉ vào con cờ mà đi từng nước. Có khi tiên xướng họa thơ chơi với người hầu bóng có giỏi thơ lắm mới dám xướng họa. Ai có tật bệnh gì muốn xin phương thuốc, hoặc ai muốn xin đất, hoặc muốn kêu riêng việc gì thì viết thơ mật phong mà kêu, tiên sẽ tùy thời mà phán báo cho, hoặc ngài kê cho đơn thuốc mà uống.

Học trò mỗi năm về khoa thi, thường rủ nhau năm, bảy người phụ tiên với nhau để hỏi việc khoa cử. Thơ tiên mới cho thì thực là viển vông, nhưng cũng lắm câu về sau mới nghiệm ra. Như có người « Thủ phan đan quế nhất chi cao » nghĩa là tay vin quế đỏ một cành cao, thì tưởng là đậu thủ khoa, không ngờ bay ngay kinh nghĩa là một kỳ đầu tiên. Lại có người được câu « Đáo lão công danh vĩnh bất thành », nghĩa là đến già công danh không bao giờ thành được, tưởng còn đỗ gì nữa, vậy mà đến khoa bính tuất thì đỗ cử nhân. Ngẫm đến câu thơ ấy thì ra chữ « vĩnh bất » tức là tiếng nói lái chữ « bính tuất ». Thơ đại để huyền ảo như vậy.

3.— Xin thẻ: Các đền chùa linh ứng, thường có một ống thẻ để thờ. Mỗi cái thẻ đề một số, mỗi số có sẵn một tờ giấy in một quẻ, đề là triệu gì, lại có bốn câu thơ tổng đoán việc cát hung. Rồi ở dưới phân ra từng việc, đại để như bổn mệnh, mưu vọng, cầu tài, hành nhân, thất vật quan tụng, lục giáp, v.v... mỗi việc lại có bốn câu thơ nữa. Dưới cùng có một vài câu chú giải. Thơ từ ấy lo những bài phụ đồng mà thần thánh giáng bút cho.

Đầu tháng giêng những thiện nam tín nữ, đi lễ bái các nơi chùa chiền, thường hay xin thẻ để nghiệm xem vận mệnh hay dở của mình. Hoặc khi người cầu công danh, người đi buôn bán làm ăn nơi xa, người tật bệnh, cũng có tục xin thẻ.

Xin thẻ, trước hết dùng vàng hương đồ lễ, lễ thần, lễ Phật, khấn khứa bày tỏ việc mình, rồi quì tại trước bàn thơ mà xóc ống thẻ. Xóc mãi cho đến khi có một cái thẻ ở trong ống vọt ra thì thôi, lấy cái thẻ ấy mà xem số thứ mấy, rồi ra xin người thủ từ một tờ giấy in quẻ theo số ấy, tạ lại người thủ từ dăm ba xu, một hào.

Người biết chữ đoán lấy, còn người không biết chữ hoặc đàn bà thì nhờ người đoán giùm. Về độ đầu năm, thường có những ông đồ già ngồi cửa chùa làm nghề đoán thẻ giúp cho người, kiếm mỗi quẻ dăm ba xu.

Cách đoán thẻ cũng như cách đoán thơ tiện, lắm câu viển vông mà về sau cũng có khi nghiệm.

4.— Xem chân giò: Người có tật bệnh làm lễ, hoặc người xuất hành đi đâu, hoặc làm lễ cầu khẩn việc gì, thường dùng gà giò (gà sống ba bốn tháng), rửa chân cho sạch, khấn khứa rồi mới cắt tiết gà làm thịt. Đôi giò gà thì chần qua nước sôi đem ra, chớ luộc chín quá thì nứt da, gọi là phá quản không xem được. Luộc gà chín đem lễ, và lễ cả đôi chân giò. Lễ xong thì xem.

Xem giò phải coi ngón chân nhỏ chỉ vào đâu, chỉ vào ngón trong, thuộc về việc trong nhà; chỉ vào ngón giữa, thuộc về chủ thần, chỉ vào ngón ngoài thuộc về người ngoài; chỉ vào khe các ngón thì gọi là chỉ không, không ứng nghiệm việc gì cả. Trong giữa bàn chân nó gọi là trung cung, hễ chỗ trung cung được đầy đặn thì cửa nhà phong vận, lõm xuống thì tất bị khổ sở.

Lại phải xem huyết điểm đỏ hồng hào là tốt, mà xám là xấu. Trong ba ngón tám đốt chung quanh chia làm tám cung: kiền, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn, đoài, theo phương vị trong dịch, mỗi cung chỉ riêng một việc, hễ huyết điểm đọng vào cung nào thì việc hay dở nghiệm về cung ấy.

Cách xem giò cũng nhiều cách lắm, phải xem đến sách giò mới tường. Ngoại giả lại còn phép xem đầu gà, đại để cũng xem huyết đỏ thì tốt, đen thì xấu, và xem huyết đọng ở tai hoặc mắt, rồi hợp với lẽ ngũ hành sinh vượng mà đoán. Mà thường thì cứ mỏ há mắt nhắm là tốt, mỏ ngậm mắt mở xấu.

5.— Cầu mộng: Người có việc muốn cầu thần thánh chỉ bảo, nhất là học trò đến khoa thi, thường đi cầu mộng. Cầu mộng phải ăn chay, tắm rửa sạch sẽ, đem vàng hương đến lễ đền chùa nào, khấn khứa rồi nằm ngủ tại đó. Hễ mơ thấy gì thì cứ đó mà suy đoán cát hung.

Mộng có cái rõ ràng, có cái huyền ảo, cao đoán cũng nhiều khi linh nghiệm. Thường khi không cần gì cũng có mộng, tục cho là quỉ thần báo sự cát hung cho mình.

Trong chiêm-mộng-tinh có đặt sẵn các bài giải mộng nói qua sau này:

Môn thiên văn

Mặt trời soi vào nhà, thăng quan.
Mặt trăng soi vào nhà, thăng quan.
Mặt trăng soi vào bụng, sinh quí tử.
Đi đường gặp mưa, có sự ăn uống.
Mưa to gió lớn, điều dở. Mây đỏ lành, mây đen dữ.

Môn địa-lý

Động đất, thiên quan.
Khuân đá vào nhà, điềm phú quí.
Mình ở trong rừng, đại cát.
Trông thấy núi cao, có việc hay.

Môn quỉ thần

Đánh nhau với quỉ thần, sống lâu.
Thần thánh đến nhà, có phúc lộc.
Bị quỉ thần đánh, bất tường.
Nói chuyện với quỉ thần, chủ phú quí.

Môn thân thể

Chải đầu, rửa mặt, hết sự lo lường.
Mình ra mồ hôi, điềm xấu.
Rụng răng, điềm không hay.
Rụng răng không có huyết, điềm phát tài.

Vợ chửa, vợ có tư tình.
Vợ chồng cãi nhau, chủ tật bệnh.
Dơ bẩn dây người, tốt.

Môn vui mừng

Khóc với người, có việc vui mừng.
Người chết mắng, đại cát.
Thấy con chết, phát tài.

Môn ẩu-đả

Đánh nhau với người, tốt.
Người trong nhà đánh nhau, chủ phân ly.
Giết người, chủ phú quí.

Môn tạp-mông

Uống rượu cao lâu, đại phú quí.
Qua sông, có việc ăn uống.
Cửa mở rộng, đại cát.
Nóc nhà có cỏ mọc, bất tường.
Thấy lửa cháy, phát tài.
Thấy rết cắn, sống lâu.
Rắn cắn, chủ được của.
Bò vàng vào nhà, phú-quí.
Cây cối tươi tốt, nhà thịnh vượng.

Nói đại khái mấy cách giải đoán như vậy, nhưng người cao đoán không cứ gì, tùy người, tùy mộng, tùy lúc, mỗi khi giải một khác. Song mộng chẳng qua là lòng tư tưởng kết lại vị tất đã có ứng nghiệm gì.

6.— Nghiệm lời đồng dao: Đồng dao là các câu ví von, trẻ con thường hát chơi, mà không rõ bởi đâu đặt ra. Sách Tàu nói rằng: lời đồng dao là bởi sao Huỳnh hoặc hiện xuống dạy trẻ hát, rồi trẻ quen mồm mà hát, cho nên nhiều câu kỳ thủy không có nghĩa lý gì mà về sau trúng vào thời sự. Ví như câu « Chu chi trành trành, cái đanh nảy lửa », tục cho nghiệm vào đèn điện, câu « Tam khoanh tứ đốm » tục cho nghiệm vào ông quan ba vạch; câu « Chỉ đâu mà buộc ngang trời, thuốc đâu mà chữa cho người lẳng lơ » tục cho nghiệm vào dây thép và nhà lục-xì; câu « Bắc cầu sông cái cho thầy mẹ sang » tục cho nghiệm vào cầu sông Nhị-Hà, v.v...

Vì có những câu ấy, tục cho là lời tiên tri, cho nên lại nhân đó mà tìm những câu chưa nghiệm. Như lời « hoa viên gỗ » lời « con ngựa chết chương ba vương thượng đế », v.v...

Người đoán nghĩa thế này, người cho nghĩa thế nọ, tổng chi là nghĩa hồ đồ mà thôi.

7.— Nghiệm lời sấm ký: Lời sấm ký là các câu ẩn ngữ của nhà thuật số tính số thái ất mà đặt ra. Tục cho phép ấy tính được việc 500 năm về trước và 500 năm về sau. Nước ta thủa xưa có câu sấm « Hòa đao mộc lạc, thập bát tử thành, đông a xuất nhật, đoái cung ẩn tình », v.v... đã nghiệm vào việc các đời Lê, Lý, Trần, Trịnh. Đời nhà Mạc có ông Nguyễn-bỉnh-Khiêm (cụ Trạng Trình) tinh về lối học lý số, có đặt ra nhiều sấm ký nói về thời sự, toàn là những lời hiểm hóc, không ai hiểu là nghĩa lý gì mà tục thường cho linh nghiệm.

Ví như có câu rằng: « Cẩu vĩ trư đầu xuất thánh nhân » tục cho ứng vào đức Gia Long nhất thống năm nhâm tuất. Lại như câu rằng: « Bạch thủ bạch phát lại sơn hà » tục cho ứng vào nhà nước sang bảo hộ, v.v...

Đại để lời sấm ký, không mấy câu có nghĩa lý rõ ràng, tục hơi thấy việc gì tương tự vào lời sấm một chút, thì cố vận lấy nghĩa cho là nghiệm, mà kỳ thực thì viển vông lắm.

*

* *

Xét các cách chiêm nghiệm của ta, toàn là bởi ta tin một lẽ âm dương quỉ thần. Nhưng xem ra cách nào cũng vậy, phần huyền ảo thì nhiều, phần linh nghiệm thì ít. Vả lại thơ tiên, thẻ thánh, lời đồng dao, câu sấm ký, toàn là ý tứ mông mênh, câu đoán ngược, câu đoán xuôi, câu đoán ngay, câu đoán tréo, cho hay là dở, cho dở là hay, thế nào mà không được. Đến lúc việc đã rõ ràng mới vận cho nghiệm vào câu thần thánh chỉ bảo, thì vận thế nào mà chẳng hay. Còn như phép nhâm độn thì là suy lẽ âm dương ngũ hành, cũng hồ đồ lắm. Phép xem chân giò thì lại vu vơ nữa.

Nói tóm lại thì các cách đó tuy là của các cụ khí xưa bày ra, tục ta tin theo đã lâu, nhưng toàn là sự mập mờ, tưởng không nên tin làm gì mà thêm nhảm. Mà nghề thế, phàm việc gì đã không tin thì thôi, chớ đã tin thì hay đem lòng vướng vít, lại làm ngăn trở cho việc mình. Vậy thì ta nên tin các việc đã thực hiện ra trước mắt ta, và cái sức ta có thể làm ra, chớ ngoại giả không nên tin gì hết.