Việt Nam phong tục/III.4
IV.— QUAN DÂN
Tục ta coi quan cũng là cha mẹ dân, thường gọi quan sở tại là quan phụ mẫu. Cho nên dân coi quan cũng rất trọng vọng, rất tôn kính. Dân động có việc gì vào đến quan, trước hết còn phải nói với lính canh cửa, lính canh cửa bẩm với quan, quan có cho vào hầu mới được vào. Nếu quan còn đương giấc, hoặc còn đang thời cơm, hoặc có khách thì phải đứng chực ở ngoài cửa.
Vào đến quan phải bỏ giày, phải có đồ lễ. Đồ lễ ít cũng phải vài bao trà tàu hoặc buồng cau, và phải lạy hai lạy gọi là lạy trình. Quan rộng lượng không lấy, cho mang ra thì còn cằn nhằn van vỉ, bứt đầu, bứt tai, gọi là chút vi thành, nói cho quan thâu nhận mới yên tâm. Việc gì mà nhờ quan làm ơn cho thì khi xong việc phải có cái lễ tạ, tùy việc to nhỏ mà tạ cho đáng ơn.
Vài mươi năm về trước, quan đi đến đâu, lính tráng theo hầu rầm rập. Kẻ khiêng võng, người vác hèo, đứa cắp tráp, đứa xách điếu. Lại có mấy tên lính cắp bao roi, đánh trống tiêu cổ đi trước mở đường. Dân ai gặp, phải ngả nón, phải tránh đường, đương ngồi thì phải đứng dậy. Nhất là quan tỉnh đi đến đâu lại uy vệ hơn nữa, tiền hô hậu hét làm cho kinh động mọi người.
Quan to đi qua dân nào dân ấy cắm cờ che tàn, bày đồ hương án bái hạ, các kỳ dịch bô lão thì phải ra ứng chực bái vọng.
Xã nào có việc gì mà quan về đến thì xã ấy phải phục dịch cung ứng, lý dịch chạy ngược chạy xuôi, mà động lầm lỗi chậm trễ điều gì thì quan sai lính vật cổ đánh liền. Lý dịch có câu tục ngữ rằng: đầu chày mày, đít thớt, nghĩa là đầu phải gật gù lạy luôn như chày giã gạo mà đít thì phải đòn luôn như thớt bằm thịt.
Quan không được phép làm quan tại bản quán, và không được phép lấy vợ ở trong bản hạt, vì sợ có thân thuộc nhà quan ở lẫn với dân trong hạt thì có khi dùng phép không được công minh.
Quan mới đáo nhậm hạt nào, tổng lý hạt ấy phải kiếm lễ vào chào quan, gọi là lễ nghinh, đến lúc đổi đi nơi khác, tổng lý lại có lễ tiễn nữa.
Quan nào có lòng thương dân, nhiều điều nhân đức dân được nhờ, thì khi phải đổi hoặc khi thăng chức khác, dân tại địa phương ấy thường có đơn ái mộ kêu với quan trên để xin lưu lại cai trị hạt mình.
Quan nào có công đức to với dân thì sau khi mất, dân có khi lập bia kỷ niệm nữa.
*
* *
Cũng vì cách chuyên chế mà quan với dân xa cách nhau một vực một trời. Quan thì coi dân như cỏ như rác, dân thì coi quan như cọp như beo. Dân vào đến cửa quan nhiều kẻ xo vai rụt cổ, run lập cập nói chẳng ra hơi, mà quan động đi đến đâu, thì ầm ầm như sấm như sét làm thực rõ ra mặt hách dịch. Thậm chí có người thuở nhỏ vẫn chơi với nhau, hoặc cùng làm việc với nhau, đến lúc một người làm quan một người làm dân, vào đến cửa đã nhất tự cách trùng ngay rồi. Có người chịu mình là phận dưới mà phải lạy người cố tri, mà người cố tri cũng nghiễm nhiên coi mình là bậc quan trưởng, mà nhận cái lạy của người bạn cũ lạy mình. Ấy đều bởi cái cách phân biệt một trọng một khinh, đã in sâu vào óc người nước ta, cho nên đôi bên cùng không cho là lạ.
Tuy vậy, dân càng sợ quan bao nhiêu, thì cái tình thân ái lại càng xa cách ra bấy nhiêu. Sợ là sợ phép nước, sợ bề ngoài, chứ trong bụng thì chắc nhiều người oán ghét. Vì thế dân không mấy khi mà đem tình thực nói với quan, mà quan cũng không tài nào mà soi cho thấu cái thói gian của dân được, ấy cũng là một điều tệ ngăn trở cho chính công bình.
Lại điều nữa trái với cách văn minh là cách bắt dân phải lạy và cách đánh đòn. Cứ cái lẽ của tạo hóa sinh ra người thì ai cũng chân tay, ai cũng mặt mũi, thì ai cũng là người. Ai cũng là người, nhưng phải mỗi người một việc, người đi cày, người làm thợ, người làm công này việc nọ, có thế mới đủ mà giúp lẫn cho nhau, chớ không người nào một tay mà làm được hết cả mọi việc. Như vậy thì làm quan chẳng qua cũng là một việc, cũng là một nghề. Mà nghề làm quan thì lại tựa như dân góp tiền nhờ một người cầm đỡ cái cân trung bình cho dân mà thôi, có lẽ nào coi dân rẻ rúng được. Loài người trọng nhất là nhân cách, mình có nhân cách mình thì người ta cũng phải để có nhân cách của người ta. Nếu bắt người ta phải lạy và bắt người ta nằm mà đánh thì làm cho nhân cách người ta đê tiện quá, bất luận người bị nhục, bị cái thế bất đắc dĩ mà phải oán tức trong lòng, mà người coi mình tự tôn quá sao cho đành lòng được.
May nhờ nhà nước bỏ hai cách hủ ấy cho dân ta, thì dân ta thực đỡ được một mối phiền não. Nhưng lại còn hiềm những chốn thôn ổ, phần nhiều người chưa biết trọng cái thân mình, và biết hưởng cái ơn rộng của nhà nước, vào đến cửa quan, còn thấy có kẻ khủ lủ lạy lục; ở những nơi xa khuất, một đôi khi còn thấy quan dùng roi mà nạt mấy kẻ ngu si. Dân ngu thôi chẳng trách gì, chỉ trách người đã có kiến thức và đã được thượng lịnh mà vẫn giữ thói tự kiêu, trái lịnh trên để lấy oai với kẻ hèn hạ.
*
* *