Bước tới nội dung

Việt Nam phong tục/III.41

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

XLI.— ĂN TRẦU

Quả cau bổ ra hoặc để tươi, hoặc phơi khô, lá trầu không, quệt ít vôi cuộn lại như cái tổ sâu, và cắt một miếng vỏ cây (nhất là hay dùng rễ cây đay), mấy thứ đó hợp làm một mà nhai, gọi là ăn trầu.

Ăn trầu có mùi thơm, trừ được mùi xú uế trong mồm và làm cho môi đỏ tươi, đàn bà lấy thế làm đẹp.

Trầu cau lại là một thứ đầu các sự lễ nghĩa. Phàm việc tế tự, tang ma, việc cưới xin, việc vui mừng, việc gì cũng lấy miếng trầu làm trọng. Tế tự thường khi dùng cả buồng cau để lễ, cưới xin nhà gái thường ăn của nhà trai vài ba ngàn quả, để chia phần cho bà con.

Dân thôn ai có việc gì đến nhà người tôn trưởng, hoặc vào cửa quan, cũng đem buồng cau vào là quí. Nhà tư gia cúng giỗ tổ tiên tất phải có cơi trầu. Khách đến chơi nhà, phải có trầu cau thết đãi.

Đám hương ẩm, tùy người tôn ty mà chia phần trầu có thứ tự, nếu kém một khẩu trầu có khi sinh sự tranh kiện nhau.

Kẻ buôn bán, đã ăn miếng trầu của nhau rồi, thì phải nể nhau, có câu rằng: miếng trầu là đầu thuốc câm.

Đàn bà rất là hay ăn trầu, có người ăn luôn mồm cả ngày, nhả bã miếng này lại ăn ngay miếng khác. Lại nhiều người ăn kèm với điếu thuốc lào, môi lúc nào cũng cắn chỉ tím thâm lại.

Nghề buôn bán cau tươi cau khô cũng là một mối buôn bán nhiều lời ở xứ ta. Trầu không, có năm đắt tới hai ba xu một lá.

*

* *

Xét trong truyện Trích-quái, có một truyện nói về sự tích trầu cau. Nói rằng: Đời thượng cổ có một ông quan, người cao lớn, vua cho gọi là họ Cao. Người ấy có hai con trai, con cả là Tân, thứ là Lang, hai anh em mặt giống nhau như hệt. Đến khi mười bảy, mười tám tuổi, cha mẹ mất cả, mới đem nhau đi nơi khác, học một ông thầy họ Lưu. Nhà ông có người con gái mười bảy tuổi, trông thấy hai chàng kia đẹp trai mà tử tế, yêu lắm, muốn kết làm vợ chồng, nhưng không biết ai là anh. Bèn bưng một bát cháo và một đôi đũa đem mời hai người để xem ý ai ăn trước. Nàng kia biết đích rồi, mới nói với cha mẹ mà lấy người ấy.

Từ đó hai vợ chồng đằm thắm với nhau, mà coi em nhạt nhẽo. Người em phẫn chí, bỏ anh mà đi, đi đến nửa đường, gặp khúc suối sâu chảy mạnh, không làm sao sang được, mới ngồi mà khóc, rồi chết hóa ra cây cau. Người anh thấy em đi không về, đi tìm thì thấy đã chết ở dưới gốc cây, thương em quá, cũng đập đầu vào gốc cây mà chết, rồi hóa ra một hòn đá. Người vợ thấy chồng đi tìm em không về, cũng đi tìm đến đó, thấy chồng đã chết, lại vật mình vào đá mà chết nốt, rồi hóa ra một bụi trầu không bám quấn quít cả vào hòn đá và leo cả lên cây.

Cha mẹ người con gái thấy vậy, thương tình lập đền thờ cả ba người ở đó.

Về sau, vua Hùng-Vương nhân đi tuần thú qua xứ ấy, thấy trong đền có cây xanh lá tốt, mọc trên một đống đá. Vua ngồi nghỉ mát, gọi người bản thổ hỏi chuyện, rồi ngài sai lấy quả cau ấy bổ ra, và lấy hòn đá nung lên thành vôi tôi với nước, rồi lấy vôi quệt vào lá trầu mà ăn lẫn với miếng cau thì thấy mùi mẻ thơm tho, nhổ ra hòn đá thì thấy đỏ ối. Ngài mới truyền cho thiên hạ lấy giống mà trồng để dùng vào việc cưới xin và mọi việc.

Đó là lời tục truyền, song ăn trầu có ích gì không? Sự có ích hay chẳng có ích, tưởng chẳng quan hệ gì cho lắm, nhưng có ăn thì mỗi ngày ăn một vài miếng cho khỏi chua mồm là đủ, chớ không nên ăn nhiều mà vôi nó đóng vào chân răng, thì lại chóng hư răng mà thôi.

*

* *