Bước tới nội dung

Việt thi/III-56

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

TRẦN KẾ-XƯƠNG

124. MÙA NỰC MẶC ÁO BÔNG

Bức sốt nhưng mình cứ áo bông,
Tưởng rằng ốm dậy hóa ra không.
Một tuồng rách-rưới con như bố.
Ba chữ nghêu-ngao vợ chán chồng.
Đất biết bao giờ xoay vận đỏ,
Trời làm cho bỏ lúc chơi ngông.
Gần chùa gần cảnh ta tu quách,
Cửa Phật quanh năm vẫn áo sồng.

125. THAN CÙNG

Lúc túng toan lên bán cả trời,
Trời cười thằng bé nó hay chơi.
Cho hay công-nợ là như thế,
Mà vẫn phong-lưu suốt cả đời.
Tiền-bạc phó cho con mụ kiếm,
Ngựa xe chẳng thấy lúc nào ngơi.
Còn năm ba chữ nhồi trong ruột,
Khéo khéo không mà nữa cũng rơi.

126. TỰ THÁN

Chẳng khôn cũng biết một hai điều,
Chẳng chuyện gì hơn cái chuyện nghèo.
Danh-giá dường này không lẽ bán,
Nhân-duyên đến thế hãy còn theo.
Tấm lòng nhi-nữ không là mấy,
Bực chí anh-hùng lúc túng tiêu.
Có lẽ phong-trần đâu thế mãi,
Chốn này tình phụ, chốn kia yêu,

127. NGẪU HỨNG

Xấp-xỉ ba mươi mấy tuổi đầu,
Trăm năm tính đốt hẳn còn lâu.
Vì dù thi đỗ làm quan lớn,
Thì cũng nhỏ to cưới chị hầu.
Đất nọ vẫn thường hay có chạch,
Bể kia nhiều lúc cũng trồng dâu.
Hôm nay rỗi-rãi buồn tình nhỉ,
Thử xuống hàng Thao tập ngón chầu.

CHÚ-THÍCH.— Phố Hàng Thao ở Nam-định là phố cô đào ngày xưa.

128. RĂN MÌNH

Nước muốn cho trong phải đánh phèn,
Cớ sao lại giữ thói bon-chen.
Sá chi người thế lòng xanh trắng,
Chỉ tại thân ta vận đỏ đen.
Để bụng phải đeo điều nhẹ nặng,
Ỏm tai mặc quách tiếng chê khen.
Làm chi việc ấy mà lo liệu,
Ai nghĩ như ai chả cũng hèn.

129. THAN PHẬN NGHÈO

I

Chẳng phải rằng ngu, chẳng phải đần,
Chỉ vì túng-kiết phải bần-thần.
Cũng mong giàu-có, thời chưa gặp,
Vẫn muốn phong-lưu, ngộ lúc bần.
Gương nọ toan soi cho đẹp mặt,
Phấn kia có lẽ nỡ giồi chân.
Cao dày sao chẳng soi cho khắp,
Vị-nể chi mà ở chẳng cân.

II

Cũng dòng tai mắt cũng đầu đen,
Bởi kém giờ sinh số phận hèn.
Gặp dịp may nhờ khi có của.
Sa cơ vị bởi lúc không tiền.
Đói no đành chịu không ai biết,
Lành rách cho thơm lắm kẻ khen.
Hễ hết bĩ rồi thời lại thái,
Lọ là kèn-cựa với bon-chen.

III

Vì chưng chẳng có, hóa thân hèn,
Hổ với anh em chúng bạn quen.

Thủa trước chơi-bời còn quyến-luyến,
Bây giờ đi lại dám mon-men.
Giàu-sang âu-yếm tình quen-thuộc,
Bần-tiện thờ-ơ dạ bạc đen.
Ví khiến trong tay tiền-bạc có,
Nói giơi nói chuột, có người khen.

130. GÁI Ở CHÙA

Con-gái nhà ai dáng thị-thành.
Cớ chi nỡ phụ cái xuân-xanh?
Nhạt màu son phấn say màu đạo,
Mở cánh từ-bi khép cánh tình.
Miệng đọc nam-mô quên chín chữ,
Tay lần bồ-tát phụ ba sinh.
Tiếc thay thục-nữ hồng-nhan thế,
Nỡ cắt tóc thề với quyển kinh.

CHÚ-THÍCH—. Chín chữ là chín chữ cù-lao của mẹ.—Ba sinh là duyên nợ ba sinh với chồng con.

131. ĐI LẠC ĐƯỜNG

Một mình đứng giữa quãng chơ-vơ,
Có gặp ai không để đợi chờ.
Nước biếc non xanh coi vắng-vẻ,
Kẻ đi người lại dáng bơ-vơ.
Hỏi người chỉ thấy non xanh ngắt,
Đợi nước càng thêm tóc bạc phơ.
Đường đất xa khơi ai mách-bảo,
Biết đâu mà ngóng đến bao giờ.

132. ĐẠI HẠN

Dạo này đá nát với vàng phai,
Thiên-hạ mong mưa đứng lại ngồi.

Ngày trước biết gì, ăn với ngủ,
Bây giờ lo cả nuớc cùng nôi.
Trâu mừng ruộng nẻ cày không được,
Cá sợ ao khô vượt cả rồi.
Tình-cảnh nhà ai nông-nỗi ấy,
Quạt mo phe-phẩy một mình tôi.

133. CƯỜI MÌNH

Chẳng phải quan mà chẳng phải dân,
Ngơ ngơ, ngẩn ngẩn hóa ra đần.
Hầu con chè rượu ngày sai vặt,
Lương vợ ngô khoai tháng phát dần.
Có lúc vểnh râu vai phụ-lão,
Cũng khi lên mặt dáng văn-nhân.
Sống lâu, lâu để làm gì nhỉ?
Lâu để mà xem cuộc chuyển-vần.

134. SAY RƯỢU

Đời này thực tỉnh những ai đây?
Ai tỉnh cho ta chịu tiếng say.
Buồn ruột cho nên men phải nhấp,
Dở mồm nào biết giọng là cay.
Bạn cùng quỉ dẫy chi cho bận,
Vui với ma men thế cũng hay.
Ngất-ngưởng hai tay vơ đũa chén,
Đố ai đã được cái say này.

135. VỊNH CÔ ĐÀO

Cái thú cô đào nghĩ cũng hay,
Cùng nhau dan-díu mấy đêm nay.
Năm canh to nhỏ tình ma chuột,
Sáu khắc mơ-màng chuyện nước mây.

Êm-ái cung đàn chen tiếng hát,
La-đà kẻ tỉnh dắt người say.
Thú vui chơi mãi mà không chán,
Vô tận kho trời hết lại vay.

136. NĂM MỚI

Khéo bảo nhau rằng mới với me,
Thấy ai mặc rách chẳng ai nghe.
Khăn là bác nọ to tày rế,
Váy lĩnh cô kia quét sạch hè.
Công-đưc tu hành sư có lọng,
Xu hào rủng-rỉnh mán ngồi xe.
Chẳng phong-lưu cũng ba ngày tết,
Kiết-cú như ai cũng rượu chè.

137. MƯA NGÂU

Sang tuần tháng bảy, tiết mưa ngâu,
Nắng mãi thì mưa hẳn phải sâu.
Vẹt nọ cầm canh thay trống mõ,
Rồng kia phun nước xuống hoa màu.
Ỳ-èo trẻ học nghe không thấy,
Êm-ái nhà ai ngủ hẳn lâu.
Ông lão nhà quê tang-tảng dậy,
Bảo con đem đó, chớ đem gàu.

CHÚ-THÍCH.— Vẹt cầm canh là vì tháng bảy có nhiều vẹt, thường hay kêu đêm.

138. THỨC ĐÊM

Trời không chớp bể chẳng mưa nguồn,
Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn.
Bối-rối tình-duyên cơn gió thoảng,
Nhạt-nhèo quang-cảnh bóng trăng suông.

Khăn khăn áo áo thêm rầy chuyện,
Bút bút nghiên nghiên khéo giở tuồng.
Ngủ quách, sự đời thây kẻ thức,
Chùa đâu tang-tảng đã hồi chuông.

CHÚ-THÍCH.— Bài thơ này đang vần uôn lại xuống vần uông, theo đúng vần quốc-ngữ, thì là lạc vận.

139. THAN ĐẠO HỌC

Đạo học ngày nay đã chán rồi,
Mười người theo học, chín người thôi.
Cô hàng bán sách lim dim ngủ,
Thầy khóa tư-lương nhấp-nhổm ngồi.
Sĩ-khí rụt-rè gà thấy cáo,
Văn-chương liều-lĩnh đấm ăn xôi.
Tôi đâu dám mỉa làng tôi nhỉ,
Trình lại ông tiên thứ-chỉ tôi.

CHÚ-THÍCH.— Tư-lương, tiếng dùng chỉ sự các ông đồ nho ngày xưa tìm chỗ ngồi dạy học để có cơm ăn.— Nhấp-nhổm ngồi là ngồi không yên.

140. HỎI TRĂNG HỎI NƯỚC

Trên trăng dưới nước giữa thì ta,
Thử nhận nhau xem cũng một nhà.
Nước đã mấy con, con nước lớn,
Trăng bao nhiêu tuổi, tuổi trăng già.
Tròn tròn khuyết khuyết sao mà thế.
Xuống xuống lên lên mãi thế a?
Hỏi mãi cớ sao mà chẳng nói,
Có chăng ta biết một mình ta.

141. VỊNH CHINH-PHỤ

Lòng sông dãi nguyệt bóng chênh-chênh,
Biết ngỏ cùng ai để tự tình
Ngơ-ngẩn dạ tằm tơ rối khúc,
Vẩn-vơ hồn bướm suốt năm canh.
Sa-trường chốn ấy chàng nghìn dặm,
Chiếc lẻ riêng đây thiếp một mình.
Nhà-cửa sự tình bao xiết kể,
Xa đưa mượn nhạn nhắn Tây-thành.