Bước tới nội dung

Xã hí

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Trong hai mươi năm kể ngược lên, tôi chỉ xem có hai lần bát tuồng Trung Quốc, mười năm trước dứt khoát không xem lần nào, vì không có ý và cũng không có dịp đi xem, còn hai lần đi xem đều ở về mười năm sau, nhưng mà rốt cuộc đều không xem được cái gì hết thì đi ra khỏi rạp.

Lần thứ nhất là khi tôi mới đến Bắc Kinh, vào Dân quốc nguyên niên[2], bấy giờ một người bạn nói với tôi, hát tuồng Bắc Kinh hay lắm, sao anh không đi xem cho biết mùi đời? Tôi nghĩ, xem hát tuồng thú lắm, huống chi là ở Bắc Kinh. Thế rồi cùng nhau hăm hở đi đến cái rạp gì đó, tuồng đã giáo đầu rồi, bên ngoài cũng đã nghe tiếng trống thùng thùng. Chúng tôi chen vào cửa, trước mắt tôi vừa nhấp nhoáng những màu hồng màu lục, thì lại thấy dưới sân khấu lúc nhúc những cái đầu, để ý nhìn bốn phía, thấy ở giữa còn có mấy chỗ trống. Khi lấn mà vào cho được để mà ngồi, thì lại có người nói gì đó với tôi, tôi vì đã ù tai từ trước rồi, nên c trí lắm mới nghe ra hắn nói là có người rồi, không được!.

Chúng tôi lùi lại đằng sau, một người có đuôi sam láng bóng[3] lại dẫn chúng tôi đến gian bên, chỉ cho một chỗ ngồi. Cái chỗ gọi là chỗ ngồi ấy, vốn là một cái ghế dài, nhưng mà cái mặt ván để ngồi của nó so với cái đùi cảu tôi lại hẹp đến ba phần tư, cái chân của nó so với cái chân của tôi lại cao quá hai phần ba. Tôi trước tiên không có gan dám trèo lên, chợt lại liên tưởng đến thứ hình cụ tra tấn ngoài luật lệ, tự dưng bắt rởn ốc rùng mình tháo ra ngay.

Đi một đỗi đường, bỗng nghe tiếng người bạn tôi hỏi: Chứ sao thế?. Tôi quay mặt lại, thì té ra anh ta cũng bị lôi ra rồi. Rất lấy làm lạ, anh hỏi: Sao cứ đi một mạch, không trả lời?. Tôi nói: Xin lỗi bạn, lỗ tai tôi đang bị tiếng thùng thùng xòe xòe làm ù đây, không nghe được câu nói của anh.

Về sau, mỗi khi nghĩ đến, tôi rất lấy làm quái lạ, hình như lối hát tuồng ấy chẳng hay tí nào, nếu không thì là tôi gần nay không thích hợp sống còn[4] dưới sân khấu.

Lần thứ hai quên là năm nào, tóm lại là khi quyên tiền giúp nạn lụt Hồ Bắc và Đàm Kiếu Thiên[5] chưa chết. Quyên bằng cách mua cái vé xem hát hai đồng bạc, được đến xem hát ở Đệ nhất võ đài, ở đó đóng tuồng phần nhiều là kép nhất, mà Tiểu Kiếu Thiên là một. Tôi có mua một vé, vốn là làm cho có đối với người đi quyên, nhưng rồi hình như có kẻ hiếu sự, nhân dịp bảo cho tôi biết cái lẽ quan trọng rằng đã có Kiếu Thiên thì thế nào cũng phải đi xem mới được. Thế rồi tôi quên hẳn cái nạn thùng thùng xòe xòe năm trước trót đi đến Đệ nhất võ đài, song chừng như nửa phần cũng vì đã mua cái vé báu quý kia bằng giá đắt thì phải sdj nó mới thỏa mãn. Tôi biết tin Kiếu Thiên lên sân khấu muộn, mà Đệ nhất võ đài là rạp hát kiểu mới, không cần giành chỗ ngồi, bèn lơ đễnh, chần chờ đến chín giờ mới ra đi. Ai ngờ người ta vẫn cứ đầy rạp, cả đến kiếm chỗ đứng cũng khó, tôi chỉ phải chen trong đám người đứng xa xem một vai đàu già đang hát trên sân khấu. Vai đàu già nọ ở khóe miệng cắm hai cái que quấn giấy châm lửa, bên cạnh có một thằng quỷ sứ, tôi nghĩ mãi, mới ngờ đó hoặc là bà mẹ của Mục Liên[6], vì về sau lại ra một vị hòa thượng nữa. Nhưng tôi không biết cái người đóng vai ấy là ai, bèn hỏi một vị thân sĩ mập bị lấn bẹp bên trái tôi. Ông ta ra dáng không thèm đếm xỉa, liếc tôi nửa mắt, nói: Củng Vân phủ![7]. Tôi hổ mình đã quê mùa lại thô vụng, trên mặt thấy nóng, đồng thời trong óc cũng đặt ra một điều luật là nhất định từ đây không hỏi nữa. Thế rồi xem đàu tơ hát, xem đàu điên hát, xem kép già hát, xem vai gì đó hát, xem một đám người đánh nhau, xem hai ba người đánh nhau, từ chín giờ hơn đến mười giờ, từ mười giờ đến mười một giờ, từ mười một giờ đến mười một giờ rưỡi, từ mười một giờ rưỡi đến mười hai giờ, nhưng mà Kiếu Thiên vẫn còn chưa thấy.

Từ hồi nào đến giờ tôi chưa hề nhịn nhục chầu chực một cái gì lâu như vậy, thêm nữa, cái hơi thở phù phù của ông thân sĩ mập bên cạnh mình, cái tiếng đánh thùng thùng xòe xòe trên sân khấu, cái vờn lượn của vô số màu hồng màu lục, lại thêm mười hai giờ, bỗng làm tôi nghĩ thấy mình không thích hợp sống còn ở chỗ này. Đồng thời tôi bèn xoay mình như cái máy, cố sức chen một cái ra ngoài, thì thấy sau lưng đã lại kíp cả rồi, đại khái cái ông thân sĩ mập hay co hay giãn ấy đã giãn nửa người ra lấp chỗ trống của tôi. Tôi không đường quay lại, cố nhiên phải chen và chen, cuối cùng thoát được ra cổng. Trên đường phố, ngoài những chiếc xe đậu để chờ khách, hầu như không có người đi, song chỗ cổng lại có mấy người ngửng đầu xem chương trình buổi hát, còn một đống người đứng mà không xem gì hết, tôi tưởng, có lẽ họ đứng để xem phụ nữ đi ra sau khi tan rạp, thế mà Kiếu Thiên cũng vẫn còn chưa thấy...

Song le khi trời ban đêm rất trong sáng, thật như ta quen nói ngấm vào lòng người, tôi ở Bắc Kinh gặp phải cái không khí tốt lành ấy, lần này chừng như là lần thứ nhất.

Đêm ấy tức là đêm tôi từ giã hát tuồng Trung Quốc, sau đó không hề nghĩ đến nó nữa, dù có đi ngang qua rạp hát, nó với tôi cũng phớt nhau, về mặt tinh thần, đã là một ở trời nam, một ở đất bắc rồi.

Nhưng mấy hôm trước đây, tôi tình cờ xem một cuốn sách chữ Nhật, đáng tiếc là quên mất tên sách và tên tác giả, tóm lại là sách ấy nói về hát tuồng Trung Quốc. Trong đó có một thiên, đại ý nói, hát tuồng Trung Quốc đánh thổi rộn, la to, nhảy múa nhiều, khiến người xem nhức đầu long óc, rất không thích hợp với sân khấu, song nếu ở chỗ lanh lan ngoài đồng trống, đứng xa xa mà xem, thì nó lại có phong thú riêng của nó. Khi đọc đó, tôi thấy sách ấy đã nói cái điều sẵn có trong ý tôi mà chưa hề nghĩ đến, bởi vì tôi nhớ chắc chắn rằng mình từng xem hát tuồng rất hay ngoài đồng trống, sau khi đến Bắc Kinh, luôn hai lần vào rạp hát, có lẽ cũng vì chịu ảnh hưởng của lần xem này. Tiếc cho không biết thế nào tôi nhè quên khuấy tên sách.

Đến như cái buổi tôi xem hát hay ấy, thực ra đã cách lâu lắm rồi, lúc đó ước chừng tôi mới mười một mười hai tuổi. Theo thói quen Lỗ Trấn chúng tôi, hễ con gái xuất giá rồi, mà chưa coi việc nhà, thì đến mùa hè đại để đều về nghỉ hè ở nhà mẹ. Bấy giờ bà nội tôi tuy còn mạnh, mẹ tôi cũng đã gánh đỡ việc nhà, cho nên cả mùa hè không về thăm lâu được, chỉ phải đợi khi dẫy mã xong rồi, thừa lúc rỗi về ở mấy ngày. Hàng năm vào dịp ấy, tôi bèn theo mẹ tôi về ở nhà bà ngoại tôi. Nơi đó gọi là làng Bình Kiều, là một làng nhỏ gần sông, cách bờ biển không xa, rất hẻo lánh. Cả làng không đầy ba chục nhà, đều làm ruộng, đánh cá, chỉ có một tiệm hàng xén rất nhỏ. Song đối với tôi thì là đất vui, vì tôi ở đó chẳng những được chiều chuộng mà còn khỏi phải đọc "Trật trật tư can, u u man man"[8].

Có nhiều người bạn nhỏ cùng đi chơi với tôi. Nhân vì có khách đường xa, nên họ đều được cha mẹ cho phép bớt giờ làm việc, đến cùng tôi chơi nhởi. Ở làng nhỏ, khách của một nhà hầu như là khách chung của mọi nhà. Tuổi chúng tôi xuýt xoát nhau, song kể về thế thứ thì lại ít nhất cũng là vai chú, có mấy người còn là vai ông, bởi vì cả làng cùng một họ, bà con với nhau cả. Nhưng mà chúng tôi là bạn, ví phỏng tình cờ đâm ra rầy lộn, cháu đánh ông, cả làng từ già đến trẻ cũng quyết chẳng có một ai có thể nghĩ được ra hai chữ "phạm thượng", vả lại chín mươi chính phần trăm giữa bọn họ đều là không biết chữ.

Việc chúng tôi làm hằng ngày là đi đào con giun, đem móc vào lưỡi câu uốn bằng sợi chỉ đồng, rồi ngồi ở bờ sông câu tôm. Tôm là thứ đồ khờ dại trong thế giới nước, nó không ngại lấy hai cái càng bợ lấy lưỡi câu đưa vào trong mồm, cho nên không đầy nửa buổi có thể câu được một bát lớn. Những tôm ấy, theo lệ là về phần tôi ăn. Thứ đến là cùng đi thả trâu, song có lẽ vì nó là động vật bậc cao, cho nên trâu hay bò đều dể người kẻ lạ, nó dám khinh nhờn tôi, thành tôi cũng không dám đến gần nó, cứ phải đi theo hay là đứng cách xa nó. Những khi ấy, các bạn nhỏ chẳng còn vì tôi biết đọc "Trật trật tư can" mà nể nang tôi, cả bọn lại đâm ra cười nhạo tôi.

Đến như cái điều tôi trông mong nhất trong khi ở đó, lại là điều đi xem hát ở làng Triệu. Làng Triệu là làng khá lớn cách làng Bình Kiều năm dặm ; làng Bình Kiều nhỏ quá, tự mình không sắm nổi một chầu hát, nên hằng năm cứ đụng với làng Triệu một số tiền, kể như là hát chung. Bấy giờ tôi cũng không hề nghĩ đến vì lẽ gì mà họ cứ mỗi năm mỗi hát. Bây giờ nghĩ thấy, hoặc giả đó là hát mừng mùa xuân, tức gọi là "xã hí".

Cái năm mà tôi mười một mười hai tuổi đó, ngày hát lệ ấy trông chừng đã đến. Không ngờ cái năm ấy thật đáng tiếc, buổi sáng thuê không được thuyền. Làng Bình Kiều chỉ có một chiếc đò dọc sáng đi chiều về là thuyền lớn, không lẽ nào choán lấy mà dùng riêng. Còn bao nhiêu đều là thuyền nhỏ, không dùng được ; cậy người đi thuê ở làng khác, cũng không có, đều cho người khác thuê trước cả rồi. Bà ngoại tôi giận lắm, cằn rằn người nhà sao không thuê trước. Mẹ tôi bèn khuyên giải bà, nói hát tuồng ở Lỗ Trấn chúng tôi hay hơn ở làng nhỏ nhiều, đã xem mấy lần, hôm nay không xem cũng được. Chỉ có tôi bực tức muốn khóc, mẹ tôi hết sức dỗ dành tôi, nói không nên làm nũng, sợ làm cho bà ngoại giận, lại không chịu để tôi đi với người khác, nói vì sợ bà ngoại không an tâm.

Thế là hết chuyện. Đến buổi chiều, các bạn tôi đều đi cả, tuồng hát đã giáo đầu, tôi mường tượng nghe thấy tiếng đồng là trống chiến, vả lại biết các bạn tôi đang mua sữa đậu nành ăn dưới sân khấu.

Cả ngày hôm ấy tôi không đi câu tôm, cũng ít ăn cái gì. Mẹ tôi lo lắm, không biết nghĩ làm sao. Đến lúc ăn cơm chiều, bà ngoại tôi cũng biết được, bà nói tôi buồn là phải lắm, chúng nó dể duôi quá, thuở nay trong phép đãi khách không có đâu bất lịch sự như thế. Sau bữa cơm, các bạn nhỏ đi xem hát về cũng rủ nhau đến, say sưa kể lại những lớp tuồng. Chỉ có tôi không nói năng gì ; bọn họ đều than thở và tỏ ý bất bình hộ tôi. Thình lình, Song Hỉ, một người rất thông minh trong bọn, như sực nhớ ra, đưa ra một đề nghị. Hắn nói: "Cần phải có thuyền lớn à? Chiếc đò dọc của Chú Tám chẳng đã về rồi là gì?". Mười mấy người bạn nhỏ khác cũng sực nhớ ra, mỗi người xúi vào một tiếng, nói có thể cùng đi với tôi bằng chiếc đò dọc ấy. Tôi thấy vui lên. Nhưng bà ngoại tôi sợ cả lũ đều trẻ con, không tin cậy được ; mẹ tôi lại nói nếu bảo một người lớn cùng đi, ai nấy ban ngày đều có công việc làm, bắt họ thức đêm là không hợp lẽ. Trong lúc dùng dằng ấy, Song Hỉ thấy ngay được chỗ mấu chốt, bèn lớn tiếng nói rằng: "Tôi xin viết tờ cam đoan! Thuyền đã lớn, anh Tấn lại không hề chạy lung tung, chúng tôi đây lại đều là tay dạn nước!".

Thật thế! Mười mấy người bạn nhỏ đó thật ra không có một người nào là không biết lội lặn, vả lại có vài ba kẻ còn là thiện nghệ nữa kia.

Bà ngoại và mẹ tôi có ý tin, không bẻ bác nữa, đều mỉm cười. Tức thì chúng tôi ồn ào kéo nhau ra khỏi cổng.

Quả tim nặng nề của tôi bỗng thấy nhẹ nhõm, cả người tôi cũng như là vươn lớn lên đến không hình dung ra được. Vừa ra khỏi cổng, thấy chiếc đò dọc mui trắng đậu ở gầm cầu Bình Kiều dưới ánh trăng. Mọi người nhảy xuống thuyền, Song Hỉ nhổ sào mũi, A Phát nhổ sào lái, những đứa nhỏ nhất ngồi với tôi ở trong khoang, những đứa lớn hơn ngồi ở sau lái. Khi mẹ tôi đưa ra đến nơi, dặn "phải cẩn thận", thì chúng tôi đã bắt đầu cho thuyền đi, nống trên hòn đá cầu một cái, lùi lại mấy thước, liền trồi tới đằng trước ra khỏi cầu. Thế rồi gác hai cái chèo lên, mỗi cái hai người, cứ một dặm đường thay tay một lần. Trong thuyền có nói cười, có la ó, kèm theo tiếng rạch nước róc rách ở mũi thuyền, dọc theo giữa dòng sông mà hai bên đều là ruộng lúa và đậu xanh nghít, chiếc thuyền nhằm làng Triệu tiến lên như bay.

Mùi thơm dịu dàng của lúa đậu hai bên bờ và của rong cỏ dưới sông, lẩn trong hơi nước thoáng đưa vào mặt ; ánh trăng lờ mờ ở trong cái hơi nước ấy. Những dãy núi màu đen nhạt chỗ trồi chỗ sụt, giống như cái lưng con thú bằng sắt đang nhảy, đều xa xa nhằm phía lái thuyền nhảy đi mất, thế mà tôi còn cho là thuyền đi chậm. Họ thay tay chèo bốn lần, dần dần như trông thấy làng Triệu, lại như nghe được tiếng trống hát, còn có mấy đốm lửa, đó là đèn của rạp hát, song cũng có thể là đèn của thuyền đánh cá.

Tiếng kia đại khái là tiếng sáo, trầm bổng, véo von, làm cho quả tim tôi cũng chìm lặng, song lại tự quên mình đi mất, thấy như mình cùng với nó tan ra trong hơi đêm ngấm mùi thơm của lúa đậu và rong cỏ.

Đến gần đốm lửa, quả nhiên là đèn của thuyền đánh cá ; tôi mới nhớ ra cái chỗ hồi nãy trông thấy cũng không phải là làng Triệu. Đó là một cụm rừng thông ngay trước mũi thuyền, năm ngoái tôi từng đi chơi qua đó, còn xem thấy con ngựa đá sứt mẻ nằm dưới đất, con dê đá ngồi trong cỏ. Qua khỏi cái rừng ấy, thuyền rẽ vào ngã ba sông, đây mới thật nhìn thấy làng Triệu rồi.

Chọc vào mắt trước hết là cái đài sân khấu[9] đứng sựng trên đất trống ven sông bên ngoài làng, nó mường tượng ở trong đêm trăng xa tắp, hầu như không nhìn ra được là ở chỗ nào trong không gian, tôi đã ngờ rằng cái cảnh tiên mình từng thấy trong tranh vẽ, chính nó xuất hiện ở đây rồi. Lúc đó thuyền đi càng nhanh hơn, chẳng bao lâu, thấy rõ các vai trò trên sân khấu, nhúc nhích những màu hồng màu lục ; và giữa sông gần sân khấu, trông một đám đen ngòm, đó là mui thuyền của những người đi xem.

"Gần sân khấu không có chỗ nào trống rồi, chúng ta đậu thuyền xa xa mà xem." A Phát nói.

Lúc này thuyền đã đi chậm, một lát thì đến, quả thật không đến gần sân khấu được, chỉ phải cắm sào ở chỗ so với cái bàn thơ thần[10] ngay sân khấu còn xa hơn. Thực ra tì cũng bởi thuyền của chúng tôi mui trắng, không muốn đậu chung một chỗ vói những thuyền mui đen, huống chi là không còn có chỗ trống nào...

Trong khi vội vã cắm thuyền, thấy trên sân khấu có một người râu dài mà đen, trên lưng giắt bốn lá cờ lệnh, cầm giáo dài, đang đánh trận với một tốp người ở trần. Theo lời Song Hỉ, đó là kép đầu sắt nổi tiếng, có thể lộn nhào luôn tám mươi bốn keo một lúc, chính hắn lúc ban ngày đã đếm.

Chúng tôi bèn chen nhau ngồi ở đầu mui thuyền xem đánh trận, nhưng anh kép đầu sắt kia không lộn nhào, chỉ có mấy người ở trần lộn nhào thôi, lộn nhào một mẻ rồi đi vào hết. Tiếp đó là một vai đàu tơ ra, ê ê a a hát. Song Hỉ nói: "Ban đêm người xem có ít, kép đầu sắt cũng mệt rồi, ai lại chịu trổ tài để chẳng có ma nào thưởng thức?". Tôi cho nói thế là đúng, vì khi đó dưới sân khấu đã thưa người, người nhà quê ngày mai phải làm việc, không thức đêm được, đã đi ngủ hết, những người còn đứng rải rác chẳng qua mấy chục kẻ vô công rồi nghề ở làng đó và làng bên ; còn những vợ con của bọn phú ông trong những thuyền mui đen thì vẫn có đó, nhưng chúng không thiết gì xem hát ; phần nhiều là đến đây để ăn bánh ngọt, trái cây, và cắn hột dưa. Cho nên có thể nói gọn là không có ma nào.

Nhưng mà trong ý tôi lại cũng không thiết gì xem lộn nhào. Vai trò tôi thích xem là vai tinh rắn do một người lợp vải trắng, hai tay bưng cái đầu rắn giống một cái gậy trên đầu mình, thứ đến là vai cọp nhảy do một người đội lốt vải vàng đóng. Song le đợi đã lâu mà đều chẳng thấy, vai đàu tơ tuy vào rồi, tức khắc lại ra một vai kép rất già. Tôi thấy hơi mệt, nhờ Quế Sinh đi mua sữa đậu nành. Hắn đi một lát, rồi trở về nói: "Không có, cái anh điếc bán sữa đậu nành cũng đi về rồi. Ban ngày thì có, tôi có ăn hai bát. Bây giờ thì tôi đi múc một bầu nước cho cậu uống nhỉ."

Tôi không uống nước, cứ cố rán để xem, nhưng cũng không xem hẳn ra được cái gì, chỉ thấy những cái mặt của vai tuồng dần dần có hơi kỳ quái, miệng mũi tai mắt lu mờ đi, như là nhào thành một khối không có gì cao thấp. Mấy đứa nhỏ thì ngáp, mấy đứa lớn thì chăm nói chuyện với nhau. Thình lình một vai hề mặc áo đỏ bị trói ở cây cột trên sân khấu, để cho một ông râu bạc đánh bằng roi ngựa, mọi người mới lại hăng hái lên vừa cười vừa xem. Theo tôi, đó là một lớp tuồng rất hay trong một đêm hát ấy.

Nhưng mà rốt lại, vai đàu già lại ra. Đàu già là thứ mà tôi rất sợ, sợ nhất là khi ngồi xuống và hát. Lúc đó, thấy mọi người đều cụt hứng, mới biết họ cũng cùng có một ý kiến với tôi. Ban đầu đàu già còn đi qua đi lại hát, đến sau, quả đã ngồi xuống trên ghế bành ở chính giữa. Tôi lo lắm. Bọn Song Hỉ thì lại vọt miệng rầm rì chửi. Tôi cố rán chờ xem, đã bao lâu mới thấy đàu già đưa tay lên một cái, tôi tưởng là hắn sẽ đứng dậy. Té ra không phải, hắn lại từ từ thả tay xuống, vẫn cứ hát. Trong thuyền, có mấy đứa cứ thở ra mãi, còn mấy đứa cũng cứ ngáp. Cuối cùng Song Hỉ chịu không nổi nữa, nói rằng e nó còn hát mãi cho đến sáng, thôi thì chúng ta đi về là hơn. Mọi người liền đồng ý, hăng hái cũng như hồi bắt đầu đi, ba bốn người chạy ra đằng lái, nhổ sào, lùi một ít, quay mũi thuyền lại, gác chèo lên, cứ vừa chửi đàu già, vừa cho thuyền nhằm rừng thông thẳng tới.

Trăng vẫn chưa lặn, thấy như xem hát cũng không lâu mấy, và, vừa đi khỏi làng Triệu, ánh trăng lại càng tỏ rạng mười phần. Quay nhìn đài sân khấu ở trong ánh sáng đèn, cũng như hồi mới đến, mường tượng một tòa lâu đài trên non tiên, bị ráng đỏ vây bọc, tiếng sáo lại thổi đến bên tai rất véo von ; tôi nghĩ rằng bây giờ đàu già đã đi vào rồi, song cũng không buồn nói trở lại xem.

Một chốc chi đó, thuyền đã bỏ rừng thông rồi, nó đi cũng không chậm, có điều bốn phía bóng đen dày đặc, biết rằng đêm đã khuya lắm. Bọn họ một mặt bàn luận các vai tuồng, kẻ thì cười, người thì chửi, một mặt gấp sức lên chèo thuyền. Lần này tiếng mũi thuyền rạch nước lại càng vang dội, chiếc đò dọc khác nào một con cá trắng lớn cõng một bầy trẻ con vượt trên hoa sóng, cả đến mấy ông chài chài đêm cũng ngừng xuồng lại xem và vỗ tay reo mừng.

Cách làng Bình Kiều còn có chừng một dặm. Thuyền lại đi chậm rồi. Những tay chèo đều kêu mệt quá, vì dùng sức nhiều quá. Mà lại từ tối đến giờ không có gì ăn. Lần này do Quế Sinh nghĩ ra một kế, hắn nói đậu la hán[11] đã no hột, củi lửa lại có sẵn, chúng ta có thể đi lấy trộm một ít luộc đi mà ăn. Ai nấy đều tán thành, tức khắc cắm thuyền gần bờ ; những đám ruộng trên bờ hiện ra màu đen mơn mởn, đều là đậu la hán sai trái.

Này A Phát này, bên kia là đậu của nhà mầy, bên kia là của nhà Già Sáu, chúng ta nên lấy của bên nào?. Song Hỉ nhảy xuống nước, đứng trên bờ hỏi như thế.

Chúng tôi cũng nhảy lên bờ. A Phát vừa nhảy lên, vừa nói: Khoan đã, để tôi xem thử xem. Thế rồi hắn đi qua đi lại sờ soạng một lúc, rồi đứng thẳng lên nói rằng: Lấy của cto đi, đậu của chúng tôi to hơn nhiều. Một tiếng ừ, mọi người di tản ra trong đám đậu nhà A Phát, mỗi người hái một nạm lớn, ném vào trong khoang thuyền. Song Hỉ bàn rằng nếu lấy nhiều nữa và nếu mẹ A Phát biết được thì sẽ khóc và chửi cho, thế rồi ai nấy tạt sang ruộng ông cụ Sáu, mỗi người lại lấy một nạm lớn nữa.

Mấy đứa lớn tuổi trong chúng tôi vẫn chèo thuyền chậm chậm, mấy đứa nữa đến khoang lái nhen lửa, còn mấy đứa nhỏ và tôi thì bóc đậu. Một lát đậu chín, bèn thả thuyền lềnh bềnh trên mặt nước, xúm lại lấy tay bốc đậu ăn. Ăn xong, lại chèo đi, một mặt dọn rửa đồ đạc, ném cả vỏ đậu dưới sông, không còn có tang tích gì cả. Song Hỉ lo nhất là đã dùng muối và củi trong chiếc đò dọc của ông cụ Tám, ông cụ này tinh lắm, thế nào cũng sẽ biết, sẽ mắng cho. Nhưng mà sau khi mọi người bàn luận rồi, rốt câu lại không sợ. Ông cụ nếu mắng thật, thì chúng ta sẽ đòi ông trả lại cành cây bách khô bên bờ sông mà năm ngoái ông đã nhặt đi, lại còn ngay trước mặt gọi ông là thằng Tám hủi.

Về cả đây rồi! Nói có sai đâu? Tôi đã nói viết tờ cam đoan kia mà?. Song Hỉ đứng ở mũi thuyền bỗng dưng nói to lên.

Tôi nhìn phía mũi thuyền, đằng trước đã là cầu Bình Kiều rồi. Một người đứng ở gầm cầu, thì ra chính là mẹ tôi. Song Hỉ nói là đối với mẹ tôi mà nói. Tôi chạy ra khoang mũi, thuyền cũng đã tới sát cầu, cắm sào rồi, chúng tôi rộn rịp kéo lên bờ. Mẹ tôi có ý không ưng, nói đã quá canh ba rồi, sao mà về trễ thế, nhưng rồi cũng vui lên, cười và mời hết thảy về nhà ăn ngô rang.

Ai nấy đều nói đã ăn lót lòng rồi, lại buồn ngủ, tốt hơn là đi ngủ sớm, thế rồi ai về nhà nấy.

Ngày hôm sau, đến trưa tôi mới thức dậy, không nghe thấy có chuyện lôi thôi gì với ông cụ Tám về muối và củi, buổi chiều vẫn đi câu tôm.

Song Hỉ, chúng bay đồ tiểu yêu, tối hôm qua ăn trộm đậu của tao chứ gì? Lại không chịu hái cho tử tế, đạp dập đi hết một mớ. Tôi ngước đầu lên, thì là ông cụ Sáu đang chèo chiếc thuyền con đi bán đậu về, trong thuyền còn có một đống đậu không bán hết.

Phải đấy. Chúng tôi đãi khách đấy. Ban đầu chúng tôi cũng không nghĩ đến lấy của ông đâu. - ủa hay, ông đuổi tôm của tôi chạy mất cả rồi!. Song Hỉ nói.

Ông cụ Sáu thấy tôi, liền ngừng chèo, cười và nói: Đãi khách đấy à? - Thế thì nên lắm. Rồi nói với tôi: Cậu Tấn, hôm qua hát có hay không?

Tôi gật đầu một cái, nói: Hay.

Đậu ăn có khá không?

Tôi lại gật đầu, nói: Ngon lắm.

Không ngờ ông cụ Sáu ra dáng cảm động khác thường, giơ ngón tay cái lên, hể hả nói: Thật là người có học ở thành phố lớn có khác, biết người biết của! Đậu của tôi chọn từng hột giống đấy, người nhà quê không biết thế nào là tốt thế nào là xấu, lại nói đậu của tôi không bằng đậu người ta. Hôm nay tôi phải đem biếu một ít cho cô nhà ta[12] ăn thử xem.... Thế rồi ông cụ chèo thuyền đi.

Đến khi mẹ tôi gọi tôi về ăn cơm chiều, trên bàn có một bát đậu la hán nấu chín, tức là của ông cụ Sáu biếu mẹ tôi và tôi ăn đấy. Nghe nói ông còn đối với mẹ tôi khen tôi hết lời mà rằng: Chưa mấy tuổi mà có kiến thức, thế nào sau cũng đỗ trạng nguyên. Cô nè, có thể cầm chắc mười mươi rằng cô sẽ được sung sướng. Song le tôi ăn đậu thì lại thấy không ngon bằng đêm hôm qua.

Thật đấy, cho đến bây giờ, tôi chưa được ăn đậu nào ngon như đêm hôm ấy, - cũng chưa hề được xem hát nào hay như đêm hôm ấy.

Tháng 10, năm 1922
(Dịch ở Nột hám)

   




Chú thích

  1. Xã hí: Xã nguyên để chỉ thần Thổ địa hay là miếu Thổ địa. Ở Thiệu Hưng, làng quê của tác giả, xã là một thứ tên về khu vực. Xã hí là hát lệ mỗi năm trong xã. Trong nước ta, nhiều nơi cũng có tục hát như thế. Như ở làng tôi, làng Bảo An trong tỉnh Quảng Nam, có một nơi gọi là Cồn cây đa ở đó có lập một cái đàn lộ thiên, gọi là Nền xã tắc, thờ ông Thần nông hay là ông thần gì đó, cứ ba năm làng lại dựng rạp lên trước Nền xã tắc, rước ban hát bội về hát một lần, gọi là hát lệ. Tôi tìm mãi không thấy trong tiếng ta có danh từ nào chỉ về sự hát như thế mà có phổ biến tánh, nếu dịch là hát lệ thì sợ không phổ thông và cũng không đủ nghĩa, cho nên cứ để nguyên văn là xã hí mà không dịch.
  2. Dân quốc nguyên niên tức là năm 1912.
  3. Đuôi sam láng bóng: Để mấy chữ này vào đây, như là không cần thiết gì, nhưng tác giả có ý cho người ta thấy rằng đã cách mạng rồi, mà ngay ở Bắc Kinh còn có người có đuôi sam. Láng bóng là vì có xức dầu chải mượt trước khi dóc bín. Tôi quên ở sách nào và tác giả nào, thấy có nói rằng cái đuôi sam của người Trung Quốc, nếu không có Viên Thế Khải ra lệnh bắt cắt bằng cách cưỡng bách thì có lẽ người ta cứ để mãi. Nó là một việc biểu hiện cái thói thủ cựu của quần chúng, cho nên tác giả coi là quan trọng mà đem nói vào tiểu thuyết.
  4. Thích hợp sống còn: Đây là tác giả lấy ở một câu như đã thành ra thành ngữ là câu vật cạnh thiên trạch, thích giả sinh tồn trong sách Thiên diễn luận mà Nghiêm Phục dịch của Huxley ra. Ý nói: muôn vật tranh cạnh nhau, trời chọc lọc, vật nào thích hợp thì được sống còn. Chữ thiên đây, thực ra không phải ông trời hay thượng đế, chỉ là tự nhiên, thích hợp là thích hợp với tự nhiên.
  5. Đàm Kiếu Thiên tức là Đàm Kim Bồi, một kép hát có tiếng về Kinh kịch lúc bấy giờ.
  6. Mẹ của Mục Liên: Đây là một vai tuồng trong vở Mục Liên cứu mẹ, là vở tuồng mà ở dân gian Trung Quốc thường hay hát. Mục Liên là đệ tử của Phật Thích ca. Theo truyền thuyết nói mẹ của Mục Liên vì làm ác nên sa vào địa ngục, Mục Liên từng vào địa ngục cứu mẹ ra khỏi. Vở tuồng theo truyền thuyết đó mà viết ra.
  7. Củng Văn Phủ cũng là diễn viên Kinh kịch có tiếng lúc bấy giờ, cụp đóng vai đào già.
  8. Tám chữ này là hai câu trong bài thơ Tư can, ở Tiểu nhã, Kinh Thi.
  9. Đài sân khấu: Đây là sân khấu ở giữa đồng trống, dựng trên một cái đài đắp cao, những người xem ở dưới đài, cho nên phải nói đài sân khấu.
  10. Vì là hát lệ, hát cho thần xem, cho nên có bàn thờ thần ở ngay sân khấu. Nguyên văn là thần bằng, nếu dịch sát thì nói giàn thờ thần.
  11. Đậu la hán: Không biết là đậu gì, tra Từ Hải không có.
  12. Cô nhà ta: Xưng bà mẹ tác giả. Theo tục Trung Quốc, người làng người họ đối với phụ nữ trong làng trong họ, hễ chưa có chồng thì gọi bằng cô, có chồng rồi thì gọi là cô nại nại, nại nại, theo tiếng ta là bà. Nhưng trong tiếng ta không nói cô bà được, cho nên ở đây bỏ chữ nại nại đi mà chỉ nói cô.