Bước tới nội dung

Xã hội với nhân tài

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Xã hội với nhân tài  (1928) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, số 765 (6.9.1928)

Từ ông Nguyễn Ngọc Liễn, ông Trần Văn Tăng cho đến ông Trần Văn Chim

Từ ngày ông Nguyễn Ngọc Liễn có tờ thông cáo đăng ở các báo, nói rằng mình đã tìm ra cái gốc trí khôn của loài người không phải ở óc, đến nay tròm trèm một tháng, bổn báo chưa từng để lời phẩm bình, trừ ra trong khi ấy, bổn báo cũng chỉ đăng tin đó như các báo khác mà thôi.

Bổn báo chưa vội phê bình là vì giữ cái thái độ hoài nghi. Chúng tôi chưa được biết ông Nguyễn Ngọc Liễn là người thế nào, thì trong khi thấy một nhà phát minh mà lại thách "cá", chi cho khỏi chúng tôi lấy làm lạ. Mà thật vậy, phát minh thì cứ việc phát minh đi, sao lại thách cá làm chi?

Ngoài mối hồ nghi một chút đó ra, còn sự tìm tòi về khoa học và cái khí hăng hái muốn làm một nhà cách mạng về khoa học trong thế kỷ thứ hai mươi nầy của ông Nguyễn Ngọc Liễn thì chúng tôi phải phục. Chưa biết sự phát minh của ông có thành công chăng, song chúng tôi tưởng người Việt Nam mình hết thảy nên chú ý vào tờ thông cáo của ông, hy vọng cho ông thành công, ấy là một cách giục lòng cho học giả nước ta vậy.

Thế mà mới đây trong các báo chỉ thấy có hai bài của bạn đồng nghiệp Công luận là có cái hảo ý vừa phải đối với tờ thông cáo ấy mà thôi; còn kỳ dư thì người ta muốn vùi giập đi cả; mà không vùi giập thì cũng ra dáng hững hờ.

Vài ba tuần lễ nay, ở Sài Gòn, những hàng thức giả đôi khi nhóm lại với nhau mà có bàn đến việc Nguyễn Ngọc Liễn, thì ai nấy đã trề môi, nhún miệng, cho là nói bướng.

Sao lại nóng tánh như vậy? Thì đợi xem ông ấy sau nầy giãi bầy ra làm sao đã mà!

Chúng tôi tưởng, các hàng thức giả Việt Nam nên mau mau tổ chức một cái hội đồng đi, đặng mời ông Nguyễn Ngọc Liễn giảng giải về cái thuyết của ông. Cái thuyết của ông mà có lý, nghe được, thì bấy giờ hội đồng nên đứng ra mà giới thiệu ông cho học giới giữa vạn quốc; bằng không nghe được thì thôi; như vậy có phải là chánh đáng hơn không? Làm sao lại nhè trong khi ông mới nói nửa lời, đã ngồi khểnh vuốt râu mà mạt sát?

Ở trong một cái xã hội nguội lạnh, hơ thờ, éo le, khe khắt như vậy, còn trông gì nhân tài trồi đầu lên được? Một cái xã hội nguội lạnh, hơ thờ, éo le, khe khắt như vậy, rồi ai nấy khoanh tay ngồi mà than rằng: Ôi! Non ám sông mờ, khí thiêng thu sạch, nhân tài thưa thớt như sao mai!

Hết ông Nguyễn Ngọc Liễn, nhớ đến ông Trần Văn Tăng.

Hỏi ai đã đọc Nam phong, có nhớ đến tên Trần Văn Tăng không? Chắc quên ráo! Hỏi một lần nữa. – Ờ ờ! Có phải Trần Hi Tăng không?

– Không, Trần Văn Tăng kia mà! Trần Văn Tăng là người viết bài xã thuyết đăng ở Nam phong số 106 kia mà!

Tôi, là kẻ viết bài nầy, dám quyết rằng, cho đến ngày nay Việt Nam ít có cái gì đáng gọi là học thuyết được hết, ít có ai đáng gọi là nhà triết học được hết. Có chăng, tưởng chỉ bài ấy mà thôi; có chăng, tưởng chỉ Trần Văn Tăng mà thôi.

Bài ấy kể hàng chục tờ giấy in lớn, ở trỏng lấy cái thuyết "cảm sanh" và "dịch hóa" mà phát biểu ra cái võ trụ quan và nhân sanh quan của tác giả[1]. Tự tôi, chưa dám đoán là phải hay trái – mà về triết học đã biết thế nào là phải trái –, song dám quyết là một cái thuyết có thể đứng được.

Ấy thế mà tôi xem ra chừng như từ lúc bài ấy phát biểu ra rồi, giá ở nước khác thì đã có người tán thành hoặc có người công kích, mà ở nước ta thì tịnh nhiên như không, học thuyết thây kệ học thuyết, triết học trối mặc triết học, chẳng ai thèm đếm xỉa đến!

Nói đến Trần Văn Chim. Nói đến Trần Văn Chim là tay nhà nghề nhứt trong nghề đánh banh vợt[2] ở Sài Gòn thì ai lại chẳng biết; song le, chơi với Trần Văn Chim thì không ai thèm chơi.

Ai lại chẳng biết Trần Văn Chim đánh banh vợt với người Tây, người Tây thua; với người Tàu, người Tàu thua; với người Nhựt, người Nhựt thua; giá ở nước khác thì đã nổi danh vô địch khắp toàn cầu rồi; song ở đây thì không hội thể thao An Nam nào dung Trần Văn Chim được cả. Ở với giống con rồng cháu tiên nầy Trần Văn Chim có lẽ không sanh nhai bằng nghề đánh banh được, song rồi tất chi phải sanh nhai bằng nghề lượm banh như thuở còn thơ!

Đừng có nói rằng không có nhân tài. Biết bao người anh tuấn còn chôn mình trong lau sậy để đợi lúc gió mây; biết bao khách hào kiệt còn núp trong bụi trong bờ để lánh chưng thói bạc! Ra mà làm chi cho thiên hạ nói tiếng nọ tiếng kia; ra mà làm chi cho những phường mắt nạc nó ganh tài ghét ngõ[3]!

Trước khi cái thuyết của ông Nguyễn Ngọc Liễn chưa thành lập, tôi tạm nói một câu rằng: Cái óc chúng ta ngày nay là chưa phải cái óc dung được nhân tài!

C.D.

   




Chú thích

  1. Võ trụ quan = Conception de l’univers; Nhân sanh quan = Conception de la vie (nguyên chú)
  2. Đánh banh vợt: quần vợt, tennis, banh nỉ
  3. Ngõ trong tài ngõ: nghĩa như "tài trí"; thành ngữ: Có tài có ngõ thì gõ với nhau nghĩa là có tài thì đấu với nhau, chẳng cậy sức ai (theo H.T. Paulus Của)