Xét về câu sáo người mình thường nói: Phong hóa suy đồi

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Xét về câu sáo người mình thường nói: Phong hóa suy đồi  (1931) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 99 (10.9.1931) và số 100 (17.9.1931)

I

Chừng mươi, mười lăm năm nay, thấy người mình thường hay than van trên các báo chí: Phong hóa suy đồi; bốn chữ ấy đã thành ra như câu sáo.

Trong khi không hẹn mà như rủ nhau, người nào người nấy đều thả ra cái giọng lo đời ấy, cũng có người đem những chuyện nầy chuyện kia làm chứng cớ, còn cũng có người chỉ la khan như vậy mà thôi. Họ làm như cái xã hội nầy là cùng hung cực ác, giống mấy cái thành sắp đến ngày bị hủy diệt trong Kinh Thánh đời xưa, khiến cho tôi thoạt nghe qua xiết bao kinh hãi: Ôi! có lẽ ta sẽ cùng với ai kia đã đến ngày vĩnh kiếp trầm luân rồi nọ!

Thật thế, nếu một dân tộc hở ra việc gì cũng có thể nắm đó mà than rằng phong hoá suy đồi được hết, thì dân tộc ấy không bị diệt vong cách nầy cũng bị diệt vong cách khác, chớ có thế nào mà sanh tồn được ư? Các Mán Mọi ở dọc theo giải Trường Sơn sau lưng nước ta đây, chưa có văn hóa mặc dầu, ít nữa họ cũng phải có cái lòng yêu nhau, nên mới sống từ đời nọ sang đời kia kề một bên chúng ta được chớ.

Theo như cái giọng ưu thời mẫn thế đã phun ra từ miệng những người ấy trải mười mấy năm nay, mà chẳng hề có một ai dùng phương gì vãn cứu, thì dân tộc nầy, theo lẽ, đã càng ngày càng thêm bại hoại mà đến diệt vong rồi mới phải. Nhưng, cứ như hiện trạng xã hội ta bây giờ, chúng ta chẳng những không sợ sự diệt vong mà lại ai nấy đều nhìn thấy trước mắt mình như có cái sanh cơ phát động, dường ấy, chẳng lạ lắm sao?

Thế thì, có lẽ cái câu sáo người mình thường nói đó là không thật, như kẻ không đau mà rên đó chăng? Hay có lẽ chính nó là thật, mà vì tôi dùng cặp mắt lạc quan xem xét, thành ra không thấy chăng? Theo lẽ trên thì chúng ta đáng mừng, song tại đâu mà có câu sáo ấy, ta cũng nên thăm tìm cho biết. Theo lẽ dưới thì chúng ta đáng lo, tưởng càng nên nghiên cứu cho tới nơi tới chốn để kiếm cách vãn hồi. Tổng chi, đằng nào cũng không thể bỏ qua cái câu phong hóa suy đồi ấy được. Hiện nay phong hóa nước ta có phải thật suy đồi không, sự đó phải thành ra vấn đề giữa chúng ta.

Đã lâu, tôi từng chú ý đến vấn đề ấy. Tôi thấy ra lời than van của người ta đó có là thật chăng nữa, cũng chỉ thật được bao nhiêu phần trăm là cùng. Hay là nói một cách khác, phong hóa nước ta ngày nay là suy đồi hay không suy đồi, khó lòng mà phán quyết được, vì có nhiều cớ. Nếu ai chưa dụng công nghiên cứu cho kỹ mà cứ đụng đâu than đó, thì quả là một sự võ đoán mà không có ích lợi chi, luống làm cho ngã lòng kẻ khác mà thôi vậy.

Suy đồi là cái danh từ tương đối. Phỏng định cho nó đối với cái danh từ thạnh mỹ. Phong hóa có lúc thạnh mỹ rồi mới thấy cái lúc suy đồi. Vì trong lúc sau nầy có đem so sánh với lúc trước mà thấy nó kém sự thạnh mỹ đi hay là cùng sự thạnh mỹ trái nhau. Bằng như không so sánh thì cái suy đồi ấy làm sao thấy được?

Muốn so sánh thì dùng cách nào mà so sánh? Theo khoa học, ngoài phép thống kế[1] ra, chẳng còn biết dùng cách gì.

Ở các nước chuộng khoa học, người ta muốn biết phong hóa trong nước thạnh suy thế nào, không nói ức chừng được, mà phải căn cứ ở sổ thống kế của các tòa án. Bao giờ chứng tỏ ra rằng trong một địa hạt đồng nhau, trong một thời kỳ đồng nhau, mà thời kỳ sau có nhiều người phạm tội hơn thời kỳ trước, thì bấy giờ mới nói được rằng phong hóa của thời kỳ sau là suy. Nếu chẳng thế mà cứ la khan như những bậc ưu thời mẫn thế ở xứ mình, thì dầu la cho mấy, người ta cũng không tin vậy.

Nói về nước ta, khắp cả ba kỳ, mà đừng vói lên xa làm chi, chỉ lấy ngang từ năm Gia Long nguyên niên đến giờ, phải chi hằng năm có sổ thống kế của tòa án cho phân minh, thì ngày nay mới biết đường mà so sánh được. Cái nầy, từ đó đến nay không có sổ thống kế, mà bây giờ muốn làm cũng không biết lấy tài liệu ở đâu mà làm, thì có phải là ngay cái chỗ căn cứ không ai cãi được ấy, chúng ta đã mất hẳn đi rồi không?

Ngang từ hồi chủ quyền xứ ta thuộc về nước Pháp đến giờ thì đã có một vài nơi có sổ thống kế của tòa án. Có một ông trạng sư nói cùng tôi rằng theo sổ thống kế ấy thì như một hạt Nam kỳ cũng đã nghiệm ra rằng số phạm tội mấy năm gần đây nhiều hơn mấy năm trước kia. Nhưng tôi cũng còn chưa dám nắm đó mà cho phong hóa Nam kỳ là suy đồi, vì những nguyên nhơn trong việc nầy phiền phức lắm, ta còn phải xét nhiều nữa, chưa dám tin trọn ở sổ thống kế. Sự đó tôi sẽ nói trong đoạn sau.

Không cứ ở chỗ nào trong ba kỳ nầy, những ông già bà cả đều ca tụng cái phong tục hồi xưa, vào thuở họ còn nhỏ, là thuần hậu hơn ngày nay. Những người hay nói phong hóa suy đồi cũng dựa vào đó làm chứng cớ.

Nhưng chúng ta phải xét đến cái tâm lý thông thường của loài người, mà nhứt là người phương Đông ta, là hay sùng cổ bạc kim[2]. Từ xưa đến nay ai nấy đều bất mãn về cái đời của mình ở mà đi hâm mộ đời trước, dường như cái thời đợi hoàng kim chỉ riêng cho Tam hoàng Ngũ đế mà thôi. Rất đỗi đức Khổng cũng than van rằng hồi ngài đương nhỏ, thấy người có ngựa còn cho kẻ khác mượn cỡi, mà đến ngài lớn lên không thấy nữa[3], thì chúng ta mới nghĩ thế nào! Theo lời ngài thì thói đời càng ngày càng bạc; từ đó đến nay hơn hai ngàn năm, chúng ta ngày nay có lẽ ăn thịt nhau rồi mới phải, mà sao chúng ta vẫn xách đến xe hơi cho nhau mượn, chớ đừng nói con ngựa là vật không đáng mấy làm chi!

Cứ cái gì ở đời xưa cũng là tốt hết, cái gì ở đời nay cũng là xấu hết, trong lòng mọi người đều chứa sẵn cái tâm lý ấy thì con mắt phải thấy phong hóa ra suy đồi, là lẽ cố nhiên. Song le, cái lẽ tấn hóa là lẽ dầu người thủ cựu mấy cũng phải công nhận rồi, đã ai xóa nó đi được đâu mà hòng còn giữ cái tâm lý ấy?

Người ta thấy những án loạn luân, những án đại nghịch như con giết cha, vợ giết chồng hay xảy ra ở ngày nay, rồi cầm chặt lấy, coi là cái bằng chứng chắc lắm. Nhưng theo tôi thì cái bằng chứng ấy cũng chưa đủ.

Nước ta từ hồi Gia Long đặt ra luật, rồi từ đó về sau, hễ gặp những án gì mà nắm nội luật không đủ xử, triều đình phải bổ nghị thêm: những cái bổ nghị ấy kêu bằng lệ. Tôi từng xem qua những lệ nầy mà thấy ra sau đời Gia Long, như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, lúc mà người ta cho là thạnh trị đó, cũng nẩy ra những lệ mới mỗi năm không biết bao nhiêu. Trong đó có nhiều điều ghê gớm tưởng đời nay không thể có được, mà bấy giờ đã rành rành ra là mặt lệ! Coi đó thì biết những sự loạn luân, đại nghịch, những sự làm chứng cho câu phong hóa suy đồi trong đời nay, nào có phải đời xưa không có đâu?

Kẻ khác kê miệng vào lỗ tai tôi, nói cho tôi biết rằng những sự ấy buổi Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức vẫn có, nhưng mà ít, ngày nay có nhiều hơn, cho nên phong hóa ngày nay là suy đồi.

Quả vậy thì đưa sổ thống kế cho tôi coi đi! Không có! Chẳng bao giờ tôi tin được!

Cái ít và nhiều ấy lại có lẽ khác. Cái ít và nhiều ấy, nó có lẽ chỉ là sự huyễn tưởng (illusion) trong đầu ông mà thôi, tôi biết được đâu! Cách ba bốn chục năm về trước, sự giao thông chưa tiện, báo chí chưa có, ai ở đâu chỉ biết việc lanh quanh ở đó là cùng, việc trong làng cho đến trong tỉnh mình là cùng. Hồi đó, người ở Sài Gòn đây không có thể biết được việc đại ác nào xảy ra ở Hà Nội, mà cho đến việc ấy xảy ra ở Lục tỉnh, cũng chưa chắc đã nghe. Lại dầu có biết có nghe cũng phải trải qua một thời gian khá lâu, một năm, năm bảy tháng. Như vậy thì những việc tội ác kia dầu có nhiều đi nữa, cũng làm cho người ta tưởng là ít vậy. Còn ngày nay, việc gì xảy ra buổi mai thì buổi chiều ở đâu cũng đã nghe cả rồi. Cả không gian và thời gian cũng đều thâu vắn lại hết, những việc ấy hình như xảy ra kế tiếp nhau, thì, biết đâu được, hoặc giả nó so với đời xưa là ít mà ta cũng có thể tưởng là nhiều.

Nay ví có một ông già ở Mỹ Tho, nghe cháu ông đọc báo nói ở Lạng Sơn mới xảy ra vụ án con giết cha, chắc ông bài hải mà nói rằng: úy, cái đời bậy bạ làm sao! Tao từ nhỏ đến giờ mới nghe lần nầy là một! Rồi từ đó ông yên trí rằng phong hóa đời nay là kém hồi ông còn trai trẻ. Nhưng ông quên đi rằng hồi ông còn nhỏ, chưa có xe lửa, chưa có dây thép, chưa có nhựt trình, ông chỉ biết nội chỗ Mỹ Tho đó thôi. Chỗ Mỹ Tho bấy giờ quả không có con nào giết cha thật, nhưng chỗ khác có, thì ông cũng không làm sao mà biết được. Còn nếu quyết cho việc ác ấy đời xưa không có, thì sao trong lệ lại có những điều bổ nghị nói về con giết cha?

Lại điều nầy nữa, có thể suy mà biết được những tội ác ghê gớm ở đời xưa, không phải là ít đâu. Ai có đọc qua những lệ nói trên kia thì thấy rằng cũng đồng một tội như nhau, ông thông dâm với cháu gái hoặc con cháu đánh ông cha, mà nghị đi nghị lại nhiều lần, cách ít năm lại thấy đổi khác; như thế đủ biết những việc ấy xảy ra hoài, pháp luật có ý buộc tội nặng thêm lên, hầu cho dân chúng sợ mà chừa đi vậy.

Từ đây nhẫn lên đủ thấy rằng muốn đo xem cái trình độ của phong hóa mà không căn cứ ở phép thống kế thì chẳng lấy đâu làm tin. Sự tin cậy ở tai mắt để chia ra nhiều ít lại chẳng qua là sự huyễn tưởng, càng không đủ tin lắm. Rồi xuống dưới nầy tôi mới giải thêm cho biết cái bằng chứng của thống kế cũng còn chưa đủ.

Như ở nước Pháp từ trải qua lần Cách mạng thứ ba, nền Dân quốc thành lập vững vàng đến bây giờ, quốc thể và chánh thể đã được nhứt định, quốc dân cùng nhau noi một con đường chung mà tấn hóa, như thế, có thể cứ sổ thống kế mà đo trình độ phong hóa được. Nhưng ở nước ta đây lại không thế, chúng ta đương ở trong thời kỳ quá độ, trong thời kỳ cũ mới lộn xộn, thiện với ác chưa lấy đâu làm tiêu chuẩn, công với tội còn lắm nỗi mô hồ[4], cho nên sổ thống kế cũng chưa đủ làm tin.

Trong bài nói về thầy trò đăng số trước, tôi đã hơi lộ cái ý nầy ra. Vả cái nghĩa thầy trò ở xứ ta hồi xưa hậu lắm, là vì cái tình trạng thầy trò bấy giờ có khác. Còn thầy trò đời nay, cái tình trạng không như vậy nữa, mà cũng bảo phải giữ cái nghĩa hậu ấy, thì còn ai giữ được ư? Giữ không được thì bị dư luận công kích những là bạc nghĩa, những là bội sư, rồi nhơn đó cũng kể luôn cho phong hóa suy đồi, thì thật là oan nó quá!

Nay tôi hẵng chịu lời ông trạng sư nói khi nãy, tin như sổ thống kế rằng ngày nay trong xứ nầy người ta phạm tội càng ngày càng đông hơn trước, song tôi cũng phải còn xét thử những tội ấy bởi đâu mà ra và có chỗ nào đáng khoan thứ chăng.

Độc giả ai đã đọc qua những bài nói về tam cang, ngũ luân và về gia đình của tôi đăng ở mấy số trước, chắc đã biết cái cách duy trì phong hóa trong xứ ta ngày xưa là thế nào. Hồi đó nhà vua cầm quyền vô thượng ở trên hết, và đồng thời cũng sớt bớt một phần quyền ấy cho kẻ làm cha làm chồng để quản thúc vợ con mình mà giữ cuộc trị an cho nhà vua. Bấy giờ người ta cắn răng bấm bụng mà ở yên dưới cái quyền ấy, không dám rục rịch. Nay nếu có ai nhìn cho phong tục đời xưa là thuần mỹ thì cũng chỉ là thuần mỹ bằng cách ấy, nghĩa là chẳng qua cái kết quả của sự áp chế mà thôi vậy.

Tam cang là ba cái giềng, mà cái giềng thứ nhứt, là của vua, lại còn ràng buộc hai cái giềng kia, là của cha và chồng. Thuở xưa cái giềng thứ nhứt ấy vững chãi lắm, đủ sức mà kìm chế hết thảy và binh vực cho hai cái giềng kề mình. Từ ngày cái giềng thứ nhứt ấy sa sút rồi, không còn sức mà kìm chế binh vực nữa, cái sức phản động ở dưới dậy lên, mọi tội ác bởi đó mà ra.

Sau sự áp chế bao giờ cũng có sự phản động. Mà hễ phản động thì phải bị kể là tội ác. Cũng như ba ngàn năm trước, dân nhà Ân nổi lên phản nhà Châu thì phải bị kể là ngoan dân[5]. Cái tội ác của bọn ngoan dân nầy cũng đã từng được người ta minh tuyết cho trong sử sách!

Vậy thì đừng nói đâu xa, nội xứ Nam kỳ nầy, từ ngày thoát ly quân quyền rồi mà có xảy ra những tội ác gì về luân lý, những tội ác ấy hoặc giả là cái sức phản động của sự áp chế, chưa biết chừng. Mà nếu quả là cái sức phản động thì chính cái cơ tấn hóa ở đó, chớ chưa chắc là suy đồi đâu vậy. Bởi vậy tôi nói: riêng về xứ ta, dầu cứ sổ thống kế, thấy số phạm tội càng ngày càng nhiều hơn xưa, cũng chưa chắc là cái chứng phong hóa suy đồi đâu.

II

Trong bài trước, tôi viện lấy nhiều lẽ để tỏ ra sự khẳng định cho phong hóa nước ta suy đồi là không đủ chứng cớ đáng tin. Một lẽ sau hết, tôi ngờ cho những tội ác người ta phạm trong thời kỳ nầy hoặc giả là cái sức phản động của sự áp chế về luân lý từ trước. Chỗ đó hình như tôi nói khí bạo quá, hẳn có người đọc tới mà trách tôi vậy.

Người ta có thể nắm lấy đó mà cáo tôi là biểu đồng tình với tội ác, hoặc quá lắm là bao dương[6] tội ác. Nhưng tôi xin ai nấy xét lại, tôi có phải là người đã mất lương tâm đâu; vả lại tôi cũng chưa hề chính mình phạm những tội ác ấy mà hòng nói rằng tôi ra sức binh vực nó là để binh vực cho mình. Có điều theo ý tôi, ở đời không nên nhắm mắt mà phán đoán cả mọi sự; trái lại, trong những sự người đời thường yên trí, ta lại nên xem xét nó kĩ càng hơn.

Những tội ác ấy đã đành là tội ác; nhưng vì đâu lại có kẻ phạm, chỗ đó, người hữu tâm há chẳng nên nghĩ tới? Cứ ngồi mà kêu van phong hóa suy đồi, như thế mãi rồi có thể làm cho phong hóa trở nên thạnh mỹ không? Hay là tìm xem đến chỗ sở dĩ của nó mà kiếm phương bổ cứu là có thể chuyển di được phong hóa?

Một lũ kẻ cướp toàn là đứa hung hoang, cả đời chỉ đeo theo nghề giết người lấy của làm sanh nhai, cái tội ác ấy không ai dám khoan thứ mà cũng không ai dám binh vực. Nhưng gặp năm mất mùa, lụt, bão, đói kém, dân có lòng lành mà bụng nó trống, cùng đường phải làm kẻ cướp để mà sống, thì dầu cho pháp luật cũng phải nới tay. Vậy thì ta nên coi thử những tội ác đã phạm gần đây, đại khái giống với thứ nào trong hai thứ ăn cướp ấy?

Tôi tưởng, cái lương tâm là cái ai cũng có, những việc thương luân hại lý là việc không dễ chi làm, vậy mà có kẻ làm, tất nhiên, phải có cái chỗ cực chẳng đã lắm làm sao đó, nếu không thì đâu đến nỗi?

Theo Nho giáo thì thánh đế minh vương ngày xưa đối với nhân dân, trước hết phải nuôi lòng dục của họ, cấp cho đủ sự cần dùng của họ (dưỡng dục, cấp cầu), lại hằng ngày giáo hóa nữa, vậy mà dân còn làm ác, khi ấy mới lấy pháp luật mà trừng trị. Cái cách chánh trị ấy từ xưa chẳng biết có ai đã thiệt hành được chưa? Nhưng theo Khổng Mạnh thì các ngài đều chủ trương như thế, tôi nhìn là rất phải.

Từ khi Tống nho bày cái lý học của họ ra, rồi cứ coi lý là trọng mà không kể cái dục ra chi. Theo họ thì mọi sự cần cho người ta sống ở đời, như ẩm thực, nam nữ, đều là dục cả, bắt phải bỏ những cái đó đi mà làm những sự như trung, hiếu, liêm, tiết, để noi theo lý trời. Bởi vậy mới có câu chuyện như tôi đã nhắc nhiều lần rồi: Trình tử cho sự chết đói là nhỏ, sự thất tiết là lớn!

Cái lý học khó chịu ấy ảnh hưởng đến chánh trị chừng nào, đến sự sanh hoạt của xã hội chừng nào, thì nhân dân thọ hại chừng nấy. Không kể cái dục của người ta, không cấp sự cần dùng cho người ta, cứ bắt ép người ta vào trong khuôn phép của cái lý, không vào thì theo sau cái lý, sẵn có cái luật, tha hồ đem ra mà trị, bởi vậy mới sanh ra nhiều tội ác, rồi ai chết nấy chịu!

Than ôi! Xã hội ta biết bao nhiêu người đã chết dưới cái lý ấy non một ngàn năm nay, mà ngày nay còn đòi đem nó ra để giết họ nữa ư? Những người, người ta đã cho là bất trung bất hiếu bị chết dưới cái lý ấy rồi, còn ai cho là đáng thương hại nữa? Nhưng đến ngày nay, chúng ta phải biết thương hại.

Tôi xin kể ra mấy việc làm chứng cớ.

Năm 1909, vào độ tháng bảy tháng tám ta, ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, có phát ra cái án vợ giết chồng. Người phạm tên là Nguyễn Thị Lồng, độ 20 - 21 tuổi.

Số là, trước đó hai năm, thị ấy có nhiều nơi đi nói, có nơi thị ưng mà cha mẹ không bằng lòng. Sau rồi cha mẹ quyết định gả cho một tên trai trong làng. Nơi nầy, thị Lồng một hai không chịu, mà cha mẹ cứ ép gả. Sau khi cưới, thị Lồng khi ở nhà cha mẹ, khi ở nhà chồng, ăn thì ăn, làm thì làm, nhưng sắc mặt không khi nào vui. Thị ấy thú thiệt trước mặt quan tỉnh rằng gần hai năm rồi mà người chồng không hề ăn nằm với thị được, vì thị cố cự luôn. Một hôm, ở bên nhà chồng, thị đương thái dâu cho tằm ăn trong buồng tằm, tên chồng bước vào định thỏ thẻ gì đó, thì thị nổi điên lên, chận cổ tên ấy xuống và lấy dao xắt dâu nhè ngang cổ mà cắt; may tên chồng khỏi chết.

Quan hỏi chớ không ưng nó thì thôi, việc gì giết nó? Thị Lồng thưa rằng mình đã tỏ tình cùng cha mẹ trước sau nhiều lần mà cha mẹ bắt phải lấy nó mới nghe. Thị nghĩ muốn thương nó mà ngặt nó không có thể thương; không thương mà cứ ở vậy với nó hoài thì thiệt cái đời thị lắm; chi bằng giết nó chết cho mình cũng chết; còn như nó không chết thì mình còn mong thoát tay nó ra mà lấy chồng khác. Thế rồi quan tỉnh kết án thị Lồng chín năm tù vì tội chém chồng.

Thị Lồng phải nghe lời cha mẹ mình, đặt đâu ngồi đó, dầu không ưng thằng chồng ấy cũng kệ thây. ấy là hiếu đó. Mà cái hiếu ấy tức là cái lý của Tống nho, thị Lồng phải theo, bởi vì nó là vật nhận được nơi Trời mà đủ trong lòng mọi người (Lý đắc ư thiên nhi cụ ư nhân tâm, - lời của Châu tử)!

Không nghe lời cha mẹ, một tội; giết chồng, một tội nữa. Luật đi theo lý, buộc tội thị Lồng chín năm tù. Thị Lồng có chết trong tù cũng trối thây. Cái đồ bất hiếu, vô đạo, sống làm chi!

Thế nhưng, tôi dám hỏi, làm sao trước hết không nuôi lòng dục của thị Lồng, thị ưng đâu gả đó; không cấp điều cần dùng cho thị Lồng, cái chỗ thị muốn thương lại chẳng cho thương? ừ, giết chồng đó cũng kể như giết người đi, cũng kể là một cái tội ác đi; nhưng dám hỏi, cái tội ác ấy ai gây ra nó?

Tôi hỏi ngặt như vậy, không có ý đổ tội sát nhân cho cha mẹ thị Lồng, cũng không nài người ta trong khi làm tội thị Lồng chín năm, phải truy nguyên mà làm cho cha mẹ thị vài năm nữa. Nhưng tôi chỉ có ý tiếc: phải chi trong xã hội nầy đừng đem cái lý của Tống nho lên đứng đầu muôn việc, mà biết dưỡng dục cấp cầu theo lối trị dân của Khổng Mạnh, thị Lồng ưng đâu, buộc cha mẹ phải gả đó, thì trong ty niết tỉnh Quảng Nam chẳng đã bớt đi được một cái án giết chồng!

Tập báo nầy trong một số trước, tôi có nhắc qua vụ tự tử của một vị thanh niên ở Hà Nội là Đào Hữu Nghĩa. Con của một ông quan lớn, đã 24 tuổi, có vợ có con mà còn đồng cư với cha mẹ, đi đâu một bước cũng phải bẩm, tiêu một đồng xu cũng phải xin, chỉ vì có thế mà cậu cả quyên sanh.

Viện theo lý của Tống nho thì cậu nầy cũng có tội. Cái tự tử của cậu đó cũng là một cái tội ác. Cái thân của mình là của cha mẹ, vì việc gì mà tự huỷ cái thân đi, thì cái tình đối với cha mẹ còn chưa tuyệt; chớ cái nầy, vì sự áp chế trong gia đình mà tự tử, thế chẳng khác nào coi cha mẹ là thù. Giết mình mà không giết người thù, ấy chẳng qua là một sự so hơn tính thiệt; nhưng đã giết mình đi, dường như muốn tỏ ý không chung đội trời với cha mẹ nữa, thì cái tình đã tuyệt rồi, có khác với kẻ giết cha mẹ là bao? Nói đến chỗ nầy, nghe như là thâm văn[7] đó chút, song dầu chính cậu Nghĩa sống lại đây cũng khó mà biện hộ cho mình về chỗ đó. Chỗ đó chẳng những theo lý Tống nho là đáng tội, mà cho đến cái lý nào cũng khôn dung.

Tôi moi móc đến chỗ đó để cho thấy rằng kẻ làm con mà đã đến tuyệt tình với cha mẹ rồi thì cũng đến giết cha mẹ được, cái tiệm[8] nó bởi sự tuyệt tình mà đến. Trong kinh Dịch, đức Khổng nói rằng: Cái sự tôi giết vua, con giết cha, có phải là bởi có một mai một chiều đâu; nó từ đâu mà đến, đã có tiệm rồi. Bởi có làm sao mới sanh ra làm việc chớ.

Cậu Nghĩa chết rồi, không ai làm án về cái tội của cậu được; ngày nay duy có dò xét cái chỗ bởi làm sao sanh ra làm vậy để bớt hay là dứt cái tội ấy về sau, là việc có ích hơn.

Người ta là loài động vật ưa tự do cũng như các động vật khác, cực chẳng đã phải chịu, chớ chẳng có con nào lấy sự nhốt trong lồng trong rọ làm thích bao giờ. Con cái đối với cha mẹ, hồi nhỏ cần phải uốn nắn cho vào khuôn vào phép đã đành; chớ lớn lên mà còn mỗi sự mỗi kìm chế, thật là khó chịu. Cho nên, phàm có con, lúc nhỏ phải lo nuôi lo dạy cho nó có sức tự lập, rồi lớn lên, cho nó tự lập đi; nhứt là phải ở riêng ra khỏi nhà cha mẹ, thì tự nhiên những sự bất bình có thể xảy ra trong gia đạo, mười phần đỡ đi được tám chín.

Trước đây, trong một bài nói về gia đình, tôi đã dẫn sách mà nói sự vua Thuấn đời xưa không đồng cư với phụ mẫu. Theo sách thì cha vua Thuấn là Cổ Tẩu từng nghe lời vợ kế mà toan giết ngài đến hai lần. Nhưng lần nào vua Thuấn cũng kiếm cách mà lánh mình cho khỏi chết. Thế có lạ không? Sao đằng nầy cha giết mà không chịu chết; còn đằng kia, Đào Hữu Nghĩa, lại trở giết mình đi cho được không sống với cha? Theo ý quê quê cạn cạn của tôi, tôi trả lời rằng: Vì vua Thuấn nghĩ rằng cha mình có toan hại mình cũng chẳng qua một lúc mà thôi, chớ hết đây rồi ổng ở nhà ổng, mình về nhà mình; còn Đào Hữu Nghĩa nghĩ rằng nếu còn sống một ngày phải ở chung với cha một ngày, chẳng được tự do thà chết.

Coi hai việc đó, tội ác vẫn đành là tội ác, nhưng cái tội ác ấy không phải do phong hóa mà ra. Khi nào thị Lồng không bị cha mẹ ép gả mà còn giết chồng, Đào Hữu Nghĩa được lập riêng ra một cái gia đình mà còn tự tử để cho cha mẹ mình mang tiếng, thì khi ấy hãy nên đổ tội cho phong hóa.

Thôi, hẵng nói như lời mấy kẻ ưu thời mẫn thế đi, hẵng cho phong hóa là suy đồi đi, thì cũng phải kiếm cách nào mà vãn hồi bổ cứu, chớ có lẽ cứ than van như thế mà được việc hay sao?

Ngày xưa ta hay cho triều đình là cái gốc của phong hóa. Nhưng, theo sự thiệt, ngày nay hẳn(*) không ai có cái tin tưởng ấy nữa. Phong hóa là phong hóa chung của dân tộc Việt Nam, cả một dân tộc phải lo chung.

Muốn cho phong hóa trở nên tốt, tức là làm cho những tội ác tiêu diệt đi hay giảm thiểu đi. Nói riêng về phương diện luân lý gia tộc thì cái quyền làm được việc ấy nắm trong tay những người gia trưởng. Hễ gia trưởng bỏ sự áp chế đi thì con em không còn có sự phản động nữa, mà không sanh ra tội ác về luân lý, cũng như các chánh phủ trên thế giới bỏ sự áp chế đi thì dân chúng không còn có sự cách mạng nữa mà không sanh ra tội ác về chánh trị.

Viết bài nầy tới đây là hết, tôi nhớ sực lại câu thơ của ông Nguyễn Khắc Hiếu mà nhiều người hay dẫn dụng, cũng làm cho tôi quái ngạc vô cùng, ấy là câu:

Văn minh Đông á trời thu sạch,
Nầy lúc luân thường đảo ngược ru!

Câu nầy tuy giọng thơ mà là câu kết của một bài văn xuôi gì đó. Tôi thật không hiểu nghĩa nó ra sao! Cái văn minh nếu bị người ta phá hoại đi thì có, chớ trời thu nó làm gì? Nhưng câu đó không trách, đáng trách là câu dưới.

Lấy gì mà bảo rằng luân thường đảo ngược? Tôi nhớ trên đó tác giả chỉ nói rằng đời nay nước mắt khóc con nhiều hơn nước mắt khóc cha. Vả, sự đó thì đời nào chẳng vậy? Hồi mình còn nhỏ thì yêu cha mẹ, đến lớn có con thì yêu con hơn cha mẹ, ấy là thường tình. Loài người truyền dõi được là nhờ cái bổn tánh đó. Một sự thuận theo thiên lý, hiệp với nhân tình, mà cho là luân thường đảo ngược, quái thay!

Câu thơ của ông Hiếu đây có ảnh hưởng đến sự than thở phong hóa suy đồi nhiều lắm. Tôi đã phát dọn cái bụi rậm kia quang đãng rồi, sẵn tay cũng đốn cây gai nầy cho luôn.

Phan Khôi

   




Chú thích

  1. Thống kế : dạng phiên âm đúng của một từ mới, ứng với từ statistics; nay thường được viết là thống kê.
  2. "Sùng cổ bạc kim" 崇古薄今 nghĩa là tôn chuộng đời xưa mà coi đời nay không ra chi (nguyên chú).
  3. Luận ngữ (15:25) : "Tử viết …: hữu mã giả, tá nhân thừa chi. Kim vô dĩ phù", nghĩa là : Đức Thánh nói rằng:…. Hồi trước ta còn thấy người có ngựa cho kẻ khác mượn cỡi; đến nay thì không có rồi ! (nguyên chú).
  4. Mô hồ (bản gốc là mồ hồ) : dối giả, vấy vá, ví dụ "lời nói mô hồ" tức là lời nói không có thứ lớp, lấy quấy làm phải (theo H.T.Paulus Của)
  5. Ngoan dân : dân khó trị, dân không thuận theo mệnh quan (theo H.T.Paulus Của)
  6. Bao dương : khen ngợi chỗ tốt (theo Đào Duy Anh)
  7. "Thâm văn" (chữ Hán), nghĩa là: buộc tội ai mà dùng lời văn thâm khắc quá, cố moi móc đến chỗ sâu cho lòi tội ra (nguyên chú của Phan Khôi).
  8. Tiệm : dần dần, - vật gì biến đổi dần dần gọi là "tiệm" (Thiều Chửu)