Xứ Bắc kỳ ngày nay/16

Văn thư lưu trữ mở Wikisource


CHƯƠNG THỨ MƯỜI SÁU


Hội-đồng kỹ-hảo và tư-vấn nghị-viện


Xưa kia kẻ làm dân không được dự bàn những vấn-đề can hệ đến sự công ích công lợi.

Vua là Chúa-tể trong nước; chỉ có các quan đại-thần mới được nhà vua ban hỏi về việc nước mà thôi.

Nhà vua truyền phán ý-kiến cho các quan thi-hành. Các quan thì giữ phần trách-nhiệm đối với nhà vua. Phận làm dân-đỏ thì chỉ biết tuân-hành mà thôi, chứ không hề nhà-nước hỏi đến ý-kiến dân bao giờ.

Xưa kia nhiều nước theo cái chính-sách này; vua mà nhân-đức quả quyết; quan mà thanh-liêm chính-trực theo như kinh-điển Khổng Mạnh thì kẻ làm dân tức như là con đỏ, há lại chẳng sung sướng lắm ru. Thế nhưng người ta thường cư-xử trái với những câu đạo-đức khắc ở trên tường hay là nói luôn ở miệng; phần nhiều chỉ vụ những sự tư-ích tư-lợi; thành ra ỷ quyền ỷ-thế; cái thái-độ ông quan như thế cũng như là một người chủ-quyền tàn bạo, chứ không phải là bậc dân chi phụ mẫu vậy.

Vả lại cuộc sinh-hoạt ngày nay khó khăn hơn khi trước; các bậc quốc-trưởng cùng là các hàng đại-thần không thể nào am-hiểu được khắp các vấn-đề lợi-ích của quốc-gia. Nếu không hỏi ý-kiến dân thì biết sao được những sự nhu-yếu của quốc-dân?

Tại liệt-cường Âu-Mỹ thì dân có quyền bầu các hàng đại-biểu để trực tiếp với chính-phủ mà cùng nhau đồng ý để bài bác một ngạch thuế hay là để yêu-cầu một cuộc cải-lương.

Nước nào, quốc-dân trải mấy mươi đời người, chưa có quyền dự bàn quốc-sự mà đem thi-hành cái chính-sách trên này thì rất là nguy hiểm, vì chắc là người nào cũng chỉ xu-hướng về lợi riêng, hoặc là đồ lợi cho gia-quyến cùng là cho hạt nhà mà thôi. Hồ dễ có người hiểu ra rằng đối với toàn-thể một nước thì phải hi-sinh những lợi-quyền của cá-nhân.

Liệt-cường Âu-châu tập tục từ lâu năm, dần dần mới am-hiểu về đường quốc-chính.

Bởi thế nhà-nước Bảo-hộ rèn tập cho người bản-xứ đảm đang lấy những việc công ích công lợi; cuộc cải-lương hương-chính thì làm cho các chức-dịch trong làng phải hỏi ý-kiến công-dân về những công-cuộc chung của hàng-xã, chủ ý để tránh khỏi những sự hà lạm.

Các phòng thương-mại thì có các nghị-viên thương-mại bản-xứ do các nhà buôn bán bầu-cử, cùng với các bạn, đồng-sự Đại-pháp, đem những khoản thỉnh-cầu và những sự hơn thiệt của thương-giới mà trình bày cùng chính phủ, như là những nghị-viên thuộc về các phòng thương-mại Hanoi và Hai-phòng.

Hội-đồng kỳ-hào.

Ở tỉnh-lỵ nào, chính-phủ Bảo-hộ cũng lập một hội-đồng kỳ-hào để trình bày quan Công-sứ trù tính những ý-kiến riêng về các khoản dự-chi thuộc về bản-hạt, như là các tràng-học, các nhà thương, các nhà học-sinh, những công-cuộc đường-xá, đê điều và cầu cống v. v..

Những nghề mọn ở xứ Bắc-kỳ — Những thợ khảm.

Các phủ huyện đều công-cử những kỳ-hào hội-viên: những huyện 7 tổng thì bầu một hội-viên; những huyện hay phủ có hơn 7 tổng thì bầu hai hội-viên. Những người có chân bầu-cử là: chánh và phó-tổng, các tiên và thứ chỉ, các lý-trưởng và những chánh phó-tổng-cựu. Những hạt thượng-du thì chức hội-viên do quan Thống-sứ tuyển-cử.

Bắc-kỳ tư-vấn nghị-viện.

Bắc-kỳ tư-vấn nghị-viện là một hội-đồng của toàn xứ Bắc-kỳ. Hằng năm quan Thống-sứ hỏi ý-kiến nghị-viện về những khoản dự-chi thuộc về bản-hạt như là những tràng-học, nhà thương, việc vệ-sinh, việc nông-lâm, việc công-chính v.v...

Nghị-viện có một trăm đại-biểu của khắp các hạt, cứ 2 vạn xuất-đinh thì bầu một đại-biểu. Những người có chân bầu-cử chức đại-biểu tại Nghị-viện là những chánh phó-tổng, các hàng quan-lại, đương tại chức và đã hồi-hưu, những người có chân khoa-mục, các hàng chức-sắc, những cựu quản đội thuộc về ngạch binh, các hàng tòng-sự các công-sở, các hương-biểu do quan Thống-sứ tuyển-cử, cùng là những người có môn-bài đồng-niên từ 3 đồng bạc giở lên.

Chức thương-nghị hội-viên thì mỗi khóa bầu là ba năm; mỗi năm họp một kỳ vào hạ tuần tháng sáu tây (Juin). Nghị-viện tự bầu tòa trị-sự có bảy viên. Tòa trị-sự thì bầu chức nghị-trưởng.

Chiểu theo điều-lệ trong khi hội-đồng thì có những khoản giữ về những người nói năng quá độ, làm mất thì giờ của hội-đồng, như vậy là để cho những nghị-viên đứng mực có thể tỏ bày được những sự sở-ước của quốc-dân.

Chính-phủ lại chất-vấn nghị-viên về những sự sở-đắc cùng là những sự bất đắc ý của quốc-dân để thi-hành những chính-sách thích-hợp với sự nhu-yếu của bản-xứ vậy.