Xứ Bắc kỳ ngày nay/19

Văn thư lưu trữ mở Wikisource


CHƯƠNG THỨ MƯỜI CHÍN


Các nhà bảo-tàng và các thư-xã


Những nhà Bảo-tàng là những sở lớn để cho công-chúng, mỗi tuần lễ là mấy ngày thì được vào xem những bộ sưu-tập các vật quái lạ, hay là các vật hiếm hoi, hoặc là những vật gì quí và đẹp. Dù người nhà-quê hèn mọn bậc nào cũng được vào nhà Bảo-tàng mà xem những vật quí báu mà dù ông quan thế-lực trong nước cũng không coi làm thường.

Ở Hanoi có ba nhà Bảo-tàng.

Nông-công-thương Bảo-tàng có đủ các thứ địa-sản, các thứ hàng-hóa chế-tạo ở bản-xứ cùng là do các lân-quốc, và những mẫu hàng có thể mua bán tại xứ Bắc-kỳ này. Ở nhà Bảo-tàng thì có thể tra hỏi về nguyên-ủy các sản-vật, các hàng-hóa, nào là giá bán, nào là cách xuất-sản. Ai cũng có phép xem xét, và hỏi quan đốc nhà Bảo-tàng để ngài chỉ-dẫn và diễn-giải hết mọi điều về các món. Quan đốc Crévost, chẳng những ngài diễn-giải về các món mà thôi, lại sẵn lòng dạy bảo cách chế-tạo nữa. Ngài vẫn tuyển từng bọn năm sáu người mà truyền nghề cho, có nghề thì ngài phải hết lòng kiên-nhẫn mà dèn tập hàng năm, sáu tháng cùng là một năm trời. Những người này học thành nghề rồi, khi giở về quê nhà thì lại truyền nghề cho người đồng-quận. Nhờ về thế mà ở xứ Bắc-kỳ này thêm ra nhiều những nghề mới. Ở miền nhà-quê, biết bao nhiêu người cực-khổ, nhờ về những nghề mới ấy mà thêm cách sinh-nhai, để những buổi không có việc mùa màng thì đều kiếm được một hào hay mươi lăm xu một ngày. Nhờ về những nghề mới ấy mà biết bao nhiêu thứ cây xưa kia không ích gì, đến nay thành ra đắc dụng lắm, người ta lại phải cấy thêm để gây lấy giống mà dùng mãi mãi nữa.


Mỹ-thuật và kiến-chúc bảo-tang viện

Nhà Bảo-tàng này ở tại Hanoï, đàng sau rạp hát Tây, đối với xã-hội bản-xứ thì nhà Bảo-tàng này rất có danh-tiếng thuộc về một sở Bác-học là: Tràng Viễn-đông khảo-cổ.

Trong nhà Bảo-tàng có nhiều những đồ cổ rất đẹp bằng đồng, bằng đồng đen, hoặc là những món đồ gỗ, đồ sứ, những bức họa và những bức thêu rất tinh thần, những món đồ gỗ quí Trung-hoa, Tây-tạng, Xiêm cùng là bản-xứ; toàn là những món đồ cổ rất tinh-xảo.

Người thường-dân cứ thứ năm và chủ-nhật thì được phép đến nhà Bảo-tàng mà xem xét tự-do. Vào xem trong nhà Bảo-tàng, trong một hay hai giờ đồng hồ thì được trông thấy những vật quí không kém gì trong cung-điện nhà-vua ở đất Đế-kinh. Thế nhưng cái mục-đích của nhà Bảo-tàng không phải là chỉ để làm cho đẹp mắt người nghèo đâu: vốn là để các nhà mỹ-thuật đến mà quan sát để học lấy những sự tinh-xảo đời xưa. Bởi vậy có nhiều nhà mỹ-thuật thường đến nhà Bảo-tàng để học lấy những sự tinh-thần của đời-xưa hoặc là của ngoại-quốc, rồi họa lấy kiểu-mẫu. Sau nữa là để cho các nhà cự-phú học lấy cách phân-biệt những sự tinh-xảo chân-thực, cùng là những kiểu-mẫu thần-tình của các lân-quốc, như vậy thì biết cách phân biệt các món hàng, những khi mua những món đồ quí để bài-chí trong nhà thì không bị hớ nữa.


Địa-chất bảo-tàng viện.

Nhà Bảo-tàng này không mở cho công-chúng vào xem. Nhưng ai khảo về địa-chất thì có thể vào mà quan sát được.

Môn địa-chất là khảo về đất cát, các thứ đá, và các quặng mỏ, học về những chất các núi và các thung-lũng, các miền lưu-vực; học tại sao đá lở, cùng là vì nước chảy đá mòn làm thành ra những hang đá ở các núi; học về những mỏ than, và các loài kim-khí; và những cách dò thấy mạch để tìm các nơi có mỏ. Thực là một môn học rất ích lợi.

Nhà Bảo-tàng này có giá-trị nhất cõi Viễn-đông này.


Thư-xã chính.

Thư-xã này là một kho có các thứ sách; trong thư-xã có rất nhiều các sách; có những sách thuộc về nhiều thứ tiếng cùng là những sách thuộc về rất nhiều các vấn-đề. Sách thì sếp bầy theo trật-tự, giữ cho không bị ẩm mốc cùng là mối xông. Ai vào thư-xã để xem sách cũng được. Phòng xem sách rất rộng, có đèn sáng, có bàn và có ghế. Ngày nào cũng mở cửa từ 9 giờ sáng đến 10 giờ tối. Người bản-xứ đều được phép vào trong thư-xã, hỏi lấy sách mà xem ngay tại phòng xem sách. Những người đã quen biết trong xã-hội, có đủ tín-lực thì có thể mượn sách về nhà mà xem. Trong thư-xã có tới 15.000 quyển sách.


Thư-xã của tràng viễn-đông khảo-cổ

Thư-xã này là riêng của những nhà học-thức mà thôi. Có tới hai vạn quyển sách, phần nhiều là những sách rất quí và rất hiếm. Có nhiều những sách chữ nho, những sách bản-xứ, những sách Nhật-bản và Ấn-độ. Lại có những sách Pháp-văn; những sách Anh-văn và các sách ngoại-quốc nữa. Xem những sách này thì khảo được nhiều sự rất quan trọng về lịch-sử bản-xứ và các lân-quốc.