Bước tới nội dung

Xứ Bắc kỳ ngày nay/2

Văn thư lưu trữ mở Wikisource


CHƯƠNG THỨ HAI


Quốc dân ngày một thêm sung túc


Sự giàu sang không phải là cái hiện-trạng mà cũng không phải là cái căn-nguyên tối-yếu của sự văn-minh đâu. Chân văn-minh là do phong-hóa, do tâm-lý và do tinh-thần! Một dân nghèo cũng có thể là một dân rất văn-minh; mà một dân cự phú có khi cũng vì sự giầu lại sinh ra tệ lậu. Vì thế người bản-xứ không phải là chỉ hi-vọng Đại-Pháp những sự tiến-bộ riêng về vật-chất mà thôi đâu.

Thế nhưng sự tiến-bộ về đường tinh-thần là gồm chung cả quốc-dân mới được, chứ không phải là riêng về một số ít người đâu. Nhưng phải biết rằng: quốc-dân mà được sung túc thì về đường tinh-thần mới có cơ tiến-bộ được. Người ta mà quá ư nghèo khổ thì tất sinh ra trộm cướp, lười biếng, tức là cái trứng bệnh nó sinh ra những điều tệ-lậu khác. Nói tóm lại thì người ta mà nghèo khổ, tất là không làm được điều thiện. Người ta dù nghèo khổ đến đâu, cũng phải ăn uống no đủ thì sức vóc mới mạnh khỏe. Nhà ở thì phải rộng rãi, sạch sẽ, khi rét thì có áo cho đủ ấm, khi bức thì có áo che để không đến nỗi phơi nắng. Thế mà ngày nay, biết bao nhiêu làng, vẫn còn hàng nghìn, hàng vạn người yếu đuối, không có khí-lực để lao-động là vì ăn uống kham khổ. Lại biết bao nhiêu những kẻ mù loà, cùng những người mắc bệnh phong; nói tóm lại thì dân ta, về phần nhiều, y phục rất là sơ sài.

Thường ta trông thấy biết bao túp nhà lá nhỏ hẹp tồi tàn. Tuy vậy cũng đã nghiệm thấy cuộc hoán-cải rất lớn lao! Như là khắp xứ Bắc-kỳ này, ở những làng nhớn, gần ở nơi thành-thị, đã thấy làm nhiều nhà bằng gạch, lợp ngói, có cửa kính cửa chớp. Những người giầu thì ở những nhà như là những nhà của người tây, trong nhà bầy toàn những đồ dùng rất tiện-lợi; những người đi làm công tầm thường, mà sự sinh-hoạt cũng sung túc như người giầu đời xưa. Về phần nhiều thì có áo quần để thay đổi, như mùa rét thì có áo ấm; lắm người vận đồ tơ lụa; mùa đông thì nào đồ dạ, đồ nỉ. Ở các làng thì ban đêm thắp toàn bằng đèn dầu hoả, kẻ thì làm, người thì chơi ở sung quanh ngọn đèn sáng sủa. Những nơi thành-thị đều thắp bằng đèn điện, như là Hanoi, Haiphòng, Lao-kay, Bắc-ninh, Nam-định, Hà-đông, Doson, Hongay. Những nơi chưa có đèn điện thì có nhiều những nhà máy dùng máy sinh-điện để cử động các thứ cơ khí, như là: máy in, máy cưa, máy ép dầu, các sưởng thợ tiện cùng các sở làm máy v. v.

Xứ Bắc-kỳ đương buổi tiến hành.
Phố hàng Đào Hanoi.
 
Một nước thịnh-hành là nhờ về sự
trật-tự và cuộc trị-an.
Một phố An-nam tại Hanoi.
 

Nhờ có xe-lửa thì vừa đi được xa, vừa không tổn mấy chút lộ-phí, lại đỡ sự mệt nhọc. Nhưng hạt nào không có xe-lửa thì có ô-tô để trở hành-khách. Ngày nay nhiều người bản-xứ có ô-tô riêng, vả lại có xe-đạp là một cách vận-tải tối tân của người đời nay, làm cho sức khỏe của người ta tăng lên gấp năm lần; bởi vậy ở bản-xứ thì xe-đạp rất là thông dụng. Về những hạng xe-bò thì nay cũng chế ra những kiểu rất tinh xảo, như là một cái xe-bò, mà ba người có thể trở được những mười tạ hàng thì xưa kia phải dùng tới đôi mươi người mới đẩy đi được. Mới vài mươi năm nay, hạng xe này hãy còn hiếm lắm, vì phần nhiều đường đi không lát đá, thế mà bây giờ lắm tỉnh kể hàng mấy mươi nghìn xe chạy hàng ngày.

Nói tóm lại thì vào khoảng mười năm nay, ở xứ Bắc-kỳ này, cuộc sinh-hoạt đã được sung túc. Cách ở, cách mặc, cách ăn uống đều phong phú, nhờ vì thế mà những bệnh tật, ngày càng bớt đi. Về những bài sau, thì cứ lần lượt mà nói đến những công-cuộc đã thực hành theo như trật-tự sau này: kỳ thủy về cuộc điều-trị bệnh-tật thì lập ra những bệnh-viện, những trại riêng về bệnh phong, v.v. dần dần thì có cuộc phòng-bị các thứ bệnh tật: nào là việc vệ-sinh thì cốt nhất là sự sạch sẽ; nước uống thì phải lọc; về trẻ con thì thoạt khi mới lọt lòng mẹ, đã phải giữ gìn săn sóc để tránh khỏi nhiều những bệnh-tật rất nguy hiểm cho đứa hài-nhi.

Cái quang-cảnh thương-giới đương buổi thịnh hành.
Chợ Đồng-xuân Hanoi.