Đông Dương ngày xưa và ngày nay/Chương VIII
CHƯƠNG THỨ VIII
Sự tiến-bộ về đường khoa-học, về đường trí-thức và về đường mỹ-thuật.
Về cuối thế-kỷ trước, dù trong tiếng nói của dân-gian rất giầu truyện cổ-tích và ca-dao, nhưng nền văn-minh An-nam bấy giờ thật đặc Tàu vậy. Những ông nhà nho chỉ học có chữ nho, và chỉ học trong những sách vẫn học xưa nay, vì các ông cho những sách ấy là hoàn-toàn lắm rồi. Việc học về các môn khác thì chễ nải như là học về địa-thế của xứ mình, sản-vật của xứ mình, học về lịch-sử văn-minh của các nước láng-giềng, và học về vạn-vật. Các ông nhà nho không học các môn này, là vì các ông cho rằng những cái gì không có ở trong những sách của người Tàu làm, là không quan-trọng.
Vì vậy nên ngày trước khi người An-nam mới tiếp-cận với người phương Tây, việc này không thể tránh được, không chịu để trí am-hiểu tính-tình người Tây, đã vội cho người Tây là những quân mọi-rợ. Nhưng có biết đâu rằng người Tây cũng được hưởng những điều hay trong những nền văn-minh cổ hơn văn-minh nước Tàu. Người Tây vốn có trí tiến-thủ nên đã thực-hành được cuộc tiến-bộ của mình. Người Tây lại thường băn-khoăn về đường khuyết-điểm, muốn mau được hoàn-toàn, nên thấy ở nước ngoài có điều hay thường ngợi khen mà bắt chước lấy.
Những nòi giống A-yên (races aryennes) thích truyền-bá những tư-tưởng của mình; người Ấn-độ truyền-bá đạo Bà-la-môn rồi truyền-bá đạo Phật; người Âu-châu truyền-bá đạo Thiên-chúa và những tư-tưởng do ở đạo này ra. Vì vậy nên những người bộ-hành Âu-châu đến cõi Đông-Dương trước nhất là những ông cố đạo. Những ông cố này muốn am-hiểu những dân-tộc trong xứ này để dẫn-dụ những dân-tộc ấy theo những ý-tưởng của mình, nên đã nghiên-cứu một cách rất tò-mò và thân-ái những dân-tộc ấy.
Cho được am-hiểu dân-tình hơn, những ông cố ấy đã đặt ra chữ quốc-ngữ là thứ chữ rất dễ trong tiếng nói của nhân-dân. Nhờ về thứ chữ này nước Nam ngày nay có thể dựng ra một nền quốc-văn. Những ông cố ấy lại soạn ra những sách mẹo và tự-vị nói về tất cả các thứ tiếng của các dân-tộc ở đây và nói đến cả những thứ tiếng tầm thường của những sơn-nhân. Những quyển sách này giúp được nhiều việc rất là to tát.
Về thời vua Lo-y thập-tứ (Louis XIV) người Pháp nghiên-cứu những xứ ở Đông-phương, nên đã mở nhiều trường học như là nhà trường trứ-danh Công-tăng-ti-ninh (collège Contantinien) ở nước Xiêm. Nhà trường này đến sau vì nước Xiêm bị suy-đồi nên mới di đến Bô-năng. Chính ở đây mà ông Trương-vĩnh-Ký là người Nam-kỳ học tập. Vị kỳ-nhân này đã được nhiều nhà bác-sĩ nước Pháp tôn-trọng. Ông Trương thật là một cái gương sáng để tỏ ra rằng sự giáo-dục nước Pháp gốc ở cái nền móng cao-thâm trong văn-hóa Tây-phương, có thể hóa một người An-nam thông-minh ra thế nào vậy.Nhưng khốn thay về thời-kỳ ấy chỉ có ông Trương-vĩnh-Ký là một vị khác thường mà thôi.
Tiến-bộ về đường khoa-học.
Việc trước nhất mà người Pháp hăm hở muốn làm ở xứ này là việc lập thành một khoa-học An-nam, nghĩa là việc học tất cả những cái gì thuộc về xứ này, và những nhân-dân ngày xưa và ngày nay ở trong xứ.
Khi chinh-phục được xứ này xong, những quan binh và những nhà thám-hiểm chăm-chỉ về việc nghiên-cứu địa-dư trong xứ. Những ông này lại trải biết bao những nỗi khó-khăn vất-vả mới đi tới những miền mà từ xưa không có một người An-nam nào dám mạo-hiểm đến cả. Năm 1899 dựng ra sở họa-đồ, những công việc của sở này làm ra thật là một việc rất quan-trọng cho cõi Đông-dương. Những địa-đồ của sở này làm ra làm cho ta biết cả những nơi hẻo-lánh trong xứ và dần dần giúp vào sự chinh-phục tạo-vật.
Rồi thì đến việc dựng sở địa-chất-học[1] để nghiên-cứu về việc đất cát. Những công việc của sở này làm cho nhiều nhà bác-học ở hoàn-cầu phải ngợi khen. Bảo-tàng-viện[2] của sở này thật là một cái bảo-tàng-viện trứ-danh ở Á-đông.
Trường Viễn-đông-bác-cổ thật làm cho ta có một cái thế-lực lớn trong các xứ ở cõi Viễn-đông vậy.
Nhà thư-viện của trường này ở Hà-nội có danh-tiếng trong hoàn-cầu là đã siu-tập được nhiều những đồ vật thuộc về các dân-tộc cổ và kim ở Đông-dương, ở nước Tàu, ở nước Nhật, ở Tây-tạng, ở Ấn-độ, và ở nhiều xứ khác trong cõi Á-đông.
Trường Viễn-đông-bác-cổ đã dựng ra và quản-đốc những bảo-tàng-viện ở Hà-nội, ở Hàn và ở Nam-vang. Ở những bảo-tàng-viện này đã thâu-nhặt, đã phân-loại và bảo-tồn những đồ mỹ-thuật, những đồ cổ ở Đông-dương và những đồ vật của những dân-tộc ngày nay đã tiêu-diệt[3] đi rồi.
Viện Bát-tơ ở Sài-gòn, ở Nha-trang và ở Hà-nội, không kể những công việc của viện này giúp thuộc-địa về việc đề-phòng bệnh-tật của nhân-dân và của gia-súc. Trường này thật là một sự vẻ-vang cho cõi Đông-dương đối với các nước láng-giềng vậy.
Viện hải-dương-học ở Nha-trang, có nhiều phòng thí-nghiệm và chiếc tàu thí-nghiệm, nghiên-cứu bể khơi và các thứ cá. Thật là một vấn-đề rất quan-hệ đến vật-thực của nhân-dân. Viện này dựng ra năm 1924, đã sản-xuất được những cái kết-quả thực-dụng to-tát, chẳng bao lâu nữa nhân-dân sẽ biết lợi-dụng. Những cái kết-quả về khoa-học của viện này làm cho nhiều nhà bác-học ở Âu-châu, ở Mỹ-châu và ở Nhật-bản chú ý đến.
Sự tiến-bộ về đường trí-thức.
Việc mở sở lưu-chử công-văn và thư-viện để siu tập, phân-loại và bảo-tồn tất cả những điều hữu-ích cho lịch-sử, tổ-chức những nhà thư-viện cho công-chúng vào xem. Trong thư-viện có rất là nhiều sách (ở Hà-nội, ở Sài-gòn, ở Nam-vang, ở Huế). Sở này làm cho người học-giả biết những sách vở nào mới xuất-bản, làm cho dễ công-việc của các nhà văn-học và làm cho những công-việc ấy không mất được, hay là bị người đời quên mất.
Những tạp-chí về văn-chương như Đông-Dương tạp-chí (Revue Indochinoise) Nam-phong tạp-chí, Cực-đông tạp-chí (Extrême-Asie), Đông-pháp Văn-tập (Pages Indochinoises) càng ngày càng có thêm độc-giả. Tạp-chí về lịch-sử như tập Đô-thành-hiếu-cổ (les Amis du Vieux Huê) làm cho cõi Đông-dương được vinh-hạnh rất to. Xem trong tập này thì ta thấy rằng những nhà văn-học An-nam nay đã vượt ra ngoài vòng thơ phú và nền văn-chương Tàu. Những người này đã để tâm chú ý đến những việc chính của nước mình, như thơ ca nôm, chuyện cổ-tích, sử-ký và nghiên-cứu văn-chương Tây-phương. Hội Khai-trí-tiến-đức chú ý về việc khuyến-khích văn-chương, về việc soạn một quyển tự-điển, về mỹ-thuật, về kiến-chúc và về âm-nhạc nữa.
Sự tiến bộ về đường mỹ-thuật.
Việc mỹ-thuật ở tất cả các xứ trong cõi Đông-dương điều suy-đồi cả. Những người có thị-hiếu về mỹ-thuật đã dẫn-dụ những người thợ tài khéo nên nghiên-cứu những công-trình kiệt-tác cổ, mà giữ lấy cái vẻ mỹ-thuật tổ-chuyền trong xứ. — Vừa dẫn-dụ họ và lại vừa khuyến-khích họ nên Chính-phủ giúp họ được sinh-nhai một cách rất phong-lưu. Ở Cao-mên cái ngọn lửa tổ-chuyền mỹ-thuật hình như bị tắt rồi. Thế mà người Pháp đã thổi đỏ được những mảnh than hồng đang tàn dưới đống tro lạnh. Ngày nay mỹ-thuật xứ Cao-mên đã phục-sinh[4], nên đang sản-xuất[5] ra những công-trình càng ngày càng đẹp hơn. Trong vài năm nữa những công-trình này sẽ làm cho xứ Cao-mên có một cái giá-trị rất to.
Ở Hà-nội, trường bách-công đổi ra trường kỹ-nghệ thực-hành, giống như trường mỹ-nghệ ở Gia-định, giậy học-sinh sự dùng mùi trong việc bài-trí những sự-tích cổ của xứ mình, và giậy cho biết những cái hình-thể của tạo-vật. Ở Hà-nội lại mới mở một trường Cao-đẳng mỹ-nghệ để đào-tạo những viên mỹ-nghệ-gia có học-thức và thông-thái, trình-độ học-vấn cao hơn những tay thợ lành nghề kia. Trường này giậy học-sinh về hình-thể tạo-vật, về những mỹ-nghệ cổ trong xứ và những công-trình kiệt-tác[6] của Âu-châu.
Âm-nhạc và diễn-kịch cũng đã cải-tân[7] và hoàn-toàn hơn trước. Nhà hát xây có vẻ lịch-sự dễ coi, cảnh nào bày ra cảnh ấy, âm-nhạc ngồi ẩn bên trong, thay cho cái rạp hát bẩn-thỉu khi trước. Con hát đóng vai có vẻ tự-nhiên, chứ không như những con hát dốt nát và tồi tàn như xưa. Nếu tình-thế xã-hội mà đối với bọn con hát cao hơn ít nữa thì lo gì trong xứ chả có nhiều tay tài-tử thông-thái hơn và có học-thức hơn. Đã có nhiều tay tài-tử trong bọn học-sinh, hay là trong các ông con nhà gia-giáo đóng các vai trong vở kịch Tây hay là vở kịch của những nhà kịch-sĩ ngày nay soạn ra. Những tay tài-tử này diễn ở nhà hay là diễn ở nơi công-chúng. Việc diễn-kịch này cũng giúp một phần vào nghề diễn-kịch ngày nay.
Âm-nhạc An-nam cũng đã chịu một phần ảnh-hưởng to của âm-nhạc tây. Những đồ âm-nhạc và đồ thanh-âm của âm-nhạc Âu-châu được công-chúng hoan-nghênh. Vậy nên tỉnh nào cũng thấy dựng ra phường bát-âm Tây. Những âm-nhạc của đội lính khố đỏ và của đội lính khố xanh thật là những cái trường học của các phường bát-âm ấy vậy. Người bản-xứ lại bắt đầu nghiên-cứu lại âm-nhạc trong nước và tìm cách làm cho hoàn-toàn những đồ âm-nhạc cổ.
Chú thích
- ▲ Địa-chất-học = môn học về những tính chất trong đất.
- ▲ Bảo-tàng-viện = nơi để những đồ vật về mỹ-thuật hay là về khoa-học.
- ▲ Tiêu-diệt = mất đi rồi.
- ▲ Phục-sinh = sống lại.
- ▲ Sản-xuất = sinh ra.
- ▲ Công-trình kiệt-tác = công việc rất khéo không có cái gì đáng chê cả.
- ▲ Cải-tân = đổi theo lối mới.