Đại Việt sử ký toàn thư/Tập I/Cùng bạn đọc
CÙNG BẠN ĐỌC
Một điều chúng tôi lấy làm áy-náy và phàn-nàn nhất là sự mờ mịt của số đông anh-chị-em đối với lịch-sử nước nhà.
Điều đó chắc các bạn cũng cùng cảm như chúng tôi. Mà điều đó chẳng phải bắt đầu tự đâu đời chúng ta. . .
Ông, cha ta, có thể nói rằng, học mở lòng bằng các sách sử. . . Nào sách Tiết ! Nào sách Hán ! Những cuốn sách mà một người ít học nhất trong lớp các ngài cũng phải có đọc, đều là sách sử cả ! . . Thế nhưng ấy lại là những sách sử Tầu ! . .
Còn sử ta ? Tôi có thể nói mà không sợ mang tội với các cu rằng : chính những cụ Tú, cụ Cử, phần nhiều cũng chẳng biết đầu đuôi ra sao hết !
Cho nên những bộ sử ta, như Đại Việt Sử-Ký, Khâm-định Việt-Sử rất hiếm thấy ở các nhà sân Trình, cửa Khổng. . . Chỉ hai mươi bẩy cuốn sử Tầu thì nhà nào cũng có. . .
Nguyên nhân : Theo phép khoa-cử cũ, ở trường Hương, người ta chỉ hỏi về Bắc-sử ! Mãi vào thi Hội, thi Đình, mới có hỏi đến Nam-sử ! Nam sử ai có muốn đỗ Trạng-Nguyên, Tiến sĩ mới cần học đến mà thôi ! Ngày nay nghĩ lại, ta thật không hiểu tại sao con cháu các cụ Trần-quốc-Tuấn, Lê-Lợi Nguyễn-Huệ lại quá « khinh Nam trọng Bắc » như thế cho đành !
Rồi đó đến hồi nước ta thoát ly quan-hệ với nước Tầu. Mãi hồi ấy, sử Nam mới được dùng làm đầu-bài luận, và câu-hỏi văn-sách trong các trường thi Hương. Nhưng thế lực nó vẫn thua sử Tầu. . . Chứng cớ : các học trò đi thi hồi ấy, về sử Tầu, vẫn phải học bộ sử Thiếu-Vi chồng một chồng cao ! Còn về sử ta, chỉ thường dùng có bộ Sử ước của cụ Ngô-giáp Đậu hay cụ Hoàng-Đạo-Thành, bộ thì hai, bộ thì bốn cuốn.
Thời-thế đổi. Khoa cử đổi. Lớp chúng ta đã cảm sâu đến cái khổ mờ-mịt về sử bản-quốc. Muốn tìm biết, bởi cớ không đọc nổi chữ Hán, chúng ta chỉ trông vào mấy cuốn Sử-lược của ít người Pháp cùng của ông Trần-trọng-Kim.
Nhưng những cuốn ấy chưa được thật vừa lòng chúng ta
Cho thật vừa lòng chúng ta, cần phải một bộ Việt-sử đầy đủ hơn và thiện-mỹ hơn.
Cái đó, phải đợi một cây sử bút thật cứng cáp, chẳng những có tài viết sử, mà còn phải có học xét sử; chẳng những đọc rộng, đi nhiều, giầy công khảo-cử; mà còn phải biết làm việc theo phương pháp sử học ngày nay.
Cây bút non nớt của chúng tôi tự biết còn xa mới với tới những công việc ấy. Nhưng ai nỡ cấm một tên tập việc có cái xa vọng có ngày trở nên một người phó cả ? . . .
Cho được bắt đầu, chúng tôi hãy tìm dịch những sử liệu bằng chữ Hán ra quốc-văn. Cho nên sau cuốn Lam-Sơn Thực-Lục, chúng tôi dịch bộ Đại-Việt Sử-Ký này. Và so sánh với bộ Khâm-Định Việt-Sử, cùng các sách ngoài như Văn-Hiến Thông-Khảo, Lịch-Triều Hiến-Chương, v. v. Nếu có chỗ nào thiếu sót, dị đồng, lại dịch phụ thêm ở dưới. Cùng một mục-đích này, chúng tôi sẽ dịch tiếp vào, bộ Khâm định Việt Sử và bộ Bản-Triều Thực-Lục Và cũng phụ thêm cả những tài liệu tìm thấy ở các sách của người Pháp và các dã-sử đời Tây-Sơn.
Chúng tôi thành tâm cảm tạ trước các bạn sẽ chỉ bảo những chỗ sai lầm, và bổ-chính cho những điều thiếu sót.
Đêm Trùng-Thập Giáp-Thân (1944)
Bảo Thần