Đại Việt sử ký toàn thư/Tập I/Tựa
TỰA
Sử là để chép việc. Mà việc đó hay hoặc dở dùng để khuyên, răn cho đời sau. Thuở xưa, các nước đều có sử riêng. Tức như Xuân-Thu của nước Lỗ, Đào-Ngột của nước Tấn, Thặng của nước Sở, ấy là sử cả. Nước Đại-Việt ở phía Nam rẫy Ngũ-Lĩnh: Đó là Trời ngăn ra Nam, Bắc... Thủy-Tổ ta ra từ dòng-dõi vua Thần-Nông: Đó là Trời mở ra bậc chúa-tể thật đáng vì... Vì vậy nên có thể cùng với các triều bên Tầu đều xưng đế ở một phương... Phiền nỗi: Sử-sách thiếu hẳn ghi-chép, mà sự thực chỉ là nghe truyền... Văn: chen cả hoang-đường! Việc: hoặc khi quên, sót! Cho đến: viết-lách sai-lẫn; ghi-chép dài-dòng... Chỉ làm bận mắt! Còn có gì đáng trông soi nữa! Đến vua Thái-Tông nhà Trần mới truyền quan Học-sĩ Lê-văn-Hưu sửa lại: từ Vũ-đế nhà Triệu trở xuống tới năm đầu Chiêu-Hoàng nhà Lý. Vua Nhân-Tông triều ta (Hậu-Lê) lại truyền quan Tu-sử Phan-Phu-Tiên chép nối từ đời Trần Thái-Tông trở xuống tới hồi người Minh trở về nước. Đều gọi là Đại-Việt-Sử-Ký. Rồi đó sự tích các đời, mới rõ-ràng đáng để làm gương. Văn-Hưu là tay bút lớn đời Trần! Phu-Tiên là bậc lão-thành triều Thánh! Đều vâng chiếu chép về sử của nước mình. Rộng tìm các sử sót lại, góp-họp thành sách. Khiến cho kẻ xem đến đời sau, không còn gì đáng ân-hận, thì được... Nhưng biên-ghi còn có chỗ chưa đủ; nghĩa-lệ còn có chỗ chưa hợp; văn chương còn có chỗ chưa xuôi... Người đọc không thể không bực mình được! Riêng có bộ Việt-Sử-Cương-Mục của Hồ-Tông-Thốc làm ra thì chép việc thận-trọng mà có phép; bình việc thiết-đáng mà không thừa; có lẽ cũng đã khá... Thế nhưng sau cơn binh-lửa, sách ấy không còn truyền. Cho hay việc làm nên là rất khó-khăn: Chừng như còn phải có chờ-đợi...
Hoàng-Thượng ta trung-hưng, sùng nho, trọng đạo, sửa điển, xét văn... Khoảng niên-hiệu Quang-Thuận, mới hạ-chiếu tìm các dã-sử, cùng các truyện-ký xưa, nay, mà các nhà còn cất giấu được. Hết thẩy truyền cho tâu lên, để phòng khi tham-khảo đến. Lại sai các nho-thần bàn-bạc biên-sắp. Tôi hồi trước ở Sử-Viện từng được tham-dự. Tới khi lại vào thì sách ấy đã dâng lên, cất vào Đông-Các, không được trông thấy nữa. Trộm nghĩ, mình may gặp buổi văn-minh, thẹn không tài báo đáp... Nên chi chẳng nề ngu-dốt, đem sách của hai bậc Tiên-chính, sửa sang, mài gọt, thêm vào một cuốn « Ngoại-Kỷ », gồm ngần này cuốn, đặt tên là « Đại-Việt Sử-Ký toàn-thư ». Việc có thiếu sót thì bù thêm; lệ có chưa đáng thì chữa lại; văn có không xuôi thì đổi đi... Gián-hoặc có điều chi hay, dở, có thể dùng để khuyên-răn, thì lại phụ thêm ý quê xuống bên dưới. Rất biết mình hỗn xược, ngông-càn, không trốn sao khỏi tội... Nhưng chức-phận đáng làm không dám lấy biết hẹp, tài hèn làm cớ... Kính chép hẳn thành sách, để lại Sử-Quán. Tuy chưa định được phải, trái chung với muôn năm, nhưng cũng đủ giúp ít-nhiều cho người kê-cứu về sau.
Niên hiệu Hồng đức thứ mười, năm Kỷ Hợi, tiết Đông Chí.
Cho đậu Đồng-tiến-Sĩ khoa Nhâm-Tuất niên-hiệu Đại-Bảo, Hữu-Thị-Lang bộ Lễ, Triều-liệt, Đại-phu, kiêm Tư-Nghiệp trường Quốc-Tử-Giám kiêm Tu-soạn Sử-quán, Ngô-Sĩ-Liên tựa.