Bước tới nội dung

Đại Việt sử ký toàn thư/Tập I/Phàm lệ về việc sửa soạn Đại Việt sử ký toàn thư

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Đại Việt sử ký toàn thư
của Ngô Sĩ Liên, Phạm Công Trứ, Lê Hy..., do Mạc Bảo Thần dịch
Phàm lệ về việc sửa soạn Đại Việt sử ký toàn thư

PHÀM-LỆ VỀ VIỆC SƯA SOẠN

« Đ. V. S. K. T. T. »

1) Việc làm ra bộ sách này gốc ở hai bộ Đại-Việt Sử-Ký của Lê-Văn-Hưu cùng Phan-Phu-Tiên. Lại tham-bác với Bắc-sử, Dã-sử, với các sách Truyện, Chí, cùng với các điều được nghe, được thấy, được truyền-dậy. Khảo-xét, biên-sắp mà làm ra nó. Sử xưa chép (Bản-Kỷ) bắt đầu từ vua Ngô. Ấy là vì cớ nhà-vua vốn người nước Việt ta, trong lúc Nam, Bắc phân-tranh, có tài dẹp loạn, dấy nước, để kế-tiếp chính-thống của Hùng-Vương, Triệu-Vũ. Nay theo sách của Vũ-Quỳnh trước thuật: Bản-Kỷ chép bắt đầu từ Đinh Tiên-Hoàng, để tỏ ra rằng nhà vua đã thống-nhất được cả nước.

2) Các đế, vương, các đời ở ngôi lâu hay chóng: Vị đế trước, vương trước, sáng-nghiệp vào năm nào thì lấy năm ấy làm năm bắt đầu ở ngôi. Đến năm nào mất, hoặc nhường ngôi, hoặc bị thí, hoặc vị đế sau, vương sau lên ngôi, đổi niên-hiệu (vào mùa Thu, mùa Đông) thì năm ấy còn là năm ở ngôi cuối cùng của vị đế trước, vương trước. Hoặc-giả vị ấy mất hay nhường ngôi vào mùa Xuân, mùa Hè năm nào đó, thì năm ấy là năm bắt đầu ở ngôi của vị đế sau, vương sau. Mà các tháng Xuân, Hè là những tháng lẻ và thừa của vị đế trước, vương trước. Nếu mất hay nhường ngôi ở cuối năm, kể ngược lại những năm ở ngôi, còn có những tháng không hết, thì cũng là những tháng lẻ và thừa. Đến như Dương-Nhật-Lễ tiếm ngôi tuy đã qua năm, nhưng lịch-số nhà Trần còn tiếp nhau, nên chi đem năm trước cho thuộc về Dụ-Tông, năm sau cho thuộc về Nghệ-Tông mà tính suốt đi. Chỉ chép phụ chuyện Nhật-Lễ.

3) Kinh-Dương-Vương là ông vua bắt đầu được phong sang Đại-Việt, đồng-thời với Đế-Nghi (bên Tầu), cho nên kỷ-nguyên cùng với năm đầu của Đế-Nghi.

4) Những việc chép trong Ngoại-kỷ gốc ở Dã-sử. Việc nào quái lạ quá thì bớt đi không chép. Từ Hùng-vương trở lên không có niên biểu, là vì thứ-tự truyền-ngôi của các vua đời ấy không thể sao biết được. Hoặc có kẻ nói là mười tám đời, e chưa chắc hẳn thế!

5) Nhà Triệu ngang với đời các vua Cao, Huệ, Văn, Cảnh nhà Hán (bên Tầu). Lấy tháng Kiến-Hợi (tháng mười Âm-lịch ngày nay) làm tháng đầu năm, ấy là khảo theo sách Cương Mục của thày Chu,[1] họa chăng chẳng đến nỗi lầm...

6) Dưới Can, Chi mỗi năm, chỉ chi chua các vua nối dõi chính-thống các đời (bên Tầu). Ngoài ra các nước đều không chép, vì họ không tiếp-xúc gì với ta. Như việc các vua Ngô, Ngụy, Nam-Hán, có tiếp-xúc với ta, thì chép: chúa Mỗ...

7) Phàm chép việc nào mà có can-thiệp đến các việc trước, sau nó, thì chép lớn việc ấy, mà chua các việc trước, sau ở dưới, ngõ-hầu được nghe, thấy không sót.

8) Vua các đời bên Tầu đều chép là Đế, vì cùng ta đều làm đế một phương.

9) Phàm người nước Việt ta, tức giận người Tầu lấn-hiếp, bạo ngược, nhân lòng dân rất ghét, đánh giết Thái-thú các quận để tự-lập, đều chép là nổi quân, và chép cả quốc-hiệu. Ai chẳng may mà thua rồi mất nữa, cũng chép là nổi quân để tỏ ý khen.

10) Đời Sĩ-vương, tuy nhà chúa có giữ chức Thái-Thú, nhưng lấy địa-vị Chu Hầu mà trị nước... Người trong nước đều gọi là chúa (vương): chức Thái-Thú chỉ là để không... Thế mà chúa là bậc đáng quý-trọng, có oai phục được trăm giống Mường, không kém gì Triệu-Vũ. Các đời sau đều truy phong tước Vương. Cho nên nêu chúa ra, đặt ngang với các Vương khác.

11) Các Nam-đế đời Tiền, Hậu Lý là hiệu gọi đương thời, chưa có thật lên ngôi hoàng-đế. Cho nên sống thời chép là đế, mà mất thì chép là hoăng, theo lệ các chúa Chư-Hầu.

12) Đời Triệu-Việt-Vương, Lý-Thiên-Bảo tuy có xưng vương lập nước, nhưng sự tích nhỏ-mọn. Quốc-thống thì đã thuộc về Việt-vương. Cho nên chép phụ với nhà Triệu.

13) Bố-Cái đại-vương, hào, giầu, có sức-khỏe, cũng là tay anh-hùng một thời. Nhưng nhân lúc loạn, dùng kế của Đỗ-Anh-Hàn, vây phủ Đô-Hộ. Viên quan cai-trị ốm chết, mới vào ở trong phủ. Chưa kịp chính-vị-hiệu liền mất ngay. Người con mới tôn cha lên tước Vương. Cho nên chép nhỏ đi...

14) Các quan cai-trị người Tầu, nếu có chính tích tốt, tất chép. Mến người tốt, ghét kẻ xấu, lòng ai cũng thế. Đó là lẽ công bằng ở đời...

15) Mười hai Sứ-Quân, nhân lúc thời-thế không ai chủ-trương, đều chiếm đất giữ lấy mình, không ai thu-phục được ai. Thế nhưng Ngô-Xương-Xý thì chép là chính-thống, vì là dòng dõi họ Ngô.

16) Dương-Tam-Kha, hai vua họ Hồ đều theo lệ chép Vương-Mãng cướp ngôi (ở sử Tầu); chép nguyên tên, ấy là để ngăn bọn lấn quyền, cắp nước!

17) Lê-Đại-Hành tuy nối dõi chính-thống, nhưng khi Vệ-vương Toàn còn sống thì niên-hiệu hãy chua nhỏ, theo như Tống-Thái-Tổ với Chu-Trịnh-Vương.

18) Lê-Trung-Tông lên ngôi được ba ngày liền gặp nạn. Nhưng các Vương tranh ngôi nhau gồm tám tháng, thực là ở năm Trung-Tông nối ngôi. Cho nên chép ngài làm vua, để chính tội thí vua cướp nước của Ngọa-Triều. Mà kể là nối ngôi được một năm.

19) Vệ-vương, Linh-Đức trước đã lên ngôi đế, sau bị giáng xuống tước Vương. Theo phép Sử, chép là Phế-đế (vị hoàng-đế bị người ta phế bỏ)

20) Giản-Định lên ngôi, đặt niên-hiệu ở tháng mười năm Đinh-Hợi. Vậy mà kể là một năm, ấy là trọng vua chính-thống, truất phường tiếm-ngụy. Chép « Năm đầu hiệu Thiện-Khánh » cũng cùng lẽ ấy.

21) Cuối nhà Trần, sau hai vua họ Hồ, người Minh gồm chiếm cộng là hai mươi năm. Vậy mà chỉ lấy bốn năm cho là Thuộc Minh. Ấy là vì trước năm Quý-Tỵ, Giản-Định, Trùng-Quang còn là dòng nhà Trần; sau năm Mậu-Tuất, thì Thái-Tổ Cao-Hoàng-đế triều ta đã nổi nghĩa-binh... Cho nên không chép là thuộc Minh, cốt để chính lấy quốc thống.

22) Tên người, tên đất, xét đủ có chứng cớ thì chua xuống dưới. Không thì để khuyết.

23) Phàm chép ngày, sử-cũ nếu bỏ thiếu Can, Chi thì tính theo thứ tự ngày mà chép bù vào.

24) Phàm chỗ nào sửa lại lầm-lẫn, tất phải chua rõ duyên-cớ vì sao, ngõ-hầu không bị sử-cũ mê-hoặc. Nếu khi còn có lầm lẫn nữa, ai người biết xin sửa-chữa cho.

Lời bàn của kẻ dịch

Xem các phàm lệ trên này, ta thấy các nhà viết sử xưa đầy những chủ-quan! Cái đó gây ra tự kinh Xuân-Thu của thày Khổng: Thà đã muốn « ngụ ý khen chê, phân biệt hay, dở » trong khi viết bộ sách băm nhau đó! Các tín đồ của thày về sau, các nhà chép sử theo lối biên-niên, đều là theo một sáo ấy cả. Ta đọc coi, cũng cho biết quan-niệm lịch-sử của các nhà nho.

  1. Chu-Hy, một đại-nho đời Tống.