Đại Việt sử ký toàn thư/Tập II/Cuốn thứ năm/Đời Ngô
ĐỜI NGÔ
TIỀN NGÔ VƯƠNG
Ở ngôi 6 năm: thọ 47 tuổi.
Vương mưu giỏi, đánh giỏi, gây được công lấy lại nước nhà; đứng đầu trong các vương.
Họ Ngô, húy Quyền, người Đường Lâm[1]. Đời đời là dòng sang. Cha là Mấn làm chức Mục châu ta. Vương sinh ra có ánh sáng lạ đầy nhà. Tướng mạo lạ-lùng. Trên lưng có ba nốt ruồi. Kẻ xem tướng lấy làm kỳ, cho có thể làm chúa một phương. Bèn đặt tên là Quyền. Kịp khi lớn, vẻ mặt khôi ngô, mắt sáng như chớp: đi êm như cọp. Có trí, dũng; sức kéo nổi vạc! Làm nha tướng cho Dương Đình Nghệ. Đình Nghệ gả con gái cho, và tạm coi Ái-châu. Đến khi ấy giết Kiểu Công Tiễn, tự lập làm Vương, đóng đô ở Loa thành.
Kỷ-Hợi, năm đầu, — năm thứ 4 hiệu Thiên Phúc bên Tấn (939) mùa Xuân, Vương mới xưng vương, lập Dương thị làm vương hậu; đặt trăm quan; chế nghi-vệ Triều-đình; định mầu áo mặc.[2]
Giáp-thìn, năm thứ sáu — năm đầu hiệu Khai Vận đời Tề vương Trọng Qui bên Tấn (944), — Vương mất.
Lê-văn-Hưu bàn rằng:
Tiền Ngô vương có thể đem những quân mới họp của nước Việt ta, phá trăm vạn binh của Lưu Hoằng Tháo; mở đất; xưng vương; khiến người Tầu không dám lại sang nữa, có thể gọi là người mưu giỏi, đánh giỏi, một giận mà yên được muôn dân. Tuy tự ở ngôi vương, chưa lên ngai Hoàng-đế, thay đổi niên hiệu, nhưng dòng chính của nước ta đã cơ-hồ nối lại được rồi!...
Sử-thần Ngô-Sĩ-Liên bàn rằng:
Vua Tiền Ngô nổi lên, chẳng những là có công chiến thắng. Nào đặt trăm quan, chế nghi vệ triều đình, định mầu áo mặc, đã có thể thấy rõ được quy-mô của bậc đế-vương. Hưởng nước không lâu, chưa tỏ được công hiệu về chính-trị, tiếc thay!
DƯƠNG TAM KHA
Cướp ngôi sáu năm.
Tam-Kha là anh — có bản chép là em — Dương hậu, làm gia thần cho Tiền Ngô vương. Xưng tiếm là Bình vương.[3]
Ất-Tỵ — năm đầu đời Dương tam Kha, năm thứ 2 hiệu Khai-Vận bên Tấn (945) — nguyên trước Tiền Ngô vương bệnh ngặt, trối lại Tam-Kha giúp đỡ con mình. Vương mất. Tam-Kha cướp ngôi. Con cả Ngô-vương là Xương-Ngập sợ chạy ra sông Nam-Sách[4] ở nhà Phạm-Lệnh-Công ở Trà hương[5]. Tam-Kha nhận con thứ hai của Ngô vương là Xương-Văn làm con mình. Các con thứ là Nam-Hưng, Kiền-Hưng còn nhỏ, đều theo về với Dương quốc-mẫu. Ít lâu, Tam-Kha sai chỉ-huy-sứ là Dương-Cát-Lợi Đỗ-cảnh-Thạc[6] đem quân đến nhà Lệnh-Công, đòi bắt Xương-Ngập. Tất cả đi lại đến ba lần. Lệnh-Công sợ bèn giấu Xương-Ngập vào trong hang núi. Tam Kha biết chuyện lại đòi như cũ, rút lại vẫn không được.
Sử thần Ngô-sĩ-Liên bàn rằng:
Phạm Lệnh Công dụng tâm thật là trung nghĩa! Tam Kha lấy địa-vị gia-thần, đuổi con cả chúa mà cướp lấy ngôi. Nhận Xương Văn làm con mình, chẳng qua chuyện tá-om mà thôi, nào ai có thể biết được? Vả chăng khi ấy trong nước đều đã coi Tam Kha là chúa. Vậy mà Phạm Lệnh Công dám giấu Xương Ngập, là muốn không đến nỗi tuyệt người thờ cúng họ Ngô. Câu chuyện Trình-Anh, Ngỗ-Cữu[7] lại thấy ở đây... Nào ai bảo lớn là một nước mà không có trung-thần, nghĩa sĩ?
Đinh-Vị,— năm thứ 3 đời Dương Tam Kha năm thứ 12 hiệu Thiên-Phúc bên Tấn. Khi ấy Cao-tổ nhà Hậu Hán là Lưu Tri Viễn đã lên thay vua Tấn (947) — Năm ấy nhà Tấn mất.
Canh-Tuất. — năm thứ 6 đời D. T.Kha và thứ 3 hiệu Kiền-Hựu đời Ẩn-đế bên Hậu Hán (950) — Tam Kha sai Xương Văn cùng hai quan sứ họ Dương, họ Đỗ đem quân đánh hai thôn Đường, Nguyễn hạt Thái Bình. Đi đến Từ-Liêm, Xương-Văn thong-thả bảo hai quan sứ rằng: « Ơn đức của đức Tiên vương ta, nhuần thấm đến lòng dân. Phàm những lệnh ban ra, không ai không vui lòng theo. Chẳng may ngài xa bỏ các quan, Bình-vương tự làm việc bất-nghĩa, cướp ngôi của anh, em ta, tội không gì lớn hơn nữa! Nay lại sai ta đánh những làng không tội. May mà được nó thì chớ. Nó mà không phục thì làm ra thế nào? » Hai quan sứ nói: « Tùy mạng lệnh của chúa! » Xương-Văn nói: «Ta muốn đem quân về đánh úp Bình-vương, để lấy lại cơ nghiệp của Tiên vương ta, nên chăng?» Hai quan sứ nói: « Thưa được! » Bèn quay về đánh úp Tam Kha. Mọi người toan giết đi, Xương-Văn nói: « Bình-vương có ơn với ta, đâu nỡ làm tội! » Bèn giáng làm Trương Dương-Công. Nhân cho làm thực-ấp — tức bến Chương Dương ngày nay.[8] — Năm ấy nhà nhà Hậu Hán mất.
Lê Văn Hưu bàn rằng:
Đuổi con chúa mà chiếm ngôi, ấy là tội chung. Nuôi con chúa làm con mình mà cho thực ấp, ấy là ơn riêng. Đuổi Xương Ngập, mà chiếm ngôi, hạng tôi thoán nghịch ấy, cứ lý ra vốn đã chết còn dư tội rồi! Hậu Ngô vương không trị tội ấy, lại vì chút ơn riêng nuôi nấng, không nỡ gia hình, lại ban cho thực-ấp, há chẳng lầm to sao?
Phụ chú
- ▲ Theo An Nam Kỷ Yếu thì quê ở Ái-châu
- ▲ Ngô Thời Sỹ khen rằng:
Vương giết giặc trong để trả thù cho chúa; trừ địch ngoài để gỡ nạn cho dân; dựng lại nước; lập lại mối dường; công nghiệp thật là tốt-đẹp.
- ▲ Theo sử của Ngô-Thời-Sỹ thì Tam-Kha quê làng Dương-Xá, huyện Đông-Sơn, tỉnh Thanh-hóa.
- ▲ Sông Nam-sách, hiện ở phủ Nam-Sách Hải-Dương
- ▲ Trà-hương tức huyện Kim-Thành ngày nay, cũng thuộc Hải-dương.
- ▲ Cảnh-Thạc quê ở Thuận-Đức Quảng-Đông (K. Đ. V. S.)
- ▲ Sử ký của Tư-Mã-Thiên chép: « Năm thứ 3 đời Cảnh-công nước Tấn, Tư khấu nước Tấn là Đồ-Ngạn-Giả giết con Triệu-Thuẫn là Triệu-Sóc, chu di cả họ. Bạn Sóc là Trình-Anh, Ngỗ-Cữu liều chết giấu con của Sóc là Triệu-Vũ để cho còn giống họ Triệu ».
- ▲ Hiện nay ở huyện Thượng-Phuc (K.Đ.V.S.)