Đến Hoàng Việt Hình luật
Sau vụ đình công ở Huế, hai điều trong luật ấy như bị xóa bỏ ngấm ngầm
Vừa rồi trên tờ báo nầy chúng tôi có viết luôn một dui[1] bốn bài, chỉ trích mấy điều trong cuốn Hoàng Việt Hộ luật mới ban hành, được bạn đọc gởi thơ đến khen lao khích lệ nhiều lắm, hầu hết đều khuyên chúng tôi nên phê bình luôn Hoàng Việt Hình luật nữa.
Chúng tôi không phải nhà luật học chuyên môn, đâu dám đương lấy công việc khó khăn ấy. Phê bình thì không dám, nhưng chúng tôi cũng có tự hứa để ra giêng rộng ngày rộng tháng, đọc qua bộ Hoàng Việt Hình luật một bận, có thấy điều gì đáng nói cũng sẽ nói cho các bạn nghe.
Không ngờ ngay hôm cuối trung tuần tháng chạp, chính ở Huế là chỗ bắt đầu từ đó ban hành bộ Hoàng Việt Hình luật đã bốn năm nay, bỗng xảy ra một việc làm rung rinh hai điều trong bộ luật ấy. Đó chúng tôi muốn nói về vụ đình công của thợ đóng giày và thợ may ở đây vừa rồi, mà trong Sông Hương số trước đã có thuật rõ.
Có lẽ hết thảy anh em thợ thuyền cả xứ Trung Kỳ nầy không biết và cũng không ngờ cho đình công là một cái tội. Phải, theo Hoàng Việt Hình luật, luật để trị nhân dân Trung Kỳ chúng ta, đình công là một cái tội, và tội nặng nữa, có điều anh em không ngờ đến đó thôi. Bởi không ngờ là có tội nên anh em mới đình công!
Nhưng, may làm sao, theo luật, đình công là có tội, mà mấy vụ đình công vừa rồi, quan trên không buộc tội, bởi vậy chúng tôi mới dám nói mấy điều luật ấy bị xóa bỏ.
Đây nầy Hoàng Việt Hình luật:
Điều thứ 128 ‒ Những người xui người ta bãi khoá, đình công hay là không chịu ứng thí, bất cứ là phạm cách nào, thời sẽ bị giam từ 3 tháng đến 2 năm hay là phạt bạc từ 30$00 đến 240$00; nếu sự xui giục ấy có thành hiệu thời sẽ bị giam từ 2 năm đến 5 năm. Những tùng phạm sẽ bị nghị xử một nửa tội danh của chánh phạm...
Điều thứ 147 ‒ Người nào dùng sự hành hung, dọa nạt, cổ động mà xui người ta hay là toan xui người ta rủ nhau đình công hay là giữ việc đình công cốt để bắt buộc phải tăng lên hay là hạ tiền công xuống hoặc là ngăn trở sự tự do của công nghệ và việc làm ăn, thời sẽ bị các tội danh trên nầy (phạt giam từ 1 tháng đến 1 năm hay phạt bạc từ 10$00 đến 120$00 không cứ chánh phạm và tùng phạm; lại có thể chiếu theo điều 23 mà phải giao quản); nếu tình cờ có xảy ra những tội nặng hơn thời sẽ tùy theo tình trạng sự hành hung và địa vị người bị hại và nghị xử nặng hơn.
Xem hai điều đó, thấy luật vẫn chăm bắt tội người nào xui giục, nhưng cả hai đều nói sẽ khoa nghị luôn cả chánh phạm và tùng phạm, thì đủ biết người bị xui giục mà đình công cũng có tội. Tổng chi, theo luật nói đó, hễ là đình công thì phải có tội, thế nào cũng không khỏi.
Nhưng, trong vụ đình công của thợ giày và thợ may vừa rồi, quan trên đã bỏ qua đi mà không truy cứu ai là người xui giục. Chẳng những thế, đứng trước mặt chủ và thợ, quan Phủ Doãn, người thay mặt cho pháp luật, còn điều đình cho cả đôi bên. Mà kết quả của sự điều đình là bên thợ được phần thắng. Có nhiều điều kiện yêu cầu của họ được thuận nhận, nhất là điều nầy: Sau khi đình công, thợ trở vào làm, sẽ không bị đuổi và bị bắt.
Quan Phủ Doãn đã hứa với họ rằng họ sẽ không bị bắt, thế là đã chắc như đinh đóng cột rằng những người đình công khỏi bị truy tố, khỏi bị buộc tội.
Như thế, hai điều luật dẫn trên kia thành ra như đã bị xoá bỏ, mà xoá bỏ một cách ngấm ngầm, vì chưa có lời Dụ khác để thay cho lời Dụ ngày 3 Juillet 1933, tức là lời Dụ ban hành luật nầy.
Bạn đọc nghĩ xem, nhà nước lập luật là cốt để thi hành trong lúc có việc xảy ra. Nay có việc xảy ra mà luật không thi hành được, thì đủ biết cái giá trị của luật ấy là thế nào!
Luật không thi hành được là tại nó không hạp với lẽ phải. Theo lẽ phải, người ta có bị thiệt hại người ta mới đình công... Nay luật không kể sự đình công có đáng cùng chẳng đáng mà cứ nhất thiết buộc tội như hai điều 128 và 147 đó, nên chi nó không thi hành được là phải lắm.
Dân Trung Kỳ nên ước ao làm sao cho bộ Hình luật này cũng được sửa đổi đi. Chúng tôi lại tưởng triều đình cũng nên sửa đổi nó, vì một bộ luật mà đã có một vài điều vô hiệu thì dân không còn tôn kính nó nữa.
SÔNG HƯƠNG
Chú thích
- ▲ dui: chưa thật rõ nghĩa; từ này không có trong các từ điển từ cổ; tuy vậy đặt trong ngữ cảnh ta có thể hiểu “dui” ở đây trỏ “loạt”.