Bước tới nội dung

Ối tình ôi

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

(Bút tích của Quyên Sinh)

Nếu tôi có thể, tôi sẽ viết ra cái ăn năn và đau xót của tôi, vì Tử Quân, vì chính mình tôi.

Cái nhà đổ nát ở nơi khuất vắng bị quên đi trong hội quán[2], nó là vắng vẻ và trống hổng như thế này. Thời giờ qua đi vùn vụt, tôi yêu Tử Quân, nhờ nàng trốn ra khỏi nơi vắng vẻ và trống hổng ấy, đã đầy một năm rồi. Rủi làm sao, khi tôi trở lại, lại bưa vừa chỉ có căn nhà ấy bỏ trống, vẫn y nguyên cái cửa sổ như thế ấy, cây hòe khô nửa thân và dây đằng tía[3] ngoài cửa sổ thế ấy, cái bàn vuông trước cửa sổ thế ấy, cái vách nát thế ấy, cái giường ván kê sát vách thế ấy. Đêm khuya một mình nằm trên giường, chẳng khác nào lúc chưa ở chung với Tử Quân, cái thời gian trong một năm vừa qua bị tiêu diệt tất cả, không có gì tất cả, tôi chưa có hề dọn ra khỏi cái nhà nát này, ở đường hẻm Cát Triệu gây dựng nên cái gia đình nho nhỏ đầy hy vọng.

Chẳng những thế thôi. Trước đây một năm, cái vắng vẻ và trống hổng cũng chẳng đến thế này, nó thường cứ mang sự mong đợi, mong đợi Tử Quân sẽ đến. Trong khi đợi lâu sốt ruột, nghe được tiếng mũi giày cao gót chạm trên đường gạch một cái, làm cho tôi sấn sướt lên biết ngần nào! Thế rồi liều xem thấy cái mặt tròn trắng xanh với cái má lúm đồng tiền, cái cánh tay trắng xanh mà gầy, cái áo dài bằng vải sọc, cái váy màu huyền. Nàng lại đem vào cho tôi thấy cái lá mới của cây hòe khô nửa thân ngoài cửa sổ, lại với từng chùm hoa đằng tía và trắng của cái gốc già giống như sắt.

Nhưng mà bây giờ đây, chỉ có cái vắng vẻ và trống hổng y nguyên như cũ, còn Tử Quân quyết không đến nữa, vả lại không đến mãi mãi, mãi mãi!

*

* *

Khi Tử Quân không ở trong cái nhà nát này, bất cứ cái gì tôi cũng xem không thấy. Trong cơn chán ngắt, thò tay vớ bậy một cuốn sách, khoa học cũng được, văn học cũng được, sách nào thì cũng thế, cứ xem, cứ xem, bỗng tự mình thấy ra, đã lật qua mười mấy tờ rồi, song le chẳng nhớ được trong sách nói chuyện gì. Duy có lỗ tai thính đặc biệt, mường tượng nghe thấy mọi tiếng giày qua lại ngoài cổng, trong đó có tiếng giày của Tử Quân, vả lại cộp cộp càng đến càng gần, - nhưng lại thường thường càng mờ loãng, cuối cùng hút mất trong những tiếng bước đi rộn rịp khác. Tôi chúa ghét đứa con trai của người tùy phái đi đôi giày đế vải không giống tiếng giày của Tử Quân, tôi cũng chúa ghét cái thằng nhỏ chát bự kem ở phòng bên cạnh, thường thường đi giày da mới mà giống tiếng giày của Tử Quân quá.

Có lẽ nàng bị đổ xe chăng? Hay là nàng bị xe điện chẹt rồi chăng?...

Tôi liền muốn lấy cái mũ đi thăm nàng, nhưng mà người chú ruột nàng đã từng chửi tôi ngay trước mặt.

Thình lình, tiếng giày của nàng tới gần, mỗi bước càng vang thêm, khi tôi ra đón, thì nàng đã đi khỏi dưới giàn hoa đằng tía, cười tủm tỉm lộ đồng tiền trên má. Tôi đồ rằng chắc nàng không bị giày vò gì ở nhà người chú nàng, lòng tôi thấy thơ thái. Sau khi lẳng lặng nhìn nhau một chốc, trong căn nhà nát dần dần vang dầy tiếng nói của tôi, nói về chuyên chế trong gia đình, nói về phá bỏ thói tục cũ, nói về trai gái bình đẳng, nói về Ípsen, nói về Tagore, nói về Silây...[4]. Nàng cứ một mực mỉm cười gật đầu, đôi mắt đầy ánh sáng thơ ngây và tọc mạch. Trên vách có dán bức tượng nửa người của Silây in bản đồng, cắt trong tạp chí ra, là bức tượng đẹp nhất của ông. Khi tôi chỉ cho nàng xem bức tượng ấy, nàng chỉ nhìn sơ qua, bèn cúi đầu xuống, hình như có ý thẹn. Chỗ đó thấy ra Tử Quân như còn chưa thoát khỏi trói buộc của tư tưởng cũ, về sau tôi cũng nghĩ, chi bằng đổi bức tượng kỉ niệm Silây chết đuối ở biển hay là bức tượng của Ípsen thì hơn ; nhưng rồi cũng không đổi, đến bây giờ thì cả đến cái bức ấy mất đi đâu cũng không biết.

*

* *

Con người tôi là của tôi, bọn họ bất kỳ ai cũng không có quyền can thiệp đến tôi được!.

Đó là câu nói của nàng, khi chúng tôi gần gụi nhau được nửa năm, lại bàn đến chuyện người chú ruột nàng ở đây và người cha nàng ở nhà, nàng ngẫm nghĩ một lúc rồi đằm thắm, dứt khoát, kiên quyết nói như thế. Lúc đó thì tôi đã tỏ bày hết ý kiến của tôi, thân thế của tôi, khuyết điểm của tôi, ít có giấu giếm gì, nàng cũng đã hiểu rõ tất cả. Mấy lời đó rất làm cho linh hồn tôi rung động, sau bao nhiêu ngày còn vang dội bên tai, vả lại mừng hết chỗ nói, biết rằng đàn bà con gái Trung Quốc không phải là nan hóa như mấy ông chán đời đã tưởng, mà một ngày mai không xa, sẽ có ánh sáng hừng đông rực rỡ cho mà xem.

Đưa nàng ra cửa, cứ thường lệ là đi cách nhau mười bước xa ; cứ thường lệ là cái thằng cha già râu cá chốt kia lại dán mặt trên tấm cửa kính bẩn, cả đến sống mũi cũng bẹp dí đi ; đến nhà ngoài, lại cứ thường lệ là trong tấm cửa kính sáng choang, ló cái mặt thằng nhỏ nọ chát kem càng bự. Nàng đi một cách kiêu ngạo, mắt không nhìn nghiêng nên không thấy gì cả ; còn tôi cũng đi một cách kiêu ngạo mà trở về.

Con người tôi là của tôi, bọn họ bất kỳ ai cũng không có quyền can thiệp đến tôi được!. Cái tư tưởng dứt khoát ấy ở trong óc nàng kể còn thấu suốt mạnh mẽ hơn tôi nhiều. Thứ đồ nửa lọ kem và cái sống mũi bẹp dí kia, đối với nàng mà có kể được là cái thá gì?

*

* *

Lúc đó tôi đã đem tình yêu chân thật nồng nàn mà bày tỏ cho nàng bằng cách nào, đến bây giờ tôi không còn nhớ rõ. Mà chẳng những bây giờ, lúc đó việc xong rồi thì đã xao lãng, ban đêm nhớ lại, cũng chỉ còn sót từng mảnh vụn ; sau khi ở chung một vài tháng, cả đến những mảnh vụn ấy cũng lại hóa ra cái bóng không đuổi bắt được trong chiêm bao. Tôi chỉ nhờ rằng trước đó mười mấy ngày, từng đã nghiên cứu rất kỹ càng về cái thái độ bắt tình, về sự sắp đặt thứ lớp lời nói, cho đến cái tình hình sau khi nếu bị cự tuyệt. Song le đến lúc rồi hầu như đều vô dụng, trong cơn hoảng hốt, không tự chủ được, tôi trót đã dùng cái phương pháp từng thấy trên màn chiếu bóng. Về sau nghĩ đến, làm tôi rất xấu hổ, nhưng trong trí nhớ lại chỉ có một chút đó còn mãi không phai, đến nay vẫn như là ánh đèn trong buồng tối rọi thấy tôi rưng nước mắt cầm lấy tay nàng, một đầu gối riu ríu quỳ xuống...

Chẳng những chính mình tôi, cả đến nói năng cất nhắc của Tử Quân, lúc bấy giờ tôi cũng không thấy rõ, chỉ biết nàng đã nhận lời tôi rồi. Song cũng còn mường tượng nhớ rằng sắc mặt nàng đổi ra trắng xanh, sau dần dần trở nên ửng đỏ, - cái ửng đỏ mà trước chưa từng thấy, và về sau cũng không thấy nữa, như trẻ con một thứ, cặp mắt nàng lộ ra vẻ vừa buồn vừa mừng, lại đèo thêm sợ sệt, dù vậy hết sức tránh tầm mắt của tôi, và hốt hoảng như muốn phá tung cửa sổ bay đi. Nhưng mà tôi biết nàng đã nhận lời tôi rồi, chứ không biết nàng có nói thế nào hay là không có nói gì hết.

Nàng thì lại cái gì cũng nhớ được cả: Những lời tôi nói, nàng như đã đọc thuộc làu, có thể nhẩm lại hàng tràng ; những cái cử chỉ của tôi, thì như có một phim ảnh mà tôi không thấy, phơi ra dưới mắt nàng, nàng kể lại như là thực, rất tỉ mỉ, cả đến cái trò trong chiếu bóng mà tôi không buồn nhớ lại. Đêm khuya người vắng, là lúc cùng nhau ôn lại, tôi thường bị gạn hỏi, bị thử thách, và bị bảo nhắc lại những câu nói lúc bấy giờ, nhưng mà thường phải nhờ nàng bổ túc cho, nhờ nàng đính chính cho, tôi chỉ giống một anh học sinh lớp bét.

Sự ôn lại ấy về sau cũng thưa dần đi. Có điều, hễ khi tôi thấy nàng đôi mắt đăm đăm nhìn quãng không, đờ người ra ngẫm nghĩ, thế rồi nết mặt càng nhu mì, má đồng tiền càng lúm xuống, thì tôi biết rằng chính mình nàng đang ôn lại, chỉ sợ nàng thấy đến cái trò trong chiếu bóng đáng buồn cười của tôi. Song tôi lại biết rằng thế nào nàng cũng thấy đến, vả lại không thấy không được.

Nhưng mà nàng cũng không thấy là đáng buồn cười đâu. Dù cho tự tôi cho là đáng buồn cười, thậm chí đáng khinh bỉ nữa, là nàng cũng chẳng cho là đáng buồn cười chút nào. Việc đó tôi biết rạch ròi lắm, bởi vì nàng yêu tôi, yêu đến nồng nàn thế kia, đến chân thật thế kia.

*

* *

Cuối xuân năm ngoái là một thời gian rất có hạnh phúc mà cũng rất bận rộn. Lòng tôi đã yên tĩnh lắm rồi, nhưng lại có một bộ phận khác và cả thân thể bắt đầu cùng bận rộn lên. Lúc đó chúng tôi mới cùng đi với nhau ngoài đường, cũng có mấy lần cùng dạo vườn hoa, nhiều nhất là khi đi tìm thuê nhà trọ. Tôi thấy ở lúc đi đường, chốc chốc lại gặp những con mắt tò mò, chế nhạo, trơi lờn và khinh rẻ, lơ đễnh một cái là làm cho tôi cả người co rúm lại, chỉ phải tức khắc làm ra vẻ kiêu ngạo và phản kháng để mà chống chỏi. Nhưng nàng thì lại bất chấp tất cả, không thèm bận lòng với những điều ấy, cứ lẳng lặng thư thả đi, thênh thang như vào chỗ không có người.

Tìm nhà trọ thật không phải việc dễ, có nhiều nơi bị cự tuyệt bằng cớ này hay cớ khác, một ít nơi thì chúng tôi cho là không thích hợp với mình. Đầu tiên chúng tôi chọn lựa rất gắt, - cũng không phải gắt, vì xem qua thì thấy không phải chỗ chúng tôi có thể an thân ; đến sau, miễn chỗ nào họ cho ở là được rồi. Đi xem hơn hai mươi chỗ, mới thuê được một nơi khả dĩ ở tạm, là hai căn phía nam của một sở nhà nhỏ ở đường hẻm Cát Triệu ; chủ nhà là một viên quan nhỏ, song là người sòng phẳng, chính mình ở nhà giữa và phòng bên. Hắn có vợ và một đứa con gái chưa đầy tuổi tôi, thuê một cô gái nhà quê giúp việc, khi đứa bé không khóc, thì thật là thảnh thơi vắng lặng.

Đồ đạc của chúng tôi không có gì mấy, thế mà cũng đã tiêu hết già nửa món tiền tôi đã chạy được ; Tử Quân còn phải bán mất cái nhẫn vàng và đôi hoa tai vàng mà nàng vẻn vẹn có. Tôi ngăn nàng, nàng cũng cứ nhất định bán, thì tôi không ngăn nữa, vì biết rằng nếu không để nàng chung đụng một phần tiền, chắc nàng ở không được thoải mái.

Nàng đã làm rầy rà với chú nàng, đến nỗi hắn tức giận không chịu nhìn nàng là cháu gái nữa. Tôi cũng lần lượt tuyệt giao với mấy người bạn tự cho là lấy lòng thành khuyên bảo tôi, mà thật ra là non gan sợ ch tôi, hay là chỉ vì ghen với tôi. Nhưng mà như thế lại hóa ra rất yên tĩnh. Mỗi ngày sau khi tan sở, tuy đã nhá nhem tối, anh phu xe lại cứ chạy chậm, nhưng rốt lại còn có lúc hai người giáp mặt nhau. Trước tiên chúng tôi lẳng lặng nhìn nhau, kế đó là cởi mở và nói chuyện với nhau thân mật, sau cùng lại là lẳng lặng. Mỗi người cúi đầu ngẫm nghĩ, song lại chưa hề ngẫm nghĩ việc gì. Tôi cũng dần dần sáng suốt đọc khắp cả thân thể nàng, linh hồn nàng, chỉ trong ba tuần lễ, hầu như tôi đã hiểu thêm về nàng, bao nhiêu điều trước kia cho rằng đã hiểu, bây giờ mới vỡ ra, thấy còn cách vách, mà là cách vách thật.

Tử Quân cũng mỗi ngày càng hoạt bát hẳn lên. Song nàng không yêu hoa, hai chậu hoa nhỏ tôi mua ở hội chùa về, trải bốn ngày không tưới, chết khô ở góc tường, tôi lại không có giờ rỗi để chăm sóc mọi sự. Vậy mà nàng lại yêu động vật, cái này có lẽ là lây bà quan nọ, không đầy một tháng, gia quyến chúng tôi thoạt thêm nhiều ra bốn con gà với mười mấy con của nhà chủ cũng lảng vảng trước sân. Có điều họ khéo nhận mặt từng con gà, mỗi người đều nhìn biết con nào là của mình. Lại có một con chó nhỏ đốm trắng, mua ở hội chùa, nguyên nó có tên gì đó, Tử Quân lại đặt cho nó cái tên khác là con Tùy. Tôi cũng cứ gọi nó là con Tùy, nhưng tôi không thích cái tên ấy.

Thật thế, tình yêu cần phải mỗi lúc đổi mới, sinh sôi, gây dựng. Tôi đem cái lẽ đó nói với Tử Quân, nàng cũng hiểu ý, gật gật đầu. Ôi, đó là cái đêm êm ả mà có hạnh phúc biết ngần nào!

*

* *

Êm ả và hạnh phúc, cái đó phải vững bền, cứ phải mãi mãi là êm ả và hạnh phúc như thế. Khi chúng tôi ở trong hội quán, còn tình cờ có xô xát nhau về lời nói và hiểu lầm nhau về ý nghĩ, từ lúc đến ở đường hẻm Cát Triệu, không hề có như thế nữa ; chỉ khi đối mặt nhau dưới đèn, chúng tôi nhớ lại chuyện cũ, nhấm nháp lại cái thú vui nẩy sinh bởi cuộc hòa giải sau cơn xô xát nhau lúc bấy giờ.

Tử Quân đâm béo ra, nét mặt cũng hồng hào lên ; chỉ đáng tiếc là nàng bận. Coi sóc việc nhà cả đến không có thời giờ nói chuyện gẫu, huống chi là đọc sách và đi chơi phiếm. Chúng tôi thường bàn với nhau, thế nào cũng phải thuê một đứa ở gái.

Điều này làm cho tôi cũng không khoan khoái, chiều tối về tới nhà, thường thấy nàng có vẻ không khoan khoái ; điều làm cho tôi càng buồn hơn, là nàng phải giả tảng cười gắng gượng. May mà dò biết ra được, đó là bởi lục đục với bà quan nhỏ nọ, đầu đuôi chỉ vì những con gà con của hai nhà. Nhưng sao lại cứ phải một mực giấu tôi? Người ta thế nào cũng phải có gia đình riêng biệt mới được. Không thể ở cái chỗ như chỗ này.

Con đường tôi đi cứ là một chiều, sáu ngày trong mỗi tuần lễ, ngày nào cũng đi từ nhà đến sở, rồi lại từ sở về nhà. ở trong sở thì ngồi nơi bàn giấy sao chép, sao chép công văn và thư tín ; ở nhà thì đối nhau với nàng, hay là giúp nàng nhen bếp lửa, nấu cơm, hấp bánh bao. Tôi mà biết nấu cơm là từ lúc đó.

Nhưng thức ăn của tôi lại khá nhiều hơn hồi ở trong hội quán. Tử Quân tuy không rành nghề làm bếp, nhưng nàng hết lòng hết sức về việc ấy ; đối với việc mà nàng ngày đêm lo lắng, khiến tôi cũng không thể không lo lắng cùng nàng, để gọi là xẻ đắng chia cay. Huống chi nàng suốt ngày mồ hôi mồ kê thế kia, những sợi tóc ngắn dính trên trán, hai bàn tay còn cứ đâm ra xô xảm thế ấy nữa.

Hơn nữa, còn phải cho con Tùy ăn, cho gà con ăn... đều là việc chính tay nàng phải làm.

Tôi từng bảo thật nàng: Tôi không ăn thì thôi cũng được ; chứ không có thể nào để nàng nhọc nhằn như vậy. Nàng chỉ liếc nhìn tôi một cái, không nói gì, dáng mặt có hơi buồn ; rồi tôi cũng không nói gì. Nhưng mà nàng vẫn cứ chịu nhọc nhằn như vậy. Nàng chỉ liếc nhìn tôi một cái, không nói gì, dáng mặt có hơi buồn ; rồi tôi cũng không nói gì. Nhưng mà nàng vẫn cứ chịu nhọc nhằn như thế.

*

* *

Cái đòn đánh mạnh vào tôi mà tôi cầm chắc sẽ xảy ra thì quả đã xảy đến. Một buổi chiều trước tết Song thập[5] một hôm, tôi ngồi đờ ra, còn nàng đang rửa bát. Nghe tiếng gõ cửa, tôi ra mở cửa, thì một tên chạy thư của sở đưa cho tôi một mảnh giấy in thạch. Tôi đã có hơi đoán trước rồi, đem lại dưới đèn xem, thì quả nhiên, mảnh giấy in thế này:

Theo mệnh lệnh vị thủ trưởng của sở, ông Sử Quyên sinh không phải đến làm việc ở sở nữa.

Phòng bí thư
Ngày 9 tháng 10

Việc này, khi ở trong hội quán, tôi đã liệu đến rồi. Cái thằng bự kem kia là bạn cờ bạc với con trai của viên chủ sở, chắc nó đã thêm thắt dèm pha, bịa đặt lời báo cáo. Đến hôm nay mới vỡ việc, kể là đã muộn lắm rồi. Thực ra thì với tôi, việc đó cũng không kể được là đòn đánh mạnh, vì tôi đã quyết định trước, tôi có thể làm kẻ sao chép ở nơi khác, hay là dạy học, hay là chịu khó dịch sách cũng nên, vả lại ông chủ bút tờ báo Bạn của tự do là người quen có gặp mấy lần, còn thư từ cho nhau cách hai tháng trước. Tuy vậy, quả tim của tôi vẫn cứ đập mạnh. Mà cái người bất chấp tất cả là Tử Quân cũng đổi ngay sắc mặt đi, làm cho tôi càng đau lòng ; nàng gần nay hình như cũng hóa ra khiếp nhược không bằng hồi trước.

"Không hề gì. Hừ, chúng ta đổi làm nghề mới. Chúng ta...". Nàng nói như thế.

Nàng không nói hết câu. Chẳng biết thế nào, tiếng nói kia tôi nghe ra nó vông vông thế nào ấy ; ánh sáng đèn cũng thấy là leo lét khác thường. Người ta thật là thứ động vật đáng buồn cười, một việc nhỏ xíu cũng có thể làm cho day động mạnh. Chúng tôi trước còn lẳng lặng nhìn nhau, dần đến bàn luận, cuối cùng quyết định còn bao nhiêu tiền tiêu xẻn lại, một mặt đăng quảng cáo tìm nơi sao chép hoặc dạy học, một mặt viết thư cho ông chủ bút Bạn của tự do nói rõ cảnh ngộ của tôi, nhờ ông nhận đăng những bài dịch, giúp tôi chút đỉnh trong cơn túng ngặt.

"Đã nói làm thì làm đi! Để mở một con đường mới!".

Tôi lập tức quay mặt vào bàn viết, đẩy cái lọ đựng dầu thơm và cái bình đựng dấm, Tử Quân đưa cái đèn lù mù bên kia sang. Trước hết tôi nghĩ viết lời quảng cáo ; rồi đến chọn sách nào nên dịch, là những sách từ hồi dời nhà đến nay chưa hề mở xem, trên đầu cuốn nào cũng đầy tro bụi ; cuối cùng viết bức thư.

Tôi ngần ngừ mãi, chẳng biết nên nói thế nào, giữa lúc ngừng bút ngẫm nghĩ, liếc mắt nhìn qua mặt nàng, trước ánh đèn tờ mờ, lại thấy vẻ buồn thiu. Tôi thật không ngờ cái việc nhỏ mọn dường kia mà lại làm cho Tử Quân, con người kiên quyết, bất chấp tất cả, thay đổi hẳn đi đến thế được. Thật ra, nàng gần đây đã hóa ra khiếp nhược, chứ không phải bắt đầu từ đêm nay. Lòng tôi vì đó thêm rối loạn, bỗng dưng trước mắt thoáng hiện ra cái bóng sự sống êm đềm - cái thanh vắng của căn nhà nát trong hội quán, mới vừa toan trố mắt nhìn, thì lại thấy ánh đèn tờ mờ.

Một chặp lâu, bức thư cũng viết xong, là một bức thư hơi dài. Thấy mỏi mệt lắm, hình như gần nay chính tôi cũng hóa ra khiếp nhược hơn trước. Thế rồi chúng tôi quyết định, nội trong ngày mai thì đăng quảng cáo và gửi bức thư ngay. Hai chúng tôi không hẹn mà rập nhau vươn thẳng lưng lên, không nói ra, chứ mỗi người như đều cảm thấy mình có cái tinh thần bền dẻo và mạnh mẽ, và còn nhìn xem cái hy vọng tương lai mới nứt mầm.

*

* *

Cái đòn đánh từ ngoài đến, thật ra lại làm cho cái tinh thần mới của chúng tôi hăng hái lên. Làm việc ở sở, chẳng khác nào cũng con chim trong tay người lái bán chim, chỉ có một ít gạo tấm ăn cầm hơi, không thế nào cho béo mập được ; mà hễ lâu ngày thì lông cánh tê dại đi, dù cho thả ra khỏi lồng cũng đã không bay nổi. Hiện giờ thì cũng kể được là ra khỏi lồng đấy, tôi còn kịp khi chưa quên đập cánh, từ đây phải bay lượn trong quãng trời mới rộng rãi mênh mông.

*

* *

Quảng cáo mới vừa đăng, không phải một lúc mà có hiệu nghiệm ngay được. Còn dịch sách cũng không phải việc dễ, những chỗ trước kia xem qua, cho là hiểu được rồi, đến lúc bắt tay dịch, lại thấy khó khăn trăm bề, cho nên công việc làm rất chậm. Nhưng tôi quyết chí rán sức làm, một cuốn tự điển còn khá mới, không đầy nửa tháng, dựa triêng đã đầy dấu ngón tay làm đen hoen, đủ biết là tôi làm việc chăm chỉ. Ông chủ bút Bạn của tự do từng nói với tôi, tờ báo của ông nhất định không bỏ qua những bài dịch hay mà không đăng.

Đáng tiếc là tôi không có được một gian phòng vắng vẻ, Tử Quân lại không đằm thắm khéo chiều như trước, trong nhà cứ là bừa bãi những bát đĩa, tràn ngập những khói than đá, khiến người ta không thể yên lòng làm việc, song cái đó chỉ nên trách lấy bản thân tôi không đủ sức sắm một thư phòng riêng. Thế mà lại còn thêm con Tùy, còn thêm bầy gà con nữa. Còn thêm bầy gà con càng ngày càng lớn, dễ dàng làm đầu dây mối nhợ cho hai nhà rầy rà nhau.

Còn thêm mỗi ngày cứ phải ăn cơm ; công lao của Tử Quân hình như ở cả trong sự ăn cơm ấy. Ăn xong đi chạy tiền, chạy tiền được lại ăn, còn phải cho con Tùy ăn, cho gà ăn ; nàng hầu quên tất cả cái gì trước kia đã biết, cũng chẳng nghĩ đến mỗi khi hối giục ăn cơm như thế thường thường làm cho tứ văn trong óc tôi đứt mạch. Trong bữa cơm, dù có tỏ cho thấy một vài nét giận dỗi, nàng cũng không cải nết, vẫn cứ việc ăn lấy ăn để, như không hề cảm thấy tí gì.

Mất hết năm tuần lễ tôi mới làm cho nàng hiểu rõ rằng công việc của tôi không thể bị bó buộc bởi sự ăn cơm đúng giờ. Sau khi hiểu rõ rồi, dáng chừng nàng rất không vui, song không nói ra. Việc làm của tôi từ đó quả được nhanh chóng hơn trước, không mấy nỗi mà dịch được năm vạn chữ, chỉ phải trau tria một ít, có thể luôn với hai bài văn ngắn đã viết xong gửi cho Bạn của tự do cùng một thể. Có điều cái sự ăn cơm lại vân cứ làm cho tôi chịu khổ. Đồ ăn nguội, cái đó không can chi, ngặt vì đến nỗi không đủ ; có khi cả đến cơm cũng không đủ, mặc dầu tôi vì cả ngày ngồi ở nhà dùng sức óc, mức ăn cơm so với trước đã giảm đi nhiều. Đó là tại đã cho con Tùy ăn trước đi, có khi lại còn cho nó ăn cả đến món thịt dê là món chính tôi cũng không dễ gì ăn. Nàng nói, thật con Tùy nó gầy đến thảm hại, bà chủ nhà còn nhân đó chê cười chúng tôi, nàng không chịu được cái sự chế nhạo như thế.

Thế là chỉ có bầy gà ăn cơm thừa của tôi. Điều đó lâu ngày tôi mới thấy ra được, song đồng thời tôi cũng tự thấy, như Huít-lây luận định về "vị trí loài người ở trong vũ trụ"[6], vị trí của tôi chẳng qua là ở giữa con chó nhỏ và bầy gà.

*

* *

Đến sau, trải qua nhiều lần chống cự và thúc giục, bầy gà cũng lần lượt bị giết thịt, chúng tôi và con Tùy đều hưởng được chất béo hơn mười ngày. Có điều thật ra chúng nó gầy quá, vì lâu nay mỗi ngày chỉ ăn được mấy hột lúa ngô. Từ đây trong nhà được yên tĩnh hơn. Chỉ có Tử Quân trông uể oải quá, thường có dáng bộ buồn nản và tẻ ngắt, đến nỗi không muốn nói năng gì. Tôi nghĩ, người ta sao mà dễ dàng thay đổi đến thế này!

Đến ngày con Tùy cũng sẽ không nuôi được nữa rồi. Chúng tôi đã chẳng còn trông mong từ đâu có thư gửi đến, Tử Quân cũng không còn có chút gì ăn được để có thể bắt nó cúi chào hoặc đứng thẳng lên. Mùa đông lại sắp đến rồi, lò sưởi sẽ là một vấn đề lớn ; mức ăn của nó, không nói cũng biết, thật đã là cái gánh nặng cho chúng tôi. Thế rồi cả đến con vật ấy cũng không để được.

Giá như dắt nó ra chợ bán đi, có lẽ cũng được mấy đồng tiền đấy, nhưng mà chúng tôi không có thể và cũng không muốn làm như thế. Rốt lại là lấy khăn gói trùm đầu nó lại, do tôi mang đi thả ở ngoại ô phía tây, nó còn chạy theo, thì xô nó xuống một cái hầm đất không sâu mấy.

Tôi trở về nhà, thấy càng yên tĩnh hơn nhiều. Song cái nét mặt sầu thảm của Tử Quân lại làm cho tôi phát sợ. Cái nét mặt ấy từ trước chưa từng thấy, chắc là vì con Tùy. Nhưng mà việc gì lại đến nỗi phải thế? Tôi còn chưa thuật chuyện xô nó xuống hầm đất.

Đến đêm, trên cái nét mặt sầu thảm của nàng, lại phủ thêm một lớp giá lạnh nữa.

"Quái lạ. - Tử Quân, em hôm nay sao mà như thế?". Tôi cầm lòng không đâu, hỏi.

"Cái gì?". Nàng nói mà không hề nhìn tôi.

"Nét mặt của em...".

"Không có gì, - có gì đâu".

Cuối cùng, theo lời lẽ dáng điệu của nàng, tôi biết đại khái nàng đã nhận định tôi là một đứa nhẫn tâm. Thực ra, một mình tôi thì sự sống cũng dễ dàng, dầu vì kiêu ngạo, lâu nay không tới lui với bạn cũ, sau khi dời nhà, lại tránh xa những người quen, chứ hễ xa chạy cao bay được thì con đường sống cũng còn rộng rãi lắm. Hiện giờ bấm bụng chịu đau khổ bởi sự sống đè nén, phần lớn lại là vì nàng, cho đến đem con Tùy vứt bỏ, cũng chỉ như thế. Song le cái kiến thức của Tử Quân hình như đâm ra thấp kém, đến nỗi cả đến một chút đó mà cũng không nghĩ tới.

Tôi chọn một dịp tốt, đem những lẽ ấy ngỏ ý cho nàng biết ; nàng gật đầu dáng chừng có hiểu. Nhưng mà xem tình hình nàng về sau, thì ra nàng không hiểu, hay là còn không tin tôi nữa.

*

* *

Cái lạnh của khí trời và cái lạnh của dáng người bức tôi không thể yên thân trong gia đình được. Nhưng đi đâu bây giờ? Trên đường phố, trong vườn hoa, tuy không có cái dáng người giá lạnh, chứ gió lạnh cũng đến cắt da. Rốt lại tôi tìm được chỗ thiên đường của tôi ở trong Thư viện Thông tục.

Vào đó không phải mua vé, trong phòng đọc sách lại đặt sẵn hai cái lò sưởi bằng sắt. Mặc dầu đốt trong lò sưởi chẳng qua là thứ than đá tồi, miễn thấy có lò sưởi, trên tinh thần cũng thấy có hơi ấm áp. Sách thì lại không có gì xem được: sách cũ thì cổ hủ, sách mới hầu như không có cuốn nào.

May mà tôi đến đây cốt không phải vì xem sách. Ngoài tôi ra lúc nào cũng có mấy người, lúc nhiều đến mười mấy người, đều là áo quần mỏng manh như tôi, mỗi người xem sách của mình, mượn cớ để lấy nhờ hơi ấm. Cái đó với tôi càng thích hợp lắm. Trên đường phố thế nào cũng gặp những người quen, thế nào cũng bị một cái liếc mắt khinh miệt, chứ ở đây thì chắc khỏi cái chua chát ấy, bởi vì bọn họ luôn luôn vây chung quanh thứ lò sưởi khác, hay là tựa cạnh cái lồng ấp của mình.

Ở đó tuy không có sách cho tôi xem, nhưng còn có yên tĩnh để cho tôi suy nghĩ. Đợi đến lúc một mình ngồi thừ, nhớ lại về trước, mới thấy rằng hơn nửa năm nay, chỉ vì yêu - cái yêu mù quáng - mà xao nhãng mất cả những cái cần yếu khác của đời người. Thứ nhất là sự sống. Người ta phải sống đã, rồi cái yêu mới có chỗ nương tựa. Trên đời không phải là không có con đường sống mở ra cho kẻ hay phấn đấu ; tôi cũng chưa quên đập cánh, tuy có đồi đường hơn trước kia phần nào.

Cái nhà và những người đọc sách dần dần mất đi, tôi xem thấy người đánh cá trong sóng cồn, người lính đánh trận trong hầm núp, người sang trọng trong xe hơi, tay buôn bán đầu cơ trên dương trường[7], đấng hào kiệt giữa rừng sâu núi thẳm, vị giáo sư trên giảng đàn, kẻ đi vận động ban tối và thằng ăn trộm đêm khuya... Tử Quân - không có ở đây. Cái dũng khí của nàng đã mất hết, chỉ cứ vì con Tùy mà buồn bực, vì nấu cơm mà đờ người ra, nhưng mà lạ một điều là lại không gầy ốm chi cả...

Trời lạnh, mấy cục than đá tồi trong lò sưởi cuối cùng cũng cháy hết, đã là lúc đóng cửa thư viện rồi. Bây giờ lại phải về đường hẻm Cát Triệu, chịu đựng lấy cái bộ mặt giá lạnh rồi đây. Mấy lâu nay thỉnh thoảng cũng có chộ cái dáng điệu đằm ấm, song như thế lại làm cho tôi thêm đau khổ. Nhớ có một đêm, từ cặp mắt Tử Quân bỗng phát ra cái tia sáng ngây thơ mà lâu nay không thấy, nàng cười và nhắc lại với tôi cái tình hình khi còn ở trong hội quán, chốc chốc lại lộ cái vẻ hơi sợ hãi. Tôi biết rằng tôi gần nay còn lạnh lùng quá nàng nữa, đã làm cho nàng đâm lo ngại, nên chi cũng gắng gượng nói cười, muốn cho nàng khuây khỏa một vài. Nhưng mà nụ cười tôi vừa nở trên môi, lời nói tôi vừa ra khỏi miệng, tức thì lại biến thành trống hổng, cái trống hổng lại tức thì biến thành tiếng dội, dội vào tai mắt tôi, ban cho tôi một sự nhạo ngầm cay độc khó chịu.

Tử Quân hình như cũng biết được, từ đó mất hẳn cái dáng đằm lặng như tê dại trước kia thường có, mặc dầu hết sức che đậy, chốc chốc cái nét mặt lo ngại cũng vẫn cứ lộ ra, nhưng đối với tôi thì lại ôn hòa hơn nhiều.

Tôi muốn nói rõ cho nàng biết, song còn chưa dám, khi quyết ý muốn nói ra, trông thấy cặp mắt như trẻ con của nàng, liền phải gắng gượng làm bộ vui vẻ. Song cái bộ vui vẻ ấy lại tức thì hóa ra nhạo ngầm tôi, vả còn làm cho tôi mất hẳn cái dáng đằm lặng lạnh lùng.

*

* *

Từ đó nàng lại bắt đầu ôn lại việc cũ và mở cuộc thử thách mới, bắt buộc tôi phải bịa ra bao nhiêu câu trả lời đậm đà mà giả dối, cái đậm đà đem tỏ cho nàng, còn cái bản thảo giả dối thì chép ngay ở trong lòng tôi. Lòng tôi dần dần bị những bản thảo ấy lấp đầy, luôn luôn thấy khó thở. Trong cơn khổ não tôi thường hay nghĩ thấy, nói sự thực, tự nhiên cần phải có cái dũng khí rất lớn ; ví thử không có cái dũng khí ấy, mà cứ chịu giả dối cho qua ngày, thì người ấy là người không có thể mở một con đường sống mới. Chẳng những chẳng có việc ấy, mà cả đến con người ấy cũng chưa hề có!

Tử Quân có vẻ oán hận, ở một buổi sáng sớm, buổi sáng sớm rất lạnh, đó là điều chưa từng thấy qua, song cũng có lẽ là cái vẻ oán hận mà tự tôi nhìn thấy. Lúc bấy giờ tôi giận mát và cười thầm: cái tư tưởng rèn luyện và cái ngôn luận khoáng đạt bất chấp tất cả của nàng, rốt cuộc cũng hoàn là trống hổng, mà đối với cái trống hổng ấy nàng lại không tự biết. Lâu nay bất cứ sách gì nàng cũng không đọc, không biết cái điều thứ nhất của đời sống người ta là phải tìm cách sống, mà muốn nhằm tới con đường tìm cách sống ấy thì cần phải nắm tay cùng đi, hay là một mình sấn bước, nếu chỉ biết níu lấy chéo áo của một người nào, thì dầu cho người ấy là chiến sĩ cũng khó mà chiến đấu, rốt lại cả hai phải cùng chết mất mà thôi.

Tôi thấy rằng cái hy vọng mới chỉ ở sự chúng tôi lìa nhau ra ; nàng phải quả quyết dứt bỏ, tôi cũng vụt nghĩ đến cái chết của nàng, song le tức khắc trách mình, ăn năn ngay. May mà là buổi sáng sớm, thời giờ còn dài, tôi có thể nói hết sự thực của tôi. Mở con đường mới cho chúng tôi, là ở một lần này.

Tôi cùng nàng gẫu chuyện, cố ý gợi ra việc cũ của chúng tôi, giở đến văn nghệ, thế rồi đụng đến nhà văn ngoại quốc, tác phẩm của nhà văn: Nara, người đàn bà của biển[8]. Khen ngợi cái quả quyết của Nara... Cũng vẫn là những câu chuyện đã nói trong căn nhà nát của hội quán, có điều hiện giờ đã biến thành trống hổng, từ mồm tôi truyền vào trong tai tôi, mỗi lúc ngờ rằng có một đứa bé tinh nghịch tàng hình, ở đằng sau lưng nhại theo một cách ranh mãnh và cay độc.

Nàng vẫn cứ gật đầu chịu lắng nghe, sau rồi lặng thinh. Tôi cũng chắp nối nói xong câu chuyện của tôi, cả đến những tiếng rớt lại đều tiêu mất đi trong quãng trống.

"Phải đấy". Nàng lại lặng thinh một hồi rồi mới nói: "Nhưng mà... Quyên sinh, tôi thấy anh mấy lâu nay thay đổi nhiều. Có phải thế không? Anh, - anh bảo thật tôi đi".

Tôi thấy như đó là một vố đánh vào tôi, song cũng liền tỉnh táo, nói rõ ý kiến và chủ trương của tôi ; về sự mở đường mới, gây dựng lại sự sống mới, có thế thì mới khỏi cả hai cùng chết mất.

Gần rốt, tôi lấy lòng quả quyết mười phần, nói thêm mấy lời này:

"... Huống chi em đã có thể không cần lo về sau, cứ hăm hở đi tới. Em muốn tôi nói thật ; phải đấy, người ta không nên giả dối. Thì tôi nói thật đây: bởi vì, bởi vì tôi đã không yêu em nữa rồi! Nhưng như thế là tốt cho em lắm, bởi vì em càng có thể làm việc mà không bận lòng gì cả...".

Cùng một lúc ấy, tôi chắc mẩm rằng có biến cố gì lớn sẽ đến, nhưng mà không, chỉ có im lặng. Nét mặt nàng vụt đổi ra vàng xám, gần như chết ; trong nháy mắt lại sống lại, đôi mắt nẩy ra tia sáng nhấp nhoáng và ngây thơ. Tia sáng đó dọi ra bốn bề, giống như đứa trẻ đang đói khát tìm mẹ lành, song chỉ tìm trong quãng không, sợ sệt tránh tầm mắt của tôi.

Tôi không thể thấy thế nữa, may mà là lúc sáng sớm, tôi xông pha gió lạnh chạy đến Thư viện Thông tục.

Ở đó thấy tờ báo Bạn của tự do, hai bài văn ngắn của tôi đã đăng rồi. Điều đó làm tôi giật mình, hình như được một chút hơi sống. Tôi nghĩ, con đường sống vẫn còn rất nhiều - có điều hiện nay như thế này cũng còn là chẳng ăn thua vào đâu.

*

* *

Tôi bắt đầu đi thăm những người quen mà lâu nay không tới lui nhau, song cũng chỉ có một vài lần ; nhà của họ tự nhiên là ấm cúng, trong xương tủy tôi lại thấy lạnh buốt. Đến đêm, bèn nằm co trong cái nhà lạnh so với giá còn lạnh hơn.

Giá lạnh như kim chích vào linh hồn tôi, khiến tôi mãi chịu khổ với cái đau đớn tê dại. Con đường sống còn rất nhiều, tôi cũng còn chưa quên đập cánh, tôi nghĩ thế. - Tôi vụt nghĩ đến cái chết của nàng, song le tức khắc trách mình, ăn năn ngay.

Trong Thư viện Thông tục thường thường nhác thấy một tia nhoáng sáng, con đường sống nằm ngang trước mặt. Nàng đã mạnh mẽ giác ngộ rồi, quả quyết đi ra khỏi cái nhà giá lạnh ấy, vả lại, không có vẻ oán hận chút nào. Tôi bèn nhẹ như mây bay, trôi nổi giữa quãng không, trên có trời xanh, dưới là núi sâu biển lớn, nhà rộng lầu cao, chiến trường, xe hơi, dương trường, công quán, giữa thành thị ồn ào nắng ráo, trong đêm tối tăm...

Vả lại, thật đấy, tôi cảm thấy cái quang cảnh mới ấy sẽ đến ngay.

*

* *

Như thế, chúng tôi cũng kể được là đã qua khỏi mùa đông khó chịu ; mùa đông của Bắc Kinh ; khác nào con chuồn chuồn rơi trong tay đứa bé nghịch ngợm, bị buộc bằng sợi chỉ nhỏ, mặc tình đùa bỡn, hành hạ, tuy may mà khỏi chết, chứ rốt cuộc vẫn phải nằm trên đất, chỉ một sớm một chầy.

Viết cho ông chủ bút báo Bạn của tự do kể có ba bức thư, mới được trả lời, trong phong thư trả lời chỉ có hai cái vé mua sách, một cái hai hào và một cái ba hào[9]. Thế mà tôi lại cứ viết thư giục, tốn hết chín xu tem cả thảy, chịu đói một ngày, để ném qua cửa sổ mà chẳng được gì cho mình.

Nhưng mà cái việc đồ rằng sẽ đến, thì nó đã đến.

*

* *

Đây là việc xảy ra giữa khoảng đông và xuân. Bấy giờ gió không còn lạnh lắm, tôi cũng bê tha ở ngoài lâu hơn, mỗi khi về nhà, trời đã tối sẫm. ở một đêm tối sẫm ấy, tôi cứ thường lệ uể oải đi về, về đến cổng, lại cứ thường lệ càng thêm xuôi lơ, bước đi càng chậm. Song cuối cùng vào đến nhà mình, không có đèn lửa, mò được bao diêm đánh lên, thì là cái quạnh hiu trống hổng lạ thường!

Trong cơn sửng sốt, bà quan đến ngoài cửa sổ gọi tôi ra.

"Hôm nay người cha của Tử Quân đến đây, dẫn nàng về rồi". Bà ta nói vẻn vẹn có thế.

Đó hình như là việc bất ngờ, tôi khác nào bị đánh một vố đằng sau gáy, đứng im không nói chi.

"Nàng đi rồi sao?". Được một lát, tôi chỉ hỏi một câu như thế.

"Nàng đi rồi".

"Nàng ; - nàng có nói gì không?".

"Không nói gì cả. Chỉ dặn tôi hễ thấy ông về thì bảo cho ông biết nàng đi rồi".

Tôi không tin, có điều trong nhà quạnh hiu trống hổng khác thường. Tôi lục lọi các chỗ, tìm Tử Quân ; chỉ thấy mấy cái đồ đạc cũ nát mà bơ thờ, đều rõ ra mồn một, đủ biết chúng nó không có sức che giấu một người nào hay một vật nào. Tôi xoay nghĩ đi tìm bức thư hoặc dấu chữ của nàng để lại, cũng không có ; chỉ có muối và ớt khô, bột mì, nửa bắp cải, để dồn lại một chỗ, bên cạnh còn có mấy chục đồng xu. Đó là toàn bộ vật liệu nuôi sống hai người chúng tôi, nay nàng trịnh trọng để lại cho một người là tôi, không nói cũng biết là bảo tôi nhờ đó mà cầm giữ sự sống cho được lâu dài hơn.

Tôi như bị chung quanh chèn ép, chạy ra giữa sân, chung quanh tôi lại tối đen ; cửa sổ giấy của nhà giữa dọi ra ánh đèn, bọn họ đang đùa cười với đứa bé. Lòng tôi cũng chìm lặng xuống, thấy trong cái đè ép nặng nề, dần dần thoáng hiện ra con đường chạy thoát: núi sâu chằm lớn, dương trường, bữa tiệc linh đình dưới đèn điện, hầm hố, đêm khuya tối thui tối thủi, một mũi dao đánh phặp, bàn chân bước không có tiếng tăm...

Cõi lòng có hơi nhẹ nhõm, cởi mở, nghĩ đến món tiền đi đường, nhân thể thở một hơi ra.

*

* *

Nằm xuống. Những bước tương lai tưởng tượng trước khi nhắm mắt, chưa tới nửa đêm đã hiện ra tất cả. Trong tối bỗng mường tượng thấy một đống thức ăn, sau đó, cái mặt vàng xám của Tử Quân liền nổi bật lên, trợn cặp mắt thơ ngây, nhìn tôi như tuồng van khấn. Định thần lại, không có gì cả.

Nhưng lòng tôi lại thấy nặng nề. Tại sao tôi không rán chịu mấy ngày, mà lại vội vàng lấy lời thật bảo cho nàng? Hiện giờ nàng biết rằng từ nay về sau, cái mà nàng có được chỉ là cái oai nghiêm như mặt trời gắt của người cha - tức là chủ nợ của con cái - và những cặp mắt lạnh lùng của bà con làng xóm. Ngoài ra bèn là trống hổng. Mang cái gánh nặng trống hổng ấy, ở dưới cái oai nghiêm và mắt lạnh lùng, đi con đường gọi là con đường sống, đó là việc đáng ái ngại dường nào! Huống chi cuối cùng con đường ấy, lại chẳng qua là - cái mồ mà cả đến bia mồ cũng không có.

Tôi không nên đem lời thật nói với Tử Quân, chúng tôi đã yêu nhau, tôi nên mãi mãi dâng cho nàng cái nói dối của tôi. Nếu cái chân thật quả là báu quý, thì ở Tử Quân đã chẳng là một cái trống hổng nặng nề. Nói dối vẫn là một thứ trống hổng, nhưng đến cuối cùng, quá lắm cũng chỉ nặng nề đến thế.

Tôi tưởng rằng đem sự thực nói với Tử Quân, nàng có thể không lo ngại gì cả, kiên quyết mạnh dạn đi tới, cũng như khi chúng tôi sắp sửa ở chung. Song đó có lẽ là tôi lầm. Khi bấy giờ nàng dũng cảm và bất chấp tất cả là vì tình yêu.

Tôi không có cái dũng khí mang lấy gánh nặng trống hổng, mà lại cởi cái gánh nặng chân thật phó cho nàng. Sau khi nàng yêu tôi, thì phải mang lấy cái gánh nặng ấy, ở dưới oai nghiêm và mắt lạnh lùng, đi con đường gọi là con đường sống.

Tôi nghĩ đến cái chết của nàng... Tôi thấy tôi là một kẻ khiếp nhược, đáng bị bẩy ra ngoài những người mạnh mẽ có sức, không cứ là người chân thật hay người giả dối. Nhưng mà nàng thì lại từ trước đến sau, vẫn trông mong cho tôi cầm giữ sự sống lâu dài hơn...

*

* *

Tôi phải rời bỏ đường hẻm Cát Triệu, ở đó trống hổng và quạnh hiu lạ thường. Tôi nghĩ, chỉ có rời bỏ chỗ này, thì Tử Quân như còn ở bên mình tôi ; ít nhất là cũng như còn ở trong thành, rồi một ngày kia, sẽ bất thình lình tới thăm tôi, giống như hồi ở trong hội quán.

Nhưng mà, hết thảy mọi sự nhờ cậy và gửi thư, đều không có hiệu quả gì cả, tôi cực chẳng đã phải đi đến một người quen vai trên mà lâu nay không hề tới thăm. Người này là bạn học hồi nhỏ với bác tôi, một vị bạt cống[10] có tiếng đứng đắn ở Bắc Kinh đã lâu, giao du cũng rộng rãi.

Chừng cũng vì áo quần lùi xùi, vừa tới cổng đã bị người gác cổng nhìn bằng nửa mắt. Khó khăn lắm mới giáp mặt được, ông ấy vẫn nhận ra tôi, có điều lạnh lạt lắm. Việc vừa qua của chúng tôi, ông ta đều rõ cả.

"Hẳn thế, anh cũng chẳng ở đây được nữa đâu". Sau khi nghe tôi nói nhờ ông tìm việc cho ở nơi khác, ông lạnh lùng bảo thế, và tiếp: "Có điều đi đâu bây giờ? Rất khó. - à gì đây, gì của anh đây, à, bạn của anh là Tử Quân, anh có biết chứ, nàng đã chết rồi".

Tôi sửng sốt không nói gì.

"Thật đấy chứ?". Rốt lại tôi buột mồm hỏi.

"Ha ha, còn gì nữa mà không thật. Vương Thăng người nhà tôi ở cùng làng với nàng".

"Nhưng mà, - chết thế nào mới được chứ?".

"Còn ai biết thế nào. Tóm lại, chết rồi là chết rồi".

Tôi đã quên khuấy lúc đó từ giã ông ta bằng cách nào rồi đi về nhà trọ mình. Tôi biết ông ta là người không nói dối ; thế nào Tử Quân cũng không lại đến nữa như thể năm ngoái. Nàng tuy muốn ở dưới cái oai nghiêm và con mắt lạnh lùng, mang cái gánh nặng trống hổng để mà đi con đường gọi là con đường sống, cũng đã không có thể được rồi. Số mạng của nàng đã quyết định cho nàng phải chết mất trong cái chân thật tôi bảo cho nàng, cái chân thật ấy là giữa người ta với người ta không có tình yêu.

Hẳn thế, tôi không thể ở đây được nữa rồi. Nhưng mà, "đi đâu bây giờ?".

Chung quanh là cái trống hổng mênh mông, còn có cái chết hiu quạnh. Tôi mường tượng thấy được mồn một cái bóng tối của cái chết ở trước mắt đám người không có tình yêu, lại còn nghe được hết thảy những tiếng quằn quại đau khổ và tuyệt vọng.

Tôi còn cứ mong đợi cái gì mới sẽ đến, là cái không gọi tên được và bất ngờ. Song hết ngày nọ đến ngày khác, chỉ là cái chết hiu quạnh.

Tôi đã không ra khỏi cửa như trước nữa, chỉ ngồi nằm trong cái trống hổng mênh mông, mặc cho cái chết hiu quạnh nó đục mòn linh hồn tôi. Chính mình cái chết hiu quạnh có lúc cũng run rẩy, ẩn núp, thế rồi trong dịp đứt nối ấy, chợt thấy có sự mong đợi mới, không gọi tên được và bất ngờ.

Một hôm, vào buổi sáng oi ả, mặt trời không chen ra được khỏi đám mây, cả đến không khí đều mệt mỏi. Tai nghe tiếng bước tủn mủn và hơi thở lỗ mũi hừ hừ, làm tôi mở bừng mắt. Xem qua một cái, trong nhà vẫn trống hổng ; song tình cờ nhìn trên đất, thấy đang quanh quẩn một con vật nhỏ, gầy yếu, giở chết, tro bụi đầy mình...

Tôi xem kỹ, quả tim tôi bỗng ngừng lại, kế đó lại nhảy mạnh lên.

Đó là con Tùy, nó lại trở về rồi.

*

* *

Tôi đi khỏi đường hẻm Cát Triệu, cũng chẳng phải chỉ vì sự khinh miệt của chủ nhà và đứa ở gái họ, song phần lớn là vì con Tùy. Nhưng mà, "đi đâu bây giờ?". Con đường sống mới tự nhiên còn rất nhiều, tôi có biết sơ qua, hoặc cũng mập mờ trông thấy, thấy như ở trước mặt tôi, nhưng bằng cách nào ở bước thứ nhất để đi đến đó thì tôi không biết.

Trải qua nhiều phen nghĩ ngợi và đo đắn, thấy cũng chỉ còn có hội quán, là chỗ có thể dung thân được. Vẫn y nguyên cái nhà nát thế ấy, cái giường ván thế ấy, cây hòe khô nửa thân và dây đằng tía thế ấy, có điều sự sống làm cho tôi trông mong, vui sướng, yêu đường lúc bấy giờ, thì lại đã đi mất hết thảy, chỉ còn có một cái trống hổng, cái trống hổng tôi đã dùng sự chân thật mà đổi lấy.

Con đường sống mới còn rất nhiều, tôi cần phải tiến lên, bởi vì tôi còn đang sống. Song tôi vẫn không biết bước thứ nhất tiến lên bằng cách nào. Có lúc, hình như thấy con đường sống ấy giống một con rắn dài mà trắng xám, nó uốn lượn bò đến tôi, tôi chờ đợi lại chờ đợi, song xem chừng gần đến, bỗng lại tiêu mất trong bóng tối.

Cái đêm đầu xuân vẫn còn dài thế này. Trong khi ngồi thừ người đã lâu, nhớ đến đám ma thấy ở đầu đường phố buổi sáng, đằng trước là người giấy ngựa giấy, đằng sau là tiếng khóc giống như hát. Tôi bây giờ đã biết cái thông minh của bọn họ rồi, đó là việc nhẹ nhõm và dứt khoát biết bao.

Nhưng mà đám ma của Tử Quân lại ở trước mắt tôi, ấy là một mình mang lấy cái gánh nặng trống hổng, tiến lên trên con đường dài trắng xám, mà lại lập tức tiêu mất dưới cái oai nghiêm và con mắt lạnh lùng ở chung quanh.

Tôi muốn thật có cái gọi là hồn ma, thật có cái gọi là địa ngục, vậy thì, dầu cho ở trong gió dữ gầm thét, tôi cũng sẽ tìm kiếm Tử Quân, trước mặt nàng thốt ra cái điều ăn năn và đau xót của tôi, xin nàng tha thứ ; nếu không thì, lửa độc của địa ngục sẽ bao vây tôi, bừng bừng đốt cháy hết cái điều ăn năn và đau xót của tôi.

Tôi sẽ ở trong gió dữ và lửa độc ôm lấy Tử Quân, xin nàng khoan dung cho, hoặc làm cho nàng khoái ý...

*

* *

Song le, thế lại càng trống hổng hơn con đường sống mới. Hiện giờ cái đang có chỉ là đêm đầu xuân, mà nó còn dài thế này. Tôi đang sống, thế nào tôi cũng phải nhằm con đường sống mới tiến lên, cái bước thứ nhất, lại chẳng qua là viết ra cái điều ăn năn và đau xót của tôi, vì Tử Quân, vì chính mình tôi.

Tôi vẫn cứ chỉ có tiếng khóc như hát, để đưa đám chôn Tử Quân, chôn trong sự quên khuấy.

Mà tôi phải quên ; tôi vì chính mình tôi, vả lại không nên nghĩ đến sự dùng cái quên để chôn Tử Quân ấy nữa.

Tôi phải nhằm con đường sống mới tiến lên bước thứ nhất, tôi phải đem sự chân thật giấu kín vào trong vết thương lòng, lẳng lặng đi tới, dùng quên khuấy và nói dối làm kẻ dẫn đường cho tôi...

Viết xong ngày 21 tháng 10 năm 1925
(Dịch ở Bàng hoàng)

   




Chú thích

  1. Theo nguyên văn, cái đầu đề này là Thương thệ. Thương thệ nghĩa là cảm thương người đã qua đời. Không thể dịch nghĩa đen như thế được, nên đổi là ối tình ôi.
    Ở Trung Quốc, sau vận động Ngũ Tứ, thanh niên nam nữ thoát khỏi vòng lễ giáo trói buộc, xướng lên những cái thuyết "ái tình vô thượng", "luyến ái tự do", "kết hôn tự do", và nhiều đám đã đem mấy khẩu hiệu ấy ra thực hành. Họ yêu nhau rồi thuê nhà ở chung (chú ý: trong truyện ngắn này có mấy lần dùng hai chữ "ở chung"), làm vợ chồng với nhau, không đợi có lời cha mẹ, không cần mai mối. Nhưng lúc bấy giờ sự sống khó khăn, lập được gia đình không phải là việc dễ, có những cặp cuối cùng phải tan rã. Lỗ Tấn viết truyện ngắn này tỏ ý phản đối thứ ái tình mù quáng ấy. Như thế, đổi đầu đề là ối tình ôi tưởng cũng sát nghĩa lẫn ý. Ba chữ này lấy ở câu thơ Khóc Bằng phi của vua Tự Đức: ối tình ôi nghĩa ối duyên ôi!
  2. Hội quán: ở Bắc Kinh, những tỉnh hay phủ trong toàn quốc có dựng nhà riêng để cho người của tỉnh hay phủ mình hội họp hoặc ở trọ, nhà ấy gọi là Hội quán. Như Lỗ Tấn là người phủ Thiệu Hưng, khi ông ở Bắc Kinh, có một dạo trọ trong Hội quán Thiệu Hưng.
  3. Hoa đằng tía: một thứ thực vật, thân cây mà bè giàn, gọi là tử đằng, hoa màu tím, cũng có màu trắng, không biết dịch là gì, cứ để nguyên văn là "đằng".
  4. Ípsen: H.Ibsen (1828 - 1906) người Na Uy, nhà viết kịch nổi tiếng. Tagore: R.Tagore (1861 - 1941), nhà thơ và nhà triết học Ấn Độ. Silây: P.B.Shelley (1792 - 1822), nhà thơ nước Anh.
  5. Song thập: Ngày mồng 10 tháng 10, ngày lễ quốc khánh của Trung Hoa dân quốc, để kỷ niệm cách mạng Tân Hợi.
  6. Huýt-lây: T.H.Huxley (1825 - 1895), nhà sinh vật học nước Anh, và là người tuyên truyền chủ nghĩa Đácvắn, "Vị trí loài người ở trong vũ trụ", là tên một tác phẩm nổi tiếng của ông.
  7. Dương trường: ở Trung Quốc trước kia, những nơi có đông người ngoại quốc ở, việc buôn bán phát đạt, nhân tình phong tục có khác với nội địa, như Thượng Hải, gọi là "dương trường". Chữ này không thể dịch, nên để nguyên văn.
  8. Nara, Người đàn bà của biển, là hai vở kịch về vấn đề phụ nữ, nổi tiếng khắp thế giới, của Ípsen đã nói ở trên. Vở Nara, đại ý nói nàng Nara ban đầu rất thỏa mãn với cảnh gia đình chồng con của mình, cho là rất có hạnh phúc ; nhưng sau rồi giác ngộ ra, thấy mình chỉ làm búp bê của chồng, các con chỉ làm búp bê của mình, bèn bỏ nhà ra đi. Vở kịch đến chỗ này chỉ nghe tiếng đóng cửa, rồi thì hạ màn. Do đó, vở Nara còn có một tên nữa là Gia đình búp bê. - Vở Người đàn bà của biển, đại ý nói người đàn bà ấy có chồng, nhưng mà từ trước đã có một người yêu ở bên kia biển, một ngày kia, thình lình tìm đến, rủ nàng cùng đi. Người đàn bà bèn bảo với chồng, muốn cùng người yêu kia gặp mặt. Người chồng hỏi: "Bây giờ tôi cho mình tự do hoàn toàn, đi hay không đi tùy ý, và phải chịu lấy trách nhiệm". Thế rồi người đàn bà không đi nữa.
  9. Vé mua sách: để tưởng thưởng cho độc giả hoặc người lai cảo, các nhà báo Trung Quốc trước kia có dùng một thứ vé gọi là "vé mua sách". Người nào nhận được vé ấy thì cầm đến hiệu bán sách đã chỉ định, theo giá tiền trong vé muốn mua sách gì thì mua. Hai hào, ba hào là thứ vé hạng bét.
  10. Bạt cống: Theo chế độ khoa cử triều Thanh, cứ sáu năm (sau đổi mười năm) thì chọn tú tài các tỉnh, những người nào "văn hạnh kiêm ưu" đưa về kinh sư dự thi, gọi là "bạt cống". "Cống" đây tức là "cống sinh". Ở nước ta, về triều Lê, cũng có cống sinh. Như Nguyễn Hữu Chỉnh đậu cống sinh, cho nên gọi "Cống Chỉnh". Lại người ta cũng có nói "ông nghè ông cống".
    Chua thêm: ở trang 158, câu "Chẳng những chẳng có việc ấy, mà cả đến con người ấy cũng không có nữa", nguyên văn là: "Bất độc bất thị giá cá, liên giá nhân dã vị thường hữu", không thể hiểu nghĩa được, không biết nên dịch thế nào. Dịch như câu đã dịch đó thì có nghĩa, nhưng không đúng nguyên văn, thành ra nguyên văn là: "Bất độc thị giá cá, liên giá nhân dã vị thường hữu", bỏ mất một chữ "bất". Chỗ nầy, tôi đã suy nghĩ nhiều lắm, rốt cuộc phải chịu làm như thế, không có cách khác. - P.K.