Người cô độc

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

I

Tôi với Ngụy Liên Thù quen biết nhau, bây giờ nghĩ lại cũng có vẻ khác thường: bắt đầu bằng một lần nhập liệm, cuối cùng cũng bằng một lần nhập liệm.

Hồi đó tôi ở thành S[1], thường khi nghe người ta nhắc đến tên anh ta, ai cũng bảo hắn có hơi cổ quái: Cái mình học là môn động vật học, lại đi làm giáo viên dạy lịch sử ở trường trung học ; đối với mọi người cứ hay làm ra vẻ thờ ơ, thế mà lại cứ hay lo bao đồng việc của người khác ; lúc nào cũng bảo phải phá bỏ gia đình, thế mà hễ lãnh lương tháng một cái là lập tức gửi cho bà nội, một ngày cũng không để trễ. Ngoài ra còn có bao nhiêu chuyện vụn vặt ; tóm lại, ở thành S, anh ta cũng kể là một người làm đầu câu chuyện cho người khác. Mùa thu năm nọ, tôi ở chơi trong nhà người bà con tại Hàn Thạch Sơn, những người này họ Ngụy, trong họ Liên Thù. Nhưng họ lại cũng không biết rõ anh ta, ý chừng coi anh ta là người ngoại quốc, nói rằng "hắn với chúng tôi khác hẳn".

Cái đó cũng chẳng lấy gì làm lạ. ở Trung Quốc mở mang việc học tuy đã hai mươi năm nay rồi, thế mà Hàn Thạch Sơn cả đến trường tiểu học cũng chưa có. Cả miền làng núi ấy, chỉ có Liên Thù là người đi ra ngoài du học, cho nên trong con mắt người làng, anh ta là một thứ người khác ; thế nhưng họ lại cũng ganh tị và thèm thuồng lắm, nói anh ta kiếm được nhiều tiền.

Đến cuối thu, trong miền làng núi lan tràn bệnh lị ; tôi cũng sợ cho mình, muốn trở về trong thành. Vừa nghe nói bà nội Liên Thù nhuốm bệnh, vì tuổi già nên bệnh nặng lắm, trong miền núi lại không có một thầy lang nào. Gọi là người nhà của Liên Thù, thực ra chỉ có một bà cụ ấy, thuê một đứa ở gái sống chật hẹp qua ngày ; anh ta mồ côi cha mẹ từ hồi nhỏ, nhờ bà cụ nuôi nấng cho nên người. Thấy nói bà cụ trước kia cũng đã chịu nhiều vất vả, nhưng bây giờ thì được thảnh thơi. Có điều bởi Liên Thù không có vợ con, hóa nên trong nhà vắng vẻ lắm, ước chừng đó cũng là một điều mà người ta cho là "khác hẳn" vậy.

Hàn Thạch Sơn cách với thành theo đường bộ một trăm dặm, theo đường thủy bảy mươi dặm, nếu cho người đi gọi Liên Thù, vừa đi vừa về ít nhất cũng phải bốn ngày. Làng núi quê mùa, những việc thế này đã kể là việc mới lạ mà mọi người tò mò muốn biết ; ngày hôm sau bèn đồn ầm lên rằng bệnh bà cụ đã ngặt lắm, người đi gọi Liên Thù cũng đã đi ; song le đến canh tư thì bà cụ tắt nghỉn, câu nói cuối cùng là: "Tại sao lại không để cho tôi gặp Liên Thù một cái?..."

Trưởng tộc, bà con gần, thân nhân bên phía bà cụ, cả người dưng nữa, nhóm lại đầy nhà, tính trước rằng khi Liên Thù về đến phải là lúc sắp sửa nhập liệm. Thọ đường và áo dưỡng già đều có sẵn rồi, không cần lo tính ; vấn đề lớn nhất của họ là đối phó cách nào với ông "cháu thừa trọng"[2] ấy, vì họ liệu trước rằng về mọi nghi lễ đám ma, thế nào anh ta cũng đổi theo lối mới. Sau khi nhóm bàn, đại khái họ đặt ra ba điều kiện, buộc anh ta phải theo: một là mặc đồ trắng, hai là quỳ lạy, ba là rước thầy tu thầy phù thủy đến cúng làm phép. Nói tóm lại là: Hết thảy đều theo cũ.

Họ đã bàn định xong, bèn hẹn nhau ở cái ngày Liên Thù về đến nhà, thì hết thảy họp ở phòng khách, dàn ra trận thế, kẻ tung người hứng, kéo cách nhau làm một cuộc biện luận gắt gao. Bọn người làng đều nuốt nước bọt, tò mò chờ nghe tin tức ; họ biết Liên Thù là người "tân đảng" và "ăn đạo"[3], thuở nay không kể phải trái gì cả, thế nào hai bên cũng sẽ có sự đấu tranh nhau, không khéo còn sẽ gây nên một trò xem lạ bất ngờ.

Có tin nói Liên Thù về tới nhà vào buổi chiều, vào nhà rồi, đến trước linh sàng bà cụ chỉ cúi mình một cái. Bọn trưởng tộc liền làm theo kế hoạch đã định, gọi anh ta vào phòng khách, nói một tràng giáo đầu rồi mới vào đề, vả lại người này xướng, kẻ kia họa, chín người mười miệng, làm anh ta không còn có chỗ đặt mồm vào. Song nói mãi rồi cũng đến hết, cả phòng khách im lặng, mọi người đều dớn giác nhìn sửng ở mồm anh ta. Chỉ thấy Liên Thù không thay đổi nét mặt, trả lời gọn lỏn một câu:

"Đều được tất cả."

Thế là càng là điều họ không ngờ đến, gánh nặng trong lòng mọi người vừa trút xuống, hình như lại nặng thêm, họ thấy rất mực "khác hẳn", trở như có điều đáng lo ngại. Những người lòng dò nghe tin tức cũng đều thất vọng, bảo nhau: "Hắn nói "được tất cả", thế mới quái lạ cho! Để rồi xem xem!" Được tất cả, tức là đều theo cũ, thì còn có gì đáng xem, nhưng họ còn cứ muốn xem, sau lúc chạng vạng, đã thấy hơn hớn xúm đầy trước nhà.

Tôi cũng là một người trong số đi xem. Trước đưa đến một ít đèn nhang, đến chừng tôi vào nhà thì thấy Liên Thù đang mặc quần áo cho người chết. Thì ra anh ta là người thấp bé và gầy, khổ mặt dài, đầu tóc bờm xờm và râu mày đen rậm choán mất nửa cái mặt, chỉ còn thấy cặp mắt nhoáng sáng trong cái bóng đen ấy. Làm sãi rất khéo, đâu ra đó, như một người làm sãi chuyên môn, khiến người đứng xem đều phải khen phục. Theo lề thói ở Hàn Thạch Sơn, vào lúc này, người bên họ ngoại thế nào cũng kiếm chuyện bẻ bai bẻ họe cho kỳ được mới nghe ; thế mà anh ta lại cứ làm thinh, thấy bẻ thế nào thì sửa chữa theo thế ấy, nét mặt cũng không đổi khác. Một bà cụ đầu bạc đứng đằng trước tôi, bật ra tiếng trằm trồ khen ngợi.

Sau đó là lạy ; lại sau đó là khóc, hết thảy đàn bà đều lâm râm khấn vái. Sau đó nữa là nhập liệm ; lại sau đó nữa là lạy, lại là khóc, cho đến khi đóng nắp quan lại. Im lặng một phút, bỗng mọi người nhôn nhao lên, tuồng như có điều lấy làm quái lạ và thắc mắc. Tôi cũng tự dưng chợt nhận thấy: Té ra Liên Thù từ đầu đến cuối không hề nhỏ một giọt nước mắt, chỉ ngồi trên tấm đệm rơm, đôi mắt trong bóng đen lập lòe nhoáng sáng.

Việc nhập liệm đã làm xong trong cái không khí lấy làm quái lạ và thắc mắc ấy. Ai nấy đều bực tức, muốn ra về quách, nhưng Liên Thù lại cứ ngồi trên đệm rơm, ngẫm nghĩ. Thình lình, anh ta chảy nước mắt, rồi đến ấm ức, tức khắc lại khóc rống lên, giống như một con chó sói bị thương, đêm khuya gào thét trong đồng vắng, trong thê thảm xen lẫn tức giận và đau xót. Cái bộ điệu ấy, bình thường chưa hề có, cũng không ai liệu trước, nên mọi người đều đến khuyên giải anh ta, càng đến càng đông, cuối cùng dồn thành một đám. Nhưng anh ta vẫn cứ ngồi ỳ ra mà kêu gào, không động đậy như một ngôi tháp bằng sắt.

Mọi người đành ngơ ngác đi tán ra. Còn anh ta cứ khóc, khóc mãi, chừng đến nửa tiếng đồng hồ, thế rồi bỗng ngừng bặt chẳng chào mời ai hết, lằm lụi đi vào nhà trong. Sau đó có mấy người đi theo rình mò trở ra kể chuyện: Liên Thù đi vào phòng bà cụ, nằm trên giường, vả lại, như đã ngủ thiếp đi.

Cách hai ngày sau, trước hôm tôi định đi vào thành một hôm, nghe người làng ai nấy bàn luận rối rít, nói Liên Thù sẽ đem già nửa phần trong toàn số đồ đạc, đốt cho bà cụ, còn thì cho đứt người ở gái là kẻ lúc bà sống thì hầu hạ, lúc bà chết thì đưa đám, vả lại cả cái nhà cũng định cho mụ ấy ở nhờ không kỳ hạn. Bà con nội ngoại đều can ngăn, nói đến mỏi mồm rát cổ mà chung quy không được.

Có lẽ phần nhiều cũng bởi tánh tò mò, trên đường về đi ngang qua cổng nhà anh ta, sẵn giằm tôi lại tạt vào chia buồn. Anh ta mặc áo trắng xổ gấu ra tiếp tôi, nét mặt cũng vẫn cứ lạnh lùng như thế. Tôi cạn lời khuyên giải, anh chỉ vâng vâng dạ dạ, ngoài ra, vẻn vẹn đáp lại tôi một câu: "Cảm ơn anh có lòng tốt."

II

Hai chúng tôi gặp nhau lần thứ ba ở vào đầu mùa đông năm ấy. Trong một tiệm sách ở thành S, cả hai cùng một lúc gật đầu chào, thế kể là đã quen biết nhau. Nhưng làm cho chúng tôi bắt đầu gần gụi nhau lại ở vào cuối năm ấy, sau khi tôi mất chỗ làm. Từ đó, tôi năng đi lại với Liên Thù. Lẽ thứ nhất, tự nhiên vì ở dưng thấy buồn ; lẽ thứ hai, vì nghe người ta nói, anh ta dù tánh vốn lạnh lùng, chứ lại ưa thân cận với với người thất ý. Có điều việc đời chìm nổi không chừng, người thất ý không phải cứ thất ý mãi mãi, cho nên anh ta cũng ít có được người bạn lâu dài. Lời người ta nói đó quả không sai, tôi đưa danh thiếp vào là anh ra tiếp ngay. Cái phòng khách suốt hai căn, không có bày biện gì cả, ngoài một số bàn ghế, chỉ mấy cái giá để sách, ai cũng nói anh là một "tân đảng" đáng sợ, nhưng trên giá lại không có tân thư mấy. Anh vốn đã biết tôi mất chỗ làm ; nhưng chỉ nói vài câu khách sáo, rồi hai người lẳng lặng nhìn nhau, dần dần đến có vẻ nặng nề. Tôi chỉ thấy anh hút chóng hết một điếu thuốc quá, khi cái tàn thuốc sắp cháy đến ngón tay, anh mới ném trên đất.

"Hút thuốc đi." Khi anh thò tay lấy điếu thuốc thứ hai, bỗng nhưng nói.

Tôi cũng lấy một điếu, hút, nói chuyện dạy học và sách vở, nhưng vẫn thấy nặng nề khó chịu. Giữa lúc tôi đang muốn cáo lui, thì ngoài cửa có tiếng la rầy và tiếng chân bước, bốn đứa trẻ vừa trai vừa gái xồng xộc chạy vào. Đứa lớn tám chín tuổi, đứa nhỏ bốn năm tuổi, mặt mũi áo quần đều bẩn thỉu, vả lại xấu như ma lem. Thế nhưng đôi mắt Liên Thù lại bật lên ánh sáng vui vẻ, vội vàng đứng dậy, chạy vào cái buồng kề phòng khách, miệng nói:

"Lương lớn, lương nhỏ, lại cả đây! Hôm qua các em đòi cái kèn, tôi đã mua được đây."

Cả lũ trẻ theo chân ùa vào, tức thì mỗi đứa thổi một cái kèn và ùa ra, chẳng biết thế nào, ra khỏi cửa phòng khách lại đâm ra đánh nhau. Có một đứa khóc lên.

"Mỗi đứa một cái, cái nào cũng như cái nào. Đừng giành nhau nhá!" Liên Thù đi theo đằng sau bảo.

"Trẻ con nhà ai mà đông thế?" Tôi hỏi.

"Con của chủ nhà này đấy. Chúng nó mất mẹ, chỉ có bà nội."

"Thế chủ nhà ở có mỗi một mình à?"

"Phải. Vợ hắn ta chết đâu ba bốn năm rồi, không cưới vợ khác. - Nếu không thì người một thân một mình như tôi, ai chịu đem nhà thừa cho thuê?" Anh ta vừa nói, vừa lạnh lùng mỉm cười.

Tôi muốn hỏi anh ta tại sao đến giờ vẫn còn ở một mình, có điều vì chưa quen lắm nên không tiện hỏi.

Đã quen với Liên Thù rồi thì có thể nói chuyện được lắm. Anh ta nghị luận lung tung, vả lại thường thường có chỗ độc đáo. Cái điều làm người ta khó chịu lại là mấy ông khách đến với anh ta, chừng như là người đã đọc qua "Trầm luân" rồi, hay xưng mình là "người thanh niên bất hạnh" hoặc "người thừa"[4], cứ khệnh khạng và ngông nghênh chất trên ghế bành, một mặt than vắn thở dài, một mặt nhăn mày hút thuốc vặt. Lại có lũ trẻ của chủ nhà, cứ hay rầy lộn nhau, đánh đổ bát đĩa, đòi quà bánh, làm người ta đinh tai nhức óc. Nhưng Liên Thù hễ thấy chúng nó một cái thì vẻ mặt lại không lạnh lùng như bình thường nữa, coi chúng nó còn quý báu hơn tánh mạng của mình. Thấy nói có một lần thằng Lương tý lên sởi, anh ta hốt hoảng đến nỗi bóng đen trên mặt càng thêm đen ; có ngờ đâu bệnh ấy là bệnh nhẹ, thế rồi về sau bị bà nội lũ trẻ đem rêu rao làm trò cười.

"Dù thế nào trẻ con cũng là tốt. Chúng nó toàn là ngây thơ chân thật..." Một hôm, hình như anh ta thấy tôi có hơi khó chịu, thừa dịp nói với tôi như thế.

"Cũng không hẳn thế đâu." Tôi trả lời cho qua chuyện.

"Không. Những tánh xấu của người lớn, trẻ con không có. Về sau đâm xấu, như anh thường hay công kích, là tại hoàn cảnh làm nên xấu. Chứ hồi đầu vốn không xấu, ngây thơ chân thật... Tôi cho rằng Trung Quốc còn có chỗ trông mong được, chỉ ở một chút ấy."

"Không. Nếu trong đứa bé không có cái mầm xấu, thì lớn lên sao có hoa quả xấu được? Ví như một hột giống, ở trong vốn có cái mầm cành lá hoa quả sẵn rồi, sau mọc lên mới có thể nảy ra các thứ ấy. Đâu có phải là chuyện vụt thình lình..." Tôi hồi đó nhân ngồi rỗi, bèn cũng làm như các cụ các ngài hễ hạ giã[5] một cái là ăn chay tụng niệm, đang đọc kinh Phật. Lẽ Phật tự nhiên là tôi không hiểu gì, có điều trót đã chẳng nghĩ tới nghĩ lui, cứ buột mồm nói.

Nhưng mà Liên Thù đã đâm tức, nhìn tôi một cái, không nói nữa. Tôi cũng không đoán được là anh không có câu trả lời được hay không thèm cãi. Song thấy anh lại tỏ ra cái thái độ lạnh lùng mà bấy lâu không thấy, cứ làm thinh làm thế hút luôn hai điếu thuốc ; đến khi anh lấy đến điếu thuốc thứ ba, tôi chỉ có việc chuồn.

Sự giận nhau đó qua ba tháng mới hết. Đại khái một phần vì quên đi, một phần vì chính anh ta rồi cũng bị đứa trẻ "ngây thơ chân thật" nó xúc phạm, thành ra anh thấy những lời tôi xúc phạm đến trẻ con cũng đáng tha thứ. Nhưng đó chỉ là điều tôi đề chừng. Lúc ấy là ở nhà trọ tôi sau cơn uống rượu, anh giống như tỏ vẻ buồn rầu, hơi ngước mặt lên nói:

"Nghĩ cũng hơi lạ thật. Khi tôi đi đến đây, trên đường phố thấy một thằng bé tí hon, cầm một cái lá lau chỉ vào tôi mà nói: giết chết! Nó vừa mới biết đi chập chững..."

"Đó là bởi hoàn cảnh làm nên xấu."

Nói xong, tôi hối ngay. Nhưng anh ta hình như không để ?, cứ việc uống rượu, thỉnh thoảng lại cứ việc hút thuốc.

"à tôi quên, không hỏi anh", tôi đánh lãng sang chuyện khác, "anh ít hay đi thăm ai, sao hôm nay lại cao hứng đi đến tôi? Chúng ta biết nhau hơn một năm rồi, anh đến đây với tôi lần này là lần thứ nhất."

"ấy, tôi cũng đang muốn nói cho anh biết: Mấy hôm trong dạo này, anh đừng đến nhà trọ tôi thăm tôi nhé. Chỗ tôi trọ đang có một lớn một bé ở đó, đều không ra hồn người!"

"Một lớn một bé? Là ai thế?" Tôi hơi lấy làm lạ.

"ấy là ông anh con nhà bác của tôi với thằng bé của ông. Ha ha, thằng bé cũng một cái thá như bố nó."

"Đó là lên thành thăm anh, luôn tiện đi xem chơi chứ gì?"

"Không. Thấy nói lên để bàn với tôi, định đem thằng bé lập tự cho tôi đấy."

"à! Lập tự cho anh?" tôi phải ngạc nhiên kêu lên, "chẳng là anh chưa lấy vợ à?"

"Họ biết tôi không lấy vợ. Nhưng điều đó không có quan hệ gì cả. Thực ra họ muốn lập tự cho cái gian nhà đổ nát ở Hàn Thạch Sơn của tôi. Ngoài đó ra, tôi không có một cái gì, anh vẫn biết, tiền vào tay là tiêu sạch. Chỉ độc có gian nhà đổ nát ấy. Sự nghiệp một đời của cha con họ là cốt đuổi con mụ ở nhờ cái nhà ấy ra khỏi."

Cái ý gai lạnh của câu nói anh ta, thật làm tôi ghê rợn. Tuy vậy, tôi cũng cứ yên ủi:

"Tôi xem người trong họ của anh cũng không đến nỗi thế. Chẳng qua tư tưởng của họ có hơi cũ một chút. Thì coi như năm nọ, lúc anh khóc dữ quá, họ chẳng đã hết lòng hết sức khuyên giải anh là gì?..."

"Sau khi cha tôi chết, vì muốn cướp cái nhà của tôi, họ bắt tôi ký tên vào văn tự, thế mà khi tôi khóc to, họ cũng làm như thế, cũng vây chung quanh hết sức khuyên giải tôi..." Anh ta ngước mắt đăm đăm nhìn lên, tự hồ muốn tìm lại trong quãng không cái quang cảnh lúc bấy giờ.

"Nói tóm lại, chỗ cốt yếu là tại anh không có con. à mà tại sao anh lại cứ không chịu lấy vợ?" Tôi bỗng tìm được câu nói day chiều, cũng là câu từ lâu tôi muốn hỏi, thấy lúc này thật là dịp tốt.

Anh ta ra điều lấy làm lạ cứ nhìn tôi, một chốc, quay xuống nhìn đầu gối, thế rồi lại hút thuốc không trả lời.

III

Thế nhưng, mặc dầu ở trong một tình cảnh tẻ ngắt như vậy, người ta cũng còn không để cho Liên Thù ở yên. Dần dần, trên mấy tờ báo lá cải có kẻ giấu tên công kích anh, trong học giới cũng thường có tin đồn về anh, mà không phải chỉ đem làm đầu câu chuyện như trước kia đâu, đại khái là đối với anh có tổn hại. Tôi biết đó là cái kết quả gần nay anh ưa phát biểu ? kiến trên báo, cũng chẳng để ý làm gì. Người thành S họ rất không muốn có ai phát ra những lời nghị luận không kiêng nể, hễ có, là họ ngấm ngầm quật ngay cho kỳ được, xưa nay vẫn thế, chính Liên Thù cũng biết thế. Nhưng đến mùa xuân, bỗng nghe nói anh bị ông hiểu trưởng giải chức. Cái tin đó làm tôi thấy hơi đột ngột ; thực ra, đó là việc xưa nay vẫn thế, chỉ vì tôi mong cho người minh quen may mà khỏi, nên mới lấy làm đột ngột đó thôi, có phải người thành S lần này ác hơn những lần khác đâu.

Lúc đó tôi cứ bận vì sự sống chính mình, phần thì đang lo dàn xếp việc đi làm giáo viên ở Sơn Dương mùa thu sắp tới, nên không có thời giờ đi thăm anh ta. Đợi đến lúc hơi rảnh rỗi, chừng gần ba tháng sau anh ta bị giải chức, mà tôi cũng không nghĩ tới sự đi thăm Liên Thù. Có một hôm, tôi đi qua đường phố lớn, tình cờ đứng lại trước cái sạp bán sách cũ, bỗng làm tôi sửng sốt, vì ở đó chưng bày bộ Sử ký sách ẩn do Cấp Cổ Các[6] in ra lần đầu, chính là sách của Liên Thù. Anh tuy không phải người chứa sách, nhưng ham sách, bộ sách này, theo anh, coi là sách tốt và quý, nếu chẳng phải cực chẳng đã quá lắm thì không dễ gì chịu đem bán đâu. Có lẽ nào anh mới thất nghiệp vài ba tháng mà đã túng kiết đến thế? Khốn nhưng từ hồi nào đến giờ anh hễ có tiền là tiêu hết liền tay, không hè để dành để dụm đồng nào. Thế rồi tôi quyết ý đi thăm Liên Thù, nhân tiện theo dọc đường phố mua một bình rượu cất[7], hai gói lạc rang, hai gói đầu cá nướng.

Cửa phòng anh ta đóng kín mít, gọi mấy tiếng, chẳng thấy thưa. Tôi tưởng anh đang ngủ, lại gọi to hơn, và giơ tay đập cửa.

Đi vắng rồi! Bà nội lũ thằng Lương lớn, người đàn bà béo có con mắt ba khía kia, đứng trong cửa số đối ngay tôi, thò cái đầu bạc hoa ram ra, cũng lớn tiếng nói, hình như bực mình không chịu được.

Đi đâu thế? Tôi hỏi.

Đi đâu? Ai biết được? Ông ấy mà có thể đi đâu, hãy đứng đợi một lát, thế nào cũng sẽ về.

Tôi bèn đẩy cửa đi vào phòng khách của anh. Thật là một ngày chẳng thấy, như cách ba thu, cả cái phòng lạnh lẽo và trống hoang trống hoách, chẳng những đồ đạc không còn thừa mấy cái, cả đến sách vở cũng chỉ còn lại mấy cuốn đóng kiểu tây mà người thành S không ai thèm. Cái bàn tròn giữa nhà vẫn còn đó, là chỗ trước kia thường thường quây quần những tranh thanh niên buồn nản mà hăng hái, những tay kỳ sĩ ôm tài chẳng gặp thời, với lại lũ trẻ con lem luốc làm ầm ĩ, bây giờ lại thấy vắng ngắt, chỉ một lớp bụi mong mỏng phủ lên mặt bàn. Tôi bèn đặt bình rượu và gói lạc trên bàn, kéo một cái ghế bành, ngồi tựa bàn ngay trước cửa.

Thật đúng chỉ một lát, cửa phòng mở, một con người như cái bóng lẳng lặng tiến vào, chính là Liên Thù. Có lẽ là bởi gần tối, trông anh ta như đen hơn trước, nhưng dáng dấp thì lại vẫn như thế.

A! anh ở đây rồi! Đến đã lâu chưa? Anh ta như có vẻ vui mừng.

Không lâu mấy. Tôi nói, còn anh đi đâu thế?

Không đi đâu cả, chỉ chạy nhăng thôi.

Anh cũng kéo ghế ngồi cạnh bàn. Chúng tôi bắt đầu uống rượu, đồng thời nói về chuyện anh thất nghiệp. Nhưng anh lại không muốn nói nhiều về chuyện ấy ; anh cho rằng đó là việc mình cầm chắc sẽ xảy ra, cũng là việc mình thường gặp, không có gì đáng lạ, vả lại không có gì đáng nói. Theo lệ thường, anh cứ chăm chỉ uống rượu, lại vẫn cứ bàn luận về xã hội và lịch sử. Không hiểu sao, lúc đó tôi xem thấy cái giá sách trống rỗng, lại nhớ đến bộ Sử ký sách ẩn do Cấp cổ các in lần đầu, bỗng cảm thấy phớt qua một nỗi buồn rầu hiu quạnh.

Cái phòng khách của anh lạnh lẽo thế này... Dạo này vắng khách rồi sao?.

Không có nữa. Họ cho rằng đang lúc tâm tình tôi không khoái hoạt, thật có thể làm cho người ta không thích. Vườn hoa mùa đông, thì không có người đi chơi.... Anh uống luôn hai hớp rượu, lặng thinh nghĩ gì đó, vụt một cái, ngước mặt lên nhìn tôi hỏi rằng: Cái chỗ làm mà anh đang chạy chọt đó cũng lại không có câu kéo gì hẳn?....

Tôi tuy biết rằng anh đã hơi có chén, nhưng cũng đâm tức, đang định mở miệng nói, thì thấy anh vừa lắng tai nghe, liền vốc một vốc lạc rang đi ra. ở ngoài cửa có tiếng cười ồn của bọn thằng Lương lớn.

Nhưng anh vừa đi ra, thì tiếng lũ trẻ đã im phăng phắc, hình như chúng nó đều đã chạy đi đâu cả. Anh còn đuổi theo, nói gì đó, lại không nghe có tiếng trả lời. Anh cũng lẳng lặng trở vào như một cái bóng, đem một vốc lạc rang bỏ trở lại vào gói giấy.

Cả đến của mình chúng nó cũng không thèm ăn nữa. Anh hạ giọng xuống, nói như là cười nhạo.

Tôi thấy buồn bẽo quá, nhưng vờ mỉm cười, nói:

Liên Thù, tôi cho rằng anh chỉ chác lấy khổ não cho mình thôi. Anh coi người đời xấu quá....

Anh ta lạnh lùng cười một cái.

Câu tôi nói chưa hết đâu. Đối với cto là những người tình cờ đến thăm anh, anh cũng cho là vì rỗi rãi không việc gì thì đến đây, đem anh làm món đồ tiêu khiển phải không?.

Không. Nhưng cũng có lúc nghĩ thế. Hoặc là đến để tìm mẩu chuyện.

Thế thì anh có thể lầm rồi. Thật ra, không ai như thế đâu. Anh đã chính tay mình làm ra cái kén, rồi đem mình nhốt vào đó. Anh nên xem đời tươi sáng một chút thì hơn. Tôi nói với cái giọng than tiếc.

Cũng có lẽ là thế. Thế nhưng tôi hỏi anh: Cái tơ làm kén đó nó ở đâu ra? - Tự nhiên, ở đời thế nào cũng có người dường ấy, như bà nội tôi là thế đó. Tôi tuy không chia được giọt máu của bà, nhưng có lẽ sẽ thừa kế số phận của bà. Song le cái đó cũng chẳng hề chi, tôi đã sẵn sàng khóc qua một trận rồi....

Tôi lập tức nhớ lại cái tình cảnh lúc nhập liệm bà nội anh, nó như hiện ra trước mắt, rồi hỏi một cách lờ mờ:

Tôi vẫn không hiểu cái sự anh khóc to lúc bấy giờ....

Lúc nhập liệm bà tôi chứ gì? Anh không hiểu là phải. Anh ta vừa thắp đèn, vừa lạnh lạt nói: Tôi tưởng sở dĩ anh đi lại với tôi, cũng chỉ vì cái khóc lần ấy. Anh không biết đấy, bà ấy là mẹ kế của cha tôi ; còn mẹ đẻ cha tôi thì đã chết lúc cha tôi ba tuổi rồi. Anh ta nghĩ ngợi, làm thinh uống rượu, nhấm hết cả một cái đầu cá nướng.

Những việc đã qua ấy, tôi vốn không biết. Song le hồi tôi còn bé, tôi đã thấy có điều không hiểu được. Bấy giờ cha tôi còn sống, cảnh nhà còn khá, khoảng tháng giêng, lệ thường đem chân dung tổ tiên ra treo, cúng cấp linh đình. Hồi đó, được xem những bức vẽ chân dung ăn mặc sang trọng ấy, tôi coi như là hạnh phúc ít có cho cặp mắt mình. Nhưng cái u em bế tôi lại chỉ cho tôi một bức mà nói: Đây là chính bà nội của em, hãy lạy đi, để bà phù hộ cho em hay ăn chóng lớn. Tôi thật không hiểu sao mình đã rành rành có bà nội đó rồi, lại còn có chính bà nội nào nữa. Thế nhưng tôi yêu chính bà nội ấy, bà không già như bà nội ở nhà ; bà trẻ, trông xinh xắn, mặc áo quần màu đỏ thếp vàng, đội mũ khảm hạt trai, không khác mẹ tôi là mấy. Khi tôi nhìn bà, con mắt bà cũng tròng trọc nhìn tôi, ở khóe miệng mỗi lúc mỗi hiện thêm dáng cười: tôi biết chắc bà cũng yêu tôi lắm lắm.

Nhưng mà tôi cũng yêu bà nội hiện ở trong nhà, suốt ngày cặm cụi ngồi khâu dưới cửa sổ. Mặc dầu những khi ở trước mặt bà, tôi có hớn hở nô đùa đến đâu, gọi bà, cũng không gợi cho bà vui cười được, thường làm cho tôi thấy lạnh lùng quá, khác với các bà nội nhà người ta. Tuy vậy tôi vẫn yêu bà. Nhưng đến về sau, đối với bà, dần dần tôi thấy xa lạ ; đó không phải vì cớ đã lớn lên rồi, đã biết bà không phải là người đẻ ra cha mình, nhưng là vì cứ thấy suốt ngày suốt năm khâu mãi, khâu mãi, như cái máy, không khỏi sinh ra khó chịu. Song le, bà vẫn cứ như trước, vẫn cứ khâu ; săn sóc tôi, yêu nâng tôi, tuy ít thấy dáng cười, chứ cũng không quở mắng. Cho đến khi cha tôi qua đời, bà vẫn cứ thế ; về sau, chúng tôi hầu như nhờ cả vào cây kim sợi chỉ của bà mà sống, và mãi như thế cho đến khi tôi vào trường học....

Ngọn đèn lụi dần, dầu hỏa đã hầu cạn, anh bèn đứng dậy, mò dưới giá sách lấy ra một cái bình sắt tây nho nhỏ rót thêm dầu.

Chỉ trong một tháng nay, dầu hỏa đã lên giá hai lần rồi. Anh vừa xoay cái họng đèn vào vừa chậm rãi nói: Sự sống càng ngày càng thấy khó khăn. - Bà tôi sau rồi cũng vẫn cứ thế, cho đến ngày tôi tốt nghiệp, có việc làm rồi, sinh hoạt mới yên ổn hơn trước đôi chút ; e còn có lẽ cho đến ngày bà phát bệnh, thật tình không còn gắng gượng được nữa, mới phải nằm xuống...

Theo tôi tưởng thì tuổi già của bà cũng kể là không đến nỗi khổ lắm, hưởng thọ cũng chẳng ít, không cần tôi khóc làm chi. Huống chi những người khóc chẳng đã có nhiều rồi sao? Cả đến những người trước kia ra sức giày xéo bà cũng khóc, ít nhất là vẻ mặt cũng buồn thỉu buồn thiu. Ha ha!... không biết thế nào, hồi đó tôi lại đem thu gọn cả cuộc đời của bà ở trước mắt, cả cuộc đời của cái người chính tay mình gây nên cô độc, lại đặt vào miệng mà nhấm nháp. Vả lại thấy những người như thế còn có rất nhiều. Hạng người ấy làm cho tôi phải đau đớn khóc, có điều phần lớn cũng vì lúc bấy giờ tôi xử sự quá thiên về tình cảm...

Cái ý kiến của anh đối với tôi bây giờ, tức là cái ý kiến của tôi đối với bà tôi ngày trước. Nhưng mà cái ý kiến của tôi lúc đó, thực ra cũng không đúng. Nghĩa là chính mình tôi, bắt đầu từ khi hơi hiểu biết việc đời, thì thật đã dần dần xa lạ với bà tôi rồi....

Anh ta im lặng, kẹp điếu thuốc giữa hai ngón tay, cúi đầu ngẫm nghĩ. Ngọn đèn hơi run run, chao đảo.

A, người ta muốn cho sau khi chết không có một người nào khóc mình, không phải là việc dễ. Anh lẩm bẩm như nói một mình. Ngừng một lát, anh ngước mặt lên nói với tôi: Nghĩ thì anh cũng không có cách nghĩ. Còn tôi, tôi cũng phải tìm gấp việc gì để làm....

Anh không còn có bạn bè nào nhờ cậy được sao?. Tôi khi ấy thật không nghĩ cách gì được, cả đến chính mình.

Bạn bè thì đại khái còn có mấy người, nhưng cảnh ngộ của họ cũng chẳng khác tôi là mấy....

Lúc tôi từ biệt Liên Thù bước ra cửa, vừng trăng tròn đã lên giữa trời, đêm rất yên lặng.

IV

Cái tình hình dạy học ở Sơn Dương rất không tốt. Tôi đến trường đã hai tháng, không lãnh được một đồng lương, cả đến thuốc lá cũng phải bớt hút. Nhưng bọn người trong trường, tuy là những chức viên nhỏ, lương tháng mười lăm, mười sáu đồng, cũng chẳng có một kẻ nào là chẳng biết điều và yên phận, nhờ cái xương sắt gân đồng đã luyện nên, một mực chịu mặt vàng da bủng làm việc cho nhà trường từ sáng đến tối, khi thấy vai trên nhích hơn mình một tí còn phải lễ phép đứng dậy, thật đều là thứ dân không cần phú quý rồi mới sinh lễ nghĩa. Mỗi khi tôi thấy cái tình trạng ấy, chẳng biết thế nào lại cứ nhớ đến lời Liên Thù cậy tôi khi sắp biệt nhau. Hồi này sự sống anh ta càng túng ngặt quá, mỗi lúc lộ ra cái bộ mặt quẫn, xem chừng không còn có vẻ thâm trầm như trước, biết tôi sắp đi, đêm khuya đến thăm tôi, ngần ngừ chặp lâu, rồi anh mới ấp úng nói:

Không biết ở bên đó có kiếm được cái gì không? - Dù là sao chép, một tháng hai ba chục đồng cũng được. Tôi....

Tôi rất lấy làm lạ, không ngờ anh ta lại chịu dún giá xuống đến như thế, ngay lúc đó không biết nói thế nào.

Tôi... tôi còn phải sống ít ngày....

Để sang bên đó xem xem, thế nào cũng hết sức kiếm cách.

Đó là câu tôi cả quyết chịu miệng lúc bấy giờ, về sau thường thường chính mình nghe thấy, trước mắt đồng thời cũng nổi bật tuồng mặt Liên Thù, vả lại đang ấp úng nói Tôi còn phải sống ít ngày. Những lúc đó, tôi bèn liệu cách tiến cử anh cho các nơi, nhưng mật ít ruồi nhiều, không được gì cả, rốt cuộc là người ta nói với tôi mấy lời xin lỗi, tôi lại viết thư nói với anh mấy lời xin lỗi.

Đến lúc gần mãn một học kỳ, tình hình lại càng thêm hỏng lắm. Trên tờ Học lý chu báo của mấy tay thân sĩ ở đó chủ trương, đã bắt đầu công kích tôi, cố nhiên là không gọi tên ra, nhưng bằng những lời lẽ rất khéo, làm ai đọc đến cũng hiểu ngay chính tôi là kẻ đang khiêu dịch học trào[8], cả đến việc tiến cử Liên Thù, cũng cho là rủ bè kéo cánh.

Tôi chỉ còn có cách im lìm không cựa quậy. Ngoài giờ lên lớp, cứ đóng cửa trốn trong nhà, có khi cả đến khói thuốc lá lọt ra khe cửa sổ, cũng sợ bị nghi là khiêu dịch học trào. Cái việc của Liên Thù, tự nhiên là không thể nói đến được. Cứ như thế thẳng đến giữa mùa đông.

Một hôm trời sa tuyết, mãi đến đêm chưa dứt, bên ngoài thay thảy rất im lặng, im lặng đến nỗi như có thể nghe thấy tiếng của im lặng. Dưới ánh đèn leo lét, tôi nhắm mắt, ngồi khàn, như thấy từng mảnh hoa tuyết tơi bời sa xuống, để bù đắp thêm cho cái đống tuyết mênh mông kia ; làng quê cũng đang sắm sửa ăn Tết, ai nấy bận rộn hết sức ; mà chính tôi lại còn là một đứa bé, đang ở chỗ đất phẳng sau cái vườn cùng một tụi bạn bé dùng tuyết nặn hình ông Bụt. Cặp mắt của ông Bụt tuyết, dùng hai hòn than nhỏ làm thành, nó đen nhánh, nhấp nhoáng một cái, biến ngay ra là cặp mắt của Liên Thù.

Tôi còn phải sống ít ngày!. Vẫn là cái tiếng nói ấy.

Tại sao?. Tôi bỗng dưng hỏi bâng quơ như thế, tức khắc, tự tôi tôi cũng thấy buồn cười.

Cái câu hỏi buồn cười ấy làm tôi chợt tỉnh, ngồi thẳng lên, châm một điếu thuốc, đẩy cửa sổ trông ra, quả nhiên tuyết xuống càng nhiều. Nghe có tiếng gõ cửa, một lát, có người đi vào, nhưng là tiếng chân đã nghe quen của kẻ làm việc vặt trong nhà trọ. Hắn đẩy cửa phòng tôi, đưa cho tôi một phong thư dài chừng hơn sáu tấc, tuồng chữ ngoạch ngoạc, nhưng nhác thấy hai chữ Ngụy gửi thì biết là thư của Liên Thù.

Đó là phong thư đầu tiên anh gửi cho tôi sau khi tôi lìa khỏi thành S. Tôi biết anh lười, vốn tình chẳng lấy sự bặt tin làm lạ, song có lúc cũng hơi oán anh sao chẳng hề gửi cho một lá thư. Đến khi tiếp được phong thư này, bỗng lại lấy làm lạ, vội vàng mở xem. Bên trong vẫn dùng một lối chữ ngoạch ngoạc viết như thế này:

Thân Phi...

Tôi gọi anh bằng gì bây giờ? Tôi để trống. Anh tự ý muốn tôi gọi bằng gì thì cứ điền thêm vào. Tôi thì thế nào cũng được.

Sau khi biệt nhau tiếp được ba lần thư, không trả lời. Cái lý do rất giản đơn, cả đến tiền mua tem tôi cũng không có.

Có lẽ anh muốn biết sơ về tin tức của tôi, nay tôi bảo gọn cho anh biết, tôi thất bại rồi. Trước kia, tôi tự cho mình là kẻ thất bại, bây giờ biết là chưa phải, bây giờ tôi mới thật là kẻ thất bại. Trước kia, khi còn có người muốn tôi sống ít ngày, chính tôi cũng còn muốn sống ít ngày, thì sống không nổi ; bây giờ đây, rất có thể không cần nữa rồi, nhưng mà lại cứ phải sống...

Nhưng mà cứ phải sống thì sống được à?

Cái người muốn tôi sống ít ngày, chính mình họ đã không sống được rồi. Người ấy đã bị kẻ địch lừa giết đi rồi. Ai giết? Chả ai biết cả.

Đời người thay đổi chóng quá đi mất! Nửa năm nay, tôi hầu đi ăn xin, sự thực, cũng kể được là đã đi ăn xin rồi. Nhưng mà tôi còn vì cái gì đó, tôi vui lòng vì cái gì đó mà đi ăn xin, vì cái gì đó mà chịu đói rét, vì cái gì đó mà chịu hiu quạnh, vì cái gì đó mà chịu đắng cay. Song le, đến cái chết thì toi không vui lòng được. Anh xem, có một người muốn tôi sống ít ngày, cái lực lượng ấy lớn đến như thế đấy. Nhưng mà hiện nay đã không có rồi, cả đến một người như thế cũng không có rồi. Đồng thời, chính mình tôi cũng thấy không đáng sống nữa ; còn người khác? Cũng không đáng sống. Đồng thời, chính mình tôi lại thấy phải vì những người không muốn cho tôi sống nữa mà sống nữa ; may mà những người muốn cho tôi sống cho ra lòng. Làm cho những người như thế đau lòng, là điều tôi không muốn. Nhưng mà hiện nay thì không có nữa, cả đến một người như thế cũng không có. Khoan khoái lắm rồi, thoải mái lắm rồi, chính mình tôi đã thực hành hết thảy những cái gì mà trước kia tôi ghét, tôi phản đối, ruồng bỏ hết thảy những cái gì mà trước kia tôi sùng bái, tôi chủ trương rồi. Tôi đã là thất bại thật, - nhưng mà tôi thắng lợi.

Anh cho tôi là điên rồi phải không? Anh cho tôi là đã thành ra anh hùng hoặc vĩ nhân rồi phải không? Không, không phải đâu. Việc đó rất giản đơn: gần nay tôi đã làm cố vấn của Đỗ sư trưởng rồi, lương mỗi tháng có tám chục đồng rồi.

Thân Phi...

Anh sẽ cho tôi là cái thá gì, tùy anh định lấy, tôi thì thế nào cũng được.

Anh đại khái còn nhớ cái phòng khách của tôi hồi trước, cái phòng khách mà chúng ta ở trong thành gặp nhau lần đầu và biệt nhau lần chót. Bây giờ tôi vẫn còn dùng cái phòng khách ấy. ở đấy, bây giờ có khách khứa mới, đồ biếu xén mới, sự tâng bốc mới, sự chạy chọt mới, cái vập đầu và khom lưng mới, cuộc đánh bài và đánh toan mới, cái lạnh lùng và cái hằn học mới, cái mất ngủ và cái hộc máu mới...

Trong thư trước, anh nói anh dạy học rất không được vừa ý. Thế thì anh có muốn làm cố vấn không? Cứ bảo tôi đi, tôi xoay cho. Thực ra thì làm thằng gác cửa cũng chẳng hại chi, rồi cũng có khách khứa mới, đồ biếu xén mới và sự tâng bốc mới...

Ở đây sa tuyết to rồi. Nơi anh thế nào? Giờ đây đêm đã khuya, hộc hai lần máu, tôi thấy trong người tỉnh táo. Nhớ lại từ mùa thu đến nay anh tiếp tục gửi tôi ba phong thư, đó là sự đáng kinh dị dường nào. Tôi phải cho anh biết một ít tin tức mới được, có lẽ anh không đến nỗi thở ra một hơi lạnh lẽo.

Rày về sau, cơ chừng tôi không viết thư nữa, cái thói quen ấy của tôi, anh vẫn viết. Bao giờ về? Nếu về sớm thì chắc có thể gặp nhau đấy. - Nhưng tôi tưởng, đại khái chúng ta rốt cuộc không cùng đi một đường đâu, vậy thì, xin anh quên tôi đi. Tôi thật lòng cảm ơn anh trước kia thường vì tôi lo toan sinh kế. Song bây giờ hãy quên tôi đi ; tôi bây giờ đã tốt rồi.

Liên Thù

Ngày 14 tháng 12

Bức thư tuy không làm cho tôi thở ra một hơi lạnh lẽo, song sau khi xem sơ qua một bận rồi, lại xem kỹ một bận nữa, thấy có hơi khó chịu, mà đồng thời lại thấy lẫn vào chút ít khoái ý và cao hứng ; và nghĩ, về sinh kế của anh ta, thế là đã không thành vấn đề rồi, tôi cũng trút được một cái gánh, mặc dầu về việc đó thủy chung tôi cũng chỉ không biết xoay sở cách nào. Bỗng lại nghĩ viết thư trả lời anh, nhưng rồi thấy không có chuyện gì nói, thế rồi cũng liền thủ tiêu cái ý nghĩ ấy.

Quả thật tôi dần dần quên bẵng anh ta. Trong trí nhớ của tôi, tuồng mặt anh không thường thường hiện ra nữa. Song sau khi nhận được thư không đầy mười ngày, Nhà Học lý tuần báo ở thành S bỗng dưng tiếp tục gửi tờ Học lý tuần báo cho tôi. Tôi vốn không hay đọc những của ấy, chẳng qua đã gửi đến, thì cũng vui tay lật trang này qua trang khác. Không ngờ nó làm cho tôi nhớ đến Liên Thù, vì trong báo ấy thường có những bài thơ văn dính dáng đến anh, như là Đêm tuyết ra mắt Liên Thù tiên sinh, Buổi họp ở phòng khách quan cố vấn Liên Thù chẳng hạn. Có một lần, ở mục Nhàn đàm còn say sưa nhắc lại những chuyện trước kia anh bị đưa ra làm trò cười, gọi là dật văn, giữa những dòng chữ rõ có cái ý muốn nói Vả chăng con người phi thường ắt có thể làm những việc phi thường.

Tuy rằng nhân đó nhớ lại Liên Thù, có điều không biết thế nào, tuồng mặt của anh lại cứ mờ dần đi ; nhưng lại thấy như với tôi càng ngày thêm mật thiết, thỉnh thoảng cảm thấy một thứ áy náy và hơi rùng mình mà chính tôi cũng không hiểu là gì và bởi đâu. May mà đến cuối thu, tờ Học lý tuần báo không gửi đến nữa ; tờ Học lý chu san ở Sơn Dương lại mỗi kỳ liên tiếp đăng một bài luận dài: Lưu ngôn tức sự thực. Trong đó nói, những tiếng đồn về mấy ông nọ đã ầm lên trong hàng thân sĩ đứng đắn rồi. Đó là nói riêng về mấy người thôi, mà trong đó có tôi ; tôi chỉ phải cẩn thận hết sức, cả đến khói thuốc hút cũng cứ giữ gìn không dám cho bay ra ngoài. Cẩn thận giữ gìn là một thứ đau khổ thường xuyên, nhân đó có thể mọi việc đều nhãng bỏ, tự nhiên cũng không rồi đâu nhớ đến Liên Thù. Tóm lại, thực ra tôi đã quên bẵng anh ta rồi.

Nhưng rốt lại tôi cũng không bôi trét cho đến nghỉ hè được, cuối tháng năm, bèn lìa khỏi Sơn Dương.

V

Từ Sơn Dương đến Lịch Thành, lại đến Thái Cốc, xoay quanh già nửa năm trời, chung quy chẳng tìm được việc gì làm, tôi bèn quyết kế lộn về thành S. Lúc đến nơi là buổi chiều đầu xuân, màu trời muốn mưa mà không mưa, mọi vật đều lồng trong sắc xám ; chỗ trọ cũ còn có phòng trống, tôi lại đến ở đó. Dọc đường nhớ đến Liên Thù, sau khi đến, quyết định ăn cơm chiều xong đi thăm anh. Tôi mang theo hai gói bánh luộc, sản phẩm nổi tiếng ở Văn Hỉ, đi bao nhiêu chặng đường lầy lội, tránh bao nhiêu con chó nằm kềnh cản đường, mới đến được trước cửa nhà Liên Thù. Bên trong có vẻ sáng sủa khác thường. Tôi bụng bảo dạ, người ta làm cố vấn có khác, cả đến chỗ ở cũng đâm quang rạng ra, rồi bất giác cười thầm. Nhưng ngước nhìn một cái, cạnh cửa có cái gì trăng trắng, rõ ràng là một tờ giấy dán chéo ở đó[9]. Tôi lại bụng bảo dạ, chắc bà nội lũ thằng Lương lớn chết rồi hẳn ; đồng thời tôi cũng bước qua ngưỡng cửa, đi thẳng vào trong.

Trong phòng ánh sáng hơi mờ, thấy để một cỗ quan tài, bên cạnh đứng một người lính mặc áo dấu hoặc là người mã phu, còn có một người nữa đang nói chuyện với hắn, nhìn ra thì lại là bà nội thằng Lương lớn ; ngoài ra còn có mấy kẻ áo ngắn cục mịch đứng vơ vẩn. Quả tim tôi tức khắc thấy hồi hộp. Bà lão nọ cũng quay mặt nhìn sững tôi.

Ối già! Ông về đấy rồi? Sao không về sớm mấy ngày... bỗng dưng bà ta kêu to lên.

Ai... ai mất đấy?. Thực ra, đại khái tôi đã biết rồi, có điều cứ hỏi.

Ông lớn Ngụy đấy, ngài mất hôm qua.

Tôi nhìn quanh, trong phòng khách tờ mờ, chừng như chỉ có một thếp đèn ; ở nhà giữa lại treo màn tang trắng, mấy đứa trẻ xúm nhau ở ngoài nhà, tức là lũ Lương lớn Lương nhỏ.

Ngài nằm ở đấy. Bà thằng Lương lớn tiến đến trước, lấy tay chỉ và nói: Ông lớn Ngụy sau khi thăng quan, tôi đem cả cái nhà giữa này cho ngài thuê ; bây giờ ngài nằm ở đấy.

Chỗ cái màn tang không có gì khác, phía trước một cái bàn dài, một cái bàn vuông, trên bàn vuông bày ra mươi bát cơm và thức ăn. Tôi vừa bước vào, trước mặt bỗng hiện ra hai người mặc áo trắng dài gàn tôi lại, trợn mắt như mắt cá chết, có vẻ kinh hãi và ngờ vực, nhìn tròng trọc vào mặt tôi. Tôi vội vàng nói rõ mối quan hệ giữa tôi và Liên Thù, bà thằng Lương lớn cũng làm chứng giúp, họ mới dần dần buông tay dịu mắt, ngấm ngầm cho phép tôi đến đằng trước nghiêng mình.

Tôi vừa nghiêng mình thì trong tôi bỗng có người ồ ồ khóc rống lên, nhìn kỹ thấy một đứa bé hơn mười tuổi chum hum trên chiếc đệm rơm, cũng mặc đồ trắng, trên cái đầu tóc hớt nhẵn nhụi quấn một vành sợi gai lớn.

Sau khi hỏi thăm, tôi biết trong hai người đó một người là anh em chú bác với Liên Thù, kể là bà con gần nhất, còn một người là cháu gọi bằng bác hay chú họ xa. Tôi xin nhìn mặt người bạn cũ một lần chót, họ hết sức ngăn trở, nói là không dám. Sau tôi nói mãi, họ mới chịu vén màn tang lên.

Lần này tôi giáp mặt Liên Thù đã chết. Song quái lạ! Anh tuy mặc một bộ áo quần ngắn và nhàu, trên mỏ hò còn có dấu máu, nét mặt cũng gầy đét tệ, nhưng diện mạo vẫn là cái diện mạo trước kia, im lìm mím miệng nhắm mắt, như là ngủ, hầu khiến tôi giơ tay trước mũi anh, xem có phải thực ra anh vẫn còn thở.

Hết thảy đều im lìm như chết, cả người chết lẫn người sống. Tôi lùi ra, người anh em chú bác của anh lại đến xoắn xuýt, nói chú nó đang lúc tuổi giàu sức mạnh, con đường trước mặt thênh thang, thế mà bỗng làm người thiên cổ, đó chẳng những là điều chẳng may của nhà cháu, mà cũng làm cho bầu bạn đau lòng. Không nói rõ ra, nhưng hơi có ý xin lỗi hộ Liên Thù. Người miền núi mà nói thạo như thế là ít có lắm. Song sau đó cũng lại chìm lặng, hết thảy đều im lìm như chết, cả người chết lẫn người sống.

Tôi thấy tẻ ngắt, buồn thương lại không có gì là buồn thương, bèn lui ra nhà ngoài, nói chuyện phiếm với bà nội lũ thằng Lương lớn. Nhân đó biết rằng giờ nhập liệm gần tới, chỉ chờ áo dưỡng già đưa đến thôi ; và trong lúc đóng chốt nắp quan, thế nào bốn tuổi tý ngọ mẹo dậu cũng phải tránh xa. Bà lão nói chuyện rất hăng, cuồn cuộn như nước suối chảy, nói đến bệnh trạng Liên Thù, nói đến tình cảnh khi anh còn sống, còn đèo thêm đôi lời phê bình về anh nữa.

Ông nên biết rằng ông lớn Ngụy từ sau khi vận tấy, người khác với trước, mặt vểnh lên, khí phách hiên ngang. Đối với mọi người cũng không gàn như trước nữa. Ông biết trước kia ngài chẳng gọi tôi bằng bà cụ là gì? Thế mà về sau gọi là mụ già. E ê, hay đáo để. Người ta biến ngài món truật Tiên cư[10], ngài không ơi, ném ra giữa nhà, - là chỗ này đây -, và bảo tôi: Mụ già, đem mà ăn đi. Sau khi ngài vận tấy, đông người tới lui, tôi bèn nhường cái nhà giữa cho ngài ở, tôi dọn ở cái phòng bên trái này. Ngài từ bước sang vận đỏ một cái, thật là khác hẳn mọi người, chúng tôi thường thường nói cười với nhau như thế. Phải chi ông đến sớm lấy một tháng thì còn kịp thấy cái cảnh tấp nập ở nơi này, vài ba hôm lại có cuộc đánh toan, quay thìa, ai nói cứ nói, ai cười cứ cười, ai hát cứ hát, ai làm thơ cứ làm thơ, ai đánh bài cứ đánh bài...

Ngài trước kia sợ trẻ con còn hơn trẻ con sợ bố nữa, cứ là bé tiếng dịu giọng. Gần nay thì lại khác, hay nói hay đùa, lũ thằng Lương lớn chúng tôi cũng rất thích đùa với ngài, hễ hở ra một cái, là đều chạy sang nhà ngài. Ngài còn dùng nhiều cách gợi trò đùa: trẻ con đòi mua thức gì, thì ngài buộc chúng phải làm chó sủa, hay là vập đầu một cái cho kêu. Ha ha, thật là vui quá. Hai tháng trước đây thằng Lương nhỏ đòi ngài mua giày, phải vập đầu ba cái đấy, đôi giày ấy, hiện nay nó còn đi chưa hỏng mà.

Một người mặc áo dài trắng đi ra, bà lão ngừng nói. Tôi muốn biết chừng bệnh của Liên Thù, thì bà ta không rõ lắm, chỉ nói đại khái là người anh đã gầy đi từ lâu, có điều không ai để ý đến, vì anh cứ vui vẻ như thường. Đến trước đây hơn một tháng, mới nghe nói anh hộc mấy lần máu, song hình như cũng chẳng đi xem thầy thuốc ; sau rồi nằm liệt ; ba ngày trước khi chết thì tắt tiếng, nói không ra một lời. Ông Mười ba từ Hàn Thạch Sơn đi diệu vợi lên thành, hỏi anh có còn tiền bạc gì không, anh không nói gì cả. Ông Mười ba ngờ anh giả đò, cũng có kẻ nói một số người chết vì bệnh lao thì tắt tiếng như thế, chẳng biết thế nào...

Nhưng mà tánh khí ông lớn Ngụy cũng cổ quái quá. Bà lão bỗng dưng hạ giọng nói. Ngài chẳng chịu chắt bóp một tí gì, tiêu tiền cứ như nước. Ông Mười ba còn ngờ cho chúng tôi có được béo bở gì. Thực ra có béo bở đếch gì đâu? Ngài đã xài phí phạm bừa bãi hết cả rồi. Ví dụ mua một vật gì, ngày nay mua, ngày mai lại bán, hoặc đập vỡ, thật chẳng hiểu ra làm sao cả. Đến lúc buông xuôi tay chân một cái, cái gì cũng không có, thật hỏng bét. Nếu không thì hôm nay có đâu đến nỗi hiu quạnh thế này...

Ngài thì cứ ẩu xị, chẳng lo làm một việc gì gọi là căn cơ. Tôi đã nghĩ đến, cũng đã khuyên ngài. Ngần ấy tuổi rồi, đáng lẽ phải có gia đình ; theo bề thế hiện giờ, xe một mối tơ hồng dễ lắm ; bằng không có nơi môn đăng hộ đối thì mua trước mấy cô hầu cũng được: đã là người thì phải cho ra người chứ. Thế mà nghe nói một cái là ngài vùng lên cười, bảo tôi: Thì ra mụ già này vẫn cứ chăm lo những việc như thế cho người khác à?. Ông xem, ít lâu nay ngài bập bềnh mà không đáy chốt, người ta nói phải lại không cho là phải để mà nghe. Giá sớm nghe lời tôi, đâu đến nỗi bây giờ vò võ một thân một mình sờ soạng nơi âm phủ, ít nhất cũng còn được nghe mấy tiếng khóc của người thân chứ lại....

Một người thợ bạn ở tiệm may mang quần áo đến. Ba người bà con bèn chọn lấy đồ mặc trong, đi vào sau màn. Một chốc, màn vén lên, đồ mặc trong đã thay rồi, đến mặc quần áo ngoài. Có điều này làm tôi không ngờ đến: Một cái quần nhà binh màu ka ki viền nẹp đỏ rất rộng mặc vào xong, rồi đến mặc cái áo nhà binh, hai vai ngù vàng nhoáng sáng, cũng chả biết là phẩm hàm gì, và phẩm hàm từ đâu đến. Khi nhập quan, thấy Liên Thù nằm rất không thoải mái, bên chân đặt một đôi giày da vàng, bên sườn một cái gươm chỉ huy bằng giấy, cạnh cái mặt đen xám gầy như que củi một cái mũ nhà binh viền kim tuyến.

Ba người bà con vịn lấy thành quan tài khóc một hồi, ngừng khóc lau nước mắt ; thằng bé đầu quấn vành gai lùi ra, thằng Lương tý cũng đi tránh chỗ khác, chắc hẳn mỗi đứa đều thuộc về một tuổi trong bốn tuổi tý ngọ mẹo dậu.

Có người khiêng nắp quan tài đến, tôi lại gần để nhìn Liên Thù một lần cuối cùng.

Anh nằm yên lặng giữa những áo mũ kịch cợm, nhắm mắt, mím miệng, khóe miệng tuồng như mỉm cười lạnh lùng, cười lạnh lùng cái xác chết đáng buồn cười ấy.

Tiếng đóng chốt vang lên một cái, tiếng khóc đồng thời cũng òa lên. Tiếng khóc ấy làm tôi không thể nghe trọn được, chỉ phải lùi ra nhà ngoài ; thằng giằm, không dè đi tuốt ra khỏi cổng. Con đường lầy lội rất rõ ràng, ngước lên nhìn trời, đám mây đặc đã tan hết, một vừng trăng tròn tỏa ra ánh sáng lạnh lùng.

Tôi đi thật nhanh, như muốn từ trong cái gì nặng nề xông ra cho khỏi, song không đủ sức. Trong lỗ tai có cái gì đang vùng vẫy, chặp lâu, chặp lâu, rồi vùng vẫy thoát ra được, mường tượng như tiếng rống dài, như một con chó sói bị thương đêm khuya gào thét nơi đồng vắng, trong thê thảm xen lẫn tức giận và đau xót.

Lòng tôi thấy nhẹ nhõm, thản nhiên đi trên con đường đá lầy lội, dưới ánh sáng trăng.

Viết xong ngày 17 tháng 10 năm 1922
(Dịch ở Bàng hoàng)

   




Chú thích

  1. Thành S: xem lời chua số 1 bài Trên lầu tiệm rượu.
  2. Cháu thừa trọng: theo tang lễ Trung Quốc và nước ta trước kia, ông nội bà nội chết trong lúc người trưởng nam đã chết trước rồi, thì con trai đầu lòng của người trưởng nam phải thay cha mình phục tang cho ông hay bà ba năm, theo như mọi lễ nghi con phục tang cho cha mẹ. Thế gọi là cháu thừa trọng hay đích tôn thừa trọng.
  3. Ăn đạo: Tin đạo Thiên chúa, ở xứ ta thường nói là theo đạo hay đi đạo, nhưng ở Trung Quốc trước kia, có lắm nơi nói ăn đạo (khiết giáo). Ở chỗ khác, Lỗ Tấn có cắt nghĩa cái danh từ ấy là có ý nói: Theo đạo để kiếm ăn, tỏ ra sự theo đạo không vì tin tưởng mà chỉ vì sự sống.
  4. Trầm luân: Trầm luân là tập truyện ngắn của Úc Đạt Phu, xuất bản năm 1921, gồm có ba thiên truyện ngắn, đứng đầu là thiên Trầm luân. Cả tập truyện ngắn ấy đều cả cái buồn bực và tâm lý đau ốm của thanh niên, hơi có khuynh hướng đồi phế. Trầm luân và các tác phẩm khác của Úc Đạt Phu, nói chung, đều lấy người thanh niên bất hạnh hoặc người thừa làm vai chính trong truyện, nên ở đây Lỗ Tấn nói như thế.
  5. Hạ giã: giã đây là đối với triều. Theo ngữ ngôn Trung Quốc, những người có danh tiếng, thế lực khi được tham gia vào tập đoàn thống trị trung ương, làm tổng thống hay bộ trưởng chẳng hạn, thì gọi là tại triều, nếu không, thì gọi là tại giã. Giã, theo tiếng Việt, có thể nói là: vườn, ruộng, nhà quê. Hạ giã, có thể nói là về vườn. Nhưng không được. Vì theo lối nói của ta, về vườn là đã đến tuổi hưu trí (60 tuổi hoặc 55), còn hạ giã thì không kể tuổi: bất cứ tuổi nào, đang làm quan ở triều mà không làm nữa thì gọi là hạ giã. Bởi vậy để nguyên văn hạ giã mà không dịch. - Các cụ hạ giã một cái là ăn chay tụng niệm, là ám chỉ bọn quân phiệt thất thế như Ngô Bội Phu, Tôn Truyên Phương, khi họ hạ giã rồi thì họ làm bộ đi tu.
  6. Sách Sử ký sách ẩn 30 cuốn, của Tư Mã Trinh, người đời Đường soạn, là sách chú thích sách Sử ký của Tư Mã Thiên. Cấp cổ các là nhà chứa sách của Mao Tấn đời Minh, Mao Tấn từng theo bản cũ đời Tống khắc và in sách Sử ký sách ẩn.
  7. Rượu cất: xem lời chua số 1 bài Ngày mai.
  8. Khiêu dịch học trào: Sau vận động Ngũ tứ, học sinh trong các trường trung, đại học chịu ảnh hưởng, thường hay phản đối hiệu trưởng hoặc thầy giáo, nhiều nơi đến nỗi vỡ ra cuộc bãi khóa. Bọn cầm chính quyền đương thời cho rằng đó là bởi có một bọn thầy giáo tuyên truyền vận động học sinh, ghép cho họ cái tội danh là khiêu dịch học trào. Bốn chữ này nghĩa là bới móc, khêu chọc, gây ra cái phong trào học sinh phản đối việc học trong nhà trường, nó đã thành ra một danh từ đặc biệt mà thông dụng, cho nên để nguyên không dịch.
  9. Thói tục dân gian ở Trung Quốc trước kia, khi trong nhà có người chết thì ở cổng dánh chéo một tờ giấy trắng, trên giấy ấy kể rõ người chết bao nhiêu tuổi và tuổi gì, lúc nhập liệm những người có tuổi nào phải kiêng mà tránh đi, cho đến các thứ gọi là ương và sát cùng ngày giờ mà người khác phải biết mà khem cữ. Dưới đây nói trong lúc đóng chốt nắp quan, thế nào bốn tuổi tý ngọ mẹo dậu cũng phải tránh xa, tức là theo sự mê tín ấy.
  10. Truật Tiên cư: tức là bạch truật, một thứ củ của thực vật dùng làm thuốc, xuất sản ở huyện Tiên Cư, tỉnh Chiết Giang (mà người ta chế bằng cách nào đó thành một thức ăn có thể ăn được).