Bước tới nội dung

A Q. chính truyện/Chương 8

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
A Q. chính truyện của Lỗ Tấn, do Phan Khôi dịch
Chương 8
Không cho phép cách mạng

Lòng người làng Mùi càng ngày càng thấy yên lặng. Theo tin tức đã đưa đến, người ta biết rằng đảng cách mạng tuy đã vào thành, tình hình cũng vẫn không đổi khác gì mấy. Quan lớn Tri huyện vẫn là quan cũ, chẳng qua đổi gọi là gì gì đó; vả lại cụ Cử cũng làm chức gì gì - cái danh hiệu này người làng Mùi không ai nói được rõ ràng; còn người cầm binh cũng vẫn là viên Bả Tống trước kia. Chỉ có một việc đáng sợ trong đảng cách mạng có xen vào mấy kẻ bướng bỉnh hay khuấy rầy, ngày thứ hai thì bắt đầu đi cắt bín. Nghe nói anh lái đò Bảy Cân[1] người làng bên cạnh bị cắt trước hết, làm cho người chẳng ra hồn người. Song le, điều đó cũng chẳng lấy gì làm đáng sợ lắm, vì người làng Mùi ít ai lên thành, dù có ai toan lên cũng tức thì không lên nữa, chẳng khi nào gặp phải sự nguy hiểm ấy. A Q. vốn cũng muốn lên thành tìm mấy người bạn cũ của hắn, khi nghe được tin ấy hắn cũng thôi không lên.

Tuy vậy, cũng không thể nói được rằng làng Mùi tuyệt không có sự thay đổi. Sau đó mấy hôm, số người quấn bín lên đỉnh đầu ngày một thêm đông. Như trên đã nói, người trước nhất tự nhiên là cậu Tú, rồi đến Triệu Tư Thần và Triệu Bạch Nhãn, sau cùng là A Q.. Nếu ở mùa hè, người tA Q.uấn bín lên đỉnh đầu hoặc kết thành một cái búi thì cũng chẳng lạ lùng gì; nhưng nay đã cuối thu, "đương mùa thu mà thi hành theo thời tiết mùa hè", cái tình hình ấy phải kể là đều cương quyết lắm lắm của "mấy nhà quấn bín", và cũng phải kể là sự cải cách ở làng Mùi vậy.

Triệu Tư Thần sau gáy trơ trụi đi đến, những người trông thấy đều la to lên rằng:

"Ồ, đảng cách mạng đã đến kia!"

Nghe thấy thế, A Q. rất hâm mộ. Hắn tuy đã biết qua câu chuyện cậu Tú quấn bín, nhưng hắn không hề nghĩ rằng chính mình hắn cũng có thể làm thế được, bây giờ thấy Triệu Tư Thần cũng làm thế, hắn bèn có ý bắt chước và quyết định làm theo. Hắn lấy một chiếc đũa tre quấn đuôi sam lên đỉnh đầu, ngần ngừ một lúc rồi mới đánh bạo ra đi.

Hắn đi trên đường cái, người ta thấy hắn nhưng chẳng ai nói gì hết. Ban đầu A Q. lấy làm không thích, sau đến phát bẳn. Hắn gần nay sao mà dễ cáu kỉnh thế. Thực ra thì sự sống của hắn cũng không phải là trở khó khăn hơn trước khi "làm giặc", ai gặp hắn cũng kính nể, hàng quán cũng không đòi tiền mặt. Thế nhưng A Q. cứ thấy mình rất chẳng được vừa lòng: đã cách cái mạng rồi, có lẽ nào lại chỉ có như thế. Huống chi có một lần thấy thằng cu Don càng làm cho hắn lộn cả ruột.

Thằng cu Don cũng quấn cái bín lên trên đỉnh đầu, mà cũng lại ngang nhiên dùng một chiếc đũa tre. A Q. có ngờ đâu nó dám làm như vậy, và chính hắn cũng không cho phép nó làm như vậy! Thằng cu Don là giống gì ư? A Q. muốn tóm ngay lấy nó, bẻ gãy chiếc đũa, thả cái đuôi sam nó xuống, tát cho nó mấy tát tai để phạt sơ cái tội nó đã không biết thân, dám cả gan đi làm cách mạng. Song rốt lại A Q. cũng tha cho nó, chỉ lườm lườm nhổ một bãi nước bọt, đáng tiếng: "Phì!"

Trong mấy ngày ấy chỉ một mình Thằng Tây giả là có đi lên thành. Cậu Tú Triệu vốn tưởng cậy cái thân tình cho gởi rương, chính mình lên hầu thăm cụ Cử, nhưng vì tránh cái nguy hiểm cắt bín cho nên cũng thôi không đi. Cậu viết một phong thư theo lối "tàn vàng", nhờ Thằng Tây giả đưa lên thành, và cũng nhờ giới thiệu cho mình được vào đảng Tự do. Lúc Thằng Tây giả trở về, đòi cậu Tú trả lại bốn đồng bạc, cậu Tú bèn có một trái đào bằng bạc đeo ở mỏ hò áo. Người làng Mùi thấy thế đều kính phục. Họ nói đó là dấu hiệu của "đảng thị du[2]", ngang với hàm hàn lân, vì đó cụ Triệu danh giá lên vùn vụt, hơn hồi con đỗ tú tài nhiều lắm, nên cụ càng làm cao, có gặp A Q. cũng chẳng thèm để chàng vào mắt.

A Q. đang bất bình, lúc nào cũng thấy mình sa sút; nghe được cái tin trái đào bằng bạc một cái, hắn vụt tỉnh biết cai sở dĩ mình sa sút là vì đâu: Muốn làm cách mạng mà chỉ nói đầu hàng trơn là không được; quấn bín lên đỉnh đầu cũng không được; điều cần yếu là phải chơi thân với đám người cách mạng kia. Trong đời hắn chỉ biết có hai nhà cách mạng: một ở trong thành thì đã bị chém đánh "sật" rồi, hiện còn một tức là Thằng Tây giả. Hắn nghĩ bây giờ phải đi gấp đến thương lượng với Thằng Tây giả đi, ngoài ra còn có đường nào khác nữa.

Cổng nhà họ Tiền đang mở, A Q. rón rén bước vào. Hắn vào đến trong, đã đâm hoảng: Thấy Thằng Tây giả đứng chính giữa sân, cả người đen thui, chừng là mặc đồ tây, trên ngực cũng đeo một trái đào bằng bạc, trong tay cầm cái gậy mà A Q. đã biết, cái đuôi sam đã để dài hơn một thước xỏa ra trên vai, bồm xồm giống như Lưu Hải Tiên[3]. Trước mặt đứng thẳng Triệu Bạch Nhãn và ba người khác đang kính cẩn nghe nói chuyện.

A Q. sè sẹ đi tới, đứng sau lưng Triệu Bạch Nhãn, muốn cất tiếng chào, nhưng lại không biết nên xưng hô thế nào cho phải: gọi là Thằng Tây giả cố nhiên không được rồi, người tây cũng không ổn, đảng cách mạng cũng không ổn, có lẽ nên gọi là ông tây đi thôi.

Thế nhưng ông tây lại chẳng hề thấy hắn, vì ông đang mải trợn mắt, hăng hái kể chuyện:

"Chẳng là tôi nóng tính, cho nên gặp mặt nhau là tôi cứ nói: Anh Hồng! Chúng ta ra tay đi thôi! Nhưng anh Hòng lại nói: "No!" - đây là tiếng tây các chú không hiểu. Nếu không thì đã thành công rồi. Tuy vậy, đó chính là chỗ anh ấy làm việc chín chắn. Anh ta khẩn khoản đến ba bốn lần mời tôi đi lên Hồ Bắc, tôi cò chưa chịu đi. Làm việc trong một thành huyện tí hon này, chán chết, ai mà thích làm..."

"à, cái này... A Q. lừa khi tạm ngừng câu chuyện, đánh bạo mở miệng thốt được mấy lời nhưng không biết vì sao lại không gọi là "ông tây".

Bốn người đứng nghe chuyện đều giật mình quay lại nhìn A Q.. Ông tây bấy giờ cũng vừa thấy hắn:

"Cái gì?"

"Tôi..."

"Đi ra!"

"Tôi muốn đầu hàng..."

"Cút đi ngay!" Ông tây vừa nói vừa giơ cái gậy đại tang lên.

Triệu Bạch Nhãn cùng mấy người kia đều đe nẹt, nói: "Ông bảo mầy cút đi ngay, mầy còn không nghe à?"

A Q. đưa tay lên đỡ lấy đầu, như cái máy chạy trốn ra ngoài cửa; ông tây cũng chẳng đuổi theo. Hắn chạy thật nhanh hơn sáu chục bước, rồi mới đi thủng thẳng. Khi ấy sự lo buồn dâng lên ngập trong lòng hắn: Ông tây không cho phép hắn cách mạng, hắn còn biết đi đường nào; từ đây quyết không còn mong có những người mũ trắng giáp trắng đến gọi hắn, mà rồi những cái bảo phụ, chí hướng, hy vọng, tiến trình của hắn tất cả phải đi đời nhà ma! ấy là còn chưa kể đến rồi đây mấy người kia đem câu chuyện dêu dao ra, sẽ làm trò cười cho bọn cu Don, Vương Xồm nữa là khác.

Hình như từ hồi nào đến giờ, A Q. chưa hề thấy có sự buồn chán đến nỗi này. Hắn ngẫm lại chính mình quấn cái đuôi sam lên cũng không có ý vị gì, và bị khinh dể, cho được trả thù lại, hắn rất muốn thả quách cái đuôi sam xuống đi, nhưng rồi hắn cũng không thả. Hắn đi rong cho đến đêm, mua chịu hai chén rượu, nuốt vào khỏi cổ, dần dần lại thấy cao hứng lên, trong tư tưởng mới lại hiện ra những mảnh vụn, mũ trắng giáp trắng.

Có một đêm, hắn theo lệ thường đi rong đến khuya, khi tiệm rượu sắp đóng cửa hắn mới lê về đền Thổ Cốc.

Tạch! tạch!...

Hắn thình lình nghe thấy một thứ tiếng lạ mà lại không phải tiếng pháo. A Q. vốn ưa xem ồn ào, lại hay lá lay, bèn tò mò tìm đi trong tối. Hình như đằng trước có tiếng chân bước, hắn đang đứng nghe, vụt có một người từ phía kia trốn chạy đến A Q. thoạt thấy, liền vội vàng quay mình chạy trốn theo. Người ấy vặn quanh. A Q. cũng vặn quanh; đã vặn quanh, người ấy đứng dừng lại, A Q. cũng đứng dừng lại. Hắn nhìn lại phía sau thấy không có gì cả, nhìn người ấy thì là cu Don.

"Cái gì thế?" A Q. tỏ vẻ cáu kỉnh.

"Nhà... nhà cụ Triệu bị cướp rồi!" Cu Don vừa thở hổn hển vừa trả lời.

Quả tim A Q. nhảy mạnh. Cu Don nói xong liền đi; A Q. thì đi mà lại đứng dừng hai ba lần. Song le, hắn vốn là người đi làm ăn con đường ấy, nên bạo dạn lắm, bèn đứng khiểng ở góc đường, lắng nghe kỹ lưỡng, hình như có tiếng nhao nhao, lại nhìn xem kỹ lưỡng, hình như có bao nhiêu người mũ trắng giáp trắng tấp nập khiêng rương hòm ra, khiêng đồ đạc ra, cái giường Hồng Kông của mợ Tú cũng khiêng ra nữa, có điều không được rõ ràng cho lắm. Hắn còn muốn tiễn lên nữa, ngặt hai cái chân lại không nhích nổi.

Đêm ấy không có trăng, làng Mùi ở trong tối tăm rất lặng lẽ, lặng lẽ như cảnh tượng thái bình đời Hy Hoàng. A Q. đứng mà nhìn cho đến khi chính mình phát chán, cũng vẫn cứ một mực như trước, ở đó chúng đi đi lại lại khuân vác, khiêng rương hòm ra, khiêng đồ đạc ra, cái giường Hồng Kông của mợ Tú cũng khiêng ra nữa, khiêng đến nỗi làm hắn hoa mắt lên. Nhưng hắn quyết định không tiến tới nữa, đi trở về đến trong đền mình ở.

Trong đền Thổ Cốc lại càng tối đen; hắn đóng chặt cửa ngoài, mò vào trong, cái nhà của mình. Hắn ngả lưng xuống một chốc, mới thấy tỉnh người ra, suy nghĩ về việc chính mình: à ra bọn người mũ trắng giáp trắng rõ ràng đã đến, thế mà chẳng thèm kêu gọi, chúng khuân đi bao nhiêu đồ vật, lại cũng không có phần mình - ấy đều bởi cái Thằng Tây giả khả ố kia nó không cho phép mình làm giặc, nếu không thì lần này lẽ nào lại không có phần mình? A Q. càng nghĩ càng tức, cuối cùng không cầm được nổi phẫn uất ngập lòng, gật gật cái đầu một cách cay độc: "Không cho phép tao làm giặc, chỉ để mầy làm giặc thôi à? Mẹ kiếp cái thằng Tây giả, - được! Mầy cứ làm giặc đi! Làm giặc là tội chết chém. Tao cứ tố giá một cái là mầy bị tóm lên huyện đem đi chặt đầu, - cả nhà chết chém, - sật! sật!"

   




Chú thích

  1. Chuyện anh lái đò Bảy Cân bị cắt bín đã có nói ở truyện Sóng gió. Cũng như chuyện ăn bánh bao thấm máu người nói ở Nhật ký người điên thì cũng có nói ở truyện Dược (truyện này chưa dịch). Xem đó thấy tiểu thuyết Lỗ Tấn không phải hoàn toàn do tưởng tượng viết ra mà có một số lấy ở sự thực xã hội, cho nên nói có trùng nhau như thế.
  2. Đảng "Tự do" mà người nhà quê nói lầm ra đảng "thị dụ", thành ra là đảng "đầu hột thị".
  3. Bên Trung Quốc người ta thường có treo bức tranh vẽ một hình người xỏa tóc bồm xồm, gọi là tranh Lưu Hải Tiên. Đời xưa, thời Ngũ Đại, có người tên là Lưu Hải Thiềm bỏ quan đi tu tiên, tục truyền người ấy về sau thành tiên. Không biết Lưu Hải Tiên có phải tức là Lưu Hải Thiềm không đợi tra lại.