Bài ký sự Chơi núi Bao Thiền

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Bước tới điều hướng Bước tới tìm kiếm
Bài ký sự Chơi núi Bao Thiền
của Vương An Thạch, do Phan Kế Bính dịch

Núi Bao-thiền hoặc gọi là núi Hoa-sơn. Đời nhà Đường có nhà sư tên là Tuệ-Bao mới đến làm nhà ở đó, mất cũng chôn tại đó, về sau nhân thế gọi là Bao-thiền. Nay gọi là nhà chùa Tuệ-Không, tức là nhà của Bao ở vậy.

Cách phía đông nhà ấy 5 dặm có động gọi là động Hoa-sơn, vì ở phía nam núi Hoa-sơn, cho nên đặt tên ấy. Cách động hơn 100 bước có cái bia đổ bên vệ đường, chữ đã mòn nát, chỉ có nhận được mấy chữ « Hoa-sơn », nay đổi chữ « hoa » đơn làm chữ « hoa » kép là lầm đó. Dưới chỗ bia đó là đất phẳng phiu rộng rãi, có suối chẩy ra, nhiều người đến chơi tại đó, tức là tiền động vậy.

Từ núi trở lên phía trên 5, 6 dặm có hang sâu thẳm, vào trong hang lạnh lắm. Hỏi bề sâu thì những người hay đi chơi cũng không biết đến đâu là cùng, đấy gọi là Hậu-động, ta cùng với bốn người, đốt đuốc đi vào, vào càng sâu thì đi càng khó, mà sự trông thấy càng lạ, có người nản muốn trở ra, nói rằng: nếu không ra thì hết đuốc, vì thế phải trở ra cả. Ta đến đấy, sánh với người hay chơi, mười phần chưa được một phần, song nhìn xem hai bên kẻ đến chơi mà ghi ở đó đã ít rồi, vì càng sâu bao nhiêu thì người đến lại càng ít vậy. Khi đó sức ta còn có thể đi được, lửa cũng còn sáng, lại theo người đi ra, ta hối vì theo người ra mà không được thỏa hết cuộc vui vậy.

Ta vì thế mà thổn thức thay! Người đời xưa xem trời đất, sông núi, cỏ cây, chim cá, sâu bọ, thường thường ý hội được là vì tìm kiếm nghĩ ngợi nhiều mà ở đâu cũng có vậy.

Ôi, chỗ phẳng phiu mà gần thì kẻ đến chơi nhiều, nơi hiểm trở mà xa thì người đến chơi ít. Mà những sự lạ lùng kỳ quái thì lại thường ở chỗ hiểm xa, người ta ít đến, cho nên phi có chí thì không đến được; có chí, không theo ai sinh nản, song không đủ sức cũng không đến được; có chí, có sức, không sinh nản, đến chỗ tối tăm mờ mịt, mà không có vật gì giúp cho mình cũng không đến được. Có sức đến được mà không đến thì ở người đáng chê mà ở ta thì nên hối; hết cái chí của ta mà không sao đến được, bấy giờ mới không hối gì, mà ai còn chê nữa, đó là điều của ta được thỏa vậy.

Ta ở chỗ bia đổ, lại thương cho sách đời xưa không còn người đời xưa truyền lại, thế thì những điều sai lầm, kể sao cho xiết, người học giả nên nghĩ kỹ mà giữ cho cẩn mới được.

 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:

Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.

 
Bản dịch:

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng tại các quốc gia có thời hạn bảo hộ bản quyền là cuộc đời tác giả và 80 năm sau khi tác giả mất hoặc ngắn hơn.


Tác phẩm không chắc chắn đã thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ nếu nó được phát hành từ năm 1929 đến 1977. Để có phiên bản dùng được cho Hoa Kỳ, xem {{PVCC-1996}}.