Bài tựa tập thơ Mai Thánh Du
Ta nghe trong đời nói rằng: « nhà làm thơ ít người đạt mà nhiều người cùng ». Ôi có lẽ thế vậy? Đó bởi vì những thơ truyền ở đời, phần nhiều là lời của người cùng đời xưa vậy.
Phàm người học thức, có điều uẩn-súc ở trong bụng, mà không được thi thố ra đời, thi hay phóng túng ở cảnh sơn thủy; trông thấy những hình trạng cây cối mưa gió cùng là giống chim cá sâu bọ, thường hay tỉ mỉ dò xét đến sự quái lạ; mà trong bụng thì chứa những tình buồn bã lo sầu, vậy mới phát ra giọng oán hận để tả những giọng than vãn của người đàn bà góa cùng là người bày tôi bơ vơ, mà nói những tình khó nói của người ta. Bởi thế càng cùng thì thơ càng hay, đó không phải là thơ làm cho người phải cùng, vì có cùng rồi thơ mới hay vậy.
Bạn ta là Mai-thánh-Du, thủa nhỏ do chân ấm sinh bổ chức lại, nhiều phen ứng cử khoa tiến-sĩ mà bị quan tràng đánh hỏng, cùng khốn ở chức châu huyện hơn 10 năm. Năm nay 50 tuổi, còn phải làm mạc-tân cho người. Chí khí trong mình, không được tỏ ra sự nghiệp. Nhà ở Uyển-lăng, thủa nhỏ đã tập làm thơ, đã có câu làm cho người già phải kinh hãi. Khi lớn, học đến lời nhân-nghĩa trong lục kinh, làm ra văn-chương, giản lược chín chắn, không cần lấy vui tạm cho đời. Người trong đời, chỉ biết có thơ mà thôi, song nói đến thơ thì không cứ kẻ ngu người hèn, ai cũng phải cầu đến Thánh-Du. Thanh-Du cũng vì nỗi bất-đắc-chí mà vui về sự làm thơ, để giãi cái lòng mình, cho nên bình sinh, làm thơ lại nhiều lắm. Trong đời đã biết rồi mà chưa ai tiến lên người trên. Ông Văn-khang-Công trông thấy thơ, thường than rằng: « Hai trăm năm nay không có văn nào bằng văn này! » Tuy nhiên biết cho thế mà vẫn không tiến cử lên được. Nếu khiến may mà đắc dụng với triều-đình, mà ra nhã tụng, để ca vịnh công đức của nhà Đại-Tống, tiến lên Thanh-Miếu, mà theo với ca tụng nhà Thương nhà Châu, há chẳng hay lắm rư? Nài sao để cho già vẫn bất-đắc-chí, mà làm thơ của một người cùng chỉ thấy những giọng thở than buồn rầu vì giống chim cá sâu bọ. Trong đời chỉ mừng về thơ hay, không biết rằng cùng mãi thì đến già, chẳng tiếc lắm thay!
Thơ của Thánh-Du đã nhiều, không chịu thu nhặt, con nhà anh vợ là Tạ-cảnh-Sơ, sợ rằng nhiều thì dễ tản mát, bèn thu nhặt những bài làm từ khi ở Lạc-dương đến khi ở Ngô-hưng, chia làm 10 quyển. Ta thích xem thơ Thánh-Du, vẫn lo không được hết mà xem, nay được xem thì ta mừng lắm, mừng vì họ Tạ biết chia thứ tự vậy, bèn làm bài tựa mà cất đi. Sau 15 năm, Thánh-Du bị bịnh mất ở Kinh-sư, ta đến viếng tang, được di-kiểu có hơn 1.000 bài nữa, ta đem hợp với thơ trước, chọn lấy các bài hay được 677 bài chia làm 15 quyển. Than ôi, ta với thơ Thánh-Du, nói đã tường rồi, cho nên không nói nữa.
Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.
Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng tại các quốc gia có thời hạn bảo hộ bản quyền là cuộc đời tác giả và 80 năm sau khi tác giả mất hoặc ngắn hơn.
Tác phẩm không chắc chắn đã thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ nếu nó được phát hành từ năm 1929 đến 1977. Để có phiên bản dùng được cho Hoa Kỳ, xem {{PVCC-1996}}.