Bước tới nội dung

Báo cáo tình hình buôn người năm 2018

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Báo cáo tình hình buôn người năm 2018  (2018) 
của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam dịch

Báo cáo được công bố ngày 6 tháng 7 năm 2018.

VIỆT NAM: Nhóm thứ 2

Chính phủ Việt Nam chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu về xóa bỏ nạn buôn người; tuy nhiên, đã có những nỗ lực đáng kể để thực hiện việc này. Chính phủ thể hiện cố gắng càng cao so với kỳ báo cáo trước; vì vậy, Việt Nam vẫn giữ được vị trí trong Nhóm thứ 2. Chính phủ thể hiện các nỗ lực cao hơn bằng việc ban hành Bộ luật hình sự sửa đổi, thành lập một lực lượng đặc nhiệm mới để tăng cường thực thi pháp luật ở các khu vực biên giới có nguy cơ cao về buôn người, và bắt đầu đánh giá kết quả thực thi kế hoạch hành động quốc gia. Mặc dù vậy, chính phủ không đáp ứng được các tiêu chuẩn tối thiểu trong một số lĩnh vực cơ bản. Chính phủ xác định số lượng nạn nhân ít hơn đáng kể so với năm 2016, và nhà chức trách không tiếp tục giải quyết các vụ án hình sự đang trong quá trình giải quyết do thiếu các văn bản hướng dẫn thi hành chính thức đối với các quy định sửa đổi của Bộ luật hình sự. Các nỗ lực chống nạn buôn người vẫn chưa hiệu quả do thiếu cơ chế phối hợp liên ngành, các cán bộ cấp tỉnh thiếu hiểu biết về pháp luật chống buôn người và các nghiệp vụ xác định nạn nhân, và việc thu thập dữ liệu về buôn người còn chưa phát triển. Mặc dù tiếp tục có báo cáo về việc các cán bộ nhà nước đồng lõa với bọn buôn người, chính phủ không công bố thông tin nào về việc điều tra, truy tố, hoặc kết án các cán bộ nhà nước đồng lõa trong các vụ buôn người.

KHUYẾN NGHỊ CHO VIỆT NAM

Phát triển và đào tạo cán bộ về các văn bản hướng dẫn thi hành Điều 150 và Điều 151 Bộ luật hình sự mới, tập trung vào việc xác định và điều tra các vụ việc cưỡng bức lao động và buôn người trong nước; truy tố nghiêm khắc tất cả các hình thức buôn người và kết án, trừng trị bọn buôn người, đặc biệt trong những vụ án liên quan đến cưỡng bức lao động hoặc có cán bộ nhà nước đồng lõa; tiếp tục tăng cường giám sát các công ty tuyển dụng lao động và thực thi các quy định cấm thu phí tuyển dụng; thực thi các chính sách xác địnhxác định và trợ giúp các nạn nhân trong số các nhóm dễ bị tổn thương, chẳng hạn như người lao động di trú, những người hành nghề mại dâm, lao động trẻ em, và đào tạo cán bộ có liên quan về các nghiệp vụ này; sửa đổi Bộ luật hình sự để tội phạm hóa tất cả các hành vi buôn bán nô lệ tình dục trẻ em phù hợp với pháp luật quốc tế; tăng cường hợp tác liên ngành nhằm thực thi có hiệu quả kế hoạch hành động quốc gia về chống buôn người, trong đó làm rõ vai trò của các cơ quan chính quyền trung ương và cấp tỉnh, tích hợp toàn bộ dữ liệu về buôn người vào các hoạt động thực thi pháp luật, bố trí đầy đủ nguồn lực cho kế hoạch hành động quốc gia; xây dựng các chương trình giảm kỳ thị và thúc đẩy tái hòa nhập cho các nạn nhân buôn người trở về; tham vấn xã hội dân sự, xây dựng các chiến dịch nâng cao nhận thức xã hội phù hợp với mức độ nguy cơ xảy ra nạn buôn người ở từng khu vực địa lý và trong từng ngành và đánh giá các chương trình này để đảm bảo đem lại lợi ích tối đa cho các cộng đồng có nguy cơ cao; cho phép tiến hành xác nhận độc lập rằng người sử dụng ma túy ở Việt Nam không còn bị cưỡng bức lao động trong các trung tâm cai nghiện của nhà nước; mở rộng đào tạo cho các viên chức lãnh sự về quyền của người lao động và các tiêu chuẩn lao động quốc tế.

HOẠT ĐỘNG TRUY TỐ

Chính phủ tăng cường các nỗ lực thực thi pháp luật. Tháng 1 năm 2018, Bộ luật hình sự sửa đổi có hiệu lực, tội phạm hóa tất cả các hình thức buôn bán người lao động và hầu hết các hình thức buôn người vì mục đích tình dục. Điều 150 tội phạm hóa hành vi buôn bán người lao động và buôn người vì mục đích tình dục đối với nạn nhân là người đã thành niên và quy định hình phạt tù từ 5 đến 10 năm và phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu đồng Việt Nam (VNĐ) ($880 đến $4.400). Điều 151 tội phạm hóa hành vi buôn bán người lao động và buôn người vì mục đích tình dục đối với nạn nhân là trẻ em dưới 16 tuổi và quy định hình phạt tù từ 7 đến 12 năm và phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu VNĐ ($2.200 đến $8.810). Các hình phạt này đủ mức độ nghiêm khắc và tương xứng với các hình phạt quy định cho các tội phạm nghiêm trọng khác như tội hiếp dâm. Điều 150 không thống nhất với pháp luật quốc tế khi yêu cầu phải có thủ đoạn ép buộc, lừa gạt, hoặc cưỡng bức thì mới cấu thành hành vi buôn người vì mục đích tình dục đối với trẻ em từ 16 tuổi đến 17 tuổi; do đó, quy định này không tội phạm hóa tất cả các hình thức buôn bán trẻ em vì mục đích tình dục. Bộ Tư pháp đã có báo cáo về việc phổ biến các văn bản pháp luật cập nhật về Điều 150 và Điều 151 và đào tạo thẩm phán trong cả nước về việc áp dụng các điều khoản này. Tuy nhiên, chính phủ chưa ban hành các thông tư hướng dẫn thi hành chính thức đối với các quy định sửa đổi; các kiểm sát viên viện lý do thiếu hướng dẫn nên đã không hoàn tất việc truy tố 8 vụ án về buôn người được khởi tố đối với 14 bị can bị tình nghi là buôn bán người theo các quy định khác nhau trong Bộ luật hình sự. Đây là năm thứ sáu liên tiếp chính phủ không truy tố bất kỳ một kẻ buôn người nào theo các quy định về buôn bán người lao động trong Luật phòng chống mua bán người năm 2012. Nhà chức trách tiếp tục phát triển cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia về buôn người trong năm thứ tư, nhưng không có tiến bộ đáng kể trong việc tích hợp cơ sở dữ liệu này với các hoạt động thực thi pháp luật hoặc với quy trình tố tụng tư pháp. Các cơ quan nhà nước tiếp tục báo cáo về tình trạng dữ liệu có sự chênh lệch, chồng chéo, hoặc không đầy đủ về thực thi luật chống buôn người và xác định nạn nhân, và nhà chức trách thường không tách bạch các vụ buôn người với các vụ đưa người di cư trái phép. Theo Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng Việt Nam (thuộc Bộ Quốc phòng) và các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài – thường hợp tác với đối tác nước ngoài – đã xác định 350 vụ buôn người, bắt hơn 400 đối tượng bị cáo buộc là buôn bán người (con số tương ứng năm 2016 là 234 vụ và 308 người bị cáo buộc). Viện kiểm sát nhân dân các cấp báo cáo đã truy tố 245 bị can về tội mua bán người (con số này năm 2016 là 295 bị can) và hệ thống tòa án đã kết án 244 bị cáo (con số này năm 2016 là 244 bị cáo); tuyên án từ dưới 3 năm tù đến 30 năm tù. Trong kỳ báo cáo, chính phủ đã ký kết các thỏa thuận chống buôn người song phương với Australia và tiếp tục đàm phán các thỏa thuận tương tự với Malaysia và Vương quốc Anh.

Tình trạng thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan cấp tỉnh, ngân sách thường xuyên eo hẹp, nhận thức yếu kém của các cán bộ địa phương về luật chống buôn người, và sự hiểu biết không rõ về vai trò, trách nhiệm của các tỉnh trong kế hoạch hành động quốc gia tiếp tục cản trở các nỗ lực thực thi pháp luật hiệu quả. Các quan sát viên lưu ý rằng nhà chức trách thường truy tố hành vi buôn người trong nước theo các điều khoản về tội kinh doanh trái phép, tội bắt cóc, hoặc tội giam giữ người trái pháp luật, trong khi tất cả các tội phạm này có hình phạt nhẹ hơn. Chính quyền cấp tỉnh thường không thực hiện cơ chế phối hợp và các hoạt động giống như chính quyền trung ương theo kế hoạch hành động quốc gia, và không có cơ chế nào cho Bộ Công an – cơ quan chủ trì các nỗ lực chống buôn người liên ngành – để chuyển giao ngân sách cần thiết cho các cơ quan nhà nước khác thực hiện các hoạt động chống buôn người. Ngành công an tiếp tục lồng ghép nội dung chống buôn người vào chương trình đào tạo các cán bộ mới được tuyển dụng, và Bộ Công an đã tổ chức đào tạo cho công an địa phương ở một số thành phố. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng đã thành lập lực lượng đặc nhiệm về chống buôn người và tiến hành điều tra ở các khu vực biên giới được biết đến là có nguy cơ cao về buôn người, nhưng không có số liệu thống kê về số lượng các vụ điều tra hoặc truy tố xuất phát từ nỗ lực trên. Một số cán bộ đồng lõa, chủ yếu ở cấp xã và thôn, nhận hối lộ từ bọn buôn người, bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo buôn người, và moi tiền để đổi lấy việc đưa nạn nhân đoàn tụ với gia đình họ. Mặc dù có xu hướng trên, Chính phủ không công bố thông tin về điều tra, truy tố, kết án cán bộ đồng lõa trong các vụ phạm tội buôn người.

BẢO VỆ NẠN NHÂN

Chính phủ đã giảm bớt các nỗ lực trong việc bảo vệ nạn nhân. Năm 2017, các nhà chức trách công bố đã xác định 670 nạn nhân buôn người—tức là con số có giảm xuống so với 1.128 người trong năm 2016—nhưng không thống kê cụ thể theo hình thức buôn người, tuổi hoặc giới tính của nạn nhân, quốc gia nguồn hoặc quốc gia đích của việc buôn người. Theo thông tin không chính thức, các cán bộ Bộ Công an ước tính rằng đại đa số các vụ việc được phát hiện đều liên quan đến buôn người xuyên quốc gia. Chính phủ vẫn áp dụng các tiêu chí xác định nạn nhân phổ biến theo Sáng kiến phối hợp cấp bộ trưởng về chống buôn người tiểu vùng sông Mê kông (COMMIT) và vẫn duy trì quy trình chính thức để xác định nạn nhân, nhưng không sử dụng nó một cách chủ động hoặc rộng rãi để xác định nạn nhân trong số các nhóm dễ bị tổn thương, chẳng hạn như phụ nữ bị bắt vì hành nghề mại dâm, người lao động di trú từ nước ngoài trở về và lao động trẻ em. Chính phủ cũng không chuyển nạn nhân đến các cơ sở bảo vệ nạn nhân một cách có hệ thống do quy trình chuyển nạn nhân còn khiếm khuyết, ví dụ một số cán bộ biên phòng chưa quen thuộc với tội phạm buôn người, thiếu sự hợp tác giữa các vùng, các quy trình thu thập dữ liệu chưa đầy đủ. Quan sát viên của các tổ chức phi chính phủ báo cáo rằng các cán bộ nhà nước ở vùng đồng bằng sông Mê kông cố ý phớt lờ các dấu hiệu cảnh báo về buôn người hoặc tránh chính thức xác định nạn nhân nhằm làm hạ thấp mức độ phổ biến của tội phạm này vì các lý do chính trị, dẫn đến việc có ít nạn nhân được chuyển đến các cơ sở bảo vệ nạn nhân hơn. Trong năm 2017, chính quyền trung ương không phân bổ kinh phí đầy đủ cho việc bảo vệ nạn nhân và bắt đầu khuyến khích chính quyền cấp tỉnh sử dụng ngân sách riêng của tỉnh cho các chương trình chống buôn người nhằm tiếp tục phân cấp trách nhiệm này cho địa phương. Chính phủ không công bố kết quả điều tra toàn quốc do chính phủ cấp kinh phí và thực hiện năm 2016 về thực trạng trở về và tái hòa nhập của nạn nhân. Các nạn nhân là người nước ngoài, trong đó có trẻ em, vẫn có nguy cơ bị trục xuất cao mà không được sàng lọc hoặc chuyển đến các cơ sở bảo vệ nạn nhân. Một số cán bộ nhà nước tiếp tục nhầm lẫn hành vi buôn người với hành vi tổ chức đưa người vượt biên trái phép, dẫn đến cản trở việc xác định các nạn nhân là người tự nguyện di cư ra nước ngoài.

Năm 2017, chính phủ công bố đã hỗ trợ khoảng 500 nạn nhân – giảm so với con số này năm 2016 là 600 người – về phương diện tư vấn tâm lý, tư vấn chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ pháp lý và tài chính; chính phủ công bố đã hỗ trợ đào tạo nghề, cơ hội việc làm, cấp tín dụng với lãi suất thấp hơn cho các nạn nhân với số lượng không được thống kê cụ thể. Không có cơ sở tạm lánh dành riêng cho nạn nhân là nam giới hoặc trẻ em, mặc dù các cơ sở hiện tại cung cấp sự trợ giúp cho tất cả các nạn nhân khi cần thiết. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ, TB và XH) vẫn dành 2 phòng trong một cơ sở tạm lánh của nhà nước cho các nạn nhân buôn người được đưa qua thành phố Hồ Chí Minh, họ có thể ở đây tối đa 2 tháng. Bộ LĐ, TB và XH và Hội liên hiệp phụ nữ thường chuyển nạn nhân đến các tổ chức phi chính phủ tùy theo nhu cầu cá nhân của họ. Bộ LĐ, TB và XH vận hành đường dây nóng hoạt động 24/24 giờ dành cho nạn nhân buôn người; nhà chức trách công bố đã nhận được khoảng 2.700 cuộc gọi đến đường dây nóng này – hơn một nửa số cuộc gọi là của trẻ em – và đã chuyển 64 vụ việc cho các tổ chức phi chính phủ. Bộ LĐ, TB và XH tiếp tục vận hành 400 trung tâm bảo trợ xã hội thông qua chính quyền địa phương, cung cấp dịch vụ cho các nhóm dễ bị tổn thương, trong đó có nạn nhân buôn người; các trung tâm này được bố trí nhân viên và nguồn lực không đồng đều và thiếu nhân lực được đào tạo thích hợp để trợ giúp nạn nhân. Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam hợp tác với các tổ chức phi chính phủ và với nguồn tài trợ của nước ngoài đã tiếp tục vận hành ba cơ sở tạm lánh ở các thành phố đô thị, trong đó một cơ sở dành riêng cho nạn nhân buôn người. Hội liên hiệp phụ nữ công bố đã trợ giúp 14 nạn nhân trong năm 2017 và giúp hồi hương 35 phụ nữ và trẻ em Việt Nam bị bán ra nước ngoài. Một tổ chức phi chính phủ cộng tác với bộ đội biên phòng và cán bộ công tác xã hội để cung cấp hỗ trợ ban đầu cho hơn 100 người được hồi hương. Một tổ chức quốc tế báo cáo rằng đã hỗ trợ cho 11 nạn nhân trở về và tái hòa nhập, trong đó có 10 ngư dân Việt Nam trước đây từng bị cưỡng bức lao động và một nạn nhân buôn người vì mục đích tình dục. Tuy nhiên, do hồ sơ được lưu trữ không đầy đủ, không rõ có bao nhiêu nạn nhân được xác định đã hưởng lợi từ các dịch vụ bảo vệ nạn nhân của chính phủ hoặc các tổ chức phi chính phủ. Các tổ chức chính phủ báo cáo rằng các dịch vụ tâm lý – xã hội cho nạn nhân vẫn chưa phát triển và các cán bộ chính quyền cấp tỉnh tập trung quá nhiều vào việc giảm nghèo thay vì phải tăng cường các dịch vụ cần thiết và mang tính cấp bách hơn cho nạn nhân. Các nhà chức trách không công bố bao nhiêu nạn nhân đã được chính phủ trợ cấp tiền mặt để mua lương thực thực phẩm, quần áo và các nhu cầu thiết yếu khác.

Chính phủ vẫn duy trì các tùy viên lao động tại các cơ quan ngoại giao ở những nước có số lượng lớn người lao động di trú Việt Nam theo hồ sơ. Các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài này có thể cung cấp nhu yếu phẩm, dịch vụ vận chuyển và chăm sóc y tế cho công dân Việt Nam là nạn nhân của buôn người ra nước ngoài. Chính phủ công bố đã cho hồi hương 138 nạn nhân Việt Nam được phát hiện ở Trung Quốc và ba nạn nhân đến từ Campuchia, và đã cung cấp các hình thức trợ giúp khác cho 5 nạn nhân Việt Nam được phát hiện ở Thái Lan và một nạn nhân ở Pháp. Tuy nhiên, một số viên chức ngoại giao không được đào tạo đầy đủ để hỗ trợ nạn nhân một cách thích hợp, và các tổ chức phi chính phủ báo cáo rằng một số cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài đã không đáp lại các nỗ lực của nước ngoài trong việc kết nối các cơ quan này với nạn nhân Việt Nam—đặc biệt là ở Malaysia. Chính phủ khuyến khích các nạn nhân buôn người hỗ trợ trong các quy trình tố tụng tư pháp chống lại bọn buôn người và có một số biện pháp bảo vệ và đền bù cho họ; tuy nhiên, chưa xác định được mức độ áp dụng các biện pháp này. Pháp luật Việt Nam bảo vệ các nạn nhân không bị truy tố về những hành vi đã thực hiện do hậu quả của việc bị trở thành nạn nhân buôn người; tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ báo cáo rằng các nạn nhân thường ít có khả năng khai báo về việc họ bị lạm dụng trong quy trình tố tụng tư pháp do lo sợ rằng họ có thể bị bắt hoặc bị trục xuất. Sự kỳ thị xã hội ở địa phương do họ là nạn nhân, nỗi lo sợ bị trả thù ở cộng đồng địa phương họ càng khiến cho các nạn nhân ngần ngại trong việc tìm đến hoặc hưởng lợi từ các dịch vụ bảo vệ nạn nhân. Theo một tổ chức quốc tế, chính phủ đã cho hồi hương khoảng 20 nạn nhân là phụ nữ người Campuchia và Indonesia với sự trợ giúp của các đại sứ quán nước họ; nhưng không rõ các nạn nhân này đã được xác định như thế nào hoặc chính phủ có cung cấp các hình thức hỗ trợ khác trước khi họ trở về nước hay không. Chính phủ không cho các nạn nhân nước ngoài các lựa chọn pháp lý thay thế cho việc rời khỏi nước mà họ phải đối mặt với sự trả thù hay khó khăn.

PHÒNG NGỪA

Chính phủ vẫn duy trì các nỗ lực phòng ngừa tình trạng buôn người. Trong kỳ báo cáo này, chính phủ tiếp tục thực thi giai đoạn 3 Kế hoạch hành động quốc gia về chống buôn người 2016-2020 để giải quyết tình trạng lao động cưỡng bức, cải thiện các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân và thực thi các điều khoản sửa đổi của luật chống buôn người. Chính phủ cũng bắt đầu triển khai đánh giá 5 năm thực hiện các tiêu chuẩn thực thi Kế hoạch hành động quốc gia. Tuy nhiên, chính phủ chưa phân bổ đầy đủ kinh phí để thực hiện Kế hoạch này cho năm thứ ba; việc chưa ban hành các văn bản hướng dẫn các quy định mới của Bộ luật hình sự và thiếu cơ chế hợp tác giữa các bộ đã cản trở việc thực thi hiệu quả Kế hoạch. Chính phủ không hoàn thành được một số hoạt động trong Kế hoạch hành động quốc gia do không có các thông tư hướng dẫn thi hành. Chính phủ đã tổ chức các cuộc hội thảo và đối thoại cộng đồng về tình trạng dễ bị trở thành nạn nhân của buôn người lao động, tập trung vào các khu vực có nhiều lao động nông nghiệp, xây dựng và hợp đồng xuất khẩu lao động—đặc biệt là phụ nữ. Các hoạt động nâng cao nhận thức của công chúng bao gồm quảng cáo, các hoạt động tuyên truyền trong trường học ở những khu vực dễ bị tổn thương và phát sóng các chiến dịch truyền thông. Các quan sát viên lưu ý rằng nhiều cộng đồng có nguy cơ cao gặp khó khăn trong việc tiếp cận với nội dung các chiến dịch nâng cao nhận thức này, điều đó cho thấy cần thiết phải địa phương hóa hơn nữa hoạt động truyền thông. Trong kỳ báo cáo này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo báo đài của nhà nước phát sóng trên 1.000 phim tài liệu và chương trình tin tức để nâng cao nhận thức của công chúng về tình trạng buôn người.

Năm 2017, Chính phủ Việt Nam ký Biên bản ghi nhớ với Chính phủ Nhật Bản để tăng cường bảo vệ công dân Việt Nam tham gia Chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ thuật của Nhật Bản (TITP). Các tổ chức phi chính phủ báo cáo rằng biểu phí và đặt cọc trước khi đi xuất khẩu lao động đối với người lao động di trú của Việt Nam dao động từ 6.5 triệu đến 65 triệu đồng ($290 đến $2.860), biểu phí này đã làm tăng khả năng bị bắt làm việc trừ nợ của người lao động ở nước ngoài, nhất là trong khuôn khổ chương trình TITP ở Nhật Bản. Chính phủ tiếp tục có các nỗ lực trong việc giảm cầu đối với hành vi tình dục thương mại, trong đó có việc tiếp tục thực hiện Chương trình phòng chống mại dâm (2016-2020). Chương trình này nhằm mục tiêu giảm nhu cầu mua dâm thông qua các chiến dịch giáo dục nhắm vào người mua dâmvà các cơ hội tạo thu nhập cho người hành nghề mại dâm. Chính phủ yêu cầu đào tạo về chống buôn người cho các viên chức ngành ngoại giao trước khi họ đi nhận nhiệm vụ ở nước ngoài.

THỰC TRẠNG BUÔN NGƯỜI Ở VIỆT NAM

Như đã báo cáo trong 5 năm qua, Việt Nam là quốc gia nguồn và, trong chừng mực ít hơn, là quốc gia đích của đàn ông, phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của buôn bán nô lệ tình dục và cưỡng bức lao động. Đàn ông và phụ nữ Việt Nam di cư ra nước ngoài để lao động tự do hoặc thông qua các công ty tuyển dụng lao động của nhà nước, tư nhân hoặc cổ phần. Một số công ty tuyển dụng không đáp lại các yêu cầu trợ giúp của người lao động trong những trường hợp họ bị bóc lột, và một số công ty thu phí quá cao khiến cho người lao động dễ bị rơi vào tình trạng buộc phải lao động trừ nợ. Một số nạn nhân là đối tượng của cưỡng bức lao động trong các ngành xây dựng, ngư nghiệp, nông nghiệp, khai thác mỏ, khai thác gỗ và công nghiệp chế tạo, chủ yếu ở Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, Lào, Angola, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và Nhật Bản; ngày càng có nhiều báo cáo về nạn nhân buôn người là người lao động Việt Nam ở Vương quốc Anh và Ailen (trong đó có người lao động ở các trang trại trồng cần sa), châu Âu lục địa, Trung Đông, và trong các ngành công nghiệp hàng hải Thái Bình Dương. Phụ nữ và trẻ em Việt Nam là nạn nhân của tình trạng buôn bán nô lệ tình dục ra nước ngoài; nhiều người bị lừa gạt về các cơ hội lao động và sau đó bị bán cho các nhà thổ ở vùng biên giới Trung Quốc, Campuchia, và Lào, và các nước châu Á khác, trong đó có Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore. Một số phụ nữ Việt Nam ra nước ngoài để kết hôn theo môi giới quốc tế hoặc để làm việc trong các nhà hàng, cơ sở mát-xa, quán bar karaoke—ở các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Ả rập Xê út, Singapore, và Đài Loan—trở thành nô lệ giúp việc gia đình hoặc bị ép buộc làm gái mại dâm. Sự kỳ thị xã hội gay gắt đối với hoạt động mại dâm, đặc biệt ở khu vực nông thôn Việt Nam, càng gây khó khăn phức tạp cho việc cung cấp các dịch vụ bảo vệ đối với phụ nữ là nạn nhân bị bóc lột tình dục và khiến cho họ có nguy cơ tái phạm cao hơn. Quảng cáo sai sự thật, buộc làm việc trừ nợ, thu hộ chiếu, đe dọa trục xuất là các thủ đoạn được sử dụng phổ biến để buộc nạn nhân Việt Nam trở thành nô dịch. Bọn buôn người ngày càng gia tăng sử dụng internet, các trang web chơi game và đặc biệt là mạng xã hội để nhử các nạn nhân tiềm tàng vào những tình huống dễ bị tổn thương; đàn ông thường dụ dỗ phụ nữ trẻ và trẻ em gái vào các mối quan hệ hẹn hò trên mạng và thuyết phục họ ra nước ngoài, sau đó biến họ thành nạn nhân của cưỡng bức lao động hoặc nô lệ tình dục. Một số kẻ buôn người đăng hình ảnh của mình giống như cảnh sát trên mạng xã hội để chiếm được lòng tin của nạn nhân. Các mạng lưới tội phạm có tổ chức ở Việt Nam tuyển người dưới chiêu bài đưa ra các cơ hội việc làm hấp dẫn và vận chuyển người Việt Nam, bao gồm cả người lớn và trẻ em, tới châu Âu—đặc biệt là Vương quốc Anh—và biến họ thành nạn nhân bị cưỡng bức lao động ở các trang trại trồng cần sa.

Ở trong nước, đàn ông, phụ nữ và trẻ em Việt Nam—đặc biệt là trẻ em lang thang và trẻ em khuyết tật—là nạn nhân của cưỡng bức lao động, mặc dù có rất ít thông tin về các vụ việc này. Người đã thành niên cũng bị trở thành nạn nhân buôn người vì mục đích lấy tạng. Trẻ em bị buộc phải hành nghề bán rong và ăn xin trên đường phố ở các trung tâm đô thị lớn của Việt Nam. Một số trẻ em là nạn nhân của cưỡng bức lao động và lao động để trừ nợ trong các cơ sở may mặc và nhà máy gạch không chính thức hoặc trong các gia đình ở đô thị và các mỏ vàng ở nông thôn do tư nhân khai thác. Nhiều trẻ em đến từ các vùng nông thôn nghèo và một số lượng ngày càng tăng đến từ tầng lớp trung lưu và khu vực đô thị trở thành nạn nhân của buôn bán nô lệ tình dục. Trẻ em gái thuộc các cộng đồng người dân tộc thiểu số ở Tây Bắc ngày càng trở thành nạn nhân của cưỡng bức lao động, bao gồm nô lệ tình dục và nô lệ giúp việc gia đình, do bọn buôn người lợi dụng tập quán bắt cóc cô dâu truyền thống để thực hiện hoạt động tội phạm của chúng. Khách du lịch tình dục trẻ em, theo báo cáo đến từ châu Á, Vương quốc Anh và các nước khác ở châu Âu, Australia, Canada và Hoa Kỳ, bóc lột trẻ em ở Việt Nam. Một điều luật năm 2014 yêu cầu phải có trình tự tố tụng tư pháp trước khi tạm giữ người sử dụng ma túy trong các trung tâm cai nghiện bắt buộc và người bị tạm giữ chỉ phải làm việc tối đa bốn giờ một ngày. Mặc dù chính phủ công bố rằng người sử dụng ma túy không còn bị cưỡng bức lao động trong các trung tâm cai nghiện, nhưng không có sự xác nhận độc lập nào về vấn đề này, và các tổ chức quốc tế và giới truyền thông báo cáo rằng nhà chức trách vẫn tiếp tục duy trì tình trạng cưỡng bức lao động nói trên. Các cán bộ nhà nước Việt Nam, chủ yếu ở cấp xã và thôn, đồng lõa và giúp sức cho việc buôn bán hoặc bóc lột nạn nhân bằng cách nhận hối lộ của bọn buôn người, bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo buôn người, và moi tiền để đổi lấy việc nạn nhân được đoàn tụ với gia đình.

 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:
Bản dịch: