Bình Ngô đại cáo (Trần Trọng Kim lược dịch)

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Bước tới điều hướng Bước tới tìm kiếm
Xem tác phẩm có tựa đề tương tự tại Bình Ngô đại cáo.
Bình Ngô đại cáo  (1916) 
của Nguyễn Trãi, do Trần Trọng Kim dịch

Bản lược dịch của Trần Trọng Kim trong sách Sơ học An Nam sử lược, Phổ thông giáo khoa thư xã, Sài Gòn, in lần đầu năm 1916, quyển 2, trang 173; in lại trong Quốc văn trích diễm của Dương Quảng Hàm.

Việc nhân nghĩa cốt nhất ở yên dân, quân điếu phạt[1] không gì bằng trừ bạo.

Nước Đại-Việt ta, thật là một nước văn-hiến; kể từ Triệu, Đinh, Lý, Trần, mấy đời gây dựng ra nước; so với Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi đằng làm đế một phương.

Mới rồi chỉ vì họ Hồ cơ cầu, đến nỗi lòng người ta oán. Nhà Minh nhân dịp hở, thừa thế hại dân; lũ ác rắp mưu gian, đem lòng bán nước. Kiếm cách lừa dối thiên-hạ, kể nghìn muôn lối gớm ghê; gẫm từ gây việc binh-đao, đã hai mươi năm tai vạ. Nhân nghĩa vứt đi hết, thế-giới thế thì thôi! Thuế má vét cho nhiều, núi sông chẳng còn gì cả! Thần-nhân đều lấy làm giận, trời đất cũng không thể dung!

Ta đây, phát tích từ núi Lam-sơn, ẩn thân ở chỗ hoang-giã. Đau lòng nát ruột, chốc đà mười mấy năm trời; nuốt đắng nằm gai[2], nào phải một ngày nay đó. Đương khi cờ nghĩa mới nổi, chính lúc thế giặc vẫn hăng. Lương chứa Linh-sơn[3], mấy tuần đã cạn; quân tan Khôi-huyện[4], một đứa chẳng còn. Tụ tập mấy lũ lưu dân, vác cần-câu mà đánh giặc; gắn bó một lòng phụ tử, rót rượu ngọt để khao quân.

Thành ra: vì đại nghĩa mà thắng được hung tàn, lấy chí nhân mà thay cho cường bạo; kẻ kia bó tay mà ngồi chịu chết, quân ta không đánh mà giặc phải tan. Bọn tướng giặc đã bị bắt rồi, van lạy xin thương làm phúc; bụng hiếu-sinh ta cũng mở rộng, thần vũ chẳng giết làm gì. Kìa tham-tướng Phương-Chính, kìa nội-quan Mã-Kỳ[5], cấp cho năm trăm chiếc thuyền, lúc qua sông mà hãy còn mất vía; nọ tổng-binh Vương-Thông, nọ tham-chính Mã-Anh[5], cấp cho mấy nghìn con ngựa, khi về nước mà vẫn còn giật mình. Họ đã sợ chết tham sống mà xin cùng ta giảng hòa; ta lấy toàn quân là hơn mà muốn cùng dân yên nghỉ.

Cho hay:

Ba quân đã đến ngày đại-định, kỷ-niệm công vô-địch về sau;
Bốn bể gây nên cuộc thái-bình, bá-cáo lời duy-tân từ đó!

   




Chú thích

  1. Điếu phạt 弔 伐: thương dân đánh giặc.
  2. Dịch chữ thường đởm ngọa tân 甞 膽 臥 薪. Điển cũ: vua Câu-Tiễn nước Việt, trong khi mưu báo thù nước Ngô, thường nuốt mật đắng, nằm trên đống củi gai để không quên sự lo nghĩ.
  3. Tức là núi Chí-linh, nay thuộc phủ Chấn-định tỉnh Nghệ-an; vua Lê thường đóng quân ở đấy.
  4. Tên đồn, thuộc tỉnh Nghệ-an, là chỗ vua Lê bị quân Minh đánh một trận thua to.
  5. a ă Tên các tướng tá nhà Minh sai sang đánh nước ta.


 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:

Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.

 
Bản dịch:

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)


Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)