Bước tới nội dung

Bức thư ngỏ cùng quan Tổng trưởng Thuộc địa

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Bức thư ngỏ cùng quan Tổng trưởng Thuộc địa  (1931) 
của Dương Bá Trạc

BỨC THƯ

ngỏ cùng

Quan Tổng-Trưởng Thuộc-địa

của

DƯƠNG-BÁ-TRẠC


HANOI
Nhà in Đông - Tây
193, hàng Bông, 193

xuất bản

Novembre 1931

BỨC THƯ
ngỏ cùng
Quan Tổng-trưởng Thuộc-địa

của DƯƠNG-BÁ-TRẠC

Dù trí ngu học thiển, tôi cũng xin lấy cái tư-cách là một tên dân nước Nam, vì cái tình-hình nguy khổ trong xứ chúng tôi hiện thời mà phải đem chân-tình thực-trạng tỏ bày cùng người có quyền thống-trị xứ này tức là người có thể mà cũng có cái chức trách phải lo bổ-cứu lại cái tình-hình nguy-khổ xứ này là quan-lớn.

Quan-lớn là một vị thuộc-địa bộ Tổng-trưởng nước Đại-Pháp, cầm cái vận-mệnh tất cả các xứ thuộc-địa nước Pháp ở trong tay ngài, mà nước Nam chúng tôi có lẽ là một xứ thuộc địa quan trọng nhất của nước Pháp. Nay ngài vâng lệnh Chính-phủ Đại-Pháp sang khảo sát tình hình hiện thời trong xứ chúng tôi, chắc ngài cũng sẵn lòng nghe cho biết cái chân-tình thực-trạng ở xứ này để tìm phương bổ cứu. Vậy tôi không ngại đường-đột, dám đem hết cái nguyên-nhân biến-loạn bộc-bạch ra trước mắt quan-lớn như sau này:

Sự biến-loạn ở trong nước tôi ngày nay, theo ý ngu tôi xem xét thì có mấy cái nguyên nhân chính mà là cái nguyên-nhân xa, cũng có mấy cái nguyên-nhân nhánh mà là nguyên-nhân gần.

Cái nguyên-nhân chính thứ nhất là tại sự học ở xứ này sai lầm quá. Cái mục-đích chính đáng của sự học cốt 1° là đào luyện cho những người thông-minh ưu-tú thành được cái thiên tài vĩ đại của người ta để dùng vào những công việc lớn lao hoặc làm quan chức, hoặc làm người quản-trị các sở các cuộc, chủ trương những sự-nghiệp lớn về mọi phương diện trong xã hội, 2° là rèn tập cho hết thẩy nam nữ quốc-dân, những kẻ không được cái tư chất cao minh cũng thành ra người tạm đủ cái tư-cách làm người làm dân, có nghề có nghiệp, khỏi mọt hại xã-hội, nhiễu loạn nhân-quần. Từ xưa đến nay, tôi xét hễ cứ nước nào mà việc giáo dục hợp vào hai cái mục-đích ấy thì trong nước bao giờ cũng có một bậc người thượng-lưu xứng đáng, chia nhau quản trị mọi việc công cộng, dìu-dắt cho nhân-dân được an cư lạc-nghiệp, mà nước ấy trở nên thịnh vượng thái bình, lại hết thảy những kẻ bình dân trong nước ấy cũng đều biết chăm chỉ nghề nghiệp, kính sợ pháp luật, giữ gìn được những điều đạo-đức thông thường; của nước giàu, sức nước mạnh, thế nước vững, vận nước hay là nhờ về đó. Nay tôi xét đến sự học ở trong nước chúng tôi bây giờ, trong ấy chia ra làm bốn bậc học: bậc sơ học, bậc tiểu học tức thuộc về việc giáo-dục quần-chúng để cho phàm dân trong nước ai cũng được có cái trí-thức nhu-yếu, về sau có thể có cái tư-cách làm người, làm dân; bậc cao-đẳng tiểu-học rồi lên trung-học phổ thông, bậc cao đẳng học chuyên môn tức thuộc về việc giáo-dục hoàn-bị để cho những kẻ có tài có chí có nơi học mà thành tài đạt chí, về sau có thể nên một bậc người thượng lưu xứng đáng, kham nổi mọi việc công cộng lớn lao. Cái hình-thức sự học ở xứ này, bề ngoài coi tựa hồ cũng như thế, nhưng xét kỹ đến cái thực tế bề trong thì gần hóa ra bánh vẽ mất cả. Này như bậc sơ học với bậc tiểu-học trước kia phần nhiều đều dạy bằng tiếng Pháp, sách vở dạy phần nhiều lại dịch ở chữ Pháp hoặc lại chính do tay người Pháp làm bằng chữ Pháp cả, thầy giáo đeo cái văn-bằng được quyền dạy trẻ thì là cái văn bằng thi đỗ các kỳ thi bằng chữ Pháp nên trong trường dạy trẻ gần hầu như không có chút gì để ý đến những lẽ xưa thói cũ, công chuyện làm ăn thiết thực của người bản xứ cả; vả lại dạy bằng chữ Pháp thì trẻ học còn phải để chí cố công về sự nhớ lấy chữ Pháp đã, có lĩnh hội đâu được những điều trí-thức trong câu văn chữ Pháp; thử nghĩ một đứa trẻ người Pháp học ở một cái trường mà nhất nhất cái gì cũng dạy bằng tiếng Tàu cả, học Lịch-sử nước Pháp, học địa-dư nước Pháp, học phong tục luật-lệ luân lý đạo đức người Pháp, mà sách lịch-sử, sách địa-dư, sách chép phong-tục luật-lệ nước Pháp, sách dạy luân-lý đạo-đức người Pháp đều làm bằng chữ Tàu hoặc theo ở sách chữ Tàu dịch ra cả, lại thày dạy các món ấy cũng dạy bằng tiếng Tàu cả thì có rất là lố lăng kỳ quặc không? Mà trẻ người Pháp học như thế phỏng còn có ích được tý gì không? phỏng có thể nhờ những trường dạy như thế mà rèn tập nên được cái tư cách làm người, làm dân Pháp hay không? Quyết rằng không; nay một đứa trẻ người Nam mà học ở một cái trường nhất nhất cái gì cũng dạy bằng tiếng Pháp cả, thật cũng không khác gì thế. Gần đây tuy đã có sửa đổi, đặt riêng ra hẳn một bậc sơ-học yếu-lược chuyên dạy bằng tiếng Nam; nhưng ở các trường dạy còn kèm vào rất nhiều bài chữ Pháp; và tiếng nói rằng dạy bằng tiếng Nam mà sách dạy bằng tiếng Nam chưa có, có được một số rất ít cuốn thì phần nhiều cũng là dịch ở chữ Pháp ra; tệ nhất là không định ra cái kiểu cách dạy chữ Nam phải dạy thế nào, như là kiểu cách dạy chữ Pháp phải có dạy chữ một, dạy mẹo ghép chữ, mẹo đặt câu, dạy tập dùng chữ chắp câu mới được; lại tệ nhất nữa là chính các thày giáo dạy bằng tiếng Nam ở các trường sơ học yếu lược bây giờ là chỉ có cái văn bằng thi đỗ các kỳ thi bằng chữ Pháp cả, phần nhiều thật quả chưa biết hết được tiếng Nam, chưa từng học qua kiểu cách dạy chữ Nam, chưa viết nổi một bài văn chữ Nam thì trẻ học không còn được một tý gì cả; cho nên tiếng nói là học sơ học yếu-lược bằng chữ Nam mà kỳ thực chỉ học được có cái biết đánh vần, biết dịch tiếng mà thôi chứ chẳng có một tý gì cái « sơ học yếu-lược » bằng chữ Nam sốt; như thế rồi lên học mấy lớp tiểu-học thì lại phải húc đầu vào chữ Pháp để thi lấy bằng tiểu học, rút cục là cái trí thức nhu-yếu về sau có thể có cái tư-cách làm người, làm dân, những kẻ đã đỗ tiểu-học rồi vẫn cũng chẳng ai có một tý gì cả....

Một cái khuyết-điểm lớn nữa về sự giáo-dục dân chúng trong xứ này là tuyệt nhiên không có tí gì gọi là chức nghiệp giáo-dục cả; khắp trong nước chỉ lơ thơ có được mấy trường Canh-nông và Bách-nghệ cả thảy dung được độ mấy trăm học trò; số mấy trăm học trò được theo học các trường Canh-nông và Bách-nghệ đối với số người tốt-nghiệp tiểu-học mỗi năm kể hàng có đôi ba ngàn thì mười người chưa chắc đã được một người chịu cái « chức nghiệp giáo-dục » ấy. Huống chi gọi là cái chức nghiệp giáo-dục ở mấy trường Canh-nông và Bách-nghệ trong xứ này, thực cũng chưa xứng cái tên chức nghiệp giáo-dục chút nào; những kẻ trừ-bị làm ruộng rãy, làm thuyền thợ ở đất nước Nam, sinh hoạt trong đám người quê mùa phác giã nước Nam mà cho học những là máy cày máy cắt, những là phân bón bằng hóa chất, tháo nước tát nước bằng động cơ, thì sau này về ở chốn đồng áng nước Nam có được mấy chỗ là tiện dùng cày máy, lưỡi hái máy, có được mấy nhà là sắm nổi phân bón bằng hóa chất, mua nổi dầu xăng dầu hỏa chạy máy bơm; hoặc cho học những là vẽ, là nặn, là chạm, là đan chiếu phòng khách, là vặn lái ô-tô, thì sau này đối với các nghề thợ-thuyền cũ của nước Nam, mờ mịt vẫn hoàn mờ mịt, mà vẽ cho ai thưởng, nặn cho ai chơi, có sa-lông đâu mà trưng, có ô-tô đâu mà ngự; chỉ được có mấy trường kể là trường chức nghiệp giáo-dục đó mà thật cũng chẳng ích cho chức nghiệp người Nam được bao nhiêu; thành ra bọn thanh-niên nam nữ, bọn sau này phải đóng vai chính làm dân, làm người, làm nghề, làm nghiệp, đương cái bộ phận trọng-yếu về xã-hội về kinh-tế về tài-chính xứ này đều là bọn đã ăn phải cái học hành lăng lố dở dang, làm người làm dân nước Nam mà lề thói cư-xử, công chuyện làm ăn trong đất nước Nam, chẳng hiểu một tí gì cả, bi-ba bi bô được năm ba tiếng bồi chữ Pháp, nào tự-do, nào bình-đẳng, nào dân-quyền, nào tự-tôn tự-trọng, mà nói tự-do lại tưởng đâu rằng phiện cứ tự-do hút, gái cứ tự-do chơi, nói bình đẳng lại tưởng đâu rằng con bình đẳng với cha, thày bình-đẳng với tớ, nói dân-quyền lại tưởng đâu rằng sưu thuế dân có quyền không đóng, luật lệnh dân có quyền không theo, nói tự-tôn tự-trọng lại tưởng đâu rằng tự-tôn với cả trưởng thượng vua quan, tự-trọng đến cả nết hư tật xấu; cái học chữ Pháp « giả cày » của họ chưa đủ hiểu được tự-do thật là phải tự-do trong vòng hạn chế, tự-tôn tự-trọng thật là phải tự-tôn tự-trọng cái phẩm cách, cái tài nghề cho cố lấy hơn người, bình-đẳng thật là không ai nên lấn láp đến tính mệnh tài sản danh-dự quyền lợi của ai, dân-quyền thật là khắp trong một xã-hội ai cũng là dân, ai cũng lo hết nghĩa-vụ làm dân mà theo luật lệnh của xã-hội mình đã cùng định ra, giữ luân-lý của xã-hội mình đã đều chuẩn nhận; lại vì cái chữ Pháp « nửa mùa » mà đã bập bẹ được rồi xem báo-chí chữ Pháp, đọc tiểu-thuyết chữ Pháp, cái hay, cái ích trong báo chí cùng tiểu thuyết chữ Pháp không phải là không có, nhưng sức học của họ có lĩnh-thụ đâu được cho ích cho hay, chỉ nắm lấy như sẩm nắm gạy được mấy câu chuyện ăn cướp tài-tình, giết người can-đảm, ăn chơi đài-điếm, tình dục lõa lồ, sống chết coi nhẹ như lông hồng, thân danh coi phí như cỏ rác; dồn lại bao nhiêu cái dại, đắp lên bao nhiêu cái dở nà thành ra một hạng người không cha không mẹ, không nhà không nước không lễ không nghĩa, không liêm không xỉ, không nghĩ gì đến mai hậu, mà không kể gì đến cả thân mình nữa; thứ người như thế, đến lúc hết cắp cập hai buổi đi cho nhẵn đất nhà trường, lấy nê ăn nợ cha mẹ, rồi trở về nhà đối với cha, với mẹ, với anh, với em, với họ, với hàng, với làng, với xóm, không biết câu gì mà nói, không biết việc gì mà làm, cày không được, cuốc không hay, gồng gánh đau vai lội bùn dát cẳng; muốn xoay lấy một nghề dung thân, mà bởi chưa được chịu cái chức-nghiệp giáo-dục một tí gì, nhà có sơn đấy mà chẳng biết làm sao sơn được đồ dùng, nhà có mây đấy mà chẳng biết làm sao đan được ghế bán, đất sét khối đấy mà chẳng biết làm sao làm được đồ sứ, cát khối đấy mà chẳng biết làm sao làm dược thủy tinh; lại ác một nỗi là mấy năm theo học, nếm cái bả ăn sang mặc điếm quen thân mất nết đi rồi, ăn tất phải có sữa, có thịt. có trứng, có dầu, dấm, hành, khoai, mặc tất phải có cổ cồn, có sơ mi, có mùi-xoa, có xa, nhung, gấm, đoạn, đi biết đây biết đó, tập tọng những là xe đạp, xe mô-tô, xe ô-tô, những là đồng hồ vàng, kính dưỡng mục trắng, nước hoa ngát, phấn hồng thơm, nhẫn kim-cương, vòng ngọc-thạch, những là cơm tây, tiệc Tàu, ô-ten, cao-lâu, giường Hồng-kông, gương Thượng Hải, lầu đài công-tước, sà-lông Lu-uy, nay hòa nhạc, mai nhảy đầm, chiều chớp bóng, tối hát bội. xì gà Lữ tống, rượu nho sâm-banh, bao nhiêu cái vật chất khoái-lạc nó hiện ra năm quang mười sắc làm choáng mắt mê hồn lũ trẻ người non dạ kia, sinh ra bụng khát khao thèm thuồng, cố kiếm cho ra, cố cầu cho được, nhưng cái xác hèn vô dụng, trí-thức chẳng có, nghề-nghiệp thì không, với lên cao các sở các tòa không tới, xụt xuống thấp anh cày chị cấy cũng không thông, bòn cho ra bữa lưng bữa vực còn khó thay, làm sao mà cầu được kiếm ra những cái vật chất khoái lạc của người, luống để bụng ngày đêm ao ước, bấy giờ mới đâm ra làm liều, phá hoãng, vốn đã có cái học lý lăng lố dở-dang trong óc, không sợ gì chết, không kể gì thân, tự-do càn, tự-tôn láo, bình-đẳng hỗn, dân-quyền ngang, có một đôi kẻ lấy cái danh hiệu gì đó xỏ mũi dắt đi cho được ăn, được mặc, được chơi, được túng dục tứ tình, thỏa thích những điều khao khát về đường vật-chất, thế là xô nhau vào cạm, dắt nhau xuống giếng mà quên cả nỗi trầm-luân vĩnh kiếp, thảm hại trăm bề.

Ấy, vì sự quần chúng giáo-dục ở trong xứ này sai lạc mà gây nên bao nhiêu những học-trò thôi học ở các trường tiểu học ra tức là bấy nhiêu những quân lính tiên-phong của kẻ phiến-loạn vậy, còn như bậc trung-học trở lên cho đến bậc cao-đẳng học chuyên-môn thì hiện các trường trung-học Tây mở ra ở Hanoi, Saigon, con em người Nam được theo học ở đấy vẫn là phần ít: các trường trung học bản-xứ thì tuy có chương trình học mà trường học không chỉnh đốn đuợc hoàn-bị, thầy dạy không kén lựa được những nhà sư-phạm xứng đáng cần mẫn như các trường trung-học tây; trường cao-đẳng học chuyên môn thì trình-độ học còn thấp kém nhiều, sức học ở các ban học ấy ra cũng chỉ đủ cung dịch sử trong cái bộ máy các sở các tòa, chứ thực chưa đủ tư-cách kham nổi những việc công-cộng lớn lao, quản trị tòa kia, chủ-chương sở nọ; người Nam tuy kể là liệt chủng đối với người Âu, người Mỹ, nhưng trong bọn thanh-niên tuấn tú không phải không có một số ít người thông-minh trác-lạc, có cái thiên-tài xuất chúng siêu nhân; mà ở đâu chẳng vậy, những kẻ đã có cái tài cái chí khác thường quyết không mấy ai chịu vùi đầu cúi cổ làm ăn trong đám ti-tiểu, đem tấm thân ngang tàng bảy thước, yên cái phận làm giá áo túi cơm; học không được học tới nơi tới chốn để thành tài đạt chí mà mở mặt mở mày với xã-hội, đảm nhận những công việc công-cộng lớn lao, thì họ phẫn chí ức lòng, con cọp ở cũi, con rồng ở ao, chỉ tìm cách giương vẩy há nanh, còn hòng có khi gầm gió lướt mây, mà không thèm kể đến nanh quằn vẩy sứt; vả lại trình độ học chưa cao, sức học chưa chín, chưa suốt rõ lý thế, hiểu hết việc đời, cái huyết-khí thô bạo chưa thuần, cái nghị-lực trầm tiềm chưa đủ, gặp sao hay vậy, đụng đâu làm đấy, bấy giờ nghe cách-mệnh thì làm cách-mệnh, nghe cộng-sản thì làm cộng-sản, chẳng nghĩ gì sâu nông, chẳng tính gì thành bại, miễn có làm cho khỏi ức khỏi phẫn, mà ray tay mắm miệng, làm chủ động cho một bày nhung nhúc hò đâu cũng có, kiếm đâu cũng sẵn là những kẻ học trò dở-dang vô nghệ, ngu dân cùng khổ vô quy. Ấy vì sự cao-đẳng giáo-dục ở trong xứ này cũng sai-lạc nốt mà gây nên bao nhiêu những tay tài tuấn bất đắc-chí với xã hội hiện thời tức là bấy nhiêu những kẻ cố liều làm xằng vậy. Chẳng tin xin cứ lục lại mấy tập hồ-sơ các việc biến loạn gần đây mà xét, quả trong đó những tay chủ-động như Ng-thái-Học, Phó-đức-Chính, Ng-ái-Quốc, Ngô-đức-Trì, Dương-hạc-Đính, Ngô-gia-Tự v. v. toàn là bạn thiếu-niên tài-tuấn, không được học tới nơi tới chốn để thành tài đạt chí, đắc dụng với quốc-gia mà đâm ra cố liều làm xằng, còn những hạng chân tay đắc-lực, giúp việc cho lũ ấy thì toàn là những học trò thôi học ở các trường tiểu-học ra, bơ vơ thất sở, vớ được có công ăn việc làm, có đồng ra đồng vào ăn chơi huy-hoắc mà nô nhau mạo hiểm quên mình, thì đủ rõ các việc biến-loạn gần đây, cái nguyên nhân thứn hất chính là tự việc học sai lầm, không còn nghi gì nữa

Cái nguyên nhân chính thứ hai là tại nhân dân trong xứ này hiện nay cùng khổ quá. Kể ra chính-phủ bảo-hộ thi-thiết mọi việc trong xứ này như mở-mang đường giao-thông, cuộc y-tế, dùng các phương pháp cải lương nông nghiệp, chấn-hưng công-nghệ, tưởng khuyến thương mại, coi bề ngoài thì về đường kinh-tế, về đường xã-hội ra chiều phát đạt lắm; nhưng xét kỹ bề trong thì dân-gian quả không được hưởng thụ cái thực huệ về những việc thi thiết ấy bao nhiêu, mà trái lại, nhân dân thực có điều khốn khổ quá! Sao vậy? Dân Nam chúng tôi là một dân chưa đủ cái tư cách tự-trị tự-lập, không có một việc hưng lợi trừ hại gì mà do sức dân-gian tự-động làm nên được cả, bao giờ cũng cần phải có quan quyền xướng xuất chỉ bảo, trông nom săn sóc đến thì mới hòng việc lợi có thể hưng, việc hại có thể trừ, ở nước chúng tôi từ xưa đến nay, hãy cứ lúc nào có vua quan giỏi thì dân được thái bình, lúc nào bị vua quan xằng thì dân phải cùng khốn.

Từ khi Chính-phủ bảo-hộ giữ cái chủ quyền dụng dân hành chính trong xứ này, vì ngôn ngữ không đồng, tính-tình không thông mà các quan bảo hộ đối với những quan lại người Nam khó bề xem xét mà lựa chọn cho được tinh tường; vả các quan bảo-hộ ở trong xứ này thường chính những ông xếp tòa nhì các phủ thống đốc, khâm-sứ, thống sứ hay những ông chánh hội đồng các kỳ thi hạch quan lại, nhậm chức vài năm rồi lại thuyên bổ chức khác hoặc về Tây, chẳng có trách nhiệm gì về những người quan lại mà các ông đã bổ bụng cả, ai tham lam tàn ác, các ông cũng không cữu, mà ai thanh liêm cần thận, có nhẽ các ông cũng không công, các ông có quan tâm đau ngứa gì mà gia công thẩm thận, nên trong quan giới xứ này, người cần thận thanh liêm thật có phần ít, mà kẻ tham lam tàn-ác quả chiếm phần nhiều; dư luận các báo tây, tang chứng rõ ràng ở các tòa án, quả không sao lấp được miệng thiên hạ vậy. Bởi thế nhân dân đối với Chính phủ bảo-hộ, tình ý không được đạt, oan uổng không được thân, thấp cổ bé miệng, khuất phục ở dưới quan quyền, chẳng những thay đen đổi trắng, chỉ lương vi cường, tính mệnh tài sản của nhân dân như cá trên thớt, như thịt đầu dao, không mấy lúc không có cái lo nguy-hiểm, mà cả đến lương pháp mỹ ý của Chính-phủ bảo-hộ như những việc đạc điền thổ, khảo nhân đinh, bắt người bệnh phong điên, phòng chứng dịch trâu bò, cấp giống lúa, bán trứng tằm, giồng cây đường, canh giây điện, v. v. thật là những việc rất có ích lợi cho nhân dân, mà qua tay kẻ thừa-hành cũng phải lễ trình, lễ khai, cũng bị bắt lên bắt xuống, cũng tùng trung tác tệ vô cùng; tuy nhờ Chính-phủ bảo-hộ thi thiết về đường kinh-tế về đường xã hội có một ngày một thêm tiến bộ hơn trước, mà mỡ máu nhân dân có rồi rào hơn trước được ít nhiều, nhưng bị cái tay tham quan ô-lại nạo-khoét mãi hàng ngày, cũng không còn đâu lại được với cái túi tham không đáy; nhân-dân khốn khổ chẳng là tại quan lại nhũng lạm mà nên nỗi thế dư? Nước Nam chúng tôi xưa kia sưu dịch do dân làm hoặc do Chính phủ cố công làm lấy, không có cái lệ hỗ-giá cho thầu; những món hàng chuyên mại của Chính-phủ do ủy-viên của Chính-phủ trực tiếp bán cho người mua, không có cái lệ lĩnh trưng thừa biện; về nông điền thì không có cái luật cho bao khẩn, về công nghệ thì không có cái bằng cho chuyên lợi, về thương mại thì không có lập ra bạ sách cho đăng chú thương tiêu, mọi nghề trong nước, ai nấy đều được tự do kinh-doanh, ai khôn khéo siêng năng thì được doanh-dư, ai vụng dại biếng-lười thì bị kém sút, nhưng bởi không có ai được hưởng độc quyền, chuyên độc-lợi, nên kẻ giầu không giầu quá, mà kẻ nghèo cũng ít có kẻ thật nghèo kiệt nghèo cùng. Từ khi có những cái lệ cho thầu đấu khoán, điền-địa thì được hao khẩn, công nghệ thì được chuyên lợi, thương-mại thì được có độc quyền; những kẻ tinh mắt nhanh chân, hoặc thầu làm được việc công tác gì to, hoặc lĩnh khoán được việc mua bán gì lớn với Chính-phủ, dựa được thế-lực của Chính-phủ, nào gạt vốn của những nhà hiền lành súc tích, nào lường công của những dân lao động phu-đài, nào chẹt người mua để bán giá cho cao, nào chẹt người bán để mua giá cho hạ; họ làm thường chỉ một đôi việc mà nổi lên bạc ức bạc triệu như chơi; những kẻ khôn ngoan siêng sắn, hoặc vớ được món hàng của một tên thợ nào làm ra tinh xảo, mà xem chiều xã-hội tiêu-thụ được hời là lũng đoạn ngay lấy làm vật sở-hữu của mình, lấy bằng chuyên lợi, chú sách thương tiêu, rồi chẹt mấy nhà làm thợ, làm thuyền, của bán mười đồng chỉ mua có năm đồng, chính người chế tạo nhọc nhằn khéo léo không kiếm đủ cơm ăn, mà họ ngồi mát ăn bát vàng, hưởng cái lợi cư trung chẳng bao lâu nổi lưng có muôn có triệu; hoặc choán được đám đất nào to rộng phì-nhiêu, bỏ ít nhiều ra đắp cái đê ngữ hàm, làm cái đập dẫn thủy, nạp trưng nhạp bạ, nghiễm nhiên thành ngay ông chủ điền liên thiên mẫu, mà xoay mấy tên cầy sâu quốc bẫm, chân lấm tay bùn, nào cho vay thóc, nào cho mướn trâu, nào ở tá điền, nào cáy rẽ lúa, trăm đường bác tước để bồi đắp riêng cái tư cơ giầu có như nước như non; lại còn được giấy khen, được bằng thưởng, được mền đay kim khánh, có người được đến cả hồng-lô quang lộc, sinh ấm tử phong nữa. Ở đâu cũng vậy, cái tài sản trong một xứ, bao giờ cũng chỉ có một số bấy nhiêu nó đình ứ ở năm mười chỗ quá nhiều thì hàng ngàn muôn chỗ phải khô khan háo kiệt; có những kẻ ăn sung mặc sướng, lên ngựa xuống xe mà tọa hưởng cái phú quý tiền giòng bạc chảy, thì tất có vô số những kẻ vắt mồ hôi, ráo nước mắt mà không khỏi đói cơm rách áo, lam lũ suốt đời. Nhân dân cùng khốn chẳng là vì cái chế độ ủng hộ tư bản mà nên nỗi thế dư? Nước Nam chúng tôi xưa kia theo cái tập tục quê mùa phác giả, cần kiệm nhẫn nhục, ăn kham ở khổ, thế nào cũng yên phận thủ thường, không biết hoa mỹ xa-xỉ là cái gì, mà gián hoặc có người muốn người thèm, triều đình lại có cái luật lộng hành, làm nhà dọn cỗ may mặc tang hôn đều có chế hạn nhất định, không ai được tiếm lạm quá, nên dân gian tiêu dùng có chừng có mực, không ai sài phí huy hoắc, bạo điễn của trời. Từ khi có cái văn minh vật chất ở Âu-Mỹ truyền sang, hàng muôn hàng ngàn thứ xa xỉ phẩm nhập cảng tới đây, làm cho hoa mắt mê hồn, khêu gợi cái thị hiếu ngông cuồng của một đám người làm ăn còn vụng dại, sinh kế còn bần cùng, cũng khao khát ước ao được ngự xe hơi, được lòe vàng ngọc, được chén sâm banh xì gà, được hưỏng chẩm cầm, chớp bóng, được sênh sang sa, nhung, đoan, gấm, được bảnh bao gác tía lầu son, được chọm chọe trên bộ ghế sa-lông, được vênh-váo đôi giầy dôn cao cổ; mùa màng chẳng mấy năm khỏi thất bát, kỹ nghệ chẳng mấy thứ bán được ra ngoài, buôn thúng bán mẹt, buôn đầu chợ bán cuối chợ không nên, mà bây giờ người nào cũng dù, mũ, tất giầy, nhà nào cũng đồng hồ, xe-đạp, trai anh nào cũng rượu thùng, thuốc hộp, gái chị nào cũng ngọc trát vàng đeo, bữa giỗ nào cũng có cơm tây chè tầu, đám cưới nào cũng có dầy thêu áo gấm, thì làm gì mà chẳng túng, chẳng thiếu, chẳng đến nheo nhóc lầm than. Nhân dân nghèo đói, chẳng là vì tập thượng xa-xỉ mà nên nỗi thế dư?

Nước Nam chúng tôi xưa kia, thuế má rất là đơn-giản; đầu năm chí tối, nhân-dân chỉ phải chịu hai thứ thuế: thuế đinh và thuế điền; mà ngay hai thứ thuế ấy cũng trưng-thu dễ dãi, rủi phải năm hoang khiểm thì hoặc dảm hoặc xá, hoặc cho khất lại, thường làng nào cũng có một số thuế tích khiếm thượng-niên, ngoài ra người làm nghề này, kẻ làm nghiệp khác, tha hồ lên rừng, xuống bể, phơi muối, làm mắm, giồng thuốc, hái chè, không bị những nỗi phiền hà gì về thuế má cả; thuế ít như thế thì công-quĩ có đâu mà làm nổi các việc hưng lợi trừ hại lớn cho dân, sinh kế trong dân không được rồi rào cũng là vì thế, nhưng cái thiệt về thuế má ít thì dân không biết, mà cái sướng về thuế-má đơn giản thì dân đã quen. Nay thốt nhiên bị thuế này thuế khác, trăm thứ nhũng nhiễu phiền-hà; tuy Chính-phủ thu được thuế má nhiều, làm được nhiều việc hưng lợi trừ hại cho dân, sinh kế nhân dân vẫn vì thế mà có rộng rãi hơn trước; mà dân biết đâu đến cái lợi vô hình ấy, chỉ thấy nay bắt thuế kia, mai đòi thuế nọ, mỗi một thứ thuế là một cái giây tròng cổ cho dân, phần chạy xuôi chạy ngược để đăng nạp cập kỳ cập hẹn cho khỏi phạt khỏi hành, phần lại khổ về nỗi nha dịch thôi-thúc, tổng-lý sâm lăng, nghe tiếng quan Đoan, quan Kiểm mà hết hồn, thấy mặt thầy đội thầy cai mà mất vía, nó nọ biết chi là ích lợi, nó lo thuế không xong, thiếu thuế bị tội thì ai cấm được nó khỏi rên la oán thán, giậm đất kêu trời. Nhân dân cùng khó chẳng là vì phép thu thuế không được giản tiện công bình mà nên nỗi thế dư? Dân đã cùng đã đói, đã khổ, thì thân lươn thôi bao quản lấm đầu, ai dắt đâu có kiếm được miếng mà chẳng đi, ai bảo chi có tảo được tiền mà chẳng phới; những tay chủ động phiến loạn mới thừa cơ lợi dụng lũ dân cùng liều chết đó xô vào đống lửa, đẩy xuống hầm sâu, dù biết nước sâu lửa nóng, mà một đằng rồi chết đói chết khổ, một đằng được chết thỏa chết no, trước sau âu cũng một lần, cái dân nhút nhát ngu đần này cũng hóa thành ra cái dân mạo hiểm hiếu loạn, xem một lũ tù bị đồ bị lưu về tội phá Yên-bay, Hưng-hóa, Lâm-thao, Vĩnh bảo, Phụ dực, cùng về tội biểu tình cộng-sản mấy năm nay, những quân theo khiêng bom, gánh dao, vác cờ, rải giấy đó không mấy tên là không phải dân quê cùng kiệt, thật một tý tư tưởng gì chẳng có, một chút chí khí gì cũng không, chỉ vì cùng vì khổ, đi để mà kiếm ăn kiếm mặc hoặc trả oán trả thù thì đủ rõ các việc biến loạn gần đây, cái nguyên nhân thứ hai chính là tự nhân dân cùng khổ, lại không còn nghi gì nữa.

Có mấy cái nguyên nhân chính ấy đã ngầm ngấm từ lâu, rồi nhân gần đây cái tư-tưởng đân-tộc quốc-gia đã hầu như phổ-thông, một ít người đảng cách-mệnh thừa thời phiến-động, lại thêm ngưới Xích-Nga tuyên-truyền cái chủ-nghĩa cộng-sản, có ý lay chuyển cả thế giới phải hãm vào cái vực thảm lở đất long trời, cái hạt giống biến loạn ở trong xứ này vốn đã sẵn nứt mống nảy mầm gặp lúc thời khí thích-nghi, mới tua tủa mọc lên, mà làm nhọc công Chính-phủ bảo-hộ phải kiếm hết phương thế tồi trừ ngắt cứa; nhưng cứ ý ngu chúng tôi trộm nghĩ thì vẫn bởi mấy cái nguyên-nhân chính như trên đã kể, mấy cái nguyên nhân phụ này mới thành ra có hiệu quả như ngày nay; chứ nếu sự học không sai lầm, nhân-dân không cùng khổ, thì đảng cách-mệnh có tài thánh mấy cũng không đúc ra được người trợ lực, chủ-nghĩa cộng-sản có thần thông mấy cũng không cám giỗ được người đồng tình, xứ này cũng vẫn nằm yên dưới bóng cờ bảo-hộ của nước Pháp như xưa, yên lặng thái-bình, mà người nước chúng tôi vẫn được hưởng cái nhàn-phúc an cư lạc nghiệp.

Người ta thường nói hãy biết trúng bệnh-tình thì đầu thuốc hẳn có công-hiệu, nay đã hiểu rõ những cái nguyên-nhân biến-loạn ở xứ này thì chỉ có trù-hoạ h thố trí thế nào cho đoạn tuyệt được hết những cái nguyên-nhân đó, là biến-loạn tự khắc yên dần.

Trị loạn cũng như trị bệnh, trị tiêu trước, trị bản sau; trị bản là từ nơi căn bản trị cho hết bệnh căn trị tiêu là tức thì cứu cấp. Về các việc biến-loạn trong xứ này, tức thì cứu cấp thì xin Chính-phủ kíp mở ngay khắp xứ mỗi tỉnh có một sở tập nghề, tùy tiện tỉnh nào có thứ nguyên-liệu gì thì mở một sở tập nghề về món công-nghệ ấy, như Hưng-hóa, Phú-thọ sản sơn thì lập xưởng làm đồ sơn, Nghệ-an Hà-tĩnh sản mây sản gỗ thì lập xưởng làm đồ gỗ đồ mây v. v. cốt phải chọn những nghề thực-dụng trong xứ này cho dân đỡ mua dùng ngoại-hóa, mà mỗi một sở công-nghệ như thuế an-sáp được một số lớn học trò vô nghệ khỏi thành ra dở-dang lăng-lố, lêu lổng lang thang; mỗi một sở công nghệ như thế, đón một người chuyên môn công-nghệ ấy dạy bảo đốc-xuất mọi người làm, đặt một viên quản-lý, trông coi việc chi-thu, sắm nguyên liệu, cắt đặt công việc và kiểm xét thôi thúc mọi người, làm ra hóa vật bán được bao nhiêu, trừ thường-phí trong sở, lương ông thầy và lương quản-lý ra, còn liệu công gia cấp cho mọi người trong sở; thế là yên sáp được một lũ người vô dụng đương làm nhiễu loạn xã-hội, mà thêm được cái lợi chấn hưng thổ-hóa cho người Nam; Chính-phủ chỉ phải xuất ra cho một số tiền để các sở công-nghệ vay vốn trả dần, cũng chẳng tốn kém cho công khố chút nào, mà đám phần tử nhiễu loạn được yên nghiệp làm ăn, nước Nam chúng tôi thêm được một nguồn lợi vô cùng vô tận...

Còn đến những tay chủ-động phiến-loạn, thì như trên đã nói, những người ấy phần nhiều là bọn tài tuấn bất đắc chí trong xứ, họ có tài có chí mà chẳng đắc thời đắc vị, chẳng thi-thố ra được sự-nghiệp gì, bức chí cùng đường, mới chạy liều làm bậy cho thỏa dạ tang-bồng, cũng biết sự thế khó khăn, sức mình chưa đủ tự chủ tự cường, việc mạo-hiểm đây chẳng chắc gì khỏi giã-chàng xe cát, nhưng đã trót phải chét, cưỡi cọp rồi biết xuống làm sao, đành nhắm mắt đưa chân, phó xoay vần cho con tạo; họ đã quyết-chí nên phải kiên-tâm, càng lùng kiếm tróc-nã bao nhiêu thì càng cố hăng hái mải-miết bấy nhiêu; họ còn theo đuổi kỳ cùng, thì mầm loạn còn chưa bao giờ đứt hẳn. Nay xin Chính-phủ lượng tình khoan xá hết cho họ, mà khoan-xá không phải buông rộng thả dài hẳn họ, lựa người nào kham nổi công việc gì trong các tòa các sở các nha các thự nhà nước thì cho họ có được một cái địa vị để thi triển tài-năng học thức của mình; họ đã có cái sinh-lộ hồi đầu mà lại có cái vũ-đài bay nhảy, thì cái khách-khí phẫn-uất bất-bình cũng dần dần tiêu tán, mà vui lòng tán-trợ cho Chính-phủ làm những việc hưng lợi trừ hại trong chốn quê hương; mà dám chắc rằng họ đã là người có tài có học lại sẵn lòng làm lấy một cái công danh sự nghiệp với nước với dân, thì cái công việc mà Chính-phủ giao phó cho họ tất làm được hơn người, tất có khác những kẻ cạo giấy tối ngày ở các văn phòng và những phường thi vị tố san, rình thò cái thủ-đoạn khoét dân mọt nước; như thế thì trong xứ không còn những tay chủ động phiến loạn nữa mà chính những người thuở nay làm rày cho Chính-phủ phải phiền-phí dùng bao nhiêu trinh-thám, thêm bao nhiêu cảnh binh, mộ tập bao nhiêu lính-tráng, hao tổn bao nhiêu súng đạn vẫn chưa dẹp yên hẳn được, nay lại là những người làm tai mắt chân tay cho Chính-phủ rất đắc lực, thừa hành thiện-chính lương-pháp cho Chính-phủ rất tận-lực tận tâm, chẳng là một cách trừ loạn rất khôn ngoan giản-tiện dư? Gián hoặc có một vài kẻ ương ngang cố chấp, không chịu hồi đầu quy thuận, mà cứ giữ thói cũ hồ thỏ tung-hoành, long xà phản-phúc, thì tưởng không đợi gì trinh-thám cảnh-sát, không cần gì lính tráng súng đạn, lại ngay những người đã hồi đầu quy thuận với Chính-phủ, họ cũng chẳng để cho ngoài họ còn có kẻ làm thàm làm bậy, nguy hại đến quốc-gia dân tộc mà phương-ngại đến công danh sự-nghiệp của họ đương hợp-tác với Chính-phủ hiện thời. Thế là người chủ động phiến loạn không có nữa, người a-tòng làm loạn không sẵn nữa, các việc biến loạn có thể tức thời cứu cấp được ngay.

Cái phép trị tiêu thì thế, song nếu không nghĩ cái phép trị bản, tìm phương bổ cứu, để trừ tuyệt hẳn cái nguyên nhân ngầm ngấm tự lâu kia, thì cái gốc loạn cũng vẫn không hết được. Cái phép trị bản thì xin Chính-phủ bảo-hộ phải đồng thời chỉnh đốn lại mấy việc trọng yếu nhất như sau này:

1· về việc học xứ này thì xin phải nhận hai cái mục-đích chính đáng đã nói trên kia mà thi hành cho khỏi sai khỏi lạc; một cái mục đích là giáo dục quần chúng cho hết thảy thiếu-niên nam nữ trong xứ đều có đủ trí thức để mà tự trị, nghề nghiệp, để mà tự dưỡng, gây nên cái tư cách làm một người dân chính-chực hiền-lương; bao nhiêu các trường sơ-học tiểu-học hoặc trường nam, hoặc trường nữ, nhất định đều dạy bằng quốc-văn, mà dạy quốc văn không phải dậy một cách cẩu thả sơ lược như ngày nay, phải định hẳn ra qui-thức như những qui-thức dậy trẻ con tây học chữ tây, phải làm ra nhiều sách đủ các lớp các món học bằng quốc văn, cũng như sách chữ tây mà trẻ con tây học ở các trường bên Pháp; phải trước hết mở ra nhiều lớp sư-phạm tốc hành, lựa lấy những người hoặc có Hán học hoặc có Pháp học sẵn rồi, mà đã đúng tuổi từ 25 tuổi trở lên cho đến bốn, năm mươi cũng được, cho vào học một kỳ hạn một năm, chuyên học quốc văn và các đ ều cần về môn sư phạm, hạch tốt nghiệp rồi bổ đi dạy các trường sơ-học tiểu-học hoặc cấp giấy cho được lập trường tư về bậc sơ-học dạy ở các làng các xóm, không phải xin phép xin tắc lôi thôi phiền phức gì; có như thế thì cái học sơ-học tiểu-học bằng quốc-văn mới thực là có thầy dạy, có phép dạy, có sách dạy, có đủ trường dạy cho hết thẩy nhà quê kẻ chợ thiếu-niên nam nữ đều lĩnh thụ được cái học thức thông thường; ngoài các trường công trường tư dạy sơ học tiểu-học cho những trẻ tự mười ba tuổi trở xuống rồi, thì mở ra mỗi tỉnh có một trường học nghệ: nghề ruộng vườn, tàm tang, nghề chăn nuôi, nghề nghề chài lưới, nghề thương mại, các nghề chế tạo, các nghề mỹ-thuật tùy nơi nào tiện học nghề nào thì có trường dạy cho nghề ấy; có như thế thì bọn thiếu-niên nam nữ đến tuổi trưởng-thành mới sẵn có nghề-nghiệp trong tay, tự nhiên chăm chỉ làm lụng, kiếm đủ nuôi mình nuôi nhà, mà không ai phải vô nghệ lang-thang, đâm ra làm xằng làm dại.....

Một cái mục đích nữa là giáo-dục nhân tài, cho hết thảy những người ưu-tuấn thông minh đều được học cho đến nơi đến chốn, đạt chí thành tài mà đắc dụng với quốc gia xã-hội; những người ưu-tuấn thông-minh thì gián-hoặc ở hạng nào cũng có, trong các trường sơ-học tiểu-học cho đến cả các trường học nghệ, mỗi năm mở một kỳ thi, lựa lấy những trẻ thật có cái tư chất hơn người, thật là xuất sắc hơn cả bằng bối, cho vào trường trung-học Pháp-Việt, hai năm đầu chuyên học chữ Pháp văn Pháp, hai năm sau học các món phổ-thông, qua một kỳ hạch tốt nghiệp lại loại bớt những kẻ lạm tuyển ra, còn ai trúng tuyển bấy giờ cho hắn sang học các trường cao đẳng bên Pháp, người kém một tí thì cho vào học các ban cao-đẳng chuyên môn Hanoi, học thành tài rồi phải bổ dụng cho xứng đáng với tư cách người ta; có như thế thì kẻ có tài có chí đều được học cho đến đạt chí thành tài, đều trở nên người hữu dụng với quốc-gia xã-hội, mà không ai phải trầm luân ức tắc, sinh ra cắn đá gầm gừ. Ấy việc học trong xứ này mà thi-hành đúng hai cái mục đích trên đó, không sai không lạc, không có những người tài tuấn bất đắc chí, lại không có những hạng học lăng lố dở dang, tức là một phương-pháp căn bản trừ loạn vậy.

2· Về việc dụng nhân hành-chính thì phải giao cái quyền thuyên bổ truất trắc quan lại mỗi kỳ hạt cho một hội-đồng đại hiến người Nam mà buộc phải chịu trách nhiệm về sự thuyên bổ truất trắc ấy; theo luật của nước chúng tôi trước, bổ dụng các quan dưới do các quan trên phải cử tri, mà người quan dưới đó cần cán thanh liêm thì vị quan trên cử tri được triều đình hậu thưởng, người quan dưới tham tàn nhũng lạm thì vị quan trên cử-tri bị chiểu luật nghĩ tội vi-tòng; tôi tưởng đối với người Nam tôi thì cái luật ấy rất hay; một ông quan đại hiến người Nam, kinh lịch trong quan giới đã lâu, phú quý đã cực, danh-vị đã to, tất lo hết lòng bảo thủ danh-dự quyền-chức của mình mà không khi nào làm chuyện lạm quyền trái phép; nay giao cho các ông ấy cái quyền thuyên bổ truất trắc quan-lại, lại buộc các ông ấy cái trách-nhiệm liên can thưởng phạt về sau, các ông ấy đều kể có mấy chục năm trong quan giới, các quan dưới người nào hay, người nào dở, các ông ấy lựa chọn mà cẩn-thận, tất là không sai, còn đến chuyện tình vị thiên-tư, cái tội liên can với kẻ mình cử sau này, quyền vị mình còn gì, danh-dự mình còn gì, quyết không ông nào dại đến nỗi tối mắt đen lòng vì một cái của đút nhỏ mọn giăm bảy trăm một vài ngàn mà liều hoại cả thân-danh nhất phẩm, cho nên dám chắc rằng phép tuyển-bổ quan-lại mà cải lương như thế, thì quan lại không sợ rằng phí nhân. Tuyển bổ quan-lại đã cực kỳ tình mật, mà giám-đốc quan lại cũng phải cực-kỳ nghiêm-minh; xin giao cái quyền ấy mỗi kỳ hạt cho một hội-đồng những người danh vọng trong dân đảng; hội-đồng đó phải có một sở thường trực để nhận những tin tức về quan-trường ở các nơi gửi đến, và có uỷ-viên đi luân-lưu các hạt xem xét tình-hình trong dân giã, điều-tra hành-trạng của các quan, mỗi tháng hội-đồng phải họp một lần đủ mặt hội-viên hai phần ba là ít, cùng nhau thương xác, lấy đồng ý quyết định mà làm một tờ biên bản tường tế, kể rõ ông quan nào có cái chính-tích gì hay, có cái liêm-tiết gì quí, hoặc ông quan nào có cái chính thanh gì xấu, có cái nhũng-tệ gì hư, trình với quan thủ-hiến bảo-hộ xứ mình xét theo đó mà cho nốt, chua vào lý-lịch, tùy công tội mà hoặc tưởng lục, hoặc thăng thưởng, hoặc bạt bổ, hoặc ký quá, hoặc giáng chức, hoặc chiển luật hành-hình; mà quan thủ hiến xét ra, ý kiến có khác với hội-đồng, phải hội-đồng lại mà thanh minh tại cớ gì, tại mình xét lại sự thực nó khác hẳn đi thế nào cho hội-đồng công nhận đã rồi mới ra nghị-định truất trắc thưởng phạt được. Tôi tưởng một cái hội-đồng toàn những người danh vọng trong dân, quan trường với dân đảng thường phải giữ miếng nhau cũng không thốt-nhiên mà có được cái chuyện lo luồn đút lót; cái hạng đã gọi là danh vọng trong dân đảng thì vốn biết trọng danh dự, giữ phẩm giá, ít hay làm càn, tham lợi hoặc vị tình mà trái phép, vả thường ở trong dân, mà có đủ trí thức xem xét được tình hình dân-gian rõ đích xác, điều tra được hành trạng quan-lại rõ tinh tường, cũng ít có lầm lẫn vàng thau ngọc đá; cho nên dám chắc rằng phép giám đốc quan-lại mà cải-lương như thế thì quan lại không sợ rằng có kẻ nhũng tệ tham ác mà còn được bảo vị toàn thân.

Cách bổ dụng đã tinh mật, mà cách giám-đốc lại rất nghiêm minh, quan lại phần nhiều là người có tư-cách xứng đáng, lại phải giữ gìn cẩn thận thì xin phải hậu đãi một cách đặc-biệt hơn bây giờ; phải cung cấp một cái lương bổng và các món tiền phụ cấp rất phong dụ cho người ta có thể đủ cái sinh-kế thân gia; phải ủy thác cho cái quyền hạn minh bạch đúng với chức vị của người ta mà đừng có khinh nhờn bỉ bạc, hoặc ngờ vực nén đè đến nỗi mất thể thống quan-quyền, khiến cho người ta sinh lòng chán nản; được vậy tất ai cũng vui lòng hởi giạ làm việc tốt việc hay. Hễ quan hay thì dân trị, nhân dân trong xứ này sẽ nhờ thế mà việc hại đều trừ, việc lợi đều hưng, cái hạnh phúc sung sướng thái bình không còn phải nói nữa. Dân sung-sướng thái bình cả thì ai tài thánh mà dụ dỗ được nó theo làm loạn bao giờ.

3· Về việc bảo-trợ bình dân, dự phòng cái họa xung đột tư-bản với lao động thì xin phải làm lại cái chế độ kinh tế của Đông-Phương cũ, bỏ hẳn các luật lệ không hợp thổ nghi dân tính của nước Nam chúng tôi như luật cho bao khẩn ruộng đất, luật cho chú sách thương tiêu, lệ phát bằng chuyên lợi cho các công-nghệ-phẩm, lệ cho lĩnh-trưng những việc mua bán lớn và thừa biện những việc công tác lớn của ChínhP-hủ, lệ cho phép làm những việc mưu lợi độc-quyền, như mở nhà máy điện, đặt đường xe hỏa, chở tàu đò, đốn rừng cây v. v. về nghề nông phải cho nông dân được tự do khai phá thành điền nạp thuế từ mười mãu trở xuống mà thôi; còn những nơi ruộng đất hoang nhàn thì phải do chính-phủ trù làm cái kế hoạch di dân ập ấp mỗi khu; ruộng đất to rộng chừng bốn, năm trăm mẫu thì trù hẳn một số tiền đủ khai khẩn khu đó cho những dân ở nơi đinh đa điền thiểu đi đến làm ăn; mùa đầu Chính-Phủ cấp cho lương ăn, cho ngưu canh điền khí, cho giống má, cấp dần cho nó khai khẩn mấy mãu tùy lực nó, hạn phải trả số tiền vốn lại cho Chính-Phủ làm mười năm; lập thành một ấp có tổng lý tuần đoàn cai quản, cũng như làng cựu ở trung-châu; khu khác cũng vậy; dần dần di hết những dân ở nơi đinh đa điền thiểu, khai khẩn hết những ruộng đất hoang nhàn, lập thành thêm bao nhiêu ấp, bao nhiêu tổng, bao nhiêu huyện không chừng, dân nghèo đều có chỗ làm ăn, mà Chính-Phủ mỗi năm thêm thuế má bao nhiêu vào công quĩ. Về nghề công phải tính cho các nhà công nghệ được tự do chế-tạo càng ngày thêm khéo thêm tinh, hoặc Chính-Phủ đặt ra các cách khích khuyến bổ trợ nghề công thì phải xét kỹ thật người thợ chế tạo được thứ công nghệ ấy tình xảo hơn người mà khen thưởng và giúp đỡ cho đích thân người thợ, chứ đừng hớ mà để cho những kẻ cướp nghề của người thợ được lạm ơn trên; còn đến các công xưởng, tùy công lực ít nhiều mà phát tiền lương tiền thưởng; người thợ khéo được yên sở làm ăn, cứ việc ra sức làm một nghệ lớn, chế tạo ra các công-nghệ phẩm xuất cảng bán ra ngoài thì nên do chính-phủ mộ tập tư bản, khai trương công xưởng, đặt một phái viên quản lý và một đốc công chuyên môn công nghệ ấy; những công nghệ phẩm bán ra được, trừ chi phí các khoản trong công xưởng, tiền vốn trả dần lại cho Chính-phủ, hoa hồng cho quản-lý và đốc-công, dư được lợi tức bao nhiêu, chia cho thợ thuyền trong công xưởng, tùy công lực ít nhiều mà phát tiền lương tiền thưởng; người thợ khéo yên sở làm ăn, cứ việc ra sức làm một ngày một thêm tinh xảo, không phải bán phá giá, làm hàng điêu, kém bề tinh xảo mãi như bây giờ; công nghệ trong xứ ngày càng chấn hưng, mà thợ thuyền đều được ấm no thừa thãi; Chính-phủ mỗi năm thêm được một số tiền lớn xuất cảng công nghệ phẩm vào công quĩ mà chẳng phải tốn của gì bao nhiêu. Về nghề thương thì việc buôn to xuất-cảng nhập cảng phải do Chính-phủ lập ra một sở Thương-chính co phái viên chia giữ các việc buôn, người buôn trong xứ đều có sở Thương-chinh của Chính-phủ đỡ đầu cho, mua hàng góp ở các nơi, đem bán hàng cho sở Thương chính xuất cảng, bán hàng lẻ ở các nơi, nhận mua hàng của sở Thương-chính nhập cảng; mà hàng mua cùng hàng bán, Chính-phủ chỉ lấy lãi mấy phần trăm đó, tính vừa đủ các khoản chi phí trong sở Thương-chính, tiền lời về số vốn của Chính-phủ xuất ra lập sở Thương-chính, tiền hoa hồng cho các phái viên, còn thì để lợi cho người buôn trong xứ là người mua góp hàng, bán lẻ hàng cho sở Thương chính, Chính phủ được lợi, người buôn được lợi, các thương quyền không vào tay người riêng lũng đoạn, mà việc thương mại trong xứ tự nhiên thịnh vượng dần dần. Về những việc công tác lớn và mua bán lớn của Chính-phủ phải do Chính-phủ giao cho sở Công-chính cùng sở Thương-chính của Chính-phủ làm lấy, trù định cái giá tiền công cùng giá mua giá bán thế nào cho đúng với thời giá, không thiệt đến dân, rồi cứ thế mà thuê nhân công, sắm vật liệu, rao báo cho công chúng được tự do đến mua bán với phái viên Chính-phủ, nhất thiết cái lệ cho lĩnh trưng thừa biện, bỏ hẳn không làm nữa; những nhân-viên của Chính-phủ ở sở Công-chính cùng sở Thương chính há rằng không khôn khéo tinh tường, cẩn thận, siêng năng hơn mấy anh thầu khoán kia sao? Nay Chính-phủ buộc cho những nhân viên đó cái trách nhiệm phải làm lấy các việc công tác, coi lấy các việc mua bán của Chính phủ mà định cách thưởng phạt cho thật nghiêm minh, thì những nhân viên đó tự khắc phải tận tâm tận lực, làm việc đâu đấy hẳn hoi, chắc còn có phần được việc hơn là giao cho thầu khoán; mà số tiền của công quỹ xuất ra bao nhiêu về mọi việc công tác cùng mọi việc mua bán của Chính phủ đều trực tiếp đến nhân công trong xứ được chưởng nhờ, không bị phao phí hàng nghìn hàng muôn, phá tiền công quĩ mà chỉ để làm giàu cho những kẻ lĩnh trưng thừa biện, họ ăn gian ăn dối với Chính phủ, ăn lường ăn quịt với nhân công; lợi cho công quĩ, lợi cho nhân công, tức là nhân dân trong xứ này khỏi bị thiệt của thiệt công, lại bớt đóng bớt góp, không cùng khốn như bây giờ nữa, chỉ không mãn nguyện có lũ thầu khoán mất cái mối lợi dối trên lừa dưới, không chóng thành ra một giai cấp tư-bản xung đột với giai cấp lao động mà thôi. Nhân dân đã không cùng khốn, không bực tức về nỗi nghèo giàu chênh lệch, không uất ức về nỗi làm không có ăn thì chẳng ai không lạc nghiệp an cư, mà hòng có kẻ thừa cơ phiến độ được nữa.

4· Về việc sùng kiệm ức xa để giè giữ tài nguyên trong xứ, khỏi tiêu tiết quá chừng thì xin phải tưởng lệ cái phong tục kiệm phác cũ của người Nam; đặt ra cấm lệnh không cho những việc tang hôn được quá phô trương xa-xỉ, không cho những đám yến hội được quá hoa mỹ linh-đình; phục cái luật lộng hành cũ của Triều-đình Nam, nhà cửa chỉ cho làm đúng vệ-sinh, dân thường không được lầu các nguy-nga như dinh thự, quần áo trang-sức chỉ cho vừa đủ sạch-sẽ, dân thường không được gấm vóc vàng ngọc như vương công; cả đến các hàng quan lại, các hàng thân hào, cũng nên có cách khuyến trừng, ai cửa nhà thanh bạch, ăn mặc phác tố thì có ban khen kim-khánh mền đay, ai cửa nhà lộng lẫy, ăn mặc xa hoa thì có quở phạt tước quyền giáng cấp; trong xứ đều đua nhau giới xa chuộng kiệm dần dần lại thành ra phong tục thuần phác như xưa, tài nguyên trong xứ không tiêu-tiết quá chừng; sách cổ Đông phương có câu: ăn ít dùng vừa thì không bao giờ thiếu; của không thiếu thì dân việc chi đến nỗi cùng; dân không cùng thì không bao giờ có loạn được nữa

5· Về các thứ thuế lệ thì xin phải theo cái nguyên tắc thu thuế rất công bình và rất giản tiện khỏi sinh ra những điều phí tổn vô ích về sự thu thuế mà để cho nhân dân phải thêm gánh nặng hoặc phải chịu nhũng nhiễu phiền hà; thí dụ như các thứ thuế chó, thuế rác, thuế hiên, thuế hàng rong, thuế vãng qua ở hàng phố, rút lại gì cũng đến người trong thành phố phải chịu cả mà bày vẽ ra hàng bao nhiêu thứ thuế, phải phí tổn thêm bao nhiêu người thu thuế, bao nhiêu giấy tờ sổ sách biên thuế, tiền thuế vào công quĩ có một, mà tiền tạp chi về sự thu thuế đến hai, thành ra nhân dân đáng phải nộp một đồng thuế vào công quĩ đã đủ tiêu mà té ra phải nộp đến hai đồng thuế mới cung dưỡng đủ lũ người làm về sự thu thuế; chi bằng tính tất cả bao nhiêu thứ thuế cộng lại trong một năm toàn số bao nhiêu, trừ cái tiền phí tổn vô ích về sự thu thuế phải đánh thêm vào thuế ra, tăng bổ đều vào thuế thổ-trạch và thuế nhân đinh trong thành phố chịu cả, có phải là giản tiện mà nhẹ bớt cho nhân dân được một phần gánh nặng không? Như thuế muối, thuế rượu, thuế kiểm lâm, thuế thương chính, đánh thuế vào thứ gì tức là gián tiếp đến người mua dùng thứ đó phải chịu thuế; nay đặt ra sở Kiểm lâm, sở Thương-chính, tốn lương bao nhiêu người làm để dình mò bắt bớ từng mủng muối, từng chai rượu, từng cây nứa, từng bánh thuốc, công quĩ thêm nhiều phí tổn vô ích, mà nhân dân bị nhũng nhiễu về sự dình mò bắt bớ rất khổ rất đau, chi bằng liệu đánh thuế ngay vào ruộng muối, vào ruộng giồng thuốc, vào rừng trưng khẩn, vào lò nấu rượu, vào xưỏng thợ chế tạo ra đồ, dù đánh nặng hơn lên thì kẻ có muối, có thuốc, có gỗ. có nứa, có rượu, có đồ lại tính thêm số tiền thuế vào trong mà bán đắt thêm lên cho người mua dùng chịu, có phải là giản tiện mà nhân dân khỏi cái nỗi nhũng nhiễu phiền hà không? Vả lại thu thuế phải xét kỹ cái sức nhân dân chịu thuế, tùy cái phần họ được hưởng thụ về sự dùng tiền thuế hoặc nhiều hoặc ít mà định phép thuế cho thật công bằng, sự dùng tiền thuế ở trong xứ này phần nhiều là để gìn giữ trị an, mở mang đường sá, đặt đường xe hỏa, thông đường tầu thủy nào giây điện, nào giây nói, nào phố sá, nào dinh thự, nào cải-lương nông nghiệp, nào chấn-hưng công-thương, cái ích lợi ấy có phải hết thảy nhân dân được hưởng-thụ như nhau cả hay sao? Tô tướng mười phần đến chín phần í h lợi về các nhà quan trưởng, các nhà làm ăn buôn bán lớn được hưởng thụ hơn kẻ bình dân, mà thuế thổ điền, thuế nhân-đinh, thì một ông điền chủ ruộng thẳng cò bay, có nông giang nhà nước chấp thủy, phóng thủy tha hồ với một tên trai cày một sào giăm miếng cũng đồng chịu mỗi mẫu một số thuế như nhau, một ông quan lớn, một ông chủ tư bản có ô-tô, có sà-lúp, có năm bảy chiếc xe đạp cho đày tớ người nhà, ngày nào cũng đánh giây điện, giờ nào cũng gọi giây nói, mở đồn điền được tiền cứu trợ, lập xưởng thợ cửa hàng được tiền phụ cấp, đủ trăm bề thuận tiện dễ dàng với một tên áo ôm khố rách, cả năm không biết cái ô-tô thế nào, không hiểu đánh giây điện, gọi giây nói làm sao, cũng đồng chịu lĩnh cái thẻ thuế tùy thân năm mấy đồng bạc như nhau; cái cách thu thuế không công bằng như thế phải sửa đổi lại, người hưởng thụ được nhiều ích lợi phải chịu thuế nhiều, người hưởng thụ được ít ích lợi cho chịu thuế ít, chia theo nhiều thứ hạng mà bắt tùy theo thứ hạng nộp thuế hơn kém cho rất công bằng, người giàu có được nhờ về Chính-phủ thì phải gánh vác công quỹ cho Chính phủ hơn người nghèo túng ít được nhờ về Chính-phủ là công bằng lắm; người giàu có gánh vác đỡ cho người nghèo túng, thì người nghèo túng đỡ được ít phần nghèo túng, cũng được no đủ hơn bây giờ; dân no đủ thì loạn tự đâu mà sinh ra được.

Ấy việc biến loạn xứ này có bổ cứu như thế mới thật là cái phép tri bản vậy; song làm những sự cải-cách đại đoạn thế, nói thì được mà làm có dễ chi đâu.

Trước nhất là Chính-phủ Pháp phải giao cho quan Toàn-quyền có cái toàn-quyền thực được tự tiện xử-trí mọi việc trong xứ này, trừ ra phải phụng hành cái chính sách nhất định, theo đúng cái chương trình dự sẵn của Chính-phủ Pháp không được làm sai, còn mọi việc dụng nhân hành chính, những điều thi thiết về giáo-dục, về công-tác, về kinh-tế, về xã-hội, cần phải bố-hoạch thế nào cho họp với nhân tình thổ-tục xứ này, cho công việc làm ra khỏi sinh ra cái hại sai lầm tệ lạm thì đều được tùy tiện xử trí cho thích nghi; lại cần nhất cái nhiệm kỳ quan Toàn-quyền ở đây phải cho được lâu ra thì suốt đời, chóng ra cũng được mươi lăm năm là ít, cũng như Phó-vương Anh ở Ấn-độ, Toàn quyền Mỹ ở Phi luật tân, thì quan Toàn-quyền mới thông thạo được tình-hình trong xứ, hiểu rõ được nhân vật phong tục trong dân, mới hòng thi thiết cho khỏi lạc nẻo trái đường, mới triển bố được hết cái tài chính-trị của mình làm trót lọt được những sự-nghiệp ích dân lợi nước; những sự cải cách đại đoạn mới có người làm Toàn quyền dám đảm phụ trách nhiệm mà thẳng tay theo đuổi cho đến cùng thứ nữa là Chính-phủ bảo hộ phải thành tâm hợp tác với người Nam. Cái điều này thì người Nam ôi mong mỏi về Chính phủ bảo-hộ đã lâu, mà Chính-phu bảo-hộ cũng hết lòng mưu tính; hai tiếng « hợp tác » đã gần thành là khuôn vàng thước ngọc cho những người mở miệng nói việc chính trị trong xứ này, dù người Nam hay người Pháp hãy là người thành thực, hơi có con mắt trông tỏ thời thế, cũng đều công nhận là phải. Song nói hợp tác với người Nam không có lẽ đem tất cả hơn hai mươi triệu người mà hợp tác được. Vậy thế nào cũng phải tìm lấy một hạng người có thể chắc cạy, có thể làm tai mắt chân tay cho Chính-phủ mà hợp tác. Nhưng thử xét kỹ xem hạng người ấy trong xứ này tìm được ở đâu?

Theo cái kiến giải tầm thường thì bảo Chính phủ hợp tác với vua quan là thuận tiện nhất; song đã mấy chục năm, người Nam ở gần người Pháp, theo học chữ Pháp, nhất là lại thâu nhập cả cái chế độ dân chủ dân quyền của nước Pháp. Con mắt một đứa dân hèn người Nam bây giờ trông vua quan cũng đã không còn thấy cái oai nghiêm ông ngoáo như xưa nữa. Cái tôn nghiêm vô hình mà độc nhứt của vua quan ở xứ này xưa kia cũng khác nào như vị tượng thần trong miếu, giá cứ để hương hoa nghi ngút, ngai khám nguy nga mãi ở trong thẩm cung mấy từng hương án, thì cái tôn nghiêm ấy vẫn còn hiển linh như sấm nổ gió rung, nhưng nếu đã giỡ miếu, hương hoa ngai khám đã triệt đi rồi, mà còn chắc cái tượng thần ấy vẫn thiêng, già trẻ muôn nhà vẫn lấm lét kinh vía hoảng hồn về chỗ mù tối gia oai giáng phúc thì quả chuyện không có bao giờ; chắc rằng nắm được vua quan thì có thể trị yên được nhân dân xứ này, cũng không khác gì thế. Gia dĩ ông quan ở xứ này lâu nay cách bổ dụng và cách thưởng phạt như trên kia đã nói, thật ít có ông có thực tài thực đức, chịu hết lòng hết sức làm việc hưng lợi trừ hại cho dân, dưới đối với dân hèn thì nhứt vị áp bức khi lăng, mà trên đối với Chính-phủ thì nhứt vị dối lừa bưng bịt, thiện chính lương pháp của Chính-phủ thi hành biết mấy mà đến các ông ấy thừa hành, phần nhiều cũng hư ngụy hay là nhũng nhiễu, trở thành hại dân cả. Bao nhiêu tình ý u ẩn của nhân dân chẳng hề có đạo đạt cho Chính-phủ biết, bao nhiêu điều lợi điều hại trong dân gian, chẳng hề bọc bạch cho Chính-phủ lo. Chính-phủ bảo hộ mà hợp tác với hạng người như thế liệu còn có chắc cạy gì được chăng? Mà có phải là tai mắt của Chính phủ thật tở tường, tay chân Chính-phủ thật lanh lẹ chăng? Hạng người này chỉ để làm một hạng thừa hành, mà trong việc thừa hành phải kiếm cách giám đốc cho thật nghiêm minh thì cũng là được việc. Nhưng nếu để đứng hẳn vào vai hợp tác với Chính phủ bảo hộ thì chẳng ích cho chính sách cải cách được là bao.

Theo cái phép chính-trị thông hành ở phương Tây thì bảo Chính-phủ bảo hộ hợp tác với các cơ quan dân biểu là hợp dân ý mà dễ thi hành lắm. Song ở nước Nam chúng tôi, cái chế độ dân chủ dân quyền, còn chưa biết đời nào mới trở nên thủy thổ khí hậu thích nghi cho cái hạt giống ấy. Hiện nay chỉ có năm mười cậu, một đôi cô bập bẹ mấy câu chữ Pháp, tập tọng nói giốc những là tự do, là bình đẳng, là tham dự chính-trị, là tuyển cử phổ thông; nhưng xét cho kỹ thì một trăm người nói tiếng ấy mà chưa chắc đã có một người hiểu hết cái ý nghĩa những tiếng ấy cho thật đích xác phân minh. Chính những anh những chị reo hò đòi tham dự chính-trị mà giá có cho tham dự chính-trị, có một tí trí thức gì về chính-trị, hòng bàn luận phải chăng, rút lại cũng chỉ bám vào cái danh vị ông nghị, ông hội chỗ nghị trường mà xoay lấy cái tư lợi cỏn con hay khất ai lấy cái hư vinh loè loẹt. Lại chính những anh những chị kêu rêu xin tuyển cử phổ thông, mà giá có cho tuyển cử phổ-thông, có đủ trí khôn lựa chọn nổi ai là người đáng bàn. ai là người lạm tuyển, rút lại ôm cái phiếu đi bàu cũng chỉ làm cái lưỡi câu cân rượu chè, câu hát xướng, hay để làm lá bùa cầu tài cầu chữ bạc, cầu mớ xu. Đấy là nói những kẻ tùy-tòe có một đôi học thức, mà đua quyền bàu cử cho họ, đã thấy hại qua đua con dao sắc làm họ đứt tay rồi; còn hết thảy nam nữ quốc dân trong xứ, đâu đâu cũng vậy, nguòi nguời đều thế, ngoài ẩm thực nam nữ không tư tuởng, ngoài cửa nhà gà chó không công danh, suốt ngày thâu đêm dau-dáu lo sao cho có đồ ăn ngon, có áo mặc đẹp, có ngôi ăn chốn ngồi bằng chúng bạn, có ruộng vuờn của cải để cho con, biết chi là quyền bàu cử, kể chi là việc chính trị, nghe có cái giấy quan sức đi bàn nghị viên, coi như cái lệnh đem bạc đóng thuế, vác cuốc làm sâu, ai kéo đi thì đi với họ, bảo bàu ai thì bàu, chỉ biết được một điều mới lạ hơn là có cái phiếu bàu cử trong tay thế nào cũng có thiên hạ cho rươu, cho cơm, cho tiền, cho bạc. Ấy dân chủ với dân quyền ở nước Nam chúng tôi là thế. Thử nghĩ những nguời có thực tài, thực đức, có thực lòng muốn muu tính việc ích quốc lọi dân, cái công việc mình ra gánh vác khó nhọc là việc nước việc dân, mình có vị danh vị lợi gì, mà nếu lại phải bôn tẩu cạnh tranh, chạy ruọu, chạy thịt, chạy chầu hát, chạy tiệc tây, chạy năm ba chục đồng bạc mua phiếu, thì phỏng ai có dởm có khờ như thế không? Mà gián hoặc có người nào nhiệt tâm công danh quá, chịu dùng đến cái thủ đoạn ô trọc ấy để mong chiếm lấy một chân ăn nói trong trường chính-trị, thì lúc xuất thân đã phải mất của mất công, không lẽ cơm nhà việc người, cam tâm bỏ tiền túi hàng ngàn hàng vạn ra mà không cần chút đền bù sau này về việc dân việc nước, bấy giờ mới đánh hơi thấy có cái mồi nào nó dử, cái dử bằng tước lộc, cái dử bằng kim tiền, nghĩ lại cái cơn mình chạy xuôi chạy ngược, mất trăm mất nghìn, thôi cũng tối mắt đen lòng, chẳng lọi dân ích nước thì đừng, miễn được cái món hời, năm kiếm giăm ba vạn, ăn tiêu phung phá với đời chơi là cắm cổ gật, giơ tay uày, hùa làm những chuyện mọt dân hại nước; cho nên người khá ít ai dự vào các hội-đồng dân cử. Có người nào dự thì kết cục cũng chẳng làm gì ích được nước, lợi được dân.

Còn một hạng chen vai thích cánh nhau trong các chỗ nghị-trường hoặc là những kẻ hứng của cầu danh, hoặc là những kẻ đầu cơ mưu lợi, háo hức muốn cái hàn-lâm, bắc-đẩu, chi mà chẳng vất bạc vạn ra mua, ngấp nghé chực cái lô rượu, đồn điền, chi mà chẳng lót từng người xin lấy, mua được cái ghế hội đồng. xin được cái bài ông nghị, rồ là chỉ có một cái mục đích chăm chăm chúi chúi hót sao cho đuợc lòng Chính-phủ, láu sao cho bịt mắt nhân dân, dối trên lừa dưới để mưu thỏa cái dục vọng cầu lợi cầu danh, chứ còn nghĩ gì tới quốc-kế dân sinh, lo gì tới dân tình lại tệ. Và cái hạng người đã đâm đầu vào hư danh tiểu lợi thì trí thức có gì, tài học có gì, chẳng qua giỏi được cái khéo nói dối ăn gian, khôn được cái lối toàn danh su mị, biết gì việc chính-trị mà hợp tác với Chính phủ, làm tai mắt sáng suốt, tay chân đắc lực cho Chính phủ có thể chắc cạy vào họ mà dựng nên cái cơ đồ trường trị cửu an.

Chính phủ không hợp tác được với quan quyền, các cơ quan dân cử cũng không hợp-tác được với Chính-phủ, nay Chính phủ bảo hộ muốn thực hành cải cách cho xứ này được chuyển loạn làm trị, chuyển nguy làm an, thì xin phải thu nhặt những nguời có học-thức, có tài trí, có danh-vọng khắp trong xứ, không luận là người trong các cơ quan dân cử, người trong quan giới, người trong các nghiệp công thương, người trong các miền thôn-giã, gây cho trong xứ có một cái dân đảng chân-chính toàn là người có tài học, có công-tâm công-đức, đích đáng vào bực lĩnh-tụ trong dân để làm tai mắt thật sáng suốt, tay chân thật đắc lực cho Chính-phủ làm các việc hưng lợi trừ hại trong xứ này, để Chính-phủ có thể chắc cậy vào một hạng người Nam thành thực hợp tác cùng nhau, mà không ngại kiến thiết có chỗ sai lầm, thi hành có điều tệ lạm.

Kể nước Nam chúng tôi dân trí còn ấu trĩ quá, trình độ học thức còn kém quá, nhân tài vẫn không sao sánh kịp với người Tây. Nhưng cổ ngữ có câu: trong mười bộ đất sao cũng có một khóm cỏ thơm; một nước hơn hai mươi bảy vạn dặm vuông, cái khí linh tú của non sông không phải không chung đúc nên một số ít người đĩnh đặc phi thường, siêu quần xuất chúng; cái lịch sử lập quốc gần ba ngàn năm nay trong đó thật chẳng thiếu gì những bực minh-quân lương-tướng, chí sĩ cao nhân, anh hùng hào kiệt; những bực ấy dẫu bao giờ ở nước nào cũng vẫn là sừng lân lông phượng, chẳng lấy đâu có nhiều được Nhưng quả ngay ở nước chúng tôi cũng vẫn đời nào cũng có, đất nào cùng có, không dám nói mẽ, tưởng người Tây có xem xét lịch sử nước Nam, có am hiểu nhân vật nước Nam đôi chút, cũng biết chắc rõ ràng như thế. Hiện nay trong xứ việc học đương lố lăng, nhân tài không nảy nở ra được, lại kinh bao nhiêu hồi biến loạn, nhân tài trác táng đi mất nhiều; nhưng thử bấm đốt ngón tay mà đếm, còn có ở Nam-kỳ như Nguyễn-phan-Long, Phan-văn-Trường, Bùi quang-Chiêu, Lê văn-Trung, Lê-quang-Liêm, Diệp-văn-Kỳ, Nguyễn-văn-Bá vân vân; ở Trung-kỳ như Huỳnh-thúc-Kháng, Trần-đình-Nam, Lê-Thước, Phan thúc-Diện, Phan-Khôi, Huỳnh-văn-Khải, Lương-tái-Tạo, Nguyễn-Trác, Hồ-tá-Bang, vân vân; ở Bắc-kỳ như Đỗ-đình-Thuật, Nghiêm-xuân-Quảng, Bùi-đình-Tá, Lê-đình-Lục, Nguyễn-bá-Chính, Nguyễn-văn-Luận, Phạm-huy-Lục, Phạm-Quỳnh, Nguyễn-năng-Quốc, Nguyễn-minh-Cầu, Lê-Đức, Phan-trọng-Kiên, Nguyễn-văn-Vĩnh. Bạch-thái-Bưởi, vân vân. Tuy nói đến tài học thì chẳng thấm đâu được với người Tây, nhưng cũng đều là các phần tử trong dân đảng chân chính ở nước Nam cả. Ấy là chưa kể những người đương ở trong vòng quan lại, đương làm việc các sở các tòa cùng người vì một lầm hai lỡ mà đương ở tù ở rạc, tại đồ tại lưu cũng còn có thể thu nhặt được một số khá khá nữa cho đứng vào cái vai dân-đảng chân-chính được. Chính-phủ bảo hộ mà thật lòng muốn hợp tác với dân đảng chân chính người Nam thì cũng chẳng khó gì chẳng thu nhặt đủ người lập nên được một dân-đảng chân-chính cho người Nam vậy.

Trước hết là Chính-phủ lấy thành tâm dung nạp, cho phép mấy người đầu mục đứng lên tổ chức một cái dân-đảng, trong khi hiệu-triệu nhau lập đảng được ngôn-luận tự-do, tập hội tự-do, thư-tín tự do để được thông đạt tình ý, trao đổi ý kiến với nhau và định cái chương-trình biện sự trong đảng; lập thành dân-đảng rồi, Chính-phủ công nhận và tán-trợ cho. Trong đảng chia ra các ban ủy-viên làm các việc, ban thì chuyên việc đi hiểu dụ dân chúng, ban thì chuyên việc chiêu tập và lựa lấy đảng viên, ban thì chuyên việc huấn luyện đảng-viên, ban thì chuyên việc nghiên-cứn các vấn-đề có ích lợi về dân-sinh quốc-kế, có quan-hệ về học-thuật, phong-tục, thực-nghiệp, lợi-quyền, ban thì chuyên việc trình bày ý-kiến với Chính-phủ ở phủ Toàn quyền và các phủ Thống-đốc, Khâm sứ, Thống sứ đều có ủy viên thường-trực cho các quan thượng hiến cố-vấn, thương đồng; mà Chính-phủ cho được dự vào các kỳ hội-đồng Chính-phủ thường trực, hội-đồng tư mậ, hội đồng cơ mật, hội đồng bảo-hộ, hội-đồng kinh-tế, hội đồng chính-phủ thường-niên.

Đến việc giám-đốc quan lại, việc củ-sát nhân-viên làm việc các sở các tòa, các trường công-nghệ, các cục thương-chính, công chính thì xin Chính-phủ giao hẳn cho dân đảng cắt một ban ủy-viên chuyên việc đi luân lưu các chỗ, mỗi tháng bá cáo chân tình thực-trạng cùng các nốt tốt nốt tấu của các quan-lại, nhân-viên trình lên Chính-phủ một lần. Hãy tủy-viên dân đảng báo cáo điều gì hoặc trình bày ý-kiến về việc gì xin các quan thượng hiến xét lại kỹ lưỡng rồi quyết đoán thi-hành ngay, hoặc quyết-đoán thưởng phạt ngay, không kiên chấp mà bỏ lẽ phải; mỗi việc Chính-phủ thi thiết thì trước khi thi-hành, do dân-đảng được dùng hết phương pháp đạo đạt truyền thị cho nhân dân hiểu biết phân-minh, không để mù mịt hàm-hồ cho có kẻ tạ-đoan phiền-nhiễu, đến lúc thi-hành lại do dân-đảng dùng hết phương pháp giúp đỡ giám chế kẻ thừa hành phải nhận chân biện-sự, không để cẩu-thả hư ngụy cho có điều pháp lập tệ-sinh. Như thế thì Chính-phủ thật có đủ trăm mắt nghìn tai nghe thấy trong dân không gì xót, có đủ trăm tay nghìn cẳng hành-động trong dân không gì hư. Các việc thi thiết ra đều có thể chắc cạy dân đảng giúp công mà thi-hành tận thiện được cả.

Lại giám đoan quyết với Chính-phủ bảo-hộ một điều này nữa: cái tập quan tổ truyền của dân nuớc Nam là cái thói tôn hiền kính trưởng; ở trong xã-hội, người nào hơi có tài-trí có học-thức, có danh-vọng hơn người một chút thì kẻ bình dân tự nhiên đem lòng kính trọng, phục tùng, không đợi cái oai-lực hiếp chế gì, mà tự đâu trong óc trọng tài chuộng đức đã đầm thấm sâu mấy ngàn năm, cái tâm lý phổ thông của mọi người coi ra, ngoài đối với người trưởng thuợng cũng như ở trong nhà đối với bậc cha anh bảo gì cũng nghe, sai gì cũng được. Nay tuy bị cái lý thuyết bình đẳng tự do dân chủ, dân-quyền, làm cho người ta hiểu lầm nghe lạc, một số ít k ẻthiếu niên mất dạy cũng có ngang tàng ngỗ ngược, không còn cái tâm lý ấy như lúc cổ thời; nhung một cái tập quán tổ truyền đã mấy nghìn năm, một số rất ít ngang tàng ngỗ ngược đó vẫn chưa có chút thế lực gì lay động nổi cái nền móng thân-thượng tôn-trưởng tự lâu đời, trong phần đông vẫn chưa đổi cái bụng kính sợ phục tùng đối với những người tài cả đức to phẩm long vọng trọng. Cái hạng người đã được nhân dân kính sợ phục-tùng sẵn mà nếu lại được Chính phủ thành tâm hợp tác, đuợc Chính-phủ tin cạy, ủy thác làm tai mắt tay chân thì tài đức của họ càng thêm tín dụng với dân, phẩm vọng của họ đối với dân càng thêm long trọng, họ dắt dân đi ngược là ngược, họ dắt dân đi xuôi là xuôi. Họ đã tin chắc hợp tác với Chính phủ là ích nước lợi dân, họ lấy đó làm sự nghiệp, làm danh dự cho họ về sau thì họ tất đem hết lòng hết sức xua cả nhân-dân vào trong vòng hợp tác; ai cũng trung thành với Chính-phủ, đâu cũng trông nhờ về Chính-phủ thì còn ai đâu phản-đối Chính-phủ mà bảo bọn cách mệnh ở ngoài còn mong phiến-biến, quân xích-nga cộng-sản còn ngõi tuyên truyền.

Nên giám đoan quyết với Chính phủ bảo hộ rằng: quả thật Chính-phủ bảo-hộ thành tâm hợp tác với dân đảng chân chính người Nam, cùng nhau hiệp lực đồng tâm thục hành cải-cách, đúng như mấy điều trên kia đã nói thì trong xứ này chẳng bao giờ có biến loạn như mấy năm gần đây nữa vậy. Cả dân nước Nam chúng tôi mong lắm; mà tôi tưởng như thế thì cái quyền lợi nước Pháp ở Đông-dương, cái thanh thế của nước Pháp ở Thái-bình-dương cũng may lắm! Xin quan thượng-thư thuộc địa Pháp ngài xét kỹ cho.

Còn một vấn đề hiện đương khẩn yếu nữa là cái vấn đề kinh-tế khủng hoảng ngày nay; cái nạn khủng hoảng chung cả thế giới, thì tôi không dám bàn, nhưng cái tình hình khủng hoảng riêng ở Đông-dương thì theo ngu kiến tôi, có ba điều cần phải để ý đến trước tiên, mà gỡ xong ba điều này tức là may ra có thể giải quyết được cái vấn đề đó.

Cái nạn khủng hoảng chung cả thế giới, thì ở trong xứ này, trừ ra các nhà Nông Công Thương người Pháp và một số rất ít những nhà đại điền chủ, đại kỹ nghệ, đại thương mại người Nam người Tàu, người Ấn độ là phải chịu cái số phận chung với người Âu-Mỹ mà thôi; còn phần nhiều dân nước Nam, chỉ chuyên nghề cày cấy giồng giọt, hóa sản giao dịch phần nhiều chỉ với người Tàu; dân Tàu trải mấy mươi đời nay đi sang làm ăn, buôn bán, sinh cơ lập nghiệp ở xứ này, có thể nói rằng một phần lớn tư-bản lưu-thô g rải rác ở xứ này là của người Tàu cả; cái tình hình khủng-hoảng mà dân nước Nam chúng tôi phải nhăn nhó khổ-sở đây là chỉ vì tự cuối năm ngoái đến giờ thóc gạo không bán sang Tàu được, chẳng những thóc gạo, mà những hóa sản khác, như nâu, quế, than, gỗ, các vị thuốc, các chất nấu dầu, các chất nhuộm, các hàng công nghệ cũng không tiêu thụ sang Tàu được như mọi khi; cái cớ hóa-sản không bán được sang Tàu, không phải tại người Tàu không cần, mà chỉ tại đồng bạc Tàu đối với đồng bạc Đông dương sút giá quá, đồng bạc Đông dương cao hơn đồng bạc Tàu đến nỗi gần gấp thành hai, nên chẳng những hóa sản nước Nam không bán được sang Tàu mà bao nhiêu những tư-bản của người Tàu vốn vẫn lưu thông trong nước Nam, cũng rút về Tàu mất cả, họ chẳng những rút cái tư bản hiện đương giao-dịch trong xứ này của họ, mà lại bán hết cả bất động sản của họ để móc lấy tư bản của người Nam đưa cả về Tàu. Thành ra trong nước Nam cạn mất cái tư-bản giao-dịch của người Tàu lại không thu nhập được tí nào về những hóa-sản bán sang Tàu, mà trông về tư bản của người Tây thì người Tây chính đương bị cái nạn kinh-tế khủng-hoảng chung cả thế giới; trong nước Nam tiền khan hẳn đi vì thế, tiền khan thì trăm công ngàn việc, trăm nghề ngàn nghiệp phải đình-đốn suy-sập cả, mà diễn thành cái nguy-ngập khủng-hoảng ngày nay.

Bây giờ xin Chính-phủ kíp đổi lại cái bản vị đồng bạc của Đông-dương như cũ, nghĩa là nước Tàu còn dùng tiề bản vị bằng bạc, thì Đông-dương cũng cứ dùng tiền bản-vị bằng bạc như nước Tàu. để khôi phục lại tình hình giao dịch với nước Tàu, cho có số tiền thu nhập, dần dần lại rút cả lại cái tư-bản lưu thông rải rắc trên thị diện của người Tàu; như thế dù cái nạn khủng hoảng chung cả thế giới chưa gỡ xong, xứ này chưa trông về cái tư bản giao-dịch của người Âu Mỹ được, nhưng có được cái tư bản của người Tàu lưu thông rải rắc trên thị-diện và có được số tiền thu nhập về hóa sản bán sang Tàu, nước Nam quyết không đến nỗi khan tiền quá như ngày nay mà dân nước Nam quyết không đến nỗi quá khổ sở về cái nạn khủng-hoảng vậy.

Lại xin Chính-phủ kíp sửa lại cái thuế xuất cảng gạo; chẳng những bỏ hẳn cái thuế phụ 45%, mà đến chính nguyên ngạch thuế xuất cảng gạo hiện vẫn thi hành từ trước đến nay bây giờ cũng phải giảm bớt đi nữa, phải tính làm sao cho gạo của mình tải ra đến Hương cảng, cái thành bản cũng chỉ bằng giá gao của Diến-điện với Xiêm la, vì hiện-thời giá gạo ở trong thị-trường thế giới sút xuống, mà đường tiêu thụ cũng hẹp đi nhiều, gạo có hạ g á mới tranh lại được mối hàng, Diến điện Xiêm-la họ đều phải bỏ hoặc giảm thuế xuất cảng gạo đi để dễ kiếm khách mua hàng cho gạo của họ; mình muốn cạnh tranh thị trường bán gạo với họ, thì mình cũng không thể không bỏ hoặc giảm thuế xuất cảng gạo đi. Chính-phủ sửa lại huế xuất cảng gạo thế nào cho gạo mình ra đến ngoài tính giá rẻ hơn gạo Diến-điện với gạo Xiêm la, thì gạo mình tự khắc tiêu thụ ra ngoài được nhiều, không đến nỗi như năm nay không bán được ra ngoài, mà thóc thừa để mục. Một mặt phải hết sức cải-lương cho dân nước Nam nghề làm ruộng; bao nhiêu việc chấp-thủy, phóng-thủy, phòng bị cho ruộng lúa khỏi có thì th êu khô, nơi thì ngập lụt; nhờ được có tiền công thải của bên Pháp giúp thuộc-địa, xin trước hết hãy đem kinh-doanh tạo-tác về việc lợi nông; các sở canh nông thí-nghiệm cùng các ty coi việc canh nông hiện đã đặt ra trong xứ này, trách cứ phải nghiên cứu cho rõ ràng, tìm ra các phương pháp chọn giống, bón màu, chia chất đất, làm tốt đất, trừ sâu bọ, ngừa sương gió, thế nào là thật k ến hiệu, thật giản tiện dễ theo, làm sách làm báo phát cho dân xem, thường thường diễn giảng cho dân h ểu, và kiếm mỗi làng vài nhà hơi có khôn b ết. khuyến khí h cho họ theo phương pháp làm trước để kẻ khác noi gương. Nghề làm ruộng đã cải lương thì số lúa sản-xuất ngày một thêm bội thu, huyết-mạch của xứ này tự nhiên rồi vào đầy đủ. Như thế gạo mình vừa nhiều vừa tốt lại giữ được mối hàng tiêu thụ ra ngoài, một xứ nông quốc như xứ này còn có khi nào có cái tình hình khủng hoảng như ngày nay nữa.

Lại xin Chính phủ trong khi định lại cái bản vị đồng bạc, tư bản trong xứ chưa thu hồi về được, mới sửa lại thuế xuất cảng, mối hàng bán gạo chưa tranh lại được, kíp hãy dùng cái chính sách hạn chế ngoại hóa cho trong xứ đỡ khỏi khoản chi xuất, bù với khoản thu-nhập hiện đương chẳng có tí gì; bao nhiêu những thứ hàng thuộc về xa xỉ phẩm mà xứ này vẫn phái mua ở ngoài vào, xét ra những thứ gì không cần thiết cho dân-sinh nhật dụng lắm, thì đánh thuế nhập cảng rõ nặng, cho không thể bán được vào đây, đỡ được đồng tiền ở đây chảy tuột ra ngoài mất một số lớn.

Như thế tuy khoản thu nhập đương còn ít ỏi mà khoản chi xuất cũng bớt được nhiều; cái tình hình khủng-hoảng sẽ cũng đỡ nguy kịch đi được khá vậy.

Ngu-kiến như vậy, xin quan lớn xét xem có thái thủ được đ ều nào chăng.

Viết ngày 3 Novembre 1931



In tại nhà in Đông-Tây 193, phố hàng Bông — Hanoi



Giá: 0$10

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng ở Hoa Kỳ vì nó được phát hành lần đầu tiên ở bên ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ (và không được phát hành ở Hoa Kỳ trong vòng 30 ngày) nó được phát hành lần đầu tiên trước 1989 mà không tuân thủ các thủ tục bản quyền của Hoa Kỳ (gia hạn và/hoặc thông báo bản quyền) nó thuộc phạm vi công cộng ở quốc gia gốc vào ngày URAA (1 tháng 1 năm 1996 đối với đa số quốc gia, đối với Việt Nam là ngày 23 tháng 12 năm 1998).


Tác giả mất năm 1944, do đó tác phẩm này cũng thuộc phạm vi công cộng tại các quốc gia và vùng lãnh thổ có thời hạn bảo hộ bản quyềncuộc đời tác giả và 75 năm sau khi tác giả mất hoặc ngắn hơn. Tác phẩm này có thể cũng thuộc phạm vi công cộng ở các quốc gia và vùng lãnh thổ có thời hạn bảo hộ bản quyền dài hơn nhưng áp dụng luật thời hạn ngắn hơn đối với các tác phẩm nước ngoài.