Bước tới nội dung

Biên dịch:Những trái Thánh Linh đầu tiên

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Những trái Thánh Linh đầu tiên
của John Wesley, do Wikisource dịch từ tiếng Anh


Vậy bây giờ, những ai ở trong Chúa Giê-xu Cơ Đốc sẽ không bị kết tội nữa... là những người không sống theo xác thịt, nhưng sống theo Thánh Linh.
Rô-ma 8: 1, 4b.



1. Khi viết “những ai ở trong Chúa Giê-xu Cơ Đốc,” Phao-lô ngụ ý những người thật sự tin Ngài; những người “được xưng công chính bởi đức tin, được phục hòa với Thiên Chúa qua Chúa chúng ta là Chúa Giê-xu Cơ Đốc.”[1] Như thế, những người đã tin thì không còn “sống theo xác thịt”, không còn buông thả theo bản chất băng hoại tự nhiên, nhưng “sống theo Thánh Linh”; lời nói, suy nghĩ, việc làm của họ thay thảy đều ở dưới sự dẫn dắt của Linh Thiên Chúa đầy phước hạnh.

2. “Vậy bây giờ họ không bị kết tội nữa”. Họ không còn bị Chúa kết tội bởi vì “họ được xưng công chính mà không phải trả một giá nào nhờ ân điển Ngài, bởi sự cứu chuộc trong Chúa Giê-xu Cơ Đốc”.[2] Ngài đã thứ tha mọi vi phạm, thanh tẩy mọi tội lỗi của họ. Vì vậy, không còn có sự buộc tội nào từ trong lòng họ, vì họ “nhận lãnh, không phải linh của thế gian, mà là Linh từ Thiên Chúa, để có thể hiểu được những điều Thiên Chúa ban cho họ”[3]; chính Chúa Thánh Linh “làm chứng với tâm linh họ rằng họ là con cái Thiên Chúa.”[4] Lại nữa, “lương tâm họ cũng làm chứng rằng họ lấy sự đơn thành và chân thật từ Thiên Chúa mà cư xử trong thế gian này. Họ không dựa vào sự khôn ngoan của xác thịt, nhưng nương nhờ ân điển của Thiên Chúa.”[5]

3. Song, bởi vì câu Kinh Thánh vẫn thường xuyên bị giải thích sai lạc cách nguy hiểm; bởi vì nhiều người “dốt nát và không vững vàng”[6] (hoi amatheis kai astEriktoi, những người không được Chúa dạy dỗ, vì vậy họ không được vững lập trên chân lý theo sự kính sợ Chúa) làm sai lệch Lời Chúa mà “chuốc lấy sự hủy diệt cho chính họ”; tôi sẽ cố trình bày:

Thứ nhất, ai là “người ở trong Chúa Giê-xu Cơ Đốc”, và “không sống theo xác thịt nhưng theo Thánh Linh”; thứ nhì, “họ không bị kết tội nữa” nghĩa là gì, rồi tôi sẽ kết luận với một số ứng dụng cụ thể.

1. Trước tiên, ai là “người ở trong Chúa Giê-xu Cơ Đốc”. Há chẳng phải là những người tin danh Ngài? những người “được ở trong Ngài, không phải nhờ sự công chính của họ mà nhờ đức tin nơi Chúa Cơ Đốc, là sự công chính đến từ Thiên Chúa”?[7] những người “được chuộc bởi huyết Ngài”, họ đích thực là những người ở trong Ngài;[8] họ ở trong Chúa Cơ Đốc và Ngài ở trong họ. Họ hiệp nhất với Ngài trong Chúa Thánh Linh. Họ được tháp vào Ngài như nhánh nho được tháp vào gốc nho. Họ hiệp nhất với Ngài như chi thể với đầu, theo cách không ngôn ngữ nào diễn tả được.

2. Nay thì, bất kỳ ai “ở trong Ngài thì không phạm tội”,[9] “không sống theo xác thịt”. Xác thịt, theo ngôn ngữ của Phao-lô, là bản chất hư hoại của con người. Theo ý nghĩa này ông đã viết cho tín hữu ở Ga-la-ti, “Công việc của xác thịt là rõ ràng”,[10] và ngay trước đó ông khuyên bảo họ, “Hãy bước đi theo Thánh Linh, đừng thỏa mãn những dục vọng (hoặc ước muốn) của xác thịt” (câu 16). Những ai “sống theo Thánh Linh” thì không “thỏa mãn những dục vọng của xác thịt”, Phao-lô giải thích, “vì xác thịt có những dục vọng trái ngược với Thánh Linh, và Thánh Linh có những ước muốn trái ngược với xác thịt; hai bên đối nghịch nhau như vậy, nên anh em không làm được điều mình muốn” (câu 17); hina mE ha an thelEte, tauta poiEte dịch từ sang từ như thế khiến người đọc nghĩ rằng xác thịt thắng hơn Thánh Linh, không chỉ sai với nguyên văn của vị Sứ đồ mà còn làm cho lập luận của ông trở thành vô nghĩa; vâng, nó đảo ngược những gì ông muốn nói.

3. Những ai thuộc về Chúa Cơ Đốc và ở trong Ngài thì “đóng đinh xác thịt cùng với các đam mê và dục vọng mình trên thập tự giá rồi”.[11] Họ tránh xa mọi việc làm của xác thịt: gian dâm, ô uế, buông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, gây gổ, ghen ghét, giận dữ, ích kỷ, bất bình, phe đảng, ganh tị, say sưa, chè chén; họ tránh xa mọi suy nghĩ, lời nói, việc làm bị bản chất hư hoại xui khiến. Mặc dù vẫn cảm nhận được rễ đắng ẩn khuất trong lòng, với quyền năng từ trên cao họ khống chế và dày đạp dưới chân kẻo “rễ đắng đâm ra, gây rối và làm ô uế nhiều người trong anh em”;[12] đến mức tất cả sự tấn công của xác thịt mà họ trải qua chỉ cho họ thêm cơ hội mà ngợi khen, chúc tụng, “Tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho chúng con sự đắc thắng nhờ Chúa chúng con là Chúa Giê-xu Cơ Đốc”.[13]

4. Nay họ “bước theo Thánh Linh”, cả trong tấm lòng và trong đời sống. Họ được dạy dỗ về Ngài để biết yêu Thiên Chúa và yêu người lân cận bằng tình yêu như là “một mạch nước tuôn trào đến tận sự sống đời đời”.[14] Và Ngài dẫn dắt họ vào mọi ước muốn thánh, vào mọi tâm tính thiên thượng, cho đến khi mọi ý tưởng phát sinh từ lòng họ đều là thánh cho Chúa.

5. Những ai “sống theo Thánh Linh” cũng được Ngài dẫn dắt vào sự thánh khiết trong nếp sống hằng ngày, “lời nói của họ luôn ân hậu và nêm thêm muối”[15] với lòng kính yêu Chúa. “Không có một lời độc ác nào ra từ miệng họ, nhưng chỉ nói những lời tốt đẹp có tính xây dựng để đem ơn phước đến cho người nghe”.[16] Ngày và đêm, họ chỉ chăm làm những gì đẹp lòng Chúa; trong nếp sống thường nhật họ theo Ngài “đấng lưu lại cho họ một gương sáng để họ noi theo dấu chân Ngài”;[17] trong mọi giao tiếp với người lân cận, để bước đi trong sự ngay thẳng, thương xót, và chân thật; cũng như “bất luận việc gì họ làm, họ làm tất cả vì sự vinh hiển của Thiên Chúa”.[18]

6. Những ai thực sự “sống theo Thánh Linh” đều được đầy dẫy Thánh Linh và đức tin, từ trong lòng cũng như được thể hiện trong nếp sống, trong từng lời nói việc làm, họ đều có bông trái thật của Linh Thiên Chúa, đó là “yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, khiêm nhu, tiết độ,”[19] và bất cứ điều gì đáng yêu chuộng và đáng khen ngợi. “Trong mọi lãnh vực, họ làm rạng rỡ đạo lý của Thiên Chúa, Cứu Chúa của họ”;[20] và làm chứng trước mọi người rằng họ thật sự được cảm động bởi Chúa Thánh Linh “đấng đã khiến Chúa Cơ Đốc sống lại từ cõi chết.”[21].

II

[sửa]

1. Ở phần thứ hai tôi sẽ trình bày như thế nào mà “những người trong Chúa Cơ Đốc không bị kết tội nữa”, và “không sống theo xác thịt, nhưng theo Thánh Linh”.

Trước hết, những người tin Chúa Cơ Đốc và sống theo Thánh Linh thì không còn bị đoán phạt về tội lỗi của họ trong quá khứ. Chúa không kết tội họ vì những tội ấy; như thể chúng chưa từng xảy ra; như thể chúng đã bị vùi sâu dưới đáy biển, Ngài chẳng còn nhớ đến chúng. Thiên Chúa, Đấng đã “lập Con Ngài là sinh tế chuộc tội” cho họ, là những người “có đức tin trong Huyết Ngài”, đã “lấy lòng nhẫn nhục mà bỏ qua những tội lỗi trong quá khứ” của họ.[22] Ngài không buộc họ một tội nào cả, Ngài đã quên hết thảy tội lỗi họ đã phạm.

2. Cũng không có sự kết tội nào trong lòng họ; không còn cảm giác tội lỗi, hoặc lo âu về cơn thịnh nộ của Chúa. Có lời chứng trong lòng họ: họ nhận thức được quyền năng của huyết thanh tẩy. Nay không còn trong lòng họ “tinh thần nô lệ để cứ sống trong sợ hãi, nhưng tin quyết rằng mình đã được nhận làm con, do đó họ mạnh dạn mà gọi Ngài: “A-ba! Cha”[23]. Như thế, sau khi được xưng công chính bởi đức tin, họ có sự bình an của Thiên Chúa đấng ngự trị trong lòng họ; cảm xúc dâng trào về ơn thương xót của Ngài mà “nguyện ước với Chúa từ một lương tâm trong sáng.”[24]

3. Song, người tin Chúa đôi khi có thể đánh mất khải tượng về ơn thương xót của Ngài; có lúc những đám mây đen che phủ đến nỗi họ không thể nhìn thấy Ngài là đấng vô hình, không còn xác chứng rằng mình được dự phần trong huyết đền tội của Ngài; khi ấy họ cảm thấy bị định tội, lại nhận lãnh án phạt của sự chết. Giả sử như thế, giả sử họ không còn cảm nhận được ơn thương xót của Thiên Chúa, khi ấy họ không phải là người tin Chúa: Bởi vì đức tin là ánh sáng, ánh sáng của Chúa soi sáng linh hồn họ. Một khi họ đánh mất ánh sáng ấy, trong một lúc, họ cũng mất đức tin. Rõ ràng là người tin cậy Chúa Cơ Đốc vẫn có thể đánh mất ánh sáng của đức tin; khi ấy, một lần nữa, trong một lúc, họ bị rơi vào sự định tội. Nhưng đó không phải là trường hợp của những ai đang “ở trong Chúa Giê-xu Cơ Đốc”, những ai đang tin danh Ngài. Miễn là họ tin, và bước đi theo Thánh Linh, cả Thiên Chúa và lòng họ đều không kết tội họ.

4. Thứ hai, hiện nay họ không bị định tội, vì bất cứ tội lỗi nào. Bởi vì họ không vi phạm điều răn Chúa: họ không “sống theo xác thịt, nhưng theo Thánh Linh”. Đây là chứng cứ thường trực rằng “họ yêu Thiên Chúa tức là họ vâng giữ các điều răn của Ngài; điều răn của Ngài không phải là nặng nề”.[25] Giăng đã làm chứng rằng, “Ai do Thiên Chúa sinh ra thì không phạm tội, vì hạt giống của Thiên Chúa ở trong người ấy, người ấy không thể cứ phạm tội, vì đã được Thiên Chúa sinh ra.”[26] trong khi hạt giống của Chúa, đức tin thánh khiết và đầy lòng yêu thương, ở trong họ, họ không thể phạm tội được. Trong khi “Ngài gìn giữ họ, ma quỷ không đụng đến họ được”.[27] Hiển nhiên là họ không thể bị kết án về những tội họ không phạm. Cho nên, những ai “được Thánh Linh dẫn dắt thì chẳng ở dưới luật pháp đâu”:[28] không ở dưới sự rủa sả hoặc đoán phạt của luật pháp; bởi vì luật pháp không thể đoán phạt những ai không vi phạm. Vậy thì luật của Chúa “Ngươi chớ trộm cắp,” chỉ đoán phạt những kẻ trộm cắp. Luật “Hãy nhớ ngày nghỉ để giữ làm ngày thánh,” chỉ kết tội những ai không giữ ngày thánh. Nhưng về những trái của Thánh Linh thì “không có luật pháp nào cấm những điều đó”[29] như những lời đáng ghi nhớ của Sứ đồ Phao-lô khi ông công bố trong thư thứ nhất gởi Ti-mô-thê: “Chúng ta biết luật pháp là tốt nếu được sử dụng đúng đắn, vì biết rằng luật pháp được lập ra không phải cho người công chính, nhưng cho những kẻ phạm pháp và phản nghịch, những kẻ vô luân và tội lỗi, những kẻ bất khiết và phàm tục... Đó là điều dạy dỗ từ phúc âm vinh hiển của Thiên Chúa hạnh phước.”[30]

5. Thứ ba, họ không bị kết án vì những tội trong lòng, bởi vì không còn có tội ấy nữa. Bản chất xác thịt vẫn còn, ngay cả đối với con cái Thiên Chúa bởi đức tin; vẫn còn trong họ hạt giống kiêu ngạo, khoe khoang, giận dữ, tham dục, và ước muốn tội lỗi, vâng, đủ mọi loại tội lỗi; điều này quá rõ ràng không thể nào chối bỏ được, và xảy ra hằng ngày. Phao-lô quở trách những người mà ngay trước đó ông chứng nhận rằng họ “ở trong Chúa Cơ Đốc Giê-xu”, họ được “gọi vào sự tương giao với Con Ngài là Chúa Giê-xu Cơ Đốc”[31] rằng, “Hỡi anh em, tôi không thể nói với anh em như nói với những người thuộc linh, nhưng như với người xác thịt, như những trẻ sơ sinh trong Chúa Cơ Đốc.”[32] Như chúng ta đã thấy, họ “ở trong Chúa Cơ Đốc”; họ là những người tin Chúa ở mức độ thấp. Tội lỗi vẫn còn ở trong họ nhiều dường nào! họ “vẫn còn thuộc về xác thịt, không chịu vâng phục luật pháp Thiên Chúa!”

6. Dù trong tình trạng như thế, họ vẫn không bị kết tội. Mặc dù họ nhận biết bản chất tội lỗi và xác thịt trong họ; mặc dù họ cảm nhận được ngày càng mạnh mẽ hơn rằng “lòng họ dối trá hơn muôn vật, và rất xấu xa”[33] miễn là họ đừng đừng đầu phục tội lỗi; miễn là họ không chịu nhượng bộ ma quỷ; miễn là họ cứ tiếp tục đấu tranh với mọi tội lỗi, với lòng kiêu ngạo, giận dữ, tham dục; miễn là họ không để xác thịt thắng hơn, nhưng họ cứ “bước đi theo Thánh Linh”; thì “không có sự đoán phạt cho những ai ở trong Chúa Giê-xu Cơ Đốc.” Chúa rất vui lòng về tấm lòng thuận phục chân thật, dù không trọn vẹn, của họ; họ vững lòng tin cậy Chúa, vì biết rằng họ thuộc về Ngài, “nhờ Thánh Linh mà Ngài đã ban cho họ.”[34]

7. Thứ tư, mặc dù thường xuyên nhận biết tội lỗi luôn bám chặt lấy họ trong mọi việc làm; mặc dù họ ý thức về việc không tuân phục luật pháp cách trọn vẹn, hoặc trong tư tưởng, lời nói, hoặc trong hành động; mặc dù biết rằng họ không yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết tâm trí;[35] mặc dù vẫn cảm nhận được hoặc ít hoặc nhiều tính kiêu hãnh, sự cứng lòng, thiếu ngay thẳng, và không hết lòng chu toàn công việc Chúa; hoặc khi tương giao với Chúa, hoặc khi nhóm họp với hội chúng, và khi tuôn đổ linh hồn trong nơi kín nhiệm với đấng nhìn thấy mọi suy nghĩ và định ý trong lòng, họ vẫn thường hổ thẹn vì hay suy nghĩ vẩn vơ, hoặc vì tấm lòng chai cứng và cảm xúc trơ lì; dù vậy, họ vẫn không bị kết tội bởi Thiên Chúa hoặc bởi lòng mình. Sự tra xét và nhận biết các loại khiếm khuyết ấy sẽ giúp họ cảm nhận sâu sắc hơn để hiểu rằng họ luôn luôn cần đến huyết thanh tẩy của đấng biện hộ cho họ với Cha trên trời là “đấng hằng sống để cầu thay cho họ.”[36] Dường như những điều bất toàn ấy làm họ trôi giạt xa khỏi đấng họ đã tin, nhưng thật ra chúng đem họ đến gần hơn với đấng họ cảm thấy rất cần trong mọi thời điểm. Cùng lúc, họ càng cảm nhận sâu sắc hơn, càng khao khát hơn, càng tha thiết hơn rằng họ cần Chúa biết bao, cho đến khi họ “tiếp nhận Chúa Cơ Đốc Giê-xu như thế nào thì bước đi trong Ngài thể ấy.”[37]

8. Thứ năm, họ cũng không bị kết án vì những tội do sự yếu đuối, theo cách họ thường nói. Những tội phạm phải do sự yếu đuối nghĩa là những lỗi lầm không cố ý, thí dụ như nói một điều gì chúng ta tin là chính xác nhưng thật ra không phải như vậy, hoặc vô tình làm tổn thương người lân cận trong khi chúng ta chỉ muốn làm điều tốt cho người ấy. Mặc dù tẻ tách khỏi ý chỉ thánh và trọn lành của Thiên Chúa, thực ra chúng không phải là tội lỗi, vì vậy sẽ không định tội cho lương tâm của những người ở trong Chúa Giê-xu. Chúng không làm họ xa cách Chúa, không ngăn họ khỏi ánh sáng của mặt Ngài, cũng không làm chệch hướng những ai “không bước đi theo xác thịt, nhưng theo Thánh Linh”.

9. Cuối cùng, họ không bị kết tội vì những gì xảy ra ngoài tầm kiểm soát của họ. Thí dụ, có Tiệc Thánh, nhưng họ không đến dự. Tại sao? Vì bệnh tật trói chân họ, vì vậy không thể kết tội họ. Không có tội, khi không có sự lựa chọn nào khác.

10. Người tin Chúa, đôi khi cũng buồn rầu: bởi vì họ không thể thực hiện điều linh hồn họ khao khát. Có thể họ than khóc vì không thể đến thờ phượng Chúa, “Thiên Chúa ôi! Linh hồn con mơ ước Thiên Chúa như nai cái thèm khát khe nước. Linh hồn con khao khát Thiên Chúa là Thiên Chúa hằng sống. Khi nào con sẽ đến và được gặp mặt Ngài?”[38] Có thể họ hết lòng khao khát được “đi cùng đoàn dân, dẫn họ đến nhà Thiên Chúa.”[39] Nhưng họ không thể, vì vậy họ không cảm thấy bị kết tội, không cảm giác tội lỗi, cũng không thấy mình làm buồn lòng Chúa; nhưng họ có thể vui mừng với nỗi niềm, “Hãy hi vọng nơi Thiên Chúa; Ta sẽ còn ca ngợi Ngài nữa. vì nhờ gặp mặt Ngài mà ta được giải cứu.”[40]

11. Sẽ khó khăn hơn khi xác định những vi phạm thường được gọi là tội lỗi bất ngờ, lấy thí dụ một người vẫn luôn làm chủ bản thân nhưng trong một thời điểm đột nhiên trở nên giận dữ, phát ngôn hoặc hành động không phù hợp với luật pháp của đấng tể trị, “Hãy yêu người lân cận như chính mình”. Có lẽ khó có thể xác lập một quy luật chung cho các vi phạm theo cách này. Nhìn chung, chúng ta không thể khẳng định họ bị hoặc không bị định tội vì những vi phạm bất ngờ: nhưng bất cứ khi nào người tin Chúa bất ngờ bị sai phạm thì sẽ bị định tội hoặc nặng hay nhẹ, phụ thuộc vào ý chí của họ. Căn cứ vào mức độ tham gia tích cực của ước muốn, hoặc lời nói, hoặc hành động của họ trong lúc ấy mà chúng ta có thể hiểu được Chúa buồn lòng nhiều hay ít, do đó mà linh hồn của họ sẽ bị cáo trách nhiều hay ít.

12. Nếu vậy, sẽ có một số tội lỗi bất ngờ dẫn đến sự định tội nặng nề hơn, thí dụ như dung dưỡng tình trạng mê ngủ của linh hồn, điều mà lẽ ra chúng ta có thể ngăn chặn ngay từ đầu, hoặc buông xuôi ngay khi sự cám dỗ vừa xuất hiện. Có thể họ đã được Chúa hoặc một người nào đó cảnh báo rằng thử thách và nguy cơ đang gần kề, song họ tự nhủ, “cứ chợp mắt một chút, khoanh tay nằm nghỉ một chút.”[41] Một người như thế, nếu bị ngã vào bẫy, dù do bất ngờ, thì không có cớ gì để biện hộ cho mình, vì người ấy lẽ ra đã có thể thấy và tránh xa cạm bẫy. Sự sa ngã như thế, dù bất ngờ, là tội lỗi cố ý, sẽ bị Chúa và lương tâm định tội.

13. Mặc khác, vẫn có những tấn công bất ngờ, hoặc từ thế gian, hoặc từ thần linh của thế gian, và thường xuyên bởi tấm lòng tội lỗi của chúng ta, mà chúng ta không thể thấy trước. Ngay cả những người tin Chúa, gặp lúc suy yếu trong đức tin, vẫn có thể bị gục ngã, rơi vào một cơn giận dữ, hoặc nghĩ xấu về người khác, là những điều thường khi họ không làm. Trong trường hợp như thế, Chúa chắc sẽ chỉ cho họ thấy họ đã hành động sai lầm biết bao. Họ sẽ bị cáo trách về việc tẻ tách khỏi luật pháp toàn hảo, khỏi tâm trí thuận phục Chúa Cơ Đốc, do đó họ sẽ đau đớn và buồn rầu, một sự đau buồn đẹp lòng Chúa, và cảm thấy hổ thẹn với Chúa trong tình yêu của Ngài. Tuy nhiên, họ không phải bị định tội, nhưng Chúa đầy lòng thương xót đối với họ, “khác nào cha thương xót con cái mình vậy.”[42] Lương tâm cũng không định tội họ: ngay giữa tình trạng buồn rầu và hổ thẹn họ vẫn có thể nói, “Con sẽ tin cậy và không sợ hãi. Vì Giê-hô-va, chính Đức Giê-hô-va, là sức mạnh và bài ca của con. Ngài đã trở nên sự cứu rỗi của con.”[43]


III

[sửa]

1. Nay chúng ta rút ra một số ứng dụng thực tế. Trước tiên, nếu “những người trong Chúa Cơ Đốc không bị kết tội nữa”, và “không sống theo xác thịt, nhưng theo Thánh Linh”, đó là nói về những tội họ đã phạm trong quá khứ; vậy thì tại sao anh em cứ sợ hãi? Có phải anh em thiếu đức tin? Mặc dù tội lỗi của anh em từng không đếm xuể, nhưng nay có phải anh em đang ở trong Chúa Cơ Đốc? “Ai sẽ kiện những người được Thiên Chúa tuyển chọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa là Đấng xưng công chính những người ấy? Ai sẽ là người kết án họ?[44] Mọi tội anh em đã phạm, kể từ thuở ấu thơ cho đến thời điểm anh em “được chấp nhận trong Con yêu dấu của Ngài”,[45] đều như rơm rạ bị gió cuốn bay xa, mất tăm, không còn nhớ đến nữa. Bây giờ anh em được sinh bởi Thánh Linh, sẽ không còn phải mang nặng nỗi sợ hãi về những gì đã làm trước khi anh em được tái sinh. Hãy khước từ nỗi sợ ấy! Anh em được gọi không phải để sống trong sợ hãi, nhưng để sống trong “tinh thần mạnh mẽ, có tình yêu thương, và tự chủ.”[46] Hãy nhận biết sự kêu gọi dành cho anh em! Hãy vui thỏa trong Thiên Chúa là Cứu Chúa của anh em, hãy dâng lời tạ ơn lên Thiên Chúa là Thiên Phụ của anh em trong Chúa Cơ Đốc!

2. Anh em sẽ nói, Nhưng tôi lại phạm tội, bởi vì tôi đã nhận lãnh sự cứu rỗi bởi huyết Ngài nên tôi “ghê tởm chính mình, và ăn năn trong tro bụi.”[47] Anh em nên ghê tởm chính mình; Chúa cũng hành động để khiến anh em trở nên như thế. Dù vậy, hãy tin tưởng rằng Ngài sẽ khiến anh em thốt lên, “Tôi biết rằng Đấng Cứu Chuộc tôi vẫn sống,”[48] “hiện nay tôi sống, tức là sống trong đức tin của Con Thiên Chúa.” Chính đức tin này hủy bỏ mọi sự trong quá khứ, vì vậy không còn có sự kết tội nào đối với anh em.

Hễ khi nào anh em thực sự tin danh của Con Thiên Chúa, tất cả tội lỗi anh em đã phạm cho đến thời điểm ấy, đều sẽ tan đi như sương sớm ban mai. Giờ đây, “Chúa Cơ Đốc đã giải phóng anh em được tự do, vậy hãy đứng vững,” Ngài đã một lần giải phóng anh em khỏi quyền lực của tội lỗi, cũng đã cất khỏi anh em hậu quả của tội lỗi và sự đoán phạt dành cho tội lỗi. Vậy thì, “đừng đặt mình dưới ách nô lệ một lần nữa!”[49] - dù là xiềng xích quỷ quái và đáng ghê tởm của tội lỗi, dục vọng đê hèn, tâm tính hung ác, hoặc là lời nói, hành động, hoặc là nỗi sợ hãi dằn vặt về hậu quả của tội lỗi và sự đoán phạt.

3. Song, có phải tất cả mọi người đều “ở trong Chúa Giê-xu và không bước đi theo xác thịt, mà theo Thánh Linh”? Chúng ta chỉ có thể nói rằng bất cứ ai phạm tội đều không dự phần trong điều này. Họ sẽ bị chính lương tâm mình cáo trách. Mà “nếu lòng chúng ta lên án chúng ta”, nếu lương tâm xác chứng rằng chúng ta mắc tội, thì chắc chắn rằng Chúa cũng kết tội chúng ta; bởi vì “Ngài còn vĩ đại hơn chúng ta, và Ngài biết hết mọi sự.”[50] vì vậy chớ nghĩ rằng chúng ta có thể lừa dối Ngài dù chúng ta có thể tự lừa dối mình.

Cũng đừng bám theo ý tưởng, “tôi đã được xưng công chính rồi, tội lỗi tôi đã được tha thứ rồi.” Tôi không biết điều này mà cũng không muốn tranh cãi về nó. Có lẽ đã là chuyện cũ xa xưa, làm sao anh em biết chắc rằng Chúa đã thật sự hành động hay chỉ do anh em tự huyễn hoặc lòng mình. Nhưng điều tôi biết với sự chắc chắn tuyệt đối là, “ai phạm tội thì thuộc về ma quỷ;”[51] Anh em thuộc về cha mình là ma quỷ, không thể chối cãi được: bởi anh em đang làm công việc của cha mình. Đừng huyễn hoặc mình bằng niềm hi vọng mơ hồ! Đừng nói với lòng mình rằng, “Bình an, bình an!” mà chẳng bình an chi hết.[52] Hãy lớn tiếng kêu la! Hãy khẩn thiết nài xin Chúa; biết đâu Ngài sẽ nghe. Trước tiên hãy đến với Ngài như một tội nhân khốn khổ, tuyệt vọng, mù lòa, và trần truồng! Hãy biết rằng linh hồn anh em chẳng bao giờ được an bình cho đến khi sự tha thứ của Ngài được hiển lộ; cho đến khi Ngài “chữa lành chứng bội bạc của anh em”,[53] và làm tràn đầy anh em lần nữa với “đức tin thể hiện qua tình yêu thương”.[54]

4. Thứ ba, không có sự định tội đối với những ai “bước đi theo Thánh Linh”, mặc dù vẫn tồn tại những tội lỗi bên trong, hoặc những tội dễ vấn vương, miễn là họ không chịu nhượng bộ chúng? Đừng tự dằn vặt mình bởi vì thiếu lòng tin kính ở trong lòng. Cũng đừng buồn phiền bởi vì anh em thiếu hụt sự vinh hiển của Chúa, hoặc là vì sự kiêu ngạo, cứng lòng, vô tín đeo bám anh em trong mọi lời nói và việc làm. Khi tra xét lòng mình, đừng e sợ vì thấy ẩn giấu nhiều điều xấu xa. Vâng, Chúa muốn em nhận biết chính xác tình trạng thuộc linh của mình. Hãy nài xin không thôi,

Xin phơi bầy cho con thấy,
Sâu đậm dường nào tội lỗi bẩm sinh;
Bộc tuệch ra sao sự vô tín,
Và kín giấu thế nào lòng kiêu hãnh của con.

Nhưng khi Chúa nghe lời cầu nguyện của anh em và phơi bày bản chất thật của anh em; khi Ngài tỏ cho anh em thấy con người thật của mình, đừng ngã lòng, và đừng để đức tin bị suy sụp. Hãy hạ mình. Hãy sấp mình xuống bụi đất. Hãy nhận thức rằng mình chẳng ra gì, và hoàn toàn hư không. “Lòng anh em chớ bối rối, và đừng sợ hãi.”[55] Hãy vững lòng, bởi vì “anh em có Đấng Biện hộ với Chúa Cha là Chúa Giê-xu Cơ Đốc, Đấng Công chính”,[56] và “các tầng trời cách xa mặt đất bao nhiêu, thì lòng nhân từ của Ngài càng lớn cho người nào kính sợ Ngài bấy nhiêu.”[57] Chúa luôn thương xót tội nhân! Mà anh em là tội nhân!

Thiên Chúa là tình yêu; Chúa Cơ Đốc đã chết vì tội lỗi chúng ta! Vì vậy, Cha yêu anh em! Anh em là con cái Ngài! Ngài chẳng tiếc gì mà ban cho anh em mọi điều tốt lành. Điều tốt lành là xác thịt anh em phải bị đóng đinh trên thập tự giá. Anh em “hãy thanh tẩy chính mình khỏi mọi vết nhơ của thể xác và tâm linh.”[58] Điều tốt lành là chẳng còn gì trong lòng anh em ngoại trừ tình yêu thuần khiết dành cho Chúa, và chỉ một mình Ngài! “Anh em phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, hết tâm trí mà yêu Chúa là Thiên Chúa của anh em”, bởi vì “Đấng đã kêu gọi anh em là thành tín, chính Ngài sẽ làm việc đó.”[59] Về phần anh em, hãy bền lòng trong đức tin, gắng sức trong tình yêu thương; với sự bình an và vui thỏa, tự tin mà khiêm nhường, yên lặng, nhẫn nại mà khao khát trông chờ cho đến khi lòng sốt sắng của Chúa thực hiện điều đó cho anh em.

5. Thứ tư, có phải những ai “ở trong Chúa Cơ Đốc” và “bước đi theo Thánh Linh” không bị đoán phạt vì những tội do yếu đuối: những sai phạm vô tình, những lỗi bất khả kháng? Anh em tin vào huyết của Ngài, song hãy coi chừng Sa-tan nhân dịp. Anh em dại dột và yếu đuối, mụ mị và thiếu hiểu biết, không chịu hiểu những gì mình cần phải nhận biết. Vì vậy, hãy mở mắt để thấy sự yếu đuối và dại dột của mình, cùng những hệ lụy của nó; chúng làm chao đảo đức tin, tổn hại lòng tin cậy đối với Cha Thiên Thượng, khiến anh em bất an và đánh mất niềm vui thỏa trong Chúa. Ôi, hỡi người của Chúa đang bị sa ngã, đừng nằm yên ở đó, hãy thôi tự dằn vặt và than khóc về sự yếu đuối của mình, mà hãy nói với lòng khiêm nhường, “Lạy Chúa, xin nâng đỡ con kẻo con vấp ngã trong mọi lúc”, rồi hãy đứng dậy! nhảy nhót và bước đi! “kiên trì mà theo đuổi cuộc đua đã bày ra cho anh em”?[60]

6. Sau cùng, bởi vì người tin Chúa không cần phải ở dưới sự đoán phạt, ngay cả khi họ bị bất ngờ phạm những lỗi mà linh hồn họ ghê tởm (thí dụ như do sơ suất hoặc lơ đãng); trong trường hợp đó, hãy trình dâng cho Chúa, anh em sẽ được an ủi nhiều. Hãy dốc đổ lòng mình trước Chúa, trình bày vấn đề của mình, và hết lòng nài xin Đấng “cảm thông sự yêu đuối của chúng ta”, Ngài sẽ ban sức mạnh, giúp anh em đứng vững, và cất sự đau buồn khỏi anh em. Ngài không đoán phạt anh em đâu. Vậy thì tại sao phải sợ hãi? Anh em không cần phải sợ hãi “bởi vì sự sợ hãi có liên quan đến hình phạt".[61] Hãy cứ ở trong tình yêu thương của Ngài: càng yêu thương càng có thêm sức mạnh. Khi hết lòng yêu Chúa, anh em đang hoàn thiện chính mình và trở nên trọn vẹn. Hãy bình tâm chờ đợi cho đến lúc “chính Thiên Chúa bình an thánh hóa anh em cách toàn diện hầu cho tâm linh, linh hồn, và thân thể anh em không chỗ trách được khi Chúa chúng ta quang lâm.”[62]

Xem thêm

[sửa]

Chú thích

[sửa]
  1. Rô-ma 5:2
  2. Rô-ma 3: 24
  3. I Cô-rin-tô 2: 12
  4. Rô-ma 8: 16
  5. II Cô-rin-tô 1: 12
  6. II Phi-e-rơ 3: 16
  7. Phi-líp 3: 9
  8. Ê-phê-sô 1:7
  9. Giăng 3: 6
  10. Ga-la-ti 5: 19
  11. Ga-la-ti 5: 24
  12. Hê-bơ-rơ 12: 15
  13. I Cô-rin-tô 15: 57
  14. Phúc âm Giăng 4: 14
  15. Ê-phê-sô 4: 6
  16. Ê-phê-sô 4: 29
  17. I Phi-e-rơ 2: 24
  18. I Cô-rin-tô 10: 31
  19. Ga-la-ti 5: 22
  20. Tít 2: 10
  21. Rô-ma 8: 11
  22. Rô-ma 5: 25
  23. Rô-ma 8: 15
  24. I Phi-e-rơ 3: 21
  25. I Giăng 5: 3
  26. I Giăng 3: 9
  27. I Giăng 5: 18
  28. Ga-la-ti 5: 18
  29. Ga-la-ti 5: 23
  30. I Ti-mô-thê 1: 8, 9, 11
  31. I Cô-rin-tô 1: 2, 9
  32. I Cô-rin-tô 3: 1
  33. Giê-rê-mi 17: 9
  34. I Giăng 3: 24
  35. Phúc âm Lu-ca 10: 27
  36. Hê-bơ-rơ 7: 25
  37. Cô-lô-se 2: 6
  38. Thi Thiên 42: 1, 2
  39. Thi Thiên 42: 4
  40. Thi Thiên 42: 5
  41. Châm Ngôn 24: 33
  42. Thi Thiên 103: 14
  43. Ê-sai 12: 2
  44. Rô-ma 8: 33, 34
  45. Ê-phê-sô 1: 6
  46. Ti-mô-thê 1: 7
  47. Gióp 42: 6
  48. Gióp 19: 25
  49. Ga-la-ti 5: 1
  50. I Giăng 3: 20
  51. I Giăng 3: 8
  52. Giê-rê-mi 6: 14
  53. Giê-rê-mi 3:22
  54. Ga-la-ti 5: 6
  55. Phúc âm Giăng 14: 27
  56. I Giăng 2: 1
  57. Thi Thiên 103: 11
  58. II Cô-rin-tô 7: 1
  59. I Tê-sa-lô-ni-ca 5: 24
  60. Hê-bơ-rơ 12: 1
  61. I Giăng 4: 18
  62. I Tê-sa-lô-ni-ca 5: 23


 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:

Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.

 
Bản dịch:

Tác phẩm này được phát hành theo Giấy phép Creative Commons Ghi công-Chia sẻ tương tự 3.0 Chưa chuyển đổi, cho phép sử dụng, phân phối, và tạo tác phẩm phái sinh một cách tự do, miễn là không được thay đổi giấy phép và ghi chú rõ ràng, cùng với việc ghi công tác giả gốc.

 

Tác phẩm này được phát hành theo các điều khoản của Giấy phép Tài liệu Tự do GNU.


Điều khoản sử dụng của Wikimedia Foundation yêu cầu văn bản được cấp phép theo GFDL được nhập sau tháng 11 năm 2008 cũng phải cấp phép kép với một giấy phép tương thích khác. "Nội dung chỉ khả dụng trong GFDL không được phép" (§7.4). Điều này không áp dụng cho phương tiện phi văn bản.