Bước tới nội dung

Biên dịch:Vĩnh Lăng bi

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Xem các bản dịch tiếng Việt khác của tác phẩm này tại Vĩnh Lăng bi.
Vĩnh Lăng bi  (1433) 
của Nguyễn Trãi, do Wikisource dịch từ Văn ngôn
Lam Sơn Vĩnh Lăng bi (Bia Vĩnh Lăng, Lam Sơn) là tấm bia thời Lê sơ ở Lăng vua Lê Thái Tổ xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Văn bia do Nguyễn Trãi soạn thảo vào năm Thuận Thiên thứ 6 (1433) ngay sau khi vua Lê Thái Tổ qua đời và được táng ở Vĩnh Lăng. Cũng như các bia khác thời Lê bia có trang điểm diềm chạm rồng và hoa văn sóng nước xung quanh. Bia viết trên một mặt, trán bia viết chữ kiểu triện, bài văn thân bia gồm 25 cột chữ viết chân. Cũng theo lệ thường, văn bia có lối viết sang cột giữa chừng và viết đài lên một hàng các chữ như "Thái, Đế, Tằng, Hoàng, Sắc"... để tỏ ý kính trọng. Nội dung văn bia Nguyễn Trãi thuật lại xuất xứ lai lịch của Lê Lợi, quá trình khởi nghĩa Lam Sơn cho đến khi đánh tan quân Minh. Đây là một trong số các văn bia hiếm hoi do Nguyễn Trãi soạn, mô tả khá tỷ mỷ xuất xứ Lê Lợi đặc biệt thuật lại các diễn biến chính của khởi nghĩa Lam Sơn vốn chỉ được biết đến thông qua bài Bình Ngô đại cáo của ông. Trong "Lam Sơn Vĩnh Lăng bi", Nguyễn Trãi cho sử dụng lại các cụm từ quen thuộc như "dĩ nhược chế cường, dĩ quả địch chúng" (dùng yếu đánh mạnh, dùng ít địch nhiều) như trong bài cáo nổi tiếng Bình Ngô đại cáo. Bản dịch dưới đây do một thành viên Wikisource dịch dựa vào bản photo của bản rập tấm bia tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội.

Kính viết

Ngày 22 tháng 8 nhuận năm Quý Sửu, niên hiệu Thuận Thiên thứ 6 (1433) Thái tổ Cao Hoàng đế về chầu trời. Ngày 23 tháng 10 năm này được táng ở Vĩnh Lăng, Lam Sơn. Vua họ Lê, tên húy bên trái là "Hòa", bên phải là "Đao" (tức chữ Lợi). Cụ nội tên bên trái là "Ngôn", phải là "Mỗi" (tức chữ Hối). Có một hôm cụ đi qua Lam Sơn, trông thấy một đàn chim bay lượn quanh dưới chân Lam Sơn, trông giống như đám đông người đang tụ họp, do vậy biết đây là vùng đất tốt. Nhân đó Cụ bèn về nhà đưa cả gia đình đến an cư ở đấy. Được 3 năm thì gây dựng nên sản nghiệp, con cháu ngày càng đông đúc, tôi tớ trong nhà ngày một nhiều khai khẩn đất đai, xây dựng cơ đồ ngày càng phồn thịnh ở đấy. Bởi có thế lực nên được phong làm tù trưởng đứng đầu ở một phương. Ông nội Vua tên húy trái là "Điền", phải là "Đinh" (tức chữ Đinh) thừa tự gia nghiệp, kế thừa chí tổ tiên gây dựng cơ ngơi đông hơn ngàn người. Bà nội Vua họ Nguyễn, là người rất đức hạnh, hiền thục sinh được 2 con trai: con trưởng là Tòng; con thứ tên bên trái là "Nhật", bên phải là "Quảng" (tức chữ Khoáng) tức là thân sinh của Vua vậy. Ông là người vui tính, thảo hiền, phúc đức, thích làm điều lạc thiện, hay nuôi dưỡng tân khách trong nhà. Dân ở vùng lân cận được coi như một nhà cho nên không ai lại không cảm cái ân đức và phục cái nghĩa ấy vậy. Mẹ của Vua họ Trịnh, tên húy trên là "Thảo", dưới là "Thương" (tức chữ Thương) là người chuyên cần việc nữ công khuê phòng, sinh được 3 con trai: Con đầu là Học; con giữa là Trừ; con cuối tức là Vua ta vậy. Con đầu kế thừa sự nghiệp ông cha, không may đoản mệnh. Nhà Vua kế thừa sự nghiệp của ông cha rất cẩn trọng. Tuy gặp thời đại loạn mà ý chí vẫn kiên cường, ẩn dấu tông tích trong rừng núi, lấy cày bừa, cấy lúa mà lập nghiệp. Do căm phẫn quân giặc tàn bạo ức hiếp nên càng chuyên tâm vào đọc sách thao lược, đem hết gia tư trong nhà để hậu đãi tân khách.

Năm Mậu Tuất (1418) khởi nghĩa dấy binh ở đồn Lạc Thủy. Trước sau đánh hơn 10 trận đều dùng quân mai phục, xuất kỳ bất ý, tránh chỗ mạnh đánh vào chỗ yếu, lấy ít địch nhiều, lấy yếu chế mạnh. Năm Bính Ngọ (1426) đánh trận Tốt Động thắng lớn, bèn tiến về bao vây Đông Đô. Năm Đinh Mùi (1427) viện binh của giặc do An Viễn hầu Liễu Thăng dẫn 10 vạn quân từ Quảng Tây tiến sang; Kiềm Quốc công Mộc Thạnh dẫn 5 vạn quân từ Vân Nam tiến vào. Một trận chiến diễn ra ở Chi Lăng: Liễu Thăng bị mất đầu; chém bọn giặc vài vạn thủ cấp; bắt sống bọn tướng giặc Hoàng Phúc, Thôi Tụ hơn 300 tên; quân dưới trướng hơn 3 vạn tên . Liền đem sắc mệnh, binh phù của Liễu Thăng cho quân Vân Nam xem. Mộc Thạnh nhìn thấy hết thảy bọn chúng đều tiêu đởm, tan tác, bị chém chết và bắt sống không thể kể xiết. Lúc đó bọn trấn thủ thành Đông Quan là Thành Sơn hầu Vương Thông vốn trước đã cùng quân ta giảng hòa nhưng chưa xong, đến lúc này mới xin được minh thề ở trên sông Nhị Hà. Các xứ thành trì trấn thủ đều mở cửa ra hàng. Phàm những quân giặc bị bắt cho đến các thành ra hàng cả thảy hơn 10 vạn tên đều được phóng thích. Đường thủy cấp cho hơn 500 chiếc thuyền, đường bộ cấp cho lương thảo, ngựa tốt. Răn giới cho quân sỹ không được mảy may xâm phạm. Hai nước từ đó thông hảo, Bắc Nam yên ổn. Xứ Mường Lễ, Ai Lao đều nhập vào bản đồ nước ta. Các nước Chiêm Thành, Xà Bà đều cho tàu thuyền sang cống nạp.

Vua thức khuya dậy sớm, trong 6 năm trong nước bình yên cho đến khi băng hà.

Ngày tốt tháng 10 năm Quý Sửu, Thuận Thiên thứ 6 (1433). Vinh lộc đại phu nhập nội hành khiển tri tam quán sự, thần là Nguyễn Trãi phụng soạn. Hàn lâm viện thị chế, thần là Vũ Văn Phỉ phụng viết.

 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:

Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.

 
Bản dịch:

Tác phẩm này được phát hành theo các điều khoản của Giấy phép Tài liệu Tự do GNU.


Điều khoản sử dụng của Wikimedia Foundation yêu cầu văn bản được cấp phép theo GFDL được nhập sau tháng 11 năm 2008 cũng phải cấp phép kép với một giấy phép tương thích khác. "Nội dung chỉ khả dụng trong GFDL không được phép" (§7.4). Điều này không áp dụng cho phương tiện phi văn bản.

Tác phẩm này được phát hành theo Giấy phép Creative Commons Ghi công-Chia sẻ tương tự 3.0 Chưa chuyển đổi, cho phép sử dụng, phân phối, và tạo tác phẩm phái sinh một cách tự do, miễn là không được thay đổi giấy phép và ghi chú rõ ràng, cùng với việc ghi công tác giả gốc.