Cành hoa điểm tuyết/Đoạn thứ nhất/II

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

II

Nguyên người này vốn giòng dõi con nhà tử tế. Người cha khi trước có làm giáo-thụ tỉnh B. N.. Bà mẹ cũng là con nhà sang-trọng, người hiền-hậu-phúc-đức. Hai ông bà sinh được có mỗi một mình cô ta là gái mà thôi. Quan Giáo vốn là người tài cao học rộng, bụng dạ ngay thẳng lương thiện, nên trong trường ngài dạy học cũng đông, học trò nhớn nhỏ được hơn một trăm người, ai ai cũng có bụng mến ngài. Thường nhiều nhà phú-gia-điền-chủ có con, học ngài, tết nhất vẫn khiến con đem lễ vật đến cho ngài rất hậu, nhưng ngài không hề lấy của ai. Nhất thiết từ chối hết cả, dẫu một bao chè, một đồng bạc ngài cũng không nhận. Học trò nhiều người mến ngài quá, muốn cho ngài nhận lễ vật, thì lại vào to nhỏ với phu nhân, nhưng phu nhân cũng là người bụng dạ giỏi, tiếng là đàn bà mà cũng không có bụng tham lam gì đến của hối lộ bằng tiền bạc cả. Quan giáo dậy các học trò rất chuyên cần, ngài tin ở cái đạo truyền-bá học-thuật tư-tưởng và giáo-dục luân-lý vậy. Ngài thường nói với các trò:

« Tôi bình sinh dậy các anh chỉ lấy sự chuyên-cần thành-thực chân-đốc làm gốc; tôi mong cho các anh nên người có đức hạnh, có tài năng. Cái nghĩa-vụ tôi là rèn tập dậy bảo các anh nên người khá giả mai sau, làm vẻ vang cho nhà họ, cho tôi mà thôi. Các anh có bụng yêu tôi, thì xin đừng lấy tiền-bạc lễ-vật mà cho tôi; tôi vốn ưa thanh-liêm, không ưa hối lộ. Ví dù tôi có làm quan to tát, thì tôi cũng không bao giờ quên cái nghĩa-vụ của tôi đối với dân, với nước. Các anh nên biết cho như thế, mới phải! »

Nhời quan giáo nói làm cho các học trò đều cảm-động tin-phục vô cùng. Từ đấy tiếng thanh-liêm ngài đồn đại xa gần; nhiều người được cảm ơn-đức ngài lắm.

Ở tỉnh ngài dậy học, có quan Án người rẽ ngang được làm quan, nên cách giao-thiệp hách dịch lắm; các quan phủ huyện điều chạy mặt. Tết nhất ai cũng phải đem lễ-vật đến đưa người, kẻ ít người nhiều, không ai là không có duy có quan giáo nhà thanh-bạch cho nên không bao giờ đưa lên được. Lắm khi có việc vào quan tỉnh, thì lại bị mấy cậu lính ra vòi tiền, ngài không có, thì chúng nó lại không cho vào. Ngài nghĩ rằng không có lễ-vật đưa lên các quan tỉnh ngày tết-nhất, thì thật không hợp cách, nên đã không có, thì phải vào hầu nịnh nọt cho qua loa, may ra có được yên chăng? Ấy bởi ngài nghĩ như thế, nên ngài phải lên tỉnh, mà mỗi lần lên, thì lại mỗi lần về không. Từ đấy ngài lấy làm lo sợ lắm, vì sợ quan trên không bằng lòng thì chắc là làm khó cho ngài, có nhẽ không được làm quan nữa. Mà quả thế thực. Quan Án tỉnh này vốn ghét ngài là bẩn, là kiệt, lại nữa khi ngài mới đẻ cô con gái này (tên là cô Bạch-Thủy) thì quan Án có mượn người hỏi xin ngay ngài cho cậu con người, chờ đến khi nhớn sẽ cưới. Nhưng Quan Giáo vốn người cương-trực, giòng nho-gia, nên không chịu nhận nhời quan Án, bởi thế từ đó quan Án đem lòng hờn giận hoài, hằng lo mưu hãm hại....

Quan Giáo nghĩ cách ở đời như thế mà ngài đem bụng chán ngán rầu rĩ, vì ngài nghĩ lại « ở bầu thì tròn » thời nào theo thời ấy; nay ngài đã không theo được, thời sao được? Nên ngài thường than thở với phu-nhân. (Lúc đó cô Bạch-thủy đã lên mười) Phu-nhân thấy ngài lo rầu thái quá, thường can ngăn khuyên giải luôn luôn:

« Ông ơi, dẫu sao ông cũng phải nhịn nhục cho qua ngày tháng. Nếu có điều gì chẳng may ra nữa thì vợ chồng ta sẽ về nhà quê mà lo bề cầy cấy. Nhà mình cũng được năm sắu chục mẫu ruộng, tưởng làm ăn cũng đủ được no ấm. Lo chi? »

Quan Giáo thấy phu-nhân khuyên lơn chiều chuộng hết lòng, nên cũng vui mà quên dần đi.

Lần hồi ngày tháng thoi đưa, năm ấy nhầm ngày tết mồng 5 tháng 5, quan Giáo, cùng phu-nhân và cô Bạch-Thủy đương ăn cơm, thì nhận được tờ tư ở tòa sứ tỉnh đưa về.

Tờ tư rằng:

« Nay quan tỉnh xét quan Giáo làm việc quan không chuyên cần, hay ăn tiền của học trò, không lo giậy học, thì từ hôm nay phải triệt hồi, hẹn phải trở gia-quyến về quê-hương ngay, để nhà nước bổ người khác đến thay! »

Tin đâu xét đánh bên tai. Quan giáo xem xong tờ tư, mặt mày biến sắc, chân tay run rẩy, nín lặng hồi lâu, rồi mới toan nói, nhưng chưa nói được thì khí oan uất lên đến cổ, rồi ngài té siêu ngã xuống đất mà bất-tỉnh-nhân-sự. Phu-nhân sợ hãi, vội vực ngài vào trong giường, đặt nằm đâu đấy; lúc đó ngài mới mở mắt mà nhìn chung quanh, chỉ thấy phu-nhân và cô Bạch-Thủy thì ngài buồn bã, mà khóc ròng. Ngài bèn gọi phu-nhân lại gần, rồi dặn phu-nhân rằng:

« Tôi liệu trong mình, biết là khó sống được mà bầu bạn với phu-nhân và chăm nuôi dậy bảo con. Ấy vậy, sau khi tôi chết rồi, thì phu-nhân phải thu-sếp cửa nhà, rồi mẹ con cầy cuốc làm ăn nuôi lẫn nhau. Phu-nhân phải chăm nom mà dậy bảo lấy con, cho được nên đứa nết-na-hiền-hậu, mai sau nó khôn lớn rồi, thì liệu xem có chỗ nào tử tế, con nhà nào nết na học khá, thì gả nó cho người ta. Tôi chắc con nó là đứa biết nghĩ tình mẹ con, không bao giờ quên Phu-nhân đâu. Sao nó cũng phụng dưỡng Phu-nhân cho trọn đạo. Còn tôi với phu-nhân vợ chồng mấy mươi năm xum họp, cùng tưởng là ở với nhau đến trăm năm, không ngờ đâu giời sui tôi phảt chết trước Phu-nhân, tưởng cũng là số phận tôi có ngần ấy mà thôi. Vậy xin Phu-nhân, mẹ con khuyên nhủ nuôi nứng lấy nhau, chớ thương sót tôi làm gì lắm, mà hao-tổn tinh thần! »

Song, ngài lại gọi cô Bạch-Thủy lại gần bên giường mà dậy bảo ân cần. Cô Bạch-Thủy lúc này thấy cha thế, không dừng không khóc được, nên hai hàng nước mắt cũng chẩy giòng giòng, trông rất thương. Quan Giáo ẵm cô ngồi bên cạnh khóc mà dặn rằng:

« Con! Bây giờ con còn bé, dẫu có nói con nghe, thì chắc con cũng không biết được, nhưng trước khi cha không được trông thấy con, con không được trông thấy cha nữa, thì cha phải giối lại vài lời với mẹ con và con. Cha tưởng như cha làm quan, giữ một bụng thanh-liêm cần mẫn mà vận hạn ngày nay chẳng ra gì. Thì đủ biết muôn việc cùng tự lòng giời bắt sao phải chịu vậy.

Phận gái như con mới bằng ngần này mà đã bồ côi sớm, thì cũng là khó lắm đó. Nay còn hai mẹ con con ở lại, thì phải hết bụng yêu nhau, con nên khuyên dải và phụng dưỡng mẹ con cho phải đạo làm gái hiền, con thảo. Bao giờ con khôn lớn biết làm lụng đỡ đần mẹ con, thì con phải lo săn sóc trông nom cầy cấy làm ruộng, giồng lúa, giồng khoai. Khi nào xem cách buôn bán có dễ, thì nói với mẹ con cho con ít vốn ra Hanoi lập một cửa hàng nhỏ mà buôn bán. Cố mà tập tành lấy tính toán sổ sách, giữ gìn lấy nết na đứng đắn, chứ đừng bắt trước các con nhà khác, theo thói giăng hoa, chỉ ưa son phấn điểm trang. Con phải biết chỗ tỉnh-thành-đô-hội là nơi đàn điếm ăn chơi, những phường công-tử sỏ siên bạc bẽo, ve vãn láu lỉnh không thiếu chi, những hạng các cô phấn son thừa thãi, giang-hồ du-đãng không phải ít, nên chánh những thứ người ấy cho xa, vì những phường trên bộc trong dâu, thời ai có cầu làm chi?

Chớ thấy của mà tham, chớ thấy làm nên mà đã trọng, bởi vì cha thấy chán nhà giầu có, có con làm nên danh giá, mà cũng hư-hỏng, tính hạnh cốc láo, chơi bời phóng túng càn dỡ, những người chồng mà như thế, thì dẫu vợ có được nhờ vả nhưng cũng khổ.

Cha chỉ cầu cho con lấy được người chồng hiền lành nết na, biết lo làm ăn, dẫu chẳng làm nên gì, nhưng mà nó biết thương yêu con, quý trọng mẹ con thì còn hơn.

Ấy cha dậy bảo con có mấy điều đó, con nên nghĩ mà ghi nhớ vào lòng! »

Quan Giáo nói xong, liền gắng gượng ngồi giậy tìm hết sổ sách văn-tự giao cả cho phu-nhân. Song đâu đấy, thì ngài lại nằm xuống giường, hai mắt lim dim, hơi thở còn hoi hóp, đủ biết bệnh thế ngài nguy lắm rồi. Ngài tự liệu cũng chẳng còn mấy chốc mà nhắm mắt, nên nghĩ đến vợ con thì thương xót lắm, chỉ nhìn phu-nhân và cô Bạch-Thủy rồi lắc đầu mà thôi.

Từ đó căn bệnh ngài trầm-trọng, thuốc thang điều-trị nhiều nhưng càng ngày càng nặng. Một hôm cả nhà đương ngồi súm chung quanh ngài, ngài dên la rầm rĩ hốt nhiên kêu to lên một tiếng rồi tắt hơi. Cả nhà khóc lóc, phu-nhân và cô Bạch-Thủy lo tống táng ngài xong, bèn thu sếp đồ đạc về nhà quê ở huyện Thanh-Trì, tỉnh Hà-Đông.