Bước tới nội dung

Cành hoa điểm tuyết/Đoạn thứ nhất/V

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

V

Trước cửa hàng cô có nhà quan phủ Nguyễn, nhà rộng, ngoài cho người thuê bán hàng. Quan phủ này là người khoa mục xuất thân, vốn giòng thế phiệt; cái nhà này nguyên của cụ cố đẻ ra ngài để lại, bây giờ ngài phải đi trấn nhậm tại phủ Đ thuộc tỉnh P. Y., nên chỉ có phu-nhân ở đấy trông nom cho cậu con cả ngài đi học mà thôi. Công-tử tên là Liễu-Oanh, tuổi mới 19, mặt mũi khôi ngô, giáng người phong nhã, cặp mắt sáng như gương, lại thêm đi đứng khoan thai, ăn nói lễ phép, nên quan phủ ngài yêu thương; phu nhân thì quí lắm, chiều chuộng hết sức, muốn sao được vậy. Cậu là người thông minh học rộng, nên lúc đó tuổi chưa cao, mà tài hoa nổi tiếng con giòng, năm xe kinh sử lảu thông, người như thế, ai chả khen, ai chả phục. Bởi thế mà chưa hỏi vợ, đã có người muốn gả con; nào người thì làm mối cho cậu lấy con gái quan Thượng-Mỗ, nào người thì đánh tiếng gọi gả con cho cậu, nhưng cậu chưa bằng lòng đâu, vì cậu nghĩ muốn cho đại-đăng-khoa đã rồi sẽ tiểu-đăng-khoa cũng chẳng vội chi!

Thường cứ ngày ngày hai buổi thì cậu đi học. Cậu chăm lắm, mới sáng sớm đã thấy cắp sách đi học, đi lối con đường phố Kiến, dẽ ra hàng buồm là trường học của Quan Đốc Phan mở ra giậy học-trò. Học Trò cũng đông, nhưng nội trường không có ai học bằng cậu, kỳ bình-văn nào cậu cũng được giải, kể kinh-nghĩa, văn-sanh cùng phú-lục, thì cậu lại có phần giỏi lắm. Quan Đốc Phan chấm bài cậu không bài nào là không khuyên tít. Ngài khen cậu lắm, lại thấy cậu người đẹp, thêm nết na, nên thường chỉ cậu mà bảo với học trò: « Cậu cũng như Phan-An-Nhân ngày xưa, người như cậu, con nhà đại-gia-thế-phiệt lại thêm bác-học-kỳ-tài, lo gì chả đắt vợ. Vậy cậu chớ lo chi truyện ấy, sớm trưa cậu sẽ gặp người quốc sắc? »

Người quốc sắc? cậu vẫn mơ tưởng tìm tòi lắm, nhưng nàng Ban ả Tạ có mấy ai? Kể như các con nhà hàng phố, thì được của hỏng người, mà phần nhiều chỉ giầu lỏi, chứ nào có ra con nhà khuê-các nết na, chẳng qua chỉ biết soi hương đánh phấn, vẽ mày bôi môi mà thôi, chứ được mấy người sứng đáng hiền-thê-nội-trợ. Cậu tuy ở chốn đô-thị-phiền-hoa đông-đúc, các tiểu-thư có thiếu chi, nhưng vì cậu nghĩ như thế, nên mắt xanh chưa để ai vào, tỉnh-thành biết bao người, nhưng trước mắt cậu đã hầu như một chốn am-thanh-cảnh-vắng, ngoài con đường học-vấn, dễ thường bè bạn không có ai?

Nên cậu tuy vẫn chăm học, mà lắm lúc nghĩ cũng buồn. Lạ gì cái thói con giai lớn đến tuổi lấy vợ, thì cũng hơi khó chịu một thí, huống chi cậu lại là người văn-sĩ, cái cảm-giác về tình nó run rẩy rất lạ, nó cảm sâu vào tận lòng thơ mà làm cho vì ái-tình mà ngây, vì má phấn mà si, vì cặp lông mày, đôi môi son mà ngơ ngẩn, mà ngơ ngẩn vì....

Bạch-Thủy-Tiểu-Thơ lúc này đối với Liễu-Oanh-Công-tử có một cái oai-quyền rất lạ. Những khi chiều mát, độ vào khoảng năm giờ, hàng họ dọn dẹp xong rồi, thì tiểu-thơ rửa mặt, rồi vấn đầu vấn tóc, xong ra đứng cửa. Đường phố xe đi xe lại rập rình, khách đi về tướp nượp, giữa đường cát bụi tối tăm, ầm ầm tiếng xe, rộn rộn tiếng người. Trông xa, trông gần, trai tài-tử chen chân nối gót nhau mà đi đầy đường chật phố.

Tiểu-thơ đứng ngoài cửa lúc này, tựa như ngành dương-liễu đứng im, mỗi lúc động đậy mình mẩy, thì như ngọn gió hiu hiu khẽ lay ngành lá, cái đuôi gà phấp phới, cái khăn bằng ca-sơ-mia nâu[đính chính 1], cái áo trắng dài vải đầm, cái quần lĩnh thâm cạp điều đen nháy, cái mũi giầy tròn nhọn, mỗi lúc trông thấy lại ngắm đến cặp mắt khi cúi khi lên, khi bên phải, khi bên trái, hàm răng đen nháy khi miếng giầu, khi hơi cười, cười nụ, khi hơi nói, nói gượng, đôi má phấn lúc thường thì trắng như ngà, lúc có khách qua, thì lại hơi hơi đỏ.

Cô đẹp lắm thật, cho nên nhan sắc cô thường khi Liễu Oanh công-tử phải để mắt vào, mà ngắm nghiá nhìn không mỏi mắt. Cửa đối cửa, mặt đối mặt, giai tài gái sắc cùng nhìn cùng no, nhưng cái no này là no, no ốm, là no, no đau, cho nên mỗi lúc Liễu-Oanh nhìn cô từ trong bức mành mành mà trông sang bên hàng, thì trong bụng như bị một cái ma lực nó sắp đưa đi chơi chốn vực sâu thăm thẳm. Người đó là người nào mà khiến cho ta càng nhìn càng ưa, càng ưa càng chết trong lòng? Nào duyên nợ ba-sinh? Biết cùng ai gắn bó? Từ đấy công-tử đem lòng mơ tưởng hoài, ra vào không yên, mỗi lúc nhìn tiểu-thơ thì thấy cái khổ vô tình, nó ngâm ngấm trong lòng, nhìn mà muốn ôm chặt vào lòng, mà muốn hỏi « Cô có biết cho? »

Ngày đêm thổn thức, một bóng một hình, chỉ một mình trên gác kín, chồng sách chập chồng, câu đối liễn treo từng hàng trên vách, hết nằm lại ngồi, hết đi lại đứng, mỗi lúc nhắc mình, mỗi lúc cựa mình, mỗi lúc mở mắt, mỗi lúc nhắm mắt, lúc nào cũng thấy khó chịu trong người, ai hay cái sắc nó dễ làm cho say người? ai hay câu thơ «Nhân-diện-bất-chi-hà-xứ-khứ » nó tưới sầu tưới thảm vào gan, mà gợi bao nỗi thương tâm trong dạ?

Lúc này công-tử cầm quyển sách như người còn mê ngủ chưa tỉnh, gật gật gù gù, say say tỉnh tỉnh, mắt nhắm mắt mở, mặt mũi buồn so, dễ thường trong bụng công-tử lúc nào cũng nghĩ đến bốn chữ « Cô có biết cho? »

  1. Gốc: cái khăn xa tanh bằng ca-sơ-mia nâu được sửa thành cái khăn bằng ca-sơ-mia nâu: chi tiết