Cách dạy chữ Hán theo phương pháp mới

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Cách dạy chữ Hán theo phương pháp mới  (1932) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 160 (21. 7. 1932); Supplément du "Đuốc nhà Nam", Sài Gòn, 26. 7. 1932

Luôn mấy số nay chúng tôi có bàn sự học chữ Hán, và có hứa rằng bắt từ trung tuần tháng Août trở đi, trong tập Phụ nữ tân văn nầy sẽ có đăng mục "Hán văn độc tu" để ai muốn học chữ Hán thì theo đó mà học cho tiện.

Chúng tôi đã phản đối cách dạy cũ, thì không lẽ không bày ra một cái phương pháp mới.

Bài nầy để cắt nghĩa sơ lược cái phương pháp mới ấy, hầu cho người nào muốn học được biết rõ đường đi nước bước của sự dạy chúng tôi thì sau dễ học hơn.

Hiện giờ chúng tôi dạy theo một cách tắt. Bắt đầu học tiếng một, lần đến tiếng đôi, cho được một mớ chữ rồi học câu học bài. Khi đã học bài được nhiều rồi, tức là khi có thể đọc được những báo những sách rẻ rẻ.

Sở dĩ học được dễ dàng như vậy là nhờ mỗi một bài học, chúng tôi sẽ kèm theo một bài văn pháp (grammaire) bằng Quốc ngữ. Trong văn pháp ấy, chúng tôi lại đem chữ Pháp mà so sánh với chữ Hán cho dễ hiểu hơn. Bởi vậy, người nào muốn học theo phương pháp chúng tôi thì trước phải có biết Quốc ngữ và chữ Pháp; và trình độ chữ Pháp xoan bờ lớp nhứt tiểu học (Primaire) là được rồi.

Mẹo chữ Hán cũng chia ra nhiều mối như chữ Pháp, nhưng nói đại lược thì chỉ chia làm hai, là: Thiệt tự  實 字  và hư tự 虛 字. Như chữ sơn 山 là núi, chữ nhựt 日 là mặt trời, là thiệt tự; còn chữ ư 於 , chữ giả  者 v.v. là hư tự.

Thiệt tự tức như nom, adjectif, chữ đâu nghĩa đó, hiểu không khó. Còn hư tự cũng như préposition hay là adverbe[1] có nhiều cái léo lắc ở trong. Mà sự đặt câu lại phải lấy những hư tự làm then chốt, cho nên văn pháp chữ Hán phần nhiều cắt nghĩa về những hư tự ấy.

Ví dụ, một câu chữ Hán cũng như một chuỗi tiền: những thiệt tự là đồng tiền, còn những hư tự là cái dây dễ xâu những đồng tiền lại. Bởi vậy hư tự là trọng lắm, phải hiểu hư tự cho thật đúng nghĩa của nó và cách dùng của nó, rồi đặt câu mới xuôi.

Lấy một câu ra làm lệ: như đại học chi đạo 大 學 之 道 , thế thì trong đó có ba chữ là thiệt, chỉ một chữ chi. Vậy mà bỏ chữ chi đi thì không thành câu và không có nghĩa chi hết. Cho nên chữ chi là hư tự trong câu ấy, giữ phần trọng yếu lắm.

Theo phương pháp chúng tôi, phải cắt nghĩa chữ chi là gì, nó giống với chữ gì trong tiếng Pháp, và làm sao lại đặt nó vào khoảng giữa chữ đại học với chữ đạo kia.

Chữ hư tự nào, chúng tôi cũng theo cách ấy mà giảng rất rõ ràng cho kẻ học hiểu đến đầu đuôi, không cần còn hỏi ai nữa. Ngộ như một hư tự mà có nhiều cách dùng, chúng tôi cũng giải rõ hết, không bỏ sót một cách nào.

Đó là phần trọng nhứt trong phương pháp của chúng tôi vậy.

Học chừng một trăm bài (leçons) kèm có văn pháp như vậy, và tự người học lại theo đó mà suy rộng thêm nữa, thì có thể thành ra một người biết chữ Hán rồi.

Về những sự đọc chữ cho đúng, viết nét trước nét sau cho đúng, chúng tôi cũng dạy rõ, mà lại dạy từ đầu, trong khi còn học một.

Cái phương pháp nầy chính người viết bài đây đã đem ứng dụng ra lâu nay. Ở Sài Gòn có nhiều người học qua, đã công nhận là một cái phương pháp tốt, theo nó mà học thì không còn lấy làm khó mà biết chữ Hán nữa.

Vì vững lòng ở sự đã đem ứng dụng cái phương pháp nầy ra mà thấy có hiệu quả tốt rồi nên mới dám đem cống hiến cho các bạn thanh niên, chớ không phải là một bước đầu để thí nghiệm đâu.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Các thuật ngữ ngữ học chữ Pháp: nom = danh từ; adjectif = tính từ; préposition = giới từ; adverbe = phó từ.