Bước tới nội dung

Học chữ nho theo cách mới

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Học chữ nho theo cách mới  (1932) 
của Phan Khôi

Bài này đăng như một quảng cáo ở Phụ trương của báo “Đuốc nhà Nam”, ngày 26. 7. 1932, ký tên toà soạn P.N.T.V. là nơi sẽ đăng bài giảng "Hán văn độc tu".

HÁN VĂN ĐỘC TU

漢  文  獨  修

CHINOIS SANS MAITRE

*

* *

HỌC CHỮ NHO THEO CÁCH MỚI

Tiện lợi vô cùng, ai cũng nên học, chẳng cứ người cỡ tuổi nào cũng đều có thể học đặng

Trong khoảng vài mươi năm trở lại đây, nghĩa là từ khi sự học chữ Hán đã bị suy vi và sự học quốc ngữ bắt đầu thạnh hành cho đến nay, thì những trang thức giả trong nước ta đại để ai nấy cũng đều nhìn nhận cho chữ Quốc ngữ là cái chìa khóa để mở kho tri thức cho người Việt Nam mình. Mà cái câu "nước Nam ta sau nầy hay dở đều ở nơi chữ Quốc ngữ" thật đã thành ra một câu nói ở khẩu đầu, lâu nay vẫn thấy người ta nhắc đi nhắc lại hoài hoài ở trên các sách các báo.

Đối với vận mạng tương lai của nước nhà, chữ Quốc ngữ vẫn có cái thế lực to lớn như thế, thì đã gọi là hạng người trí thức ở trong nước, tất ai cũng có cái bổn phận khẩn yếu nó bắt buộc mình phải rán lo dồi mài cho thứ chữ ấy ngày thêm tốt đẹp, ngỏ chúng ta có thể dùng nó mà làm cái lợi khí để tiến hóa văn minh.

Nói rộng ra, thì chữ Quốc ngữ tức là thứ chữ riêng của người Việt Nam mình, cho nên hễ đã là người Việt Nam, chẳng cứ đàn ông hay đàn bà, nếu ai học giỏi chữ Tây hoặc chữ Tàu thì cũng hay lắm, nhưng một điều cần yếu trước tiên, là phải biết qua thứ chữ của nước mẹ đẻ mình, phải biết qua chữ Quốc ngữ.

Chữ Quốc ngữ tiếng nói là "nôm na", nhưng mà xét ra cho kỹ, thì thật nó đã thọ thai ngay từ trong bụng mẹ của nó là chữ Hán kia vậy. Bởi cớ, chữ Hán đối với chữ Quốc ngữ ta nó cũng vẫn có cái tình bà con giống như chữ La-tinh đối với chữ Pháp. Những người nào chỉ muốn học chữ Quốc ngữ một cách qua loa thì không kể, song còn những người nào muốn học nó cho tới nơi tới chốn, muốn học cho tới cái trình độ viết văn Quốc ngữ một cách già giặn, vững vàng, thì thế nào cũng phải có biết chữ Hán, vì rằng nếu dốt đặc chữ Hán đi, thì dẫu viết văn Quốc ngữ trôi chảy đến mực nào, cũng chưa thật phải là tay rành Quốc ngữ.

Tóm lại thì đã là người Việt Nam, cần phải học chữ Quốc ngữ, mà muốn học Quốc ngữ cho giỏi, lại cần phải biết qua chữ Hán nữa mới được.

Mới nghe chúng tôi nói vậy, chắc có nhiều người sẽ lắc đầu, bởi vì học chữ Hán là một việc rất hao tốn công phu, mười năm đèn sách mà chửa ắt đã ra gì, thì ở vào buổi đời nầy, còn ai dư ngày giờ đâu mà học chữ Hán?

Các ngài lo sợ như vậy là phải lắm, vì ai cũng biết rằng sự học chữ Hán mà theo như cái lối dạy học để thi cử của ta ngày xưa, thì thật nó phí mất ngày giờ mà rất là lâu thấy hiệu quả. Nếu ở vào giữa buổi "thì giờ là tiền bạc" nầy mà còn đem cái phương pháp dạy học chữ Hán như thuở xưa ra mà ứng dụng, thì chẳng những dễ khiến cho người ta ngã lòng, mà lại tỏ ra mình là người bất thức thời vụ nữa.

Bởi trông thấy rõ sự lợi hại rồi, nên chi ông Phan Khôi, một nhà Hán học rất ít có ở nước ta bây giờ, đã dụng tâm nghiên cứu hàng mấy năm trời và sáng kiến ra được một lối dạy chữ Nho rất mới, làm cho người học đỡ tốn công phu, ít mất ngày giờ, mà cũng có thể thâu hoạch được những cái hiệu quả không kém gì năm ba năm đèn sách ở thuở trước.

Sau khi đã nhiền phen thí nghiệm và thấy có kết quả tốt rồi, bây giờ Phan tiên sanh lại sẵn lòng đem cái phương pháp dạy chữ Nho của tiên sanh ra mà giúp ích cho các bạn độc giả yêu quý của Phụ nữ.

Chúng tôi không muốn nói trước nhiều lời, thành ra giống như chúng tôi đi làm quảng cáo cho một việc không cần phải quảng cáo. Tuy vậy, chúng tôi cũng không thể nhịn được mà không cho độc giả biết sơ rằng cái phương pháp nói đây thật là giản tiện vô cùng, ai cũng có thể học được, bởi vậy ai cũng nên học kẻo lỡ mất cơ hội thì uổng lắm.

Đó là về cách dạy. Đến như sự học thì khỏi phải tốn kém chi hết. Hễ ai là độc giả của Phụ nữ tân văn thì cũng đều được hưởng dụng sự lợi ích công cọng nầy, nghĩa là chỉ mất công gởi 6$00 để mua một năm báo P.N.T.V. rồi thì mỗi tuần các ngài sẽ tiếp đặng một số báo sẽ có đăng mấy bài dạy học chữ Nho của ông Phan Khôi đã ra công soạn sẵn. Như vậy, có phải là khỏi mất công rước thầy về nhà, khỏi mất công đi đến trường học, lại khỏi phải tốn tiền cung phụng cho thầy dạy, mà các bạn cũng có thể trở nên người thông hiểu chữ Nho, miễn là các bạn chịu khó xem báo P.N.T.V. cho tiếp tục? Lại còn một điều tiện lợi nầy nữa, là những người nào vì bận công việc khác nên chưa có thể học ngay bây giờ đặng, thì cứ việc mua báo P.N.T.V. cho đủ mà để dành lại đó, chờ đến khi nào công việc rỗi rảnh thì dở báo ra mà xem, tức là học đấy, hoặc mình chưa học đặng, thì để cho em cháu trong nhà học cũng là tiện lắm.

Một điều cần yếu cho những người muốn học

Học chữ Hán theo lối nầy, thì những bài học cần phải sắp đặt có thứ tự trước sau rành rẽ, ví dụ như tuần nầy đăng bài số 1, thì tuần tới sẽ đăng bài số 2, rồi sẽ tiếp lần đến số 3, số 4 v.v... Các bài học sẽ tiếp liền với nhau như các cái khoen tròn của một sợi dây xích, giá như hễ đứt mất đi một khoen nào, thì sợi dây xích tự nhiên cũng sẽ vì đó mà rời rạc, hư hỏng.

Bởi vậy, vì sự lợi ích của những người có chí muốn học, chúng tôi muốn nói rõ ở đây cho độc giả biết trước rằng bắt đầu từ số Phụ nữ tân văn ra ngày 18 Août 1932, thì chúng tôi sẽ đăng bài học chữ Hán số 1.

Hiện nay số báo xuất bản mỗi tuần vẫn có chừng mực, nghĩa là chúng tôi chỉ in ra vừa đủ gởi cho các bạn độc giả của bổn báo mà thôi, chớ không có dư. Vậy muốn chắc ý, nếu ông nào, bà nào thuở giờ chưa mua báo P.N.T.V., mà nay muốn biết cách dạy chữ Hán của chúng tôi, thì xin hãy gởi thơ mua báo đến cho chúng tôi sớm chừng nào hay chừng nấy, ngỏ chúng tôi biết trước mà dự bị số báo để tránh cho độc giả những sự thiếu hụt bất ngờ.

Vì cái khởi kiến muốn tài bồi cho văn chương Quốc ngữ, lại cũng nhờ có tấm lòng sốt sắng của Phan Khôi tiên sanh, mà Phụ nữ tân văn chúng tôi mới bày ra cái công cuộc dạy chữ Hán nầy, không có cái mục đích gì khác hơn là để giúp ích cho các bạn độc giả ở Nam kỳ ta đây, là chỗ mà lâu nay sự thế đã bắt buộc cho chữ Hán phải nằm ngủ ở trong viện Bảo tàng, trừ ra một số rất ít người, thì không còn ai nhắc đến nó nữa.

Nếu may ra mà chỗ dự liệu của chúng tôi sẽ được đúng với sự thiệt, và cái công cuộc truyền bá chữ Hán nầy có một ngày sẽ giúp cho một số ít nhiều độc giả được thông hiểu Quốc ngữ một cách tới nơi và làm văn Quốc ngữ một cách dễ dàng, thì ấy sẽ là phần thưởng quý hóa không còn có gì hơn cho đồng nhơn trong tòa báo P.N.T.V. chúng tôi vậy.

PHỤ NỮ TÂN VĂN

Supplément du “Đuốc nhà Nam”, Sài Gòn, 26. 7. 1932