Cái ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta/I

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Cứ xem hiện trạng thì Khổng giáo (đạo của Khổng Tử) ở nước ta ngày nay chừng như không có thế lực gì nữa. Các sách Tứ thơ, Ngũ kinh không được đem dạy ở các nhà trường. Các hội Tư văn, Văn chỉ cũng không còn thạnh hành mấy ở dân gian. Nay, muốn tìm cho ra cái gì là cái biểu hiệu của Khổng giáo ngày nay, thì chỉ còn ra Trung, Bắc kỳ, đến tại các văn miếu hàng tỉnh hàng huyện mà cung chiêm hai kỳ xuân tế thu tế trong mỗi năm mà thôi, ngoài ra không còn có cách gì nữa.

Huống chi ở Nam kỳ nầy, bỏ học chữ Hán đã hơn 70 năm nay, theo ý nghĩ của nhiều người, hễ không học chữ Hán nữa tức là Khổng giáo cũng tuyệt diệt. Lại cả một xứ nầy, chỉ còn một sở Văn miếu tại Vĩnh Long, là nơi thờ đức thánh Khổng, hương lửa cũng bơ thờ. Thế là cả trong nước, Khổng giáo đã đến ngày hưu trí rồi, mà riêng về Nam kỳ đây, chẳng những mới hưu trí từ nay, lại còn như bị cách chức đã lâu rồi nữa.

Hiện bây giờ, đừng nói hạng người vô học, cho đến những kẻ tốt nghiệp ở các trường mà ra, cho đến những kẻ mà xã hội đã tôn cho vào hàng trí thức, chừng như cũng quên lửng Khổng Tử là ai. Hạng người trí thức ấy người ta đương sùng thượng những ông thánh hiện thời, ông Gandhi, ông Lénine, hay là ông Tôn Văn ; người ta đương đua theo văn hóa mới, người ta đương duy tân, đương theo Âu hóa, mà có ai lại nhớ cái ông thánh đời xưa quá cũ kỹ ấy làm chi ? Mà dầu có nhớ đến nữa, người ta cũng chỉ để bụng thôi, tôn ngài thì tôn, nhưng mà xin để ngài ra một nơi, vì biết rằng cái đạo của ngài là không hợp thời, không dụng được.

Thời nào, kỷ cương ấy. Hồi trước ta cai trị lấy ta, ta theo Khổng giáo. Bây giờ ta bị cai trị bởi người vả lại phải chiều theo cái trào lưu thế giới, thì tự nhiên Khổng giáo phải lui về mà ở ẩn. Người ta, mỗi người có một thời, đạo giáo cũng vậy. Khổng giáo đã thất thời rồi, lui về ở ẩn, cũng là yên phận, ta còn nói đến làm chi ?

Tôi là kẻ đọc sách họ Khổng từ hồi sáu tuổi cho đến bây giờ, chính mình đã đẻ ra và lớn lên trong cửa ngài. Tôi là một môn đồ của Khổng giáo. Ngày nay tôi ngồi mà nhìn đạo của ngài điêu tàn trước mặt tôi, sách vở của ngài bị người ta đem mà bồi bìa bồi liễn, vù hương bát nước ở đền thờ ngài mốc ra và có nhện giăng, thì tôi sẽ nghĩ làm sao ? Độc giả chư quân phải tưởng rằng nếu tôi đã là môn đồ của ngài, có lòng trung thành đối với thánh đạo, thì gặp hội nầy tôi phải rỏ nước mắt hai hàng mà khóc vì đạo ngài, cũng như ngài đã khóc với con lân què ngày trước. – Tưởng vậy thì sai với cái tâm tình của tôi xa quá. Trong sự nầy, cái lý nó, mặt nào cũng sẽ ngả về một mặt : một là tôi vong sư bội đạo, hai là tôi có cái lẽ của tôi.

Trước mặt chư quân, tôi xin khai thiệt ra rằng đối với sự thất thế của Khổng giáo, tôi cũng nghĩ như mọi người khác là người vốn không ở trong cửa Khổng mà ra. Tôi cũng nguội lạnh mà nói như họ rằng : thời nào kỷ cang ấy, người ta mỗi người có một thời, đạo cũng mỗi đạo có một thời, Khổng giáo hết thời thì Khổng giáo lui đi !

Chẳng những thế, tôi vẫn là nhà cựu học, nhưng tôi cũng dám nghĩ như hạng trí thức trên kia, tức là hạng nhân vật mới mà tôi nói rằng : Ta bây giờ đương cần phải duy tân, cần phải theo văn hóa mới, cho nên ta cũng cần phải quên đức Khổng Tử ta đi một lúc đã ; đối với ngài, trong thời kỳ nầy, ta phải làm lơ đi mới được, vì có vậy ta mới mong mau đạt đến mục đích.

Tôi lại còn nói thêm rằng : Cái đạo của ngài chẳng những không hợp thời, không dụng được trong thời nay, mà lại, những chỗ không hợp thời ấy, những chỗ không dụng được ấy, nếu còn vướng víu trong óc chúng ta, là kẻ cần phải kiếm cách “sanh hoạt mới” ở đời này, thì cũng còn là không lợi cho ta vậy.

Rồi sau này tôi sẽ nói rõ. Không phải là tôi chê bỏ hết thảy Khổng giáo đâu, nếu ai tưởng vậy lại là tưởng lầm. Tôi chẳng qua chỉ nói những chỗ không hợp thời, những chỗ không dùng được mà thôi.

Tôi nghĩ như vậy, tôi nói như vậy đã lâu nay, rồi tôi mới xem xét cho thật kỹ, thì tôi thấy ra Khổng giáo ở nước ta thế lực còn mạnh lắm, cái hiện tượng nói hồi nãy đến giờ đó chẳng qua là cái giả tượng nó phỉnh chúng ta đó thôi.

Thiệt ra thì những ngũ kinh tứ thơ ngày nay tuy không đọc nữa, mà cái tinh túy của nó, - chưa nói hay hay là dở, - đã thấm đến trong xương chúng ta mấy mươi đời nay. Giềng mối của các hội Tư văn tuy sa sút, mà sức ngầm của nó vẫn đương còn có trong xã hội. Đừng nói kẻ vô học là không có quan hệ gì với Khổng giáo, chính những kẻ ấy cũng vẫn giữ cái quan niệm của nhà nho. Cho đến mấy ông tân học, mấy ông tưởng mình là theo Âu hóa, mấy ông hằng ngày đọc luôn những sách của thánh Gandhi, chẳng hề biết một chữ nho, viết hai chữ Khổng Tử bằng “Confucius”, cũng nhồi chặt trong lòng những cái tinh hoa của Khổng giáo mà chính mình không biết. Cái tình trạng ấy, theo ý tôi, nửa đáng mừng mà nửa đáng lo : mừng, vì giữ được cái hay của Khổng giáo thì sau này khỏi mất cái đặc sắc của dân tộc ta từ xưa đến nay ; lo, vì ôm lấy những cái không hợp thời thì ngại cho đường tấn hóa.

Vì cớ ấy nên tôi viết bài nầy.