Bước tới nội dung

Cái ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta/III

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Cái ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta của Phan Khôi
III. Người nước ta theo Khổng giáo cách nào

Theo tôi thấy thì Khổng giáo là cái đạo dạy ở đời mà cốt bởi một chữ “nhân”, như đã nói trong bài trước. Song các lẽ đạo ấy tản mác ra trong các sách của họ Khổng, mỗi sách nói riêng một việc, có sách lại nói lung tung không biết mấy trăm ngàn việc, xưa nay các nhà giải sách cũng chỉ thấy đâu giải đó, chưa hề có ai theo đó mà lập ra một cái chương trình của Khổng giáo cho có thống hệ điều tự rõ ràng. Như sách Đại học, tuy có điều tự riêng của nó, song một sách ấy cũng chưa nhốt hết đạo họ Khổng. Lại chính đức Khổng Tử cũng nói rằng : “Đạo ta, lấy một điều mà xâu suốt nó”, tức là trungthứ mà thôi ; xem câu ấy thì thấy như ngài đã chỉ rõ chỗ bí quyết của đạo ngài. Mà đó là chỗ bí quyết thiệt, vì trung là ở với kẻ khác hết lòng, thứ là suy bụng mình ra bụng khác, do trung thứ mà đến nhân rất gần. Song le, đó chỉ là một cái phương pháp ngài xách ra mà chỉ cho độc giả, chớ chưa phải cái toàn thể của đạo ngài ở đó. Bởi những lẽ nói trên đó, kẻ theo đạo Khổng thật khó mà lãnh hội cả toàn thể ; cứ sách mà đọc tràn đi, rồi ai hiểu được chỗ nào thì hiểu, ai nhận lãnh về phương diện nào thì nhận lãnh đó thôi.

Huống chi, hơn hai ngàn năm nay, sách vở bị nhà Tần đốt đi một mớ, rồi lại đến các ông nho sau làm xạo bậy đi một mớ nữa thành ra kẻ hậu học trông vào đạo ngài càng như trông vào đám mây đám khói, có khi nhận cái giả làm thiệt, nhận cái sai làm trúng mà mình không biết được. Cái hại ấy, chính bên Tàu là chỗ Khổng giáo phát nguyên ra cũng vậy, không luận ở nước ta.

Nước ta từ ngày chưa có Gia-tô giáo thì trong nước có hai đạo : Nho và Thích. Ngang hồi đời Lý thì đạo Thích thạnh mà trở về sau thì đạo Nho thạnh. Hai đạo khác nhau song không chống báng nhau, lại hòa hiệp nhau. Trừ một số người chuyên theo đạo Thích ra, còn hết thảy những người theo đạo Nho là theo lúc sống, chớ khi chết cũng lại theo đạo Thích.

Đó là một cái tình trạng riêng về tôn giáo của nước ta, tưởng không nước nào có như vậy. Độc giả hãy nhớ lại, có phải là bất kỳ ai, khi chết mà liệm thì trên đầu đều đội mão Quan âm[1] không ? Và sau đó gặp các rằm nguyên đều có cúng không ? Đội mão Quan âm, cúng rằm, chẳng phải theo Phật là gì ? Còn chưa kể đến sự rước thầy tụng kinh và làm chay thí thực nữa là khác.

Cái vấn đề nầy hay lắm, đáng cho ta khảo cứu lắm. Song tôi hiện chưa đủ sức, vả lại ở đây cũng không phải chỗ đáng nói nhiều về sự đó, nên tôi chỉ nói tóm tắt rằng : Có lẽ là vì Khổng giáo chỉ dạy cách sống ở đời, chớ không dạy về những sự sau khi chết, như là cái thuyết thiên đường địa ngục của đạo Gia, cái thuyết luân hồi của đạo Phật, không được cho mãn nguyện người ta, nên người ta rủ nhau hễ chết thì trở về với Thích.

Trong Khổng giáo không có đặt riêng ra người cầm quyền chủ giáo như Giáo hoàng của đạo Thiên Chúa ; mà ông vua tức là người chủ giáo đó, vì ông vua là chức “Quân” mà kiêm cả chức “Sư”. Bởi vậy, người trong nước theo Khổng giáo, làm tín đồ Khổng Tử, đã đành, nhưng trong sự theo ấy lại còn phải ở dưới quyền vua nữa.

Nước ta từ hồi nhà Hậu Lê đến giờ (xin lỗi độc giả tôi không nhớ hẳn ông vua nào, mà trong tay cũng không có cuốn sách nào để tra khảo hết), nhà vua bắt kẻ học trong nước phải học theo sách họ Khổng mà Tống nho đã dọn lại và chú thích. Học trò đi thi phải theo nghĩa Tống nho chú thích mà làm bài, ai không theo thì đánh rớt. Ở các trường nhà nước lập ra, như Quốc tử giám, trường Đốc ở các tỉnh, trường Giáo huấn ở các phủ huyện, nhà vua đều ban cho các thứ sách ấy. Ấy là về sự giáo dục trong học hiệu. Còn về sự giáo dục phổ thông cho công chúng thì nhà vua đặt ra những bài gọi là “Giáo điều” như 24 điều của vua Lê Thánh Tôn, 10 điều của vua Tự Đức, nó là rút trong Khổng giáo ra song chẳng qua[2] cũng là dựa vào cái nghĩa cang thường của Hán nho và Tống nho. Cho nên 4-5 trăm năm nay trên nền Khổng giáo ở nước ta, thế lực của Tống nho trở lại mạnh hơn Khổng Tử ; và người An Nam mình, tiếng rằng theo đạo Khổng, chớ kỳ thật là theo đạo Tống nho vậy !

Ở đây nên nói đến cái hại của khoa cử, vì nó đã làm trở ngại cho Khổng giáo nhiều lắm. Nhà vua đặt ra các khoa thi hương và hội để chọn lấy nhân tài, là những người sau sẽ giúp vua trong việc cai trị. Ấy cũng là một cái chế độ như cái chế độ chọn nhân tài ở học hiệu ngày nay. Song cái chế độ khoa cử dễ sanh ra nhiều điều tệ. Cái tệ về sự học phải theo Tống nho đã cố nhiên rồi, lại thêm, những người đi học chỉ cốt thuộc sách cho nhiều, làm bài cho hay để thi đậu mà thôi, thi đậu rồi thì lo làm quan, không còn kể đến sự học nữa, vì vậy mà ít người suy nghĩ đến nghĩa lý trong các sách của Khổng giáo, không mấy ai thiệt hành theo đúng cái học thuyết của họ Khổng.

Bởi vậy ở nước ta, từ xưa đến giờ, cái hạng đi học làm quan thì nhiều, còn những người đi học mà xứng đáng gọi là “học giả” hay là “chơn nho” thì thật ít. Đừng nói đến sự có người xướng ra một cái học thuyết mới, chỉ đếm những người làm sách vở để vùa giúp cho Khổng giáo, cũng không có mấy người. Ấy là bởi cái học khoa cử nó làm cho lu lấp trí khôn của người ta đi ; ở trong vòng học vấn nô lệ thì khó mà kiếm ra được cái óc tự chủ !

Vì khoa cử làm tối tắt lòng người đi như vậy, cho nên trong chương trước tôi nói có nhiều người nhận khoa cử là Khổng giáo, không phải nói ngoa. Rất đỗi như cụ Phạm Phú Thứ, là một bực thông nho, mà trong bức thơ gửi cho con cháu, cụ cũng nói rằng : “Người đời xưa dạy con, chỉn e không chẳng làm nên thánh hiền ; còn người đời nay dạy con, chỉn e không thi đậu : sự thi đậu là cái hiếu nối đặng nghiệp nhà của sĩ phu ngày nay”. Lại năm 1908, chúng tôi bị cầm tù ở ngục Quảng Nam, trộm lịnh quan trên đem sách cả rương vào đọc. Bấy giờ ông Trần Văn Thống làm án sát, nghe tin, vào ngục tra xét, khi bắt mở rương sách ra thấy nhiều quá, ngài sửng sốt hồi lâu rồi cười ruồi mà nói rằng : “Ai cho các anh thi nữa mà các anh học”.

Ờ ! té ra chỉ có thi mới học thôi, còn không thì đốt sách ! Cái kiến thức của một ông Tấn sĩ An Nam (Trần công đậu tấn sĩ) là như vậy đó[3] !

Nội bài nầy, độc giả đã hiểu đại khái cách ta theo Khổng giáo ra sao rồi ; bài sau tôi sẽ nói tiếp về cái kết quả của nó.

   




Chú thích

  1. Bản gốc viết là Quang âm, ở đây sửa lại
  2. Bản gốc là chẳng vua, có lẽ báo in lầm, ở đây sửa lại
  3. Xem thêm mục Câu chuyện hằng ngày (Thần chung số 221, ngày 12.10.1929) để thấy ảnh hưởng của việc Phan Khôi nêu ra ở đây trong dư luận đương thời