Bước tới nội dung

Cái ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta/V

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Cái ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta của Phan Khôi
V. Cái óc phán đoán của kẻ học đời nay

Trong năm bài trước đó độc giả đã thấy nguyên hình của Khổng giáo thế nào và người ta đổi ra thế nào, lại nước ta theo Khổng giáo cách làm sao và cái kết quả làm sao. Tóm lại mà nói, lâu nay Khổng giáo đã mờ tối đi một phần lớn ; còn Khổng giáo mà nước ta theo đó chỉ là Khổng giáo của Tống nho đã pha trộn rồi, thành ra có cái kết quả không được tốt.

Nếu vậy thì Khổng giáo đã mất hẳn rồi, còn đâu mà nói rằng có ảnh hưởng ở nước ta ?

Không đâu. Tuy vậy, cái gốc của Khổng giáo tuy có sai đi, song những cái rễ con vẫn còn đâm trong đất, vì những cái ấy Tống nho chẳng những chẳng làm sai đi mà lại vẫn giữ đúng. Vì vậy nên trong lúc ta theo Khổng giáo của Tống nho thì những rễ ấy nó cũng ăn sâu vào đầu chúng ta mà lên chồi nứt nhánh, tức là cái ảnh hưởng còn lại đến ngày nay.

Xin phân bua cùng độc giả, tôi nói đến đây là đã thả Tống nho ra rồi, mà phạm vào bổn thân đức Khổng Tử.

Nhà nho đã đặt ra cái luật “phi thánh vô pháp” nghĩa là “chê đức thánh là lỗi phép”. Tôi đã biết luật ấy rồi mà tôi còn dám phạm đến Khổng Tử thì chẳng hóa ra tôi điên rồ dại dột lắm sao ?

Xin nhắc lại cho độc giả nhớ rằng trong bài đầu tôi đã nói : Trong sự nầy, cái lý nó, mặt nào cũng sẽ ngả về một mặt : một là tôi vong sư bội đạo[1]; một là tôi có cái lẽ của tôi.

Theo tôi tưởng, những người kêu là có học ở đời nầy, thật không nên nhắm mắt theo như đời xưa, mà phải có cái óc phán đoán riêng của mình. Cái óc phán đoán ấy, nó là độc lập tự do, không phụ thuộc ai hết, không thần phục ai hết. Thầy của cái óc ấy là chơn lý. Nó lấy chơn lý làm thuốc[2] mà đo hết thảy ông thánh ông hiền, đời xưa đời nay, phương đông phương tây, bất kỳ người nào, bất kỳ ở đâu. Nó cũng dùng cái thuốc[2] chơn lý mà đo các tôn giáo, các học thuyết, rồi nó phê bình hết thảy và quyết định bỏ hay lấy.

Có người sẽ hỏi rằng : biết chơn lý ở đâu mà lấy nó làm thầy ?

Xin đáp : vẫn biết rằng chơn lý không nhứt định, - mà chơn lý không nhứt định là phải, vì võ trụ là đối đích thì chơn lý ở trong võ trụ cũng phải đối đích[3], - song ta nên tạm cho rằng hễ cái lương tâm của người có óc và cái lương tâm của nhân loại, tức là cái trào lưu của thế giới, hướng về chiều nào, ấy là cái chơn lý ở đó. Chơn lý đã là đối đích, vậy ta cũng không có thể giữ nó làm sản nghiệp đời đời, hễ khi nào cái mà ta cho là chơn lý đó bị đánh đổ đi, thì ta sẽ bị cáo phá sản. Song trong những ngày ta ở, ta phải có cái chơn lý của ta.

Tôi trừ ra những người có tôn giáo, trong óc họ có một ông Thần hay là ông Giáo chủ của họ, tôi không nói đến. Còn những người không thuộc về tôn giáo nào như tôi bây giờ đây, thì tôi tưởng phải có cái óc phán đoán ấy mới được.

Đừng nói Khổng giáo không phải là tôn giáo ; cho Khổng giáo là tôn giáo đi nữa, và tôi đọc sách họ Khổng từ hồi sáu tuổi, đẻ ra và lớn lên trong cửa ngài đi nữa, đến ngày nay tôi cũng có quyền phê bình ngài và phán đoán mọi lẽ về đạo ngài. Vì tôi ngày trước thuộc về ngài ; song tôi ngày nay, đối với ngài, tôi là người độc lập tự do.

Tôi không nổi cách mạng cùng Khổng Tử. Nhưng từ khi ngoài[4] 20 tuổi, tôi đã yêu cầu ngài “tháo khoán” cho tôi rồi, tôi đã dùng cách hòa bình đối với ngài mà tuyên cáo độc lập rồi.

Ví như nước Nam lâu nay thần phục dưới quyền nước Pháp, song nếu ngày mai đây, nước Pháp phải cho nước Nam độc lập, thì ngày mốt nước Nam sẽ có đại sứ ra giữa Vạn quốc hội mà bàn luận mọi việc như nước Pháp, vì bấy giờ ở giữa Vạn quốc, nước Pháp là một nước mà nước Nam cũng là một nước ; thì tôi đây cũng vậy, ngày nay đối với võ trụ, đức Khổng Tử là một người thì tôi đây cũng là một người, dầu tôi kém cỏi hèn mọn thua ngài, như nước Nam thua nước Pháp, cũng mặc tôi.

Tôi nói thế, nghĩa là tôi còn có tri thức ngày nào, còn sống giữa võ trụ ngày nào, ấy là tôi phải có cái nhân cách của tôi, cái nhân cách ấy, không ai dầy đạp lên được hay là làm cho tiêu mất đi được. Mà không những tôi, tôi tưởng những người như tôi cũng phải có cái nhân cách ấy cả, vì chúng ta làm người, là làm người đứng trong võ trụ kia mà.

Có kẻ sẽ nói vào tai tôi rằng : đã đành mỗi người phải có cái óc phán đoán, song phán đoán là phán đoán ai kia, chớ nhè ông thánh đời xưa, ông giáo chủ của mình hơn hai ngàn năm nay mà phán đoán, sự đó chẳng đủ cho ngài sờn một mảy lông nào mà chỉ tổ làm cho lòi cái dại của mình ra !

Cái lẽ ấy tôi đã biết và cũng đã nói rồi. Ngay đầu năm nay, vào ngày 11 Janvier, tôi có đăng một bài bằng chữ Hán trong Quần báo ở Chợ Lớn, cũng luận về Khổng giáo, tôi có nói rằng : “Người ta tuy là người ngu mấy đi nữa, cũng không ai nhè ông thánh vài ngàn năm trước mà công kích làm chi, hay là ra tay xô đổ các ngài làm chi. Tức như tôi đây, nếu hết sức một đời tôi mà công kích Khổng Tử, tôi biết rằng cũng không khờn[5] ngài chút nào. Nói cho quá ra, vì tôi công kích mà cho đến nỗi làm cho ngài rơi từ trên cái ngai đại thành chí thánh tiên sư rơi xuống, là cũng không có ai cho phép tôi trèo lên đó mà thay ngài đâu, vậy thì tôi công kích ngài làm chi ?”

Vậy thì tại làm sao tôi lại phê bình Khổng giáo ? – Cái lẽ đó trong bài tiếp theo đây tôi sẽ giải ra.

Theo như ở bên Tây hay bên Tàu thì chương nầy không cần viết, muốn phê bình hay là công kích ông trời đi nữa, cũng cứ việc phê bình và công kích. Song ở ta đây, sự nầy không khỏi làm cho lạ tai lạ mắt người ta, nhứt là làm lạ tai lạ mắt mấy nhà nho học, nên tôi phải có mấy lời nầy như là phân bua vậy.

May ra độc giả lượng thứ cho tôi, còn đức Khổng Tử, không may ngài lại không lượng thứ, ngài sẽ giở câu cũ ngài nói trong Trung dung mà mắng tôi rằng : “Ngu mà ưa tự dung, hèn mà muốn tự chuyên, sống ở đời nay mà trái đạo đời xưa, người như vậy, họa sẽ làm vào mình nó !” thì tôi cũng lại cười mà chịu.

   




Chú thích

  1. Bản gốc chỗ này còn có 6 từ: “- hai là phi thánh vô pháp” – có thể là báo in thừa, ở đây tạm bỏ 6 từ ấy
  2. a ă Phải chăng là thước bị in sai ?
  3. Đối đích: tức là tương đối
  4. Bản gốc là : “... ngài 20 tuổi”, chắc in sai, ở đây sửa lại
  5. Khờn: sờn mẻ, mòn khuyết (theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ)