Cái ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta/VI
Chương nầy tôi giải ra cái cớ tại làm sao mà tôi phải phê bình Khổng giáo.
Từ trận thế giới đại chiến tranh phát ra, càng ngày càng thấy cách sinh hoạt của loài người càng thay đổi đi vì khó khăn hơn trước. Ở ngay các nước chịu thẳng cái chiến họa ấy chẳng nói làm chi ; cho đến những nước đứng ngoài mà cũng bị ảnh hưởng một cách sâu xa dữ dội. Coi như nước ta trong khoảng mươi năm nay thì biết.
Tức như nước Tàu ở một bên ta đây, họ cũng chịu lấy cái ảnh hưởng ấy mà trong xã hội họ bựt ra nhiều cái vấn đề rắc rối chẳng biết giải quyết cách nào. Rút lại, những người thức giả trong nước họ phải quyết định rằng từ nay phải bỏ hẳn lối cũ đi mà theo Âu hóa hết, vì vậy mới có cuộc “Tân văn hóa vận động” trong nước họ từ năm 1918 về sau.
Cái gì lại gọi là Tân văn hóa ?
Tân văn hóa ! Phô cái danh ra nghe cho tốt chớ kỳ thiệt chẳng qua là sự tư tưởng, sự làm lụng, sự ăn ở gì cũng hòa theo Tây hết. Theo Tây, cái tiếng đó nghe xấu quá, hồi trước nghe đến, chắc ai cũng lắc đầu phì môi ; song bây giờ người ta đã nghĩ nát gan nát dạ, nghĩ rằng không theo họ thì không còn có phương gì chọi nhau với họ mà giành lấy sự sống ở ngày nay được. Theo Tây là một cách cực chẳng đã của những dân tộc hèn yếu ở Á châu phải dùng đến để mà giành sự sống với Tây.
Còn nước ta thì sao ?
Nước ta hiện bây giờ ở dưới quyền nước Pháp thống trị, thật khó mà nói sự tự mình cải cách theo ý mình như ai. Song một điều buộc cho ta phải suy nghĩ, là dân tộc ta hơn 20 triệu, có lịch sử, có văn hóa, có chế độ, có tiếng nói, có cái tư cách xứng đáng làm một nước. Nghĩa là trong cuộc tấn hóa của thế giới sau nầy, dân tộc ta, tức là nước Việt Nam ta, cũng có gánh một phần trách nhiệm vào đó, chớ không chạy chối đi đâu được. Muốn chạy chối cái trách nhiệm ấy, chỉ có gần diệt chủng như bọn Chiêm Thành và dã man[1] như những Mán Mọi ở dựa theo dãy núi Trường Sơn (Chaine annamitique) kia.
Đã mang lấy cái trách nhậm ấy thì ở trong cái thời kỳ nầy chúng ta sẽ tính làm sao ? Nếu ai còn có phương pháp chi để mà tự tồn tự lập được thì thôi, bằng không thì tôi cũng nói : mọi sự phải theo Tây ráo ! Mà muốn nói cho lịch sự hơn thì nói : theo văn hóa mới.
Theo ngu ý tôi thì tôi cũng nghĩ như người ta, hễ theo văn hóa mới thì dân tộc ta còn mong sống, còn mong có ngày tấn tới mà giúp một chút công vào trong cuộc tấn hóa của loài người ; bằng không theo văn hóa mới thì sẽ chết, sẽ diệt chủng như người Chiêm Thành vậy. Bởi vậy, tôi cho cái sự theo văn hóa mới hay không theo văn hóa mới là cái vấn đề sanh tử của chúng ta ngày nay, nghĩa là do đó mà chia ra : nhứt chết nhứt sống.
Do cái vấn đề nhứt chết nhứt sống ấy mà sanh ra sự so sánh Âu hóa với Khổng giáo và cũng do đó mà tôi viết ra bài khảo cứu nầy, trong khi xét tới những cái ảnh hưởng của Khổng giáo, tôi có đôi lời đụng chạm đến đức Khổng Tử ta.
Từ bài sau trở đi, tôi sẽ chỉ rõ ra mấy cái thuyết của Khổng giáo đã có ảnh hưởng sâu ở nước ta mà trái hẳn với văn hóa mới bây giờ ; mình muốn theo văn hóa mới thì phải trừ tiệt những cái ảnh hưởng ấy trong óc mình đi mới được. Song hiện đây, tôi xin dịch một đoạn trong bài chữ Hán, luận về Khổng giáo, tôi đã đăng trong báo Tàu nói ở chương trước, đặng chỉ ra cái đại khái mà thôi. Đoạn ấy như vầy :
“Bình tâm mà luận, các nước Á châu ta nếu muốn sanh tồn ở thế giới ngày nay và muốn giục giã cuộc đại đồng của thế giới ngày mai cho mau thiệt hiện thì thế nào cũng phải hấp thọ văn hóa phương Tây mới được. Văn hóa phương Tây có hai mối lớn : một là khoa học, một là cái tinh thần dân trị (démocratie)[2]. Vậy muốn hấp thọ hai cái đó mà còn đem Khổng giáo xen vào thì cũng như muốn qua hướng bắc mà lại cho xe chạy về hướng nam đó thôi.
Lấy lẽ gì mà nói như vậy ? Bởi vì, không kể các học phái cuối cùng của Khổng giáo, như Tống nho, Minh nho, đã thiên về đường tâm tánh, và lại làm vây cánh cho quân quyền, đành rằng trái nhau với hai cái mối lớn của văn hóa phương Tây ; dầu cho đến chính mình đức Khổng Tử cũng có chỗ không hợp với hai cái mối lớn ấy. Không nói chi nhiều, chỉ một sách Châu Dịch, nghĩa lý lờ mờ, thật đã khó mà dung nhau với khoa học ; lại cái kiểu thờ vua của ngài rõ ra là phái bảo hoàng, đem sánh với chủ nghĩa dân trị, khác nào như nước với lửa ? Cứ đó mà nói thì ngày nay nước Tàu cũng vậy mà nước Nam cũng vậy, nếu chẳng chịu nhận lấy văn hóa phương Tây thì thôi, bằng chịu nhận lấy thì không có thế nào mà không lìa Khổng Tử ra được. Muốn đổi theo văn hóa mới mà còn trơ trơ giữ lấy học thuyết Khổng Tử thì thật chẳng được việc gì, rút lại cũng chỉ như cuộc duy tân của bọn Trương Chi Động[3] hồi cuối đời Mãn Thanh mà thôi”.
Mấy lời đó tuy không được tường tận cho lắm, song thật đã xách cái chỗ tương phản của hai bên ra mà chỉ ra hai năm rõ mười. Tôi tưởng dầu ai có cái tài biện luận đến đâu cũng không có thể cãi được ; hễ muốn nhận lấy bên nầy thì thế nào cũng phải bỏ bên kia.
Tuy vậy, những cái ảnh hưởng của Khổng giáo có cái dở mà không phải là không có cái hay. Sau nầy tôi sẽ chỉ ra từng cái, nói cái dở trước rồi đến cái hay sau. Xin độc giả hãy chú ý đến mà xem, tôi không hề nói cách mơ hồ ấp úng, mỗi một điều gì tôi sẽ đem những sự thiệt trong xã hội ta ra mà chỉ rõ rằng nó là do bởi cái thuyết gì trong Khổng giáo.
Chú thích
- ▲ Bản gốc là : giã mang, ở đây sửa lại
- ▲ Démecratie từng được dịch là : dân trị, dân quyền, dân chủ
- ▲ Trương Chi Động (1837 – 1907), đỗ tiến sĩ, làm quan thời Quang Tự triều Thanh, chủ trương “Cựu học là thể, tân học là dụng”, duy trì cương thường phong kiến, chống biến pháp Mậu Tuất; là một trong những đại diện của học phái Dương Vụ cuối triều Thanh (theo Từ điển Nho, Phật, Đạo, bản dịch, Hà Nội; 2001)