Cái ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta/VII

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Cái ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta của Phan Khôi
VII. Về cái thuyết Minh đức tân dân

Cái thuyết nầy có trước Khổng Tử hơn 1500 năm. Hồi đó sử thần nhà Ngu chép về đức tánh và công nghiệp vua Nghiêu mà rằng : “Vua hay sáng đức lớn, để gần chín tộc, chín tộc đã hòa ; bằng sáng trăm họ, trăm họ chói sáng ; hiệp hòa muôn nước, dân đen hết thảy đều biến hóa đến lành”. Đó tức là chương đầu hết trong Kinh Thơ[1], đại ý nói vua Nghiêu trước làm cho sáng cái đức mình, rồi lần lần cảm hóa hết thảy thiên hạ.

Tuy vậy trong đoạn sách đó mới có chữ “minh đức”, còn “tân dân” thì chỉ có ý mà chưa có chính chữ “tân dân”. Vả lại, từ hồi đó cho đến Khổng Tử, dầu cái thuyết ấy đã có rồi, cũng chẳng ai để ý mấy.

Chính bốn chữ “minh đức tân dân” bắt đầu có từ sách Đại học, nói rằng : “Đại học chi đạo tại minh đức, tại tân dân”. Nghĩa là : Cái đạo của đại học ở sự làm cho sáng đức sáng, ở sự làm cho mới dân. Nói theo tiếng ta cho xuôi thì bốn chữ minh đức tân dân ý nó là : mình phải sửa mình, làm cho sáng cái đức của mình ra, rồi nhân đó làm cho dân trở nên mới.

Phải biết rằng sách Đại học nguyên là một thiên trong Kinh Lễ mà không biết ai làm ra. Từ xưa nó vẫn nằm yên trong Kinh Lễ. Đến Tống nho mới cho là chính đạo Khổng ở thiên ấy bèn rứt ra cho độc lập làm một cuốn sách, và ông Chu Hy chú thích nó. Chu Hy chẳng cứ vào đâu hết, nói phứt đi rằng “ấy là lời của Khổng Tử nói mà Tăng Tử thuật lại”. Rồi từ đó học giả ai nấy đều tin theo, mà “minh đức tân dân” thành ra một cái nghĩa lớn trong đạo nho vậy.

Theo tôi, cứ mực đen giấy trắng, thì cái thuyết này không biết có chắc phải của Khổng Tử không ; song theo Tống nho và hết thảy nhà nho từ bấy đến giờ đều nhìn là của Khổng Tử hết, thì tôi cũng cho là của Khổng Tử. Vậy, trong sự ấy, nếu có lầm, là lỗi ở bọn ông Chu Hy chớ không phải ở tôi.

Nói rút lại, cái thuyết minh đức tân dân,lâu nay người ta đã cho là cương lãnh của Khổng giáo, nghĩa là như lưới có giềng, áo có cái bâu, hệ trọng lắm ; song đem so với Tây học ngày nay thì rất là tương phản, [. . . . . . ][2]

Sách Đại học nói như đã dẫn trên kia rồi chỉ ra một cái phương pháp. Cái phương pháp ấy là : bắt đầu phải cách vật, rồi trí tri, rồi thành ý, rồi chánh tâm, rồi tu thân, đó là về phần minh đức, kế đến, rồi tề gia, rồi trị quốc, rồi bình thiên hạ, đó là về phần tân dân.

Cái ý cốt của nó là như vầy : Trước hết mình phải tu thân cho nên người trọn vẹn, rồi lấy mình mà cảm hóa mọi người, từ gần đến xa, tức là ở nhà, ra nước, ra thiên hạ, theo như sách ấy dạy rằng : “Người quân tử chẳng ra khỏi nhà mà làm nên sự giáo hóa trong nước : Hiếu, ấy là điều để mà thờ vua ; đễ, là điều để mà thờ kẻ lớn ; từ, là điều để mà khiến chúng dân... Chưa hề có ai học nuôi con rồi sau mới gả lấy chồng”[3]

Những lời trên đó là dịch y theo nguyên văn, không sai một chữ. Rõ là trái với khoa học quá.

Lẽ cảm hóa trong loài người vẫn có, nhưng có giới hạn, và cũng gần như sự ngẫu nhiên, không cả quyết được. Dầu cho thánh đến bậc nào cũng không có thể lấy một mình mà cảm hóa hết thảy thiên hạ được. Sự ấy xưa nay chưa hề thấy. Trên kia có dẫn một chương đầu của Kinh Thơ nói vua Nghiêu hay sáng đức lớn rồi cảm hóa từ nhà ra nước, làm cho dân đen hết thảy đến lành. Đó chẳng qua là bọn sử thần đặt điều nói láo, tìm lời cho rột[4] để nịnh hót vua mình, chớ sự thiệt có phải thế đâu. Chính trong Kinh Thơ cũng có chép rằng con trai cả của vua Nghiêu là Đơn Châu ngạo ngược bậy bạ mà vua không chịu nổi, đến nỗi vua không truyền ngôi cho mà phải tìm người hiền để truyền cho, là ông Thuấn. Rất đỗi chính con trai đầu lòng của vua, một giọt máu của vua đó mà vua còn không cảm hóa được nữa là cảm hóa ai ? Huống chi thời bấy giờ có bốn người đại ác, thiên hạ kêu là “Tứ hung” mà vua Nghiêu không trị nổi, đợi đến vua Thuấn lên ngôi mới trừ khử được, thì càng tỏ ra lời sử thần trên kia là phỉnh dối.

Nếu vậy thì cái nguyên tắc minh đức tân dân ở đâu ? Cái công hiệu tu thân, tề gia, trị quốc ở đâu ? Phàm sự gì không thể cắt nghĩa được, không thể thiệt nghiệm được, ấy là trái với khoa học.

Theo khoa học thì tu thân và trị quốc là hai việc, không dính dấp nhau. Tu thân là để mà dưỡng thành nhân cách. Vậy cách vật trí tri để dưỡng phần trí dục, thành ý chánh tâm để dưỡng phần đức dục, có vậy nhân cách mới hoàn, lẽ ấy đành phải rồi. Song muốn trị quốc thì lại phải dự bị các món học thức khác : phải học chánh trị, pháp luật, kinh tế, vân vân, tốt nghiệp rồi mới ra làm được công việc trị quốc. Vả lại, ai học môn nào thì làm việc ấy, chớ không thể một người mà làm được mọi việc. Trong Tây học cũng có nói sự cảm hóa, cũng trọng sự làm gương tốt cho xã hội, song lại thuộc về vấn đề khác, chớ không dính với việc trị quốc chút nào.

Cách trị quốc của Khổng giáo là theo “nhân trị chủ nghĩa”, lấy người mà trị, còn cách trị quốc bên phương Tây ngày nay là theo “pháp trị chủ nghĩa”, lấy pháp mà trị.

Cái thuyết minh đức tân dân tức là cách nhơn trị. Nhơn trị không phải là cách lâu dài. Chính đức Khổng Tử cũng nói rằng : “Người còn thì việc chánh cất lên, người chết rồi thì việc chánh dứt mất”[5]. Pháp trị thì nhờ có hiến pháp và pháp luật đành rành, ai cũng có thể cứ theo mà cai trị được, không cần phải có người thánh hiền, không cần phải có ai cảm hóa ai.

Cứ theo cái thuyết “pháp trị” phương Tây ngày nay thì trong một nước mỗi người đều có quyền lập pháp và cũng đều có nghĩa vụ phải thủ pháp. Song theo thuyết minh đức tân dân thì chỉ có một số ít người ở trên, làm gương tốt cho xã hội, có thể lập pháp mà thôi, còn bao nhiêu người khác đều phải tùy theo những người trên ấy cả. Chỗ trái nhau là ở đó. Huống chi, nói rằng cứ tu thân rồi, minh đức rồi, thì suy ra mà làm mọi việc đều được, cái đó lại còn trái với sự thiệt đời nay hơn nữa. Theo đời nay, theo các việc người Tây hiện làm bây giờ, không có việc gì không học mà làm được. Sách Đại học nói không hề có ai học nuôi con rồi mới lấy chồng, song chính ngày nay, ở các nước văn minh, con gái trước khi lấy chồng cần phải học phép nuôi con !

Theo thuyết minh đức tân dân thì cái ý nghĩa của nó cũng là cao thượng thật, song sai với sự thật xa lắm, sai với sự thiệt đời nay lại càng xa lắm ! Cái chỗ nhược điểm của nó là, theo tình thế trong xã hội, chỉ có một mình ông vua có thể làm trọn theo thuyết ấy mà thôi, vì minh đức thì là việc chung cho mọi người, còn tân dân chỉ ông vua mới có quyền chớ không phải hết thảy ai ai đều có quyền ấy. Thế nhưng cái thuyết ấy từ xưa đến nay chưa chắc đã tạo ra được nhiều ông vua thánh, mà chỉ tạo ra được một bọn sĩ phu không có thiệt học và một lũ dân hèn, chỉ biết chịu cảm hóa, chỉ biết trông lên đó thôi.

Bài tới đây sẽ thấy cái ảnh hưởng của nó ở nước ta ra thế nào.

Mấy trăm năm nay cái thuyết minh đức tân dân nó làm hại cho sĩ phu nước ta nhiều lắm, nhứt là trong thời mà khoa cử thạnh hành. Cái hồi còn đương đi học thì người nào cũng nhắm vào hai chữ “tân dân” đó mà ôm những cái hi vọng hão huyền, cứ tưởng rằng mình ngày sau sẽ làm ông nọ ông kia, sẽ ra kinh bang tế thế, rồi mình sẽ “thượng trí quân, hạ trách dân” làm nên công nghiệp, ghi vào thanh sử đến đời đời ; không ngờ thi không đậu hoặc đậu mà không làm ra trò chi, rồi trở nên thất vọng, thiếu điều ngã ngửa người ra, tay chưn xuội lơ và bủn rủn. Còn người nào đắc thời, thi đậu, ra làm quan, thì lại ỷ rằng mình bấy lâu đã có cái công phu “minh đức”, nghĩa là mình đã học giỏi rồi thì bây giờ cứ việc “thố sở học vu sở hành”, chớ có lo chi ? Bởi vậy mới có những ông thượng thơ bộ hộ mà chẳng hề làm chạy bốn phép toán ; thượng thơ bộ binh mà cả đời chẳng hề biết đến cái lưng con ngựa ra sao, cái cò của khẩu súng là gì. Mà rồi ông quan nào cũng như đức Thượng đế cả, nghĩa là toàn trí toàn năng cả : bữa nay làm Đốc học, tác thành cho một mớ nhân tài, đến mai đi làm tướng đánh giặc, coi muôn binh ngàn ngựa, đến mốt đi làm Đổng lý, coi việc bắc cầu, đào sông hay là đắp đê, là việc của mấy ông anh-rê-nhơ[6]. Trời ôi, giỏi quá.

Trong cửa đức Khổng cũng có khoa chánh sự, học về binh, hình, lễ nhạc, chẳng phải không ; song người An Nam ta sau đây lại giỏi hơn môn đồ của Khổng Tử nữa, không cần học cũng biết : cứ minh đức tân dân ấy là đủ !

Cho đến ngày nay đua nhau học Tây, người ta cũng còn vẫn[7] giữ cái quan niệm ấy. Tôi hãy nghiệm xem từ những việc nhỏ nhỏ. Ở Trung kỳ, khi tôi đến chơi nhà anh em quen, thấy đứa con nít nào ngoan ngoãn, hỏi nó đi học chữ tây sau làm chi, thì mười đứa hết chín trả lời rằng sau làm công sứ (Resident de la province) ! Vẫn biết câu ấy là câu nói chơi của kẻ lớn bày cho chúng nó, song nội đó đủ thấy cái quan niệm về tân dân của người mình. Vì người ta tưởng rằng học chữ Tây mà muốn làm ra cái công hiệu tân dân thì làm thầy thông thầy phán không đủ, phải công sứ mới được, nhưng quên lửng đi rằng cái lỗ mũi An Nam không khi nào làm nên đến công sứ được !

Chẳng những thế mà lại đã có bao nhiêu việc thiệt bày ra trước mắt chúng ta. Mấy ông thông ngôn, phán sự, cả đời chỉ vừa xách cái cặp giấy vừa chạy trong các tòa bố tòa sứ, đã biết đến việc trị dân trị nước là gì, mà rồi cũng vùng một cái nhảy ra làm phủ huyện ngay được, thậm chí sải cẳng chừng vài cái là bước lên ngôi tổng đốc. Tôi nói làm vậy, không phải là công kích chi các ông ấy đâu, không phải chê các ổng làm không nổi phủ huyện tổng đốc đâu, hễ tấn sĩ cử nhân An Nam làm được, thì các ổng cũng làm được vậy chớ. Song tôi nói, để cho tỏ ra rằng cái nguyên tắc minh đức tân dân nó cai trị cái óc người An Nam, cả vừa bên Hán học, lại vừa bên Tây học.

Ngày nay phải theo khoa học mà rửa cho sạch cái óc ấy đi. Việc gì nó có quan hệ với nhau hãy nên cho là có quan hệ, còn việc gì nó rời nhau ra thì thôi, không nên nghĩ lù mù xấp nhập vào như vậy nữa. Có bỏ những cái quan niệm mập mờ ấy thì mới có tấn hóa được ; bằng không, tôi tưởng dầu có một vạn cái trường chuyên môn, đào tạo nhân tài ra như củi, là cũng chẳng ăn thua gì, vì thứ đồ nhân tài ấy chỉ là như những cái máy để đợi có người vặn mà thôi.

Cái thuyết minh đức tân dân nó làm hại đến cả và dân chúng nữa. Tôi đã nói trong bài trước, nó tạo ra được một lũ dân hèn, chỉ biết chịu cảm hóa, chỉ biết trông lên mà chờ.

Hồi sau khi Tây Hồ tiên sanh mất rồi, ở các miền nhà quê miệt Lục tỉnh có nhiều chỗ đồn rằng tiên sanh chưa chết, hay là chết rồi mà đã sống lại ( !), độc giả chắc cũng có nhiều người nghe thấy, song có ai nghĩ thử cái đó là cái tang chứng gì chăng ? Đó chính là cái ánh sáng dội (réflexion de la lumière) của cái thuyết minh đức tân dân nó rọi ngược lại vậy.

Cái thuyết ấy tiếng là buộc cho hết mọi người , song bài trước đã nói rồi, chỉ có ông vua mới có quyền tân dân mà làm trọn được, thành ra chỉ là một cái học thuyết riêng cho vua (hay là quan to), còn dân ở dưới không dự đến. Bởi vậy từ xưa đến nay cái lòng dân An Nam mình đối với số phận của nước vốn không phải là nguội lạnh mà tự nhiên có ra nguội lạnh. Vì họ nghĩ bổn phận dân hèn như họ có dự gì đến cái công cuộc trị quốc bình thiên hạ đâu mà nói cho mất công ; song trong lòng họ sốt sắng lắm chớ, họ hằng ngày cầu trời khấn phật, trông cho có ông thánh chúa minh quân ra đời, “ngài làm sáng cái đức ngài trước đi, rồi ngài cảm hóa một cái, ấy là chúng tôi đều trở nên mới sát rạt hết” !

Hồi trước, đức Thành Thái ở kinh đô, hát xướng luôn đêm, chơi bời thả cửa, mà khi ngài ngự vô Sài Gòn, ngự ra Hà Nội, thiên hạ còn kính mến hết lòng, nhiều ông già bà cả thấy phớt qua bóng ngài đi mà động lòng nước cũ vua xưa đến nỗi nhỏ hai hàng nước mắt. Cho đến ông Cường Để nằm bẹp bên Nhựt Bổn, mà ở bên nầy cũng có kẻ dám thấy vì bệ hạ tương lai ấy trong chiêm bao. Nói cho phải, cái ngòi bị ẩm ấy tắt hẳn đi, là từ lúc đức Khải Định sang Pháp về.

Cứ trông lên ! Cứ ngửa mặt ngó ! Ngày nay hết trông lên quân chủ rồi, thì người ta lại trông lên anh hùng.

Nghe tiếng Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, bây giờ cả đến Nguyễn Ái Quốc nữa, thì người ta tưởng rằng nội một người trong mấy người ấy cũng đủ lấy nước Nam lại được, cứ đứng ngoài mà trông, thiết tha mà trông ; còn mình đây ? mình đây là đồ xả rác !

Chớ có lấy con mắt khinh thường mà coi những học thuyết. Nó là vật không thấy được, không rờ đến được, nhiều người chẳng biết đến nó là gì. Có ngờ đâu một cái học thuyết đủ làm cho cả một nước tư tưởng đều sai lầm đi, quan niệm đều thiên lệch đi, tâm lý đều bủn rủn đi, mà cứ mãi như thế, có ngày đến diệt vong ! Bây giờ đem bốn chữ “minh đức tân dân” mà hỏi từng người An Nam, thì chắc có phần rất nhiều không hiểu nó nữa, nhưng vì cái ảnh hưởng đã lâu đời nay nên nó đã choán cả trong óc mọi người, và đương làm hại chưa thôi.

Người An Nam ngày nay muốn theo văn hóa mới ư ? Muốn bắt chước Tây ư ? Muốn sống ư ? Muốn đi con đường khoa học để bước lên nền văn minh ư ? Hãy cạo bốn chữ minh đức tân dân trong óc mình đi.

Ấy là trái phá thứ nhứt thả vào một cái đồn hiểm yếu của Khổng giáo.

   




Chú thích

  1. Kinh Thơ (viết theo giọng đọc Nam Kỳ) đây chính là Kinh Thư chứ không phải Kinh Thi
  2. Bản gốc chấm lửng liền hai dòng và để trống chừng 4 dòng, không rõ vì kiểm duyệt hay vì lý do nào khác
  3. Đại học, chương IX
  4. Rột: mạnh, oai, ví dụ : đi rột quá : đi có đông kẻ hầu người hạ ; làm rột quá : làm ra sự thể lớn ; chèo rột : chèo mạnh mẽ (theo H.T. Paulus Của)
  5. Trung dung, chương XX
  6. Ingénier : kỹ sư
  7. Bản gốc là vẫy, có lẽ in sai; ở đây sửa lại